Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu mang quốc tịch Việt Nam ở Vịnh Oman vào tháng trước và hiện vẫn giữ con tàu này, hai quan chức Mỹ nói với hãng tin AP, tiết lộ hành động khiêu khích mới nhất ở vùng biển Trung Đông khi căng thẳng leo thang giữa Iran và Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân của Tehran.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran (IRGC) hôm 24/10 đã bắt giữ tàu MV Southys mang cờ Việt Nam. Các nhà phân tích nghi ngờ tàu Southys mang đang vận chuyển dầu thô từ Iran sang châu Á, và điều này đã vi phạm lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Iran, theo AP.
Các lực lượng Hoa Kỳ theo dõi vụ Iran bắt giữ con tàu, nhưng cuối cùng đã không hành động khi con tàu đi vào vùng biển của Iran.
Iran đưa hình ảnh bắt giữ con tàu này lên kênh truyền hình nhà nước, một ngày trước lễ kỷ niệm 42 năm ngày chiếm giữ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran vào năm 1979.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết IRGC bắt tàu tên Southys chở dầu thô của Iran khi nó đang được lực lượng hải quân Hoa Kỳ hộ tống. Con tàu đã bị đưa về cảng Bandar Abbas của Iran lúc 8 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 25/10, Bloomberg dẫn thông báo trên cổng thông tin sepahnews.com của IRGC cho biết hôm 3/11.
Đại sứ quán Việt Nam tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của AP.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về tàu Southys, Bộ Ngoại giao đã làm việc với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran để tìm hiểu vụ việc.
“Ngày 27/10, trong trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, thuyền trưởng tàu MV Southys cho biết 26 thuyền viên được đối xử tốt, tình trạng sức khoẻ bình thường,” trang Tiền Phong dẫn lời bà Hằng nói.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran sẽ tích cực theo dõi sát, thường xuyên làm việc với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc, đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân Việt Nam,” bà Hằng cho biết.
Dữ liệu theo dõi tàu từ trang MarineTraffic.com cùng với phân tích của AP cho thấy con tàu vẫn ở ngoài khơi cảng Bandar Abbas, phía nam của Iran hôm 2/11. Một bức ảnh vệ tinh từ Planet Labs Inc. cũng cho thấy con tàu ở ngoài khơi Bandar Abbas trong những ngày gần đây.
Hôm 3/11, hai quan chức Hoa Kỳ không tiết lộ danh tính cho AP biết Iran đã bắt giữ con tàu dầu này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Iran tiếp tục “có các hoạt động hạt nhân khiêu khích” và “cơ hội này sẽ không mở ra mãi mãi.”
Khi được hỏi về việc Iran cho rằng hành động của Mỹ là gây hấn, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết điều đó là sai sự thật và chính Iran đã chiếm giữ điều mà ông mô tả là một tàu buôn ở Vịnh Oman vào ngày 24/10.
“Vụ bắt giữ duy nhất đó do Iran thực hiện.” Ông từ chối nêu quốc tịch của con tàu bị bắt giữ.
Ông Kirby cho biết việc Iran lên con tàu này và bắt giữ con tàu này “đã cấu thành một hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế làm suy yếu quyền tự do hàng hải và dòng chảy tự do thương mại.”
Tehran cũng không cung cấp tên con tàu hoặc các chi tiết khác, và cũng như không có bất kỳ lời giải thích nào về lý do tại sao Hải quân có thể nhắm mục tiêu vào con tàu đó. Phái bộ của Iran tại Liên Hợp Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của AP.
Các quan chức Iran khen ngợi việc bắt giữ con tàu bị là một hành động anh hùng, và ông Raisi ca ngợi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trên Twitter. Ông Javad Owji, Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran, cảm ơn Lực lượng Vệ binh đã “giải cứu tàu chở dầu của Iran khỏi bọn cướp biển Mỹ”.
Truyền hình nhà nước công bố đoạn ghi hình cho thấy một máy bay không người lái giám sát của Iran đang theo dõi một tàu chở dầu khổng lồ màu đỏ ở Vịnh Oman. Các lính biệt kích Iran được trang bị vũ khí mạnh sau đó đã từ trực thăng lên con tàu này trong khi các tàu cao tốc nhỏ bao quanh con tàu và một tàu catamaran của Iran tuần tra trong vùng biển.
Đoạn video xuất hiện cho thấy lực lượng Vệ binh Iran chĩa súng máy vào tàu USS The Sullivans, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ. Những bức ảnh do quân đội Mỹ công bố cho thấy tàu The Sullivans gần đây ở Biển Ả Rập gần Vịnh Oman.
Một cơ sở dữ liệu hàng hải cho thấy chủ sở hữu đăng ký cuối cùng của tàu Southys là Công ty Vận tải Xăng dầu OPEC, một công ty có địa chỉ tại Hà Nội. Hôm 4/11, một nhân viên tại văn phòng công ty đã thừa nhận một sự cố liên quan đến tàu Southys nhưng bảo phóng viên AP liên lạc một nhân viên khác không có mặt ở đó để được phản hồi. Nhân viên đó không hồi đáp yêu cầu bình luận của AP.
Tuy nhiên, nhóm vận động United Against a Nuclear Iran có trụ sở tại New York đã phát hiện và theo dõi tàu Southys. Trong một bức thư ngày 11/10 gửi Cục Hàng hải Việt Nam, nhóm này cho biết phân tích các bức ảnh vệ tinh của họ cho thấy tàu Southy đã nhận dầu vào tháng 6 từ một tàu chở dầu có tên Oman Pride.
Vào tháng 8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định rằng tàu Oman Pride được Iran dùng để buôn lậu dầu, thu tiền về cho Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran. Bộ Tài chính Mỹ nói dầu của Iran cuối cùng sẽ được bán cho Đông Á nhưng không xác định một quốc gia cụ thể.
Việc Iran bắt giữ tàu Southys là vụ mới nhất trong một loạt các vụ cướp tàu và vụ nổ trong Vịnh Oman, nằm gần eo biển Hormuz, cửa hẹp của Vịnh Ba Tư, nơi 1/5 tổng lượng dầu được giao dịch đi qua.
Hải quân Mỹ quy lỗi cho Iran về một loạt vụ tấn công bằng ngư lôi gây hư hại các tàu chở dầu vào năm 2019, cũng như vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một tàu chở dầu có liên hệ với Israel khiến hai thủy thủ người châu Âu trên tàu thiệt mạng hồi đầu năm nay. Chỉ vài tháng trước, hải tặc Iran đã cướp và chiếm giữ trong một khoảng thời gian ngắn một tàu chở nhựa đường mang quốc tịch Panama ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tehran phủ nhận đã thực hiện các cuộc tấn công đó, nhưng một cuộc chiến tranh bóng tối rộng lớn hơn giữa Iran và phương Tây đã diễn ra trong vùng biển đầy biến động của khu vực kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Hai quan chức Mỹ nói Iran bắt giữ tàu chở dầu của Việt Nam (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten