Nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải, trưởng nam của cố Giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Khê, vừa qua đời hôm 29/12 ở Paris, Pháp, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu, hưởng thọ 77 tuổi, gia đình ông loan báo.
Từ Pháp, Ca sỹ Bạch Yến, vợ ông Trần Quang Hải, đã xác nhận thông tin này với VOA Tiếng Việt chiều ngày 30/12 theo giờ Paris. Theo cáo phó gửi ra thì ông Hải đã từ trần vào rạng ngày 30/12 năm 2021.
Theo đó, tang lễ sẽ được cử hành vào lúc 13h30 chiều ngày 4/1 năm 2022, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hỏa táng Valenton.
“Ông đi nằm ngủ chứ đâu có biết ông sẽ đi. Ông ngủ một giấc êm đềm thôi,” ca sỹ Bạch Yến nói với VOA và cho biết phu quân bà ra đi bất thình lình nên không để lại lời trăn trối hay di nguyện gì.
Quảng bá âm nhạc Việt Nam
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quang Hải được cho là đã tiếp bước con đường nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới của thân phụ là Trần Văn Khê – người góp công trong việc đưa các loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh, ca trù miền Bắc, cồng chiêng Tây Nguyên và đờn ca tài tử Nam Bộ thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Cùng vợ là danh ca Bạch Yến, Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quang Hải đã có hơn 3.000 buổi giới thiệu về âm nhạc dân tộc Việt Nam tại 70 nước trên thế giới. Ông cũng đã xuất bản hai quyển sách tại Mỹ và Pháp là ‘50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam’ và ‘Hát đồng song thanh’.
Sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1944 trong gia đình có truyền thống 5 đời nghiên cứu và trình diễn âm nhạc cổ truyền, ông Trần Quang Hải đã chọn học ngành violin. Sau khi tốt nghiệp tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông sang Pháp du học và đã từng học về nhạc cụ dân tộc tại các trường đại học nổi tiếng như Sorbonne, Pháp, và Cambridge, Anh.
Cũng như thân phụ, Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quang Hải lấy bằng tiến sỹ âm nhạc dân tộc Việt Nam ở Pháp. Ông đặc biệt nghiên cứu về hát đồng song thanh (kỹ thuật dùng một dây thanh đới hát hai giọng khác nhau), gõ muỗng và đàn môi.
Kể từ năm 1968, ông tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học tại Bảo tàng Con người, tức Musée de l’Homme, tại Paris và đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế.
Không người kế tục?
Trao đổi với VOA, đạo diễn Thanh Hiệp, vốn chuyên theo dõi văn hóa-nghệ thuật truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh và có giao tình nhiều năm với ông Trần Quang Hải, nói ông ‘bàng hoàng và đau lòng’ khi nhận được tin về sự ra đi của Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quang Hải vì mới cách nay mấy ngày, ông còn trao đổi thư từ với ông Trần Quang Hải.
Theo lời đạo diễn này thì nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Khê vào ngày 27/12 năm 2021, trường Đại học Văn Lang đã ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê. “Cách nay mấy ngày anh Hải còn nhắn tin cho tôi nói ông rất vui về việc này và có gửi kèm tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh,” đạo diễn này nói.
Nhận định về đóng góp của cố Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quang Hải đối với nền văn hóa-nghệ thuật Việt Nam, ông Hiệp cho rằng mặc dù không đi sâu về âm nhạc truyền thống như thân phụ, nhưng thông qua việc giảng dạy về đồng song thanh cho 5.000 môn sinh ở nhiều nước trên thế giới, ông Hải ‘đã giới thiệu cho thế giới về các loại nhạc cụ của Việt Nam như kèn lá trong nhạc lễ Nam bộ, sáo trúc của đờn ca tài tử, chiêng trống của hát bội…’ bằng cách so sánh đồng song thanh với các nhạc cụ này.
“Anh Hải cũng nhìn thấy những bất cập trong việc bảo vệ di sản ở Việt Nam và khuyến nghị các bảo tàng phải làm sao để các di sản có linh hồn, không chỉ trưng bày mà phải làm cho nó sống dậy, chẳng hạn như tổ chức các buổi diễn về các nhạc cụ dân tộc để thu hút giới trẻ và làm cho giới trẻ hiểu được,” ông nói với VOA.
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quang Hải cũng đã trao tặng hàng ngàn tư liệu bao gồm sách vở, băng đĩa, hiện vật nghiên cứu của ông cho Việt Nam hồi năm 2017 và đang tính trao tặng đợt hai, trong đó có bản quyền hai cuốn sách của ông để xuất bản ở Việt Nam, cũng theo lời đạo diễn này.
Về người kế tục sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc truyền thống của gia tộc họ Trần sau khi các ông Trần Văn Khê, Trần Quang Hải lần lượt qua đời, ông Hiệp nói: “Rất tiếc ông Hải không có người con nào chuyên sâu về lĩnh vực này. Đó là nỗi buồn.”
Ông Hải có một người con gái ở Pháp nghiên cứu và xuất bản sách về văn hóa ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, một người em họ của ông Hải là bà Hà Trần, con gái cố “quái kiệt” Trần Văn Trạch, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc ở Pháp nhưng ‘chuyên về piano’.
“Tôi cảm thấy gia tộc họ Trần tới đó là hết rồi (về nghiên cứu âm nhạc Việt Nam) nhưng ông Hải có nhiều học trò người Việt đang hoạt động ở Việt Nam,” ông Hiệp nói.
Nhạc sư Trần Quang Hải qua đời tại Paris, thọ 77 tuổi (voatiengviet.com)
Nghệ sĩ Trần Quang Hải, người tiếp nối sự nghiệp GS Trần Văn Khê, qua đời ở Pháp
- Phạm Cao Phong
- Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp
Một chút bàng hoàng ập đến khi tôi nghe tin nghệ sĩ Trần Quang Hải vừa ra đi. Gia đình báo tin ông đi vào 0 giờ ngày 29/12.
Mới đó thôi, vào ngày 23/12/2021, trong lễ ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê tại Trường đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhân kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê; giáo sư Trần Quang Hải có quay clip gửi về Việt Nam chia sẻ về tâm nguyện mong muốn lập quỹ học bổng của cha mình.
Xuất thân trong một gia đình nhạc sĩ cổ truyền từ nhiều đời và Trần Quang Hải là nhạc sĩ đời thứ năm.
Ông sinh ngày 13/05/1944 tại làng Linh Đông Xã, thuộc Gia Định cũ, là con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn Trường nữ trung học Gia Long.
Cha ông và ông đều có đóng góp lớn lao cho việc sưu tầm, phát triển và đưa âm nhạc dân gian Việt Nam ra thế giới.
Khi còn ở Việt Nam, nghệ sĩ Trần Quang Hải là cựu học sinh Trường trung học Pétrus Ký, sau đó tốt nghiệp Nhạc viện âm nhạc Sài Gòn ở bộ môn vĩ cầm của cố giáo sư Đỗ Thế Phiệt. Ông sang Pháp năm 1961 học tiếp tại Đại học Sorbonne và trường Cao đẳng Khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales).
Giáo sư Trần Quang Hải bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS - Centre National de la Recherche Scientifique) với đội ngũ nghiên cứu tại Viện Dân tộc nhạc học của Viện Bảo tàng con người (Département d'ethnomusicologie du Musée de l'Homme) từ năm 1968 cho tới 2009 thì về hưu.
Trình diễn nhạc Việt Nam ở 70 quốc gia
Ông đã trình diễn trên 3.500 buổi tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại.
Giáo sư Trần Quang Hải cũng thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết 3 quyển sách, làm 4 DVD, 4 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu âm nhạc thế giới.
Ông tiếp tục con đường mà cha ông, giáo sư Trần Văn Khê đã khai mở khi nghiên cứu nhạc học dân tộc, khởi sắc một hướng đi riêng trong mảng trình diễn âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc tùy hứng, nhạc đương đại cũng như phương pháp nghiên cứu thể nghiệm qua hát song thanh.
Ông tâm sự : "Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao thoa các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ"
Vợ ông, nữ ca sĩ Bạch Yến dưới ảnh hưởng của chồng cũng chuyển sang hát dân ca và cùng phổ biến nhạc dân tộc với chồng, sánh vai với ông trên mọi nẻo đường thế giới.
Nghệ sĩ Trần Quang Hải đã được chính tay tổng thống Jacques Chirac năm 2002, trao huân chương Bắc Đẩu bội tinh về những đong góp của ông trong âm nhạc.
Biệt danh "vua muỗng" đến với ông lần đầu khi giành được giải thưởng tại Đại nhạc hội dân gian Cambridege (Anh) vào năm 1967.
Tôi nhớ ông, nhớ lại những cảm xúc đầu tiên khi nghe ông biểu diễn năm nào.
Khiêm nhường với chiếc khèn mèo mỏng manh, những chiếc thìa giản dị ... gộp cả, bỏ gọn trong chiếc túi áo bà ba của ông. Song đẹp quá thế. Như bông hoa trà dung dị, đi thẳng từ sâu thẳm đêm đen đến với đời, với nắng, cho ta một thoáng bồng bềnh.
Những cái thìa ,cái khèn mèo mỏng manh sương khói đã đi mấy vòng trái đất -Hơn 70 nước chứ ít đâu .
Đi không phải để học giật mình mà để thiên hạ giật mình .Chuyện thật .Thi vị.
Chiếc thìa vượt lên chức năng sinh ra đời đã gieo những xúc động văn hoá ngọt ngào ,truyền cho tâm hồn những sóng tình dào dạt. Mà trẻ, mà khỏe, vững vàng trội vượt nhịp castagnettes của nàng Carmen, nhưng vẫn nồng, vẫn ấm. Cảm ơn nghệ sĩ Trần Quang Hải. Cám ơn con người bằng trái tim, đam mê âm nhạc đi theo suốt năm tháng của cõi tạm đã chắp cánh cho vô tri vươn tới vĩnh hằng trong trẻo, trân trọng.
Ông trao tôi chiếc thiệp mời về lại ngày nào của Hà Nội, của Hồ Gươm xanh mầu lục tảo, như ngày tôi gặp cha ông, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, say nghe ông kể, bình luận về những âm thanh dân dã. Như dây tơ hai cõi đi về giữa hiện tại và quá khứ.
Con đường thơm thảo 'Vua muỗng' Trần Quang Hải mang cho đời, nghị lực bàng hoàng vượt lên bóng cả của chính cha ông, nghệ sĩ Trần Văn Khê là một lời nhắn nhủ.
Âm nhạc của ông xua đi những phấp phỏng hoang vắng của lần lỡ hẹn ,để về với đằm thắm, hy vọng. Nó xoá đi danh giới hạn hẹp, chia lìa mà chúng ta lỡ vội gán cho khả năng của từng con người, để thẩm thấu rằng đôi khi chúng ta đã tự trói chân mình ,để những định kiến không đâu, những nghiên cứu sơ khai áp đặt lên mông muội, để ngao ngán, để trách đời, để thở than sinh ra không trùng thời, đúng vụ .
Vĩnh biệt ông, cám ơn ông đã dành cho tôi những dịp chuyện trò, tình cảm sâu đậm ông trao luôn như một món quà mùa Xuân tươi tắn, lòng đam mê nghệ thuật và nụ cười của một thời đã mất .
Xin cám ơn ông một lần nữa!
Bài của nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris, Pháp.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten