donderdag 16 december 2021

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật kiểm soát sản phẩm từ Tân Cương + Mỹ gọi Tân Cương là ‘nhà giam lộ thiên’ + Tòa án không chính thức quy trách nhiệm Tập Cận Bình về cuộc ‘diệt chủng’ người Uyghur

 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật kiểm soát sản phẩm từ Tân Cương

15/12/2021
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Korla, thuộc khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Hạ viện Hoa Kỳ hôm 14/12 thông qua đạo luật cấm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì những quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức, một phần nguyên nhân khiến Washington tiếp tục phản đối việc Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Đạo luật được thông qua bằng cách biểu quyết nhất trí, sau khi các nhà lập pháp đồng ý về một thỏa hiệp loại bỏ những khác biệt giữa các dự luật được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện.

Hạ viện tuần trước đã thông qua phiên bản của dự luật, nhưng dự luật này thất bại khi đưa tới Thượng viện. Tuy nhiên, Thượng viện dự kiến sẽ thông qua phiên bản thỏa hiệp sớm nhất vào ngày 15/12 và gửi đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Joe Biden nói ông sẽ ký thành luật.

Phát biểu trong một tuyên bố, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chính quyền sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để thực hiện dự luật này nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu không có lao động cưỡng bức, đồng thời làm việc với các chuỗi cung ứng chính trong nước và đối tác, bao gồm lĩnh vực bán dẫn và năng lượng sạch”.

Các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện đã tranh cãi về dự luật liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều tháng.

Thỏa hiệp giữ một điều khoản cấu thành một “giả định có thể bác bỏ” rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới trại giam người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác, đều được thực hiện bằng lao động cưỡng bức, nhằm cấm nhập khẩu hàng hoá như vậy.

Trung Quốc phủ nhận các vụ lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương, vốn là nơi cung cấp nhiều nguyên liệu cho thế giới để làm các tấm pin mặt trời. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nhóm nhân quyền cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện hành vi diệt chủng tại đây.

Các đảng viên Cộng hòa cáo buộc đảng Dân chủ của ông Biden chậm ban hành đạo luật vì nó sẽ làm phức tạp chương trình nghị sự về năng lượng tái tạo của tổng thống. Đảng Dân chủ bác bỏ cáo buộc này.


Hạ viện Mỹ thông qua dự luật kiểm soát sản phẩm từ Tân Cương (voatiengviet.com)


Tòa án không chính thức quy trách nhiệm Tập Cận Bình về cuộc ‘diệt chủng’ người Uyghur

10/12/2021
Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình nắm tay nhóm cao niên Uighur được treo tại một ngôi làng ở khu vực Tân Cương.

Một tòa án không chính thức gồm các luật sư và các nhà vận động tuyên bố Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm chính về những hành động mà họ nói là diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tra tấn người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ tòa án và xem đây là một “trò hề” của kẻ thù nhằm truyền bá sự dối trá. Toà án do luật sư người Anh Geoffrey Nice đứng đầu và không có quyền xử phạt hay ràng buộc thực thi phán quyết.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tra tấn đối với người Uyghur, người Kazakh và những người dân tộc thiểu số khác ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc được gọi là Tân Cương”, Tòa án Uyghur có trụ sở tại Anh tuyên bố hôm 9/12.

“Tòa án đồng ý rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của CHND Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính về các hành vi đã xảy ra ở Tân Cương”, toà án nói thêm.

Hội đồng Uyghur Thế giới (WUC), đại diện cho lợi ích của những người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở Tân Cương và trên toàn thế giới, đã yêu cầu Luật sư Nice vào năm 2020 thành lập một tòa án độc lập để điều tra các cáo buộc lạm dụng ở Tân Cương.

Một số nhà lập pháp và nghị viện nước ngoài, cũng như các ngoại trưởng Hoa Kỳ của cả chính quyền Biden và Trump, đều coi việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng.

Nhưng Trung Quốc mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc này.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ WUC, nói đây là một tổ chức ly khai dưới sự kiểm soát và tài trợ của các lực lượng chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ và phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Cái gọi là tòa án này không có chứng chỉ pháp lý cũng như không đáng tin cậy”, đồng thời mô tả những lời khai được đưa ra là sai sự thật và phán quyết cuối cùng là một “trò hề chính trị do một vài tên hề thực hiện”.

“Những lời nói dối không thể che giấu sự thật, không thể lừa dối cộng đồng quốc tế cũng như không thể ngăn chặn tiến trình lịch sử của sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của Tân Cương”, người phát ngôn Trung Quốc nói về tòa án Uyghur.

Các chuyên gia và các nhóm nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ước tính hơn một triệu người, chủ yếu là người Uyghur và thành viên các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong những năm gần đây trong một hệ thống trại rộng lớn ở Tân Cương.

Ban đầu Trung Quốc phủ nhận có sự tồn tại của các trại này, nhưng sau đó nói rằng đó là các trung tâm huấn nghiệp được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Vào cuối năm 2019, Trung Quốc tuyên bố tất cả những người trong các trại đã “tốt nghiệp”.

WUC có trụ sở tại Munich hoan nghênh phán quyết của tòa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói tòa án là công cụ của những kẻ thù của Trung Quốc nhằm truyền bá sự dối trá.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán nói “không gì khác ngoài một công cụ chính trị được sử dụng bởi một số phần tử chống Trung Quốc và ly khai để đánh lừa và gây hiểu lầm cho công chúng”.

“Bất cứ ai có lương tri sẽ không bị lừa dối”, người phát ngôn này nói thêm.


Tòa án không chính thức quy trách nhiệm Tập Cận Bình về cuộc ‘diệt chủng’ người Uyghur (voatiengviet.com)


Mỹ gọi Tân Cương là ‘nhà giam lộ thiên’

13/05/2021
Một cơ sở mà Trung Quốc gọi là ‘trung tâm giáo dục và huấn luyện nghề nghiệp’ tại Dabancheng ở Tân Cương, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 4/8/2018)

Chính phủ Trung Quốc đã biến tỉnh Tân Cương thành “nhà giam lộ thiên”, một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo ngày 12/5 trong lúc Bộ công bố một phúc trình chỉ trích Trung Quốc đàn áp các tôn giáo thiểu số.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đầu năm nay từng tuyên bố những hành động của Trung Quốc tại Tân Cương cấu thành những tội ác chống nhân loại và diệt chủng, và người kế nhiệm là đương kim Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đồng ý với nhận định này.

Trung Quốc bác cáo buộc và nói rằng họ mở các trại huấn nghệ để đối phó với chủ nghĩa cực đoan tại Tân Cương.

Ông Daniel Nadel, một quan chức cao cấp của Văn phòng Tự do Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói tình hình ở đó đã chuyển đổi từ việc sử dụng ‘các trung tâm giáo dục và huấn luyện nghề nghiệp’ để giam giữ người sắc tộc Uighur và những người Hồi giáo khác, thành việc sử dụng để theo dõi ‘biến toàn bộ vùng này thành một nhà tù lộ thiên”.

“Hoạt động của người dân bị theo dõi chặt chẽ. Có những người theo dõi được giao công tác sống chung với người Uighur để theo dõi họ. Có người đi chợ phải báo cáo trình báo mỗi khi tới một sạp hàng khác nhau,” ông nói tại một cuộc họp báo.

Việc đàn áp người Hồi giáo là ‘sự tăng cường của nhiều thập niên trấn áp những ai theo tôn giáo’ tại Trung Quốc, ông Nadel nói thêm.

Phúc trình hàng năm cập nhật tình hình tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nêu chi tiết về việc Trung Quốc đàn áp giáo phái Pháp Luân Công.

Ngoại trưởng Blinken loan báo đã áp đặt lệnh cấm visa đối với quan chức Trung Quốc Yu Hui và gia đình ông này vì có liên hệ đến việc bắt giữ tùy tiện những người theo Pháp Luân Công.


Mỹ gọi Tân Cương là ‘nhà giam lộ thiên’ (voatiengviet.com)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten