zaterdag 18 september 2021

Việt Nam: Huyết mạch của nền kinh tế vỉa hè

 

Việt Nam: Huyết mạch của nền kinh tế vỉa hè

  • PGS.TS Nguyễn Phương Mai
  • ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam
Đối với khách du lịch, cảnh sinh hoạt buôn bán trên vỉa hè và đường phố là nét văn hoá Việt đặc trưng và cuốn hút.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Đối với khách du lịch, cảnh sinh hoạt buôn bán trên vỉa hè và đường phố là nét văn hoá Việt đặc trưng và cuốn hút.

Mẹ tôi từng là một người bán rong.

Suốt cả tuổi thơ, tôi lẽo đẽo theo mẹ bê một cái mẹt hàng đi bán. Cái mẹt chỉ bằng cái mâm ăn cơm, trên có vài bao thuốc lá, hai cái bát đựng ô mai, một nhúm táo ta, vài củ đậu, chục gói lạc rang và mấy trái dưa chuột. Mẹ để cái mẹt trên ghi-đông xe đạp, vừa giữ cho nó không bị lật, vừa điều khiển xe, vừa ngồi yên để tôi ngồi sau bám lấy bụng cho thật chặt.

Hai mẹ con thuộc lòng giờ chiếu và giờ tan tầm của mấy rạp chính trong thành phố. Phải tính toán làm sao để đến nơi khi người xem vẫn còn một chút thời gian dừng lại mua một gói ô mai hay châm một điếu thuốc. Trong vòng nửa tiếng ấy, tôi có nhiệm vụ quan trọng là đứng canh... công an.

Bắt cóc bỏ đĩa

Thật không gì khổ bằng bị đuổi. Chỉ cần nghe tôi hét lên "công an" là gần chục bà bán hàng như vỡ trận, bỏ lại sau lưng nào ghế, nào nón, nào khách hàng còn chưa kịp trả tiền. Tôi còn quá nhỏ để thấy đau lòng trước cái cảnh bỏ chạy trong cuống quýt, nhớn nhác, hốt hoảng ấy. Tôi chỉ thấy tự hào vì đã lập công cứu mẹ.

Thế rồi một hôm, mẹ chạy chậm, bị bắt vào đồn. Mẹt hàng bị tịch thu, cả cái ghế con đóng bằng 3 mẩu gỗ ghép lại, cả cái làn nhựa rách phải mạng bằng sợi nilon. Mẹ khóc tướng lên: "Tôi từng là bộ đội đấy. Tôi có cả huân chương chống Pháp lẫn chống Mỹ đấy. Chồng tôi là sỹ quan đấy. Nghèo thì mới phải bán hang ngoài vỉa hè. Các chú cho tôi đường sống để còn nuôi con."

Vô ích. Mẹ dắt xe ra khỏi đồn tay không. Tôi ngồi đằng sau, vòng tay ôm, thấy bụng mẹ phập phồng tức tưởi.

Thế là tôi quyết định viết thư gửi ông Đỗ Mười.

Nhà tôi ở cách nhà ông một dãy phố, có tường bao quanh, có cổng xanh, có hai chú bộ đội trẻ măng đứng ngoài cười thân thiện. Khi các chú vắng mặt, bọn trẻ con nổi hứng láo lếu bấm chuông rồi ré lên cười bỏ chạy. Tôi đương nhiên không ngoại lệ. Nhưng sau vụ mẹ bị thu hết vốn liếng bán hàng thì tôi lớn bổng. Bởi tôi tin rằng nhà ông Đỗ Mười không còn là chỗ để trẻ con nghịch dại. Đó là nhà ông Bụt có thể giúp mẹ đòi lại mẹt hàng.

Lá thư nguệch ngoạc ấy có thể đã rơi vào khu vườn không ai đi qua. Có thể nét chữ bằng mực học trò đã nhanh chóng nhão nhoét cùng mưa gió, có mở ra cũng không còn rõ nghĩa. Có thể người lao công tưởng giấy lộn mà quét vô thùng. Có thể các chú lính tưởng bọn trẻ ranh bày trò tinh nghịch như mọi khi.

Tôi cũng quên bẵng lá thư không phong bì vứt vào sân nhà vị lãnh đạo cao nhất đất nước. Trí óc trẻ con khi ấy chỉ có thể nhớ là đã hỏi ông Bụt, rồi quên không mong đợi vì bị bao trò vui khác cuốn đi.

Mãi sau đó, một hôm mẹ về nhà kể rằng chiều nay ông Đỗ Mười cùng một đoàn tuỳ tùng đi vào sân nhà văn hóa. Nhiều công an lắm, tất nhiên. Nhưng lạ một điều là không có bà bán hàng nào bị đuổi. Tôi hào hứng kêu ầm lên: LÀ VÌ CON, VÌ CON. Mẹ nghe tôi kể xong, phì cười.

Gần 40 năm trôi qua, nhưng cảnh tượng công an dẹp những người bị coi là chiếm dụng vỉa hè thì vẫn y nguyên như cũ. Trong một lần về thăm nhà, tôi bật khóc khi thấy một chủ quán sinh tố giằng co mấy túm củ đậu với công an. Củ lăn lóc một đằng, rễ nắm trong tay một nẻo, cả người dân lẫn người thi hành công vụ đều ngã bổ chửng. Có lần tôi gợi chuyện, tâm sự với một bạn công an. Chàng trai còn rất trẻ, đau khổ nói thành thực: "Chị nói đúng chị ơi. Bắt cóc bỏ đĩa. Tụi em không thực hiện luật lệ thì không được, mà làm thì thương bà con tiểu thương vô cùng. Nhiều lúc đành đi xe chậm, nói loa thật to để bà con có thời gian chạy thu hàng vào trong".

Các hộ đã kinh doanh lại sau 2 tháng giãn cách tại TP HCM đa phần đều là hộ kinh doanh gia đình để đảm bảo "3 tại chỗ"

NGUỒN HÌNH ẢNH,NLD.COM.VN

Chụp lại hình ảnh,

Các hộ đã kinh doanh lại sau 2 tháng giãn cách tại TP HCM đa phần đều là hộ kinh doanh gia đình để đảm bảo "3 tại chỗ"

Huyết mạch của nền kinh tế vỉa hè

Suốt bao năm qua, những người sống bám vỉa hè, bám lòng đường có thể khiến ta có cảm giác lộn xộn, nhếch nhác. Đùng một cái, đại dịch ập tới. Cái sự lộn xộn nhếch nhác đó bỗng hiện nguyên hình là huyết mạnh kinh tế của hàng triệu người, cả giàu lẫn nghèo. Đóng cửa cái là họ lăn đùng ra ngắc ngoải, kéo theo sự suy sụp bất thình lình của cả một hệ thống cung ứng những thứ thiết yếu hàng ngày như miếng cơm miếng nước cho cả một cộng đồng xung quanh.

Sự tan hoang của nó bật lên một sự thật rằng, kinh tế đô thị Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào quán xá vỉa hè và bà con tiểu thương. Chỉ cần một cái xe hủ tiếu cũng đủ nuôi sống cả gia đình. Chỉ cần một khoảnh đất nhỏ hơn mét vuông cũng đủ để làm cửa hiệu. Đó cũng là nền kinh tế nương vào nhau mà sống. Chỉ một tẹo không gian thôi mà sáng sớm cô Bảy bán bún, ban ngày dì Tám bán cà phê, tối mịt dượng Chín còn tranh thủ làm khay hạt dẻ nướng. Ngõ hẻm nào biết đoàn kết thì cái dây điện hay cái ghế nhựa cũng dùng chung.

Cũng như trước đây ta có thể dè bỉu nghề đưa hàng, giờ đây ta nhận ra không có shipper thì xã hội đứt gãy. Tiểu thương vỉa hè cũng vậy. Không có họ, nền kinh tế của một đô thị cũng có thể lao đao. Theo Giáo Sư Annette Kim - tác giả cuốn Sidewalk City (thành phố vỉa hè) - nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho Sài Gòn.

Thực tế là mô hình chợ làng và buôn bán nhỏ lẻ từ xa xưa đã luôn là huyết mạnh chính nuôi dưỡng cơ thể đất nước. Từ thời phong kiến, những mẹ những chị "quanh năm buôn bán ở mom sông" như trong bài thơ của Tú Xương chính là những con thoi vận hành nền kinh tế của một xã hội nặng tính làng xã với quy mô kinh tế nhỏ bé, khiêm nhường. Những cuộc chiến liên miên, những biến động thời cuộc, những năm dài đô hộ cũng khiến hình thái buôn bán nhỏ được ưa chuộng hơn vì nó dễ làm dễ sống. Can qua khốc liệt thế nào, chết đi rồi nó vẫn có thể hồi sinh nhanh chóng.

Văn hóa vỉa hè

Vỉa hè và tiểu thương không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề văn hoá. Cũng theo bà Annette Kim, đó là một không gian cộng đồng dù nhỏ bé nhưng vô cùng thiết yếu. Cởi mở, thân thiện, và đầy tính hợp tác, vỉa hè không những là nơi sinh nhai của hàng triệu con người mà còn là nơi trẻ con chơi đùa, người rảnh việc đọc báo, người lao động dừng chân tránh nắng, bác tài ngoẹo cổ làm giấc trưa, bà con tám chuyện và hỏi thăm lẫn nhau. Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng bản sắc độc đáo của đô thị Việt Nam là cái tình làng xóm vẫn ẩn trong lối sống thành thị. Đó là nơi con người vẫn còn có thể nói chuyện với nhau.

Đối với khách du lịch, cảnh sinh hoạt buôn bán trên vỉa hè và đường phố là nét văn hoá Việt đặc trưng và cuốn hút. Khi họ nói về đô thị Việt Nam, 40% các chủ đề trao đổi liên quan đến vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn dân dã, ngồi trên ghế nhựa uống cà phê và hoà mình vào cuộc sống sống động xung quanh. Bạn trai của tôi cũng vậy. Anh có thể đi bộ ngày này qua ngày khác quanh những con phố náo nhiệt mà không hề biết chán.

Trên giấy tờ chính sách, chức năng của vỉa hè chủ yếu là dành cho người đi bộ. Buôn bán bị dẹp chủ yếu vì cản trở người đi bộ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của GS Annette Kim đã quan sát và kết luận rằng các hoạt động buôn bán chỉ chiếm từ 10-40% không gian của vỉa hè. Thứ chiếm dụng lớn nhất là xe máy. Câu hỏi nghiên cứu trên đặt ra là, liệu chúng ta có đánh đổi không gian văn hoá cộng đồng quan trọng này bằng cách o bế tiểu thương để hy sinh cho một yếu tố, tuy quan trọng nhưng không mấy đóng góp cho văn hoá đô thị, là việc đỗ xe?

Các hoạt động trên vỉa hè Sài Gòn với đậu xe chiếm nhiều không gian nhất

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANNETTE KIM

Chụp lại hình ảnh,

Các hoạt động trên vỉa hè Sài Gòn với đậu xe chiếm nhiều không gian nhất

Nhin ra các nước láng giềng

Văn hoá vỉa hè không chỉ có ở Việt Nam. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 2,5 tỷ người chọn ăn trên phố mỗi ngày. Năm 2007 chẳng hạn, quán xá vỉa hè ở Bangkok cung cấp 40% thực phẩm cho người dân bởi hai phần ba số hộ gia đình ăn ngoài hàng ngày.

Cũng như Việt Nam, có cung thì có cầu, cấm kiểu gì cũng khó. Và kết cục là, trên văn bản thì cấm, ngoài thực tế thì phải thả nổi. Đó chính là lý do khi ông Đoàn Ngọc Hải kiên quyết làm quang vỉa hè theo đúng luật thì bà con tiểu thương quận 1 mới dùng luật bất thành văn mà hỏi lại: “Từ xưa các ông có xuống đâu?”.

Mạnh dạn bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này chính là thành phố Huế. Đây là đô thị đầu tiên thí điểm bán hàng trên vỉa hè có thu phí. Cũng như nhiều nước châu Á khác đang thay đổi lại cách nhìn, chính quyền Huế dường như đã nhận ra sự bế tắc của việc đuổi dẹp suốt gần nửa thế kỷ qua. Họ nhận ra vị trí kinh tế và văn hoá của những quán hàng nhỏ bé nhưng trĩu nặng bản sắc của người Việt. Họ nhận ra không phải tự nhiên mà nét đời ấy tồn tại và có sức sống mãnh liệt bất chấp thời gian và luật lệ.

Huế cho ta hy vọng rằng, một khi đã chọn tôn vinh những giá trị kinh tế và văn hóa của nó, người làm quy hoạch sẽ không bị luật pháp trói tay. Ngược lại, họ sẽ dần dần tìm ra cách để điều chỉnh, dung hoà giữa nhu cầu “giao thông” và nhu cầu “sinh hoạt” của vỉa hè lòng đường.

Một khi đã có tính chính danh, vỉa hè sẽ được chia sẻ công bằng hơn, rõ ràng và văn minh hơn giữa người đi bộ và tiểu thương. Một khi đã được minh oan, sự nhếch nhác, tạm bợ và lộn xộn sẽ có cơ hội trở nên chỉn chu hơn, vừa mắt hơn, biết nhường nhịn nhau hơn, phát triển bền vững hơn. Biết đâu, khi bà Bảy bán bún bò không sợ bị công an thu đồ nữa, bà sẽ thay cái ghế nhựa gãy chân và cắm thêm một bình bông trên bàn cho vui mắt?

Và nay khi Sài Gòn đã cho phép quán xá mở cửa, dù chỉ là bán mang đi, nếu được gặp lại những gương mặt hồ hởi mời chào ấy, ta sẽ hiểu rằng đó không chỉ là bát hủ tiếu hay tách cà phê. Đó đã trở thành một phần đời của ta khi tự nhận mình là người phố thị.

Ký ức tuổi thơ khiến tôi luôn nhìn thấy trong mỗi xấp ngửa của tiểu thương đô thị hình ảnh của mẹ. Khi cơn đại dịch này qua đi, hy vọng người làm chính sách sẽ có cái nhìn khoan dung, cởi mở và mang tính bền vững hơn với nhịp sống của một không gian văn hóa thân thương có tên vỉa hè.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Việt Nam: Huyết mạch của nền kinh tế vỉa hè - BBC News Tiếng Việt

Geen opmerkingen:

Een reactie posten