Mỹ: Trung Quốc 'phạm tội diệt chủng người Uighurs'
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đã có hành vi diệt chủng trong việc đàn áp người Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) và các dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi giáo khác.
Người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cho vị trí Ngoại trưởng, Antony Blinken, nói ông đồng tình với kết luận này.
Các nhóm nhân quyền tin rằng Trung Quốc đã giam giữ tới một triệu người Uighurs trong vài năm qua ở những nơi mà nhà nước định nghĩa là "trại cải tạo".
Điều tra của BBC gợi ra rằng người Uighurs đang bị sử dụng làm lao động cưỡng bức.
Căng thẳng với Trung Quốc là một nét đặc trưng nổi trội trong nhiệm kỳ của ông Trump, từ các chính sách thương mại đến đại dịch virus corona.
Đây là ngày cuối cùng của ông Pompeo ở cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump. Ông nói trong một tuyên bố: "Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này đang diễn ra và chúng ta đang chứng kiến nỗ lực tiêu diệt người Uighurs một cách có hệ thống của đất nước của đảng Trung Quốc".
Dù tuyên bố gây áp lực lên Trung Quốc, nhưng Mỹ không tự động đưa ra bất kỳ hình phạt mới nào.
Ông Blinken, khi được hỏi trong phiên điều trần phê chuẩn cho vị trí của mình vào thứ Ba rằng có đồng ý với tuyên bố của ông Pompeo, và ông trả lời: "Đó cũng là đánh giá của tôi."
Đội ngũ của ông Biden đưa ra cáo buộc tương tự vào tháng 8 năm ngoái, nói rằng người Uighurs đã phải chịu "sự áp bức không thể tả xiết ... dưới bàn tay của chính phủ độc tài Trung Quốc".
Áp lực lên Trung Quốc - và Biden
Phân tích của BBC tiếng Trung
Ngay trong ngày cuối cùng, chính quyền Trump đã gửi tới Trung Quốc "món quà" cuối cùng, dưới dạng một thông điệp chia tay.
Cho đến nay, đây là lời lên án mạnh mẽ nhất của bất kỳ quốc gia nào nói về hành động của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương, tây bắc nước này. EU, Anh và Úc, những nước đã nhiều lần chỉ trích tình trạng nhân quyền ở Tân Cương, có thể sẽ cân nhắc nối gót theo.
Điều này có thể dẫn đến áp lực quốc tế chưa từng có mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt, nhưng liệu việc này có thay đổi được hành vi của Bắc Kinh?
Ngày nay Bắc Kinh bạo gan hơn nhờ vào sự thống nhất quyền lực chính trị, sự tăng trưởng kinh tế giữa đại dịch, và ở mức độ nào đó, là sự hỗn độn chính trị ở Washington. Một đại diện thông tấn của nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng phản pháo lại rằng Mỹ đã "thực hiện hành vi diệt chủng" người Mỹ với việc xử lý kém đại dịch.
Đối với nhiều quốc gia bao gồm cả Mỹ, quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã trở nên quá quan trọng để có thể đoạn tuyệt hoàn toàn. Giữa vấn đề nhân quyền và lợi ích kinh tế, hành động cân bằng đối với Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn.
Dù rằng đội ngũ của Biden đã coi cuộc đàn áp chống lại người Uighurs là "tội diệt chủng", Tân Cương có thể không phải là một trong những vấn đề ưu tiên của họ. Nhưng hiện chính quyền mới sẽ buộc phải công bố lập trường chính sách cụ thể về Tân Cương. Rõ ràng là cuộc ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không dừng lại ở nhiệm kỳ của ông Trump tại Nhà Trắng.
Tình hình Tân Cương ra sao?
Trung Quốc nói họ đang đấu tranh chống "ba thế lực tà ác" là chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở vùng xa phía tây Tân Cương, nơi có hầu hết 11 triệu người Uighurs sinh sống. Trung Quốc nói rằng "các biện pháp đào tạo" của họ ở Tân Cương là cần thiết để chống lại những điều này.
Trong những năm gần đây, Tân Cương đã chứng kiến một dòng người định cư lớn là người Hán - dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc. Tâm lý chống người Hán và ly khai đã trở nên phổ biến hơn ở lãnh thổ này kể từ những năm 1990, đôi khi bùng phát thành bạo lực.
Các nhà vận động nói Trung Quốc đang cố gắng xóa sổ văn hóa Uighurs, bằng cách ép người Hồi giáo ăn thịt heo và uống rượu.
Tuần trước, chính quyền của ông Trump đã cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm cà chua từ vùng Tân Cương của Trung Quốc, nơi sinh sống của đa số người Uighurs.
Tân Cương chiếm gần 1/5 sản lượng bông trên thế giới, Mỹ ước tính.
Trung Quốc đã bị cáo buộc rộng rãi về việc dùng các trại tạm giam ở Tân Cương để cưỡng bức lao động, đặc biệt là ngành công nghiệp bông.
Một cuộc điều tra của BBC vào năm 2019 gợi ra rằng trẻ em ở Tân Cương đang bị tách khỏi gia đình một cách có hệ thống với nỗ lực cô lập chúng khỏi cộng đồng Hồi giáo.
Nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ Uighurs bị buộc phải áp dụng các phương pháp triệt sản.
Trung Quốc phủ nhận việc cưỡng bức sử dụng biện pháp triệt sản cưỡng bức ở Tân Cương.
Mỹ: Trung Quốc 'phạm tội diệt chủng người Uighurs' - BBC News Tiếng Việt
Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo người Uighurs ở Tân Cương
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền một cách "kinh tởm và quá đáng" đối với người Uighur, và nói không loại trừ việc áp lệnh trừng phạt đối với những người phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.
Các tường thuật về tình trạng triệt sản bắt buộc và đàn áp rộng khắp đối với nhóm người Hồi giáo này "gợi nhớ lại những điều chưa từng chứng kiến từ lâu rồi", ông nói với BBC.
Anh sẽ làm việc với các đồng minh để có hành động thích hợp, ông nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh nói trong chương trình phỏng vấn của phóng viên BBC Andrew Marr rằng tin nói có những trại tập trung là "giả".
Ông Lưu Hiểu Minh nói với Andrew Marr rằng người Uighurs được đối xử giống như bất kỳ các nhóm sắc tộc nào khác ở Trung Quốc.
Khi được cho xem các hình ảnh do camera bay ghi được cho thấy có vẻ như có người Uighurs bị bịt mắt dẫn tới tàu hỏa, và hình ảnh này đã được cơ quan an ninh Úc xác thực, ông Lưu nói ông "không biết" là đoạn video đó chiếu hình ảnh gì, và "đôi khi quý vị phải di chuyển tù nhân, ở nước nào cũng vậy thôi".
"Không có cái gọi là các trại tập trung ở Tân Cương," ông nói thêm. "Có rất nhiều cáo buộc giả nhằm chống lại Trung Quốc."
Người ta tin rằng có khoảng một triệu người Uighur và các nhóm người khác hầu hết là theo Hồi giáo bị giam giữ ở Trung Quốc, tại những nơi mà nhà nước gọi là các trại "cải tạo".
Trước đây Trung Quốc từng bác bỏ việc có các trại này tồn tại, nhưng sau nói việc xây dựng các trung tâm đó là biện pháp cần thiết để chống khủng bố, sau khi có tình trạng bạo lực đòi ly khai ở vùng Tân Cương.
Gần đây, giới chức bị cáo buộc là đã cưỡng bức phụ nữ phải triệt sản hoặc phải đặt vòng tránh thai, nhằm hạn chế dân số, và điều này đã dẫn đến việc có những lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải điều tra.
'Rất có vấn đề'
Khi được hỏi liệu việc đối xử với người Uighurs như vậy có đáp ứng với định nghĩa pháp lý về diệt chủng hay không, ông Raab nói cộng đồng quốc tế cần phải "cẩn thận" trước khi đưa ra các cáo buộc như vậy.
Nhưng ông nói: "Bất kể là mang nhãn hiệu pháp lý là gì, thì rõ ràng là sự vi phạm nhân quyền kinh tởm, quá đáng đang diễn ra.
"Nó rất, rất có vấn đề, và các tường thuật về khía cạnh nhân đạo của chuyện này, từ việc buộc triệt sản cho đến các trại cải tạo - đang gợi nhớ lại những điều mà chúng ta đã từ rất lâu rồi không còn phải thấy.
"Chúng ta muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng chúng ta không thể chứng kiến cách hành xử như thế mà không lên tiếng."
Đang ngày càng có nhiều lời kêu gọi là Anh cần phải áp các lệnh trừng phạt như phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Uighurs.
Anh Quốc gần đây đã có hành động đối với các tướng lĩnh cao cấp của Myanmar, những người tổ chức chiến dịch bạo lực chống lại người Rohingya, và với các tổ chức của Bắc Hàn đứng sau các trại cải tạo lao động cưỡng bức.
Ông Raab nói điều này cho thấy Anh sẵn sàng có hành động đơn phương cũng như thông qua các tổ chức như Liên Hiệp Quốc.
Các dân biểu đảng Bảo thủ ở Anh cũng đang gây áp lực để chính phủ có hành động đối với các quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong, sau khi Trung Quốc ra luật an ninh mới, điều mà Anh gọi là vi phạm các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ quyền tự do.
'Ăn miếng trả miếng'
Nói trong chương trình The Andrew Marr Show của BBC, ông đại sứ Trung Quốc nói rằng nếu Anh - nước đã đề nghị trao cho ba triệu người Hong Kong đủ điều kiện cơ hội nhập tịch Anh - nhắm vào các quan chức Hong Kong thì nước ông sẽ trả đũa.
"Nếu như Anh đi tới mức áp lệnh trừng phạt lên bất kỳ cá nhân nào tại Trung Quốc, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt," ông nói.
Ông nói các cáo buộc "thanh lọc sắc tộc" đối với người Uighurs là vô căn cứ, và nói họ "đang sinh sống yên bình, hòa hợp với các dân tộc khác".
Ông nói rằng các số liệu theo đó nói mức tăng dân trong các khu vực có người Uighurs sinh sống giảm 84% trong thời gian 2015 đến 2018 là "không đúng", và nói dân số Uighurs ở toàn vùng Tân Cương là cao "gấp đôi" trong thời gian bốn thập kỷ qua.
"Không có cái gọi là cưỡng bức triệt sản lan tràn, hàng loạt trong cộng đồng người Uighur ở Trung Quốc," ông nói thêm. "Chính sách của nhà nước hoàn toàn phản đối điều đó."
Tuy ông "không thể loại trừ là có các vụ đơn lẻ" bị triệt sản, nhưng ông nói "chúng tôi đối xử với mọi sắc tộc bình đẳng như nhau".
Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo người Uighurs ở Tân Cương - BBC News Tiếng Việt
Geen opmerkingen:
Een reactie posten