Nhật Bản: Đảng cầm quyền bầu cựu ngoại trưởng thời Abe làm chủ tịch
Đăng ngày:
Đảng Dân chủ - Tự do cầm quyền (PLD) ở Nhật Bản hôm nay, 29/09/2021, đã bầu ông Fumio Kishida làm chủ tịch đảng. Cựu ngoại trưởng dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, ông Fumio sẽ được chỉ định làm thủ tướng thay ông Yoshihide Suga.
Về nguyên tắc, nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ có tân thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu ngày 04/10 tại Quốc Hội Nhật. Cựu ngoại trưởng Fumio Kishida, 64 tuổi, đắc cử vòng hai cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng với 257 phiếu, vượt xa 170 phiếu của đối thủ, chính trị gia Taro Kono, 58 tuổi, vốn là một trong các chính trị gia rất được lòng dân tại Nhật. Tân chủ tịch đảng Dân chủ - Tự do Nhật Bản nổi tiếng là người tranh đấu cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông đã đóng góp nhiều cho việc Barack Obama, tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ viếng thăm thành phố bị bom nguyên tử Mỹ hủy diệt năm 1945.
Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo :
« Đảng Dân chủ - Tự do cầm quyền liên tục tại Nhật Bản hoặc gần như vậy, từ khi Thế chiến Hai kết thúc đến nay, đã chọn làm chủ tịch một cựu chuyên gia ngân hàng ở Hiroshima, thành phố là nạn nhân của vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Fumio Kishida tranh đấu cho giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng điều nghịch lý là chính trị gia này cũng là người phản đối Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, mà nước Nhật - đồng minh của Hoa Kỳ - chưa bao giờ phê chuẩn.
Tuy nhiên, ông Fumio Kishida cũng cho biết cụ thể là ông sẽ chấp nhận ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc chừng nào Hiệp ước này được các cường quốc nguyên tử công nhận.
Fumio Kishida cũng là người ủng hộ điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng của Nhật Bản, bất chấp tai nạn hạt nhân Fukushima. Là người chủ trương tìm đồng thuận, ít có sức thu hút, cựu ngoại trưởng Nhật Bản muốn đấu tranh chống lại các bất bình đẳng xã hội, nạn nghèo đói, tình trạng bấp bênh gia tăng trong đại dịch Covid-19. Fumio Kishida nhấn mạnh đến đòi hỏi tái cấu trúc nền kinh tế thứ ba thế giới để mang lại các phương tiện giúp nước Nhật tiếp tục duy trì được khả năng cạnh tranh, cho dù dân Nhật đang già đi nhanh chóng.
Ông Fumio Kishida kế nhiệm thủ tướng Yoshihide Suga, vào lúc uy tín của ông Suga rớt xuống mức thấp nhất trong các thăm dò dư luận, vì cách xử lý đại dịch bị đánh giá là ít gây được niềm tin trong công luận, cũng như quyết tâm duy trì bằng được kỳ Thế Vận Hội Tokyo, bất chấp sự phản đối của đa số dân Nhật ».
Ông Fumio Kishida - xuất thân trong một gia đình nhiều thế hệ tham gia chính trường - lần đầu tiên đắc cử dân biểu năm 1993. Fumio Kishida đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng trong chính phủ Shinzo Abe từ năm 2012 đến 2017. Năm 2020, ông cũng đã từng ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Dân chủ - Tự do, nhưng bị thua trước đối thủ Yoshihide Suga.
Thủ tướng tương lai của nước Nhật phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ dẫn dắt nền kinh tế Nhật phục hồi sau đại dịch đến các đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Về mặt kinh tế, ông Kishida hứa hẹn một kế hoạch đầu tư lớn để thúc đẩy kinh tế Nhật phục hồi sau cú sốc đại dịch, nhưng cũng cam kết sẽ siết chặt chi tiêu công trong bối cảnh nợ công của Nhật đã lên đến 256% GDP năm 2020, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
Sau khi được Quốc Hội mãn nhiệm bầu làm thủ tướng, đảng Dân chủ - Tự do với sự lãnh đạo của Fumio Kishida sẽ bước vào cuộc tranh cử Quốc Hội mới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11.
Nhật Bản: Đảng cầm quyền bầu cựu ngoại trưởng thời Abe làm chủ tịch (rfi.fr)
Trung Quốc vẫn nổi bật là thách thức số một đối với tân thủ tướng Nhật Bản
Đăng ngày:
Ngày 04/10/2021 tới đây, Hạ Viện Nhật Bản sẽ họp phiên bất thường để bỏ phiếu bầu thủ tướng thay thế ông Yoshihide Suga. Ông Fumio Kishida, vừa được đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) đương quyền bầu làm chủ tịch đảng hôm qua, 29/09, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản vì liên minh hai đảng LDP và Komeito hiện chiếm đa số tại Hạ Viện.
Theo các nhà phân tích, rất nhiều thách thức đang chờ đợi vị thủ tướng được xem là “ôn hòa” này, sau nhiều tháng bị cho là “bất động” thời người tiền nhiệm Suga.
Hãng tin Mỹ AP vào hôm qua đã liệt kê một loạt những hồ sơ mà lãnh đạo tương lại của cường quốc châu Á này phải giải quyết, từ đối nội với một nền kinh tế đang bị đại dịch Covid-19 tấn công, đến đối ngoại và an ninh, với một đồng minh chí cốt là Mỹ, ngày càng có dấu hiệu hướng nội, và những thách thức về mặt an ninh đến từ Trung Quốc và đàn em của nước này là Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có thêm nhiều động thái hung hăng trên biển, liên tục gây sự với Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền, thường xuyên cho chiến hạm và phi cơ qua lại vùng biển và vùng trời gần Nhật Bản như để thăm dò khả năng ứng phó của đối phương, thách thức số một đối với ông Kishida chính là Trung Quốc.
Trả lời AP, ông Yu Uchiyama, giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Tokyo cho rằng chính sách đối ngoại của tân lãnh đạo Nhật Bản sẽ không thay đổi nhiều về mặt cơ bản, vẫn là củng cố thêm quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và quan hệ đối tác với các nền dân chủ cùng chí hướng khác ở châu Á và châu Âu, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, cũng như đối với nhiều nước khác, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng không thể bỏ qua. Chính ông Kishida, trong lúc tranh cử chức chủ tịch đảng LDP, đã nhấn mạnh sự cần thiết đối thoại với Trung Quốc. Năm tới 2022 là dịp kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung-Nhật, và ông Kishida khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc hội đàm thượng đỉnh với Trung Quốc.
Cho dù vậy, trong quan hệ với Trung Quốc, ngoài các vấn đề mang tính chất khái quát như nói trên, thủ tướng Kishida được cho là sẽ phải xử lý hai “hồ sơ nóng”: một là vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc đặc biệt nổi cộm với những gì liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và hai là vấn đề Đài Loan.
Hãng tin Nhật Bản Kyodo hôm qua ghi nhận thái độ dè dặt “chờ xem” của Trung Quốc trước sự kiện ông Fumio Kishida sắp trở thành thủ tướng Nhật Bản. Điều khiến Bắc Kinh lo ngại là trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida đã cho biết ý muốn bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt bên cạnh thủ tướng để theo dõi các vấn đề nhân quyền. Ý định này được cho là một nỗ lực rõ ràng nhắm vào các cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương và đàn áp giới ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã từng lên tiếng cảnh cáo rằng “Nước ngoài nên tránh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Các chính khách Nhật Bản nên ngừng đưa ra vấn đề về Trung Quốc.”
Hồ sơ thứ hai mà ông Fumio cần xử lý là vấn đề Trung Quốc, và nhất là Đài Loan xin gia nhập khối tự do mậu dịch CT-TPP mà Nhật Bản gần như là đầu tầu trong tư cách là nền kinh tế lớn nhất, và hiện đang là lãnh đạo luân phiên của khối này, trước khi trao quyền cho Singapore vào năm 2022.
Chính ông Kishida đã lên tiếng hoan nghênh việc Đài Loan đệ đơn chính thức xin gia nhập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, và theo các nguồn tin ngoại giao, điều đó đã khiến Bắc Kinh khó chịu.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang gần đây, đặc biệt là sau khi thủ tướng đương nhiệm Yoshihide Suga xác nhận vào tháng 4 với Tổng thống Mỹ Joe Biden “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.”
Cho dù vậy, Trung Quốc đang cố duy trì những lời lễ hòa dịu đối với ông Kishida. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc muốn “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ” giữa hai quốc gia châu Á dưới thời chính phủ mới của Nhật Bản. Còn Hoàn Cầu Thời Báo, vào tuần trước cũng thừa nhận là ông Kishida có là một nhân vật có “chính sách nổi tiếng là ôn hòa”.
Trung Quốc vẫn nổi bật là thách thức số một đối với tân thủ tướng Nhật Bản (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten