Sicilia : Một đảo chiến lược không nên để rơi vào tay Trung Quốc
Đăng ngày:
Bắc Kinh đang dòm ngó Sicilia (Ý) do vị trí chiến lược của đảo : Một điểm quan sát các luồng dữ liệu trải dài ở Địa Trung Hải, cũng như là biên giới giữa châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, theo phân tích của nhà địa chính trị người Ý, Giorgio Cuscito, trên tạp chí Limes (Ý)*, ít có khả năng Hoa Kỳ và Ý chấp nhận Trung Quốc đầu tư vào các cảng biển Palermo và Catania, nằm gần những căn cứ quân sự Sigonella và Niscemi của Ý.
Địa Trung Hải : « Ao nhà xa » của Trung Quốc ?
Kể từ khi khởi động dự án Những con đường Tơ lụa mới vào năm 2013, Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong vùng biển Địa Trung Hải, từ kênh đào Suez cho đến eo biển Gibraltar. Các hãng lớn của Trung Quốc chuyên về kho bãi đầu tư nhiều vào các cảng biển tại nhiều nước trong khu vực như Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Bắc Phi như Maroc, Algeri, Ai Cập… Đặc biệt là tại Tunisia, Bắc Kinh có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng, trong số này có Trung tâm điện toán hiệu năng cao.
Chiếc cầu nối công nghệ Tunisia nằm trong khuôn khổ các dự án số hóa của Trung Quốc tại Bắc Phi, bắt nguồn từ Djibouti, căn cứ quân sự chính thức đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài và nơi trú đóng một trung tâm khai thác dữ liệu, được sử dụng như là điểm trung chuyển cho các tuyến cáp biển đi sang Địa Trung Hải.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng để ý đến Libya. Chính phủ hòa giải dân tộc ở nước này cũng đã tham gia vào dự án Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc năm 2018. Khi nhìn vào số lượng các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Bắc Phi và Trung Đông, người ta có thể nhận thấy vì sao Bắc Kinh lo ngại những bất ổn do các tác nhân trong khu vực gây ra và những tham vọng bá quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của Nga trong khu vực.
Sicilia : Đài quan sát cực Nam của Mỹ tại châu Âu
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn dòm ngó đến đảo Sicilia của Ý, bởi vì hòn đảo này là một trường hợp ngoại lệ so với những gì đang diễn ra ở những nơi khác. Từ hòn đảo này, Hoa Kỳ và Ý giám sát các con đường giao thương, năng lượng và số hóa nối liền hai bờ Đông và Tây của Địa Trung Hải. Cùng lúc, Sicilia còn là nhánh cực nam vùng ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu, gần với châu Phi nhất, mang đậm dấu ấn của sự bất ổn, sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc (chủ yếu tập trung tại Djibouti) và gần đây là sức ảnh hưởng của Nga, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.
Sicilia còn là nơi đặt hai căn cứ quân sự của Mỹ. Căn cứ không quân Sigonella là nơi tiếp nhận các loại drone Reaper và Global Hawk của Mỹ, nguồn hỗ trợ hậu cần cho hạm đội 6 và cho các chiến dịch quân sự quan trọng của Mỹ tại Bắc Phi. Tháng 12/2019, trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, Hoa Kỳ còn cho dịch chuyển phòng thí nghiệm y tế - khoa học, từ Ai Cập, nơi phát hiện ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) năm 2012 về căn cứ không quân Sigonella. Ngược lại, căn cứ Niscemi, sườn phía nam của đảo, là trụ sở của Mobile User Objective System (Muos), chuyên trách về viễn thông quân sự vệ tinh do bộ Quốc Phòng Mỹ điều hành và được kết nối với trung tâm tình báo Napoli.
Sicilia cũng là nơi tập trung nhiều tuyến đường cáp biển, điểm trung chuyển đến 99% các tuyến điện thoại và Internet của thế giới. Trong số này có những đường cáp nối Singapore với Pháp, dự án Peace (Pakistan and East Africa Connecting Europe) sẽ do Hoa Vi và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác triển khai, nối liền Pakistan với thành phố Marseille (Pháp), đi qua vùng vịnh Aden, kênh đào Suez và eo biển Sicilia.
Đối với Trung Quốc, cũng như nhiều cường quốc khác, điều cốt yếu không chỉ là gia tăng cường độ kết nối số hóa với phần còn lại thế giới, mà còn là vấn đề quản lý những cơ sở hạ tầng bảo đảm cho sự kết nối đó : Giám sát, và nếu cần thiết, cắt đứt dòng vận chuyển dữ liệu.
Cũng như vùng Biển Đông, Địa Trung Hải giờ cũng xem giống như là một tiểu đại dương. Hai vùng biển này giờ là những điểm trung chuyển bắt buộc trên con đường hàng hải ngắn nhất nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, giữa vùng ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu và Trung Quốc. Khái niệm này hầu như khá quen thuộc đối với các nhà chiến lược tại Bắc Kinh, từ lâu nay phân tích những điểm tương đồng giữa « những vùng biển khép kín, nằm lọt thỏm giữa các khu đất liền ».
Sicilia : Mồi ngon khó bỏ, nhưng « khó nuốt » !
Chính vì tầm mức quan trọng của những yếu tố này mà Tập Cận Bình đã có một chuyến thăm đặc biệt đến thành phố Palermo của Ý, sau khi đã đến dự buổi kết nạp Ý vào dự án Vành đai và Con đường tại Roma năm 2019. Chính phủ Ý và một bộ phận lớn truyền thống Ý vào thời điểm đó nghĩ rằng tham gia vào BRI sẽ giúp nước này có thêm nhiều nguồn lợi kinh tế khi mở rộng đầu tư cho Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như thương mại, viễn thông, không gian, mạng 5G, cơ sở hạ tầng đặc biệt là cảng biển.
Tuy nhiên, nước Ý đã nhanh chóng thất vọng, vì kết quả không như mong đợi : Đầu tư của Trung Quốc ít hơn, thâm hụt mậu dịch… Không những quyền lực mềm của Bắc Kinh tại Ý ngày càng tăng nhờ vào dòng du khách Trung Quốc, mà Roma còn phải hứng lấy đòn trừng phạt từ Mỹ. Hệ quả là nhiều dự án bị đình lại như chương trình hợp tác trong lĩnh vực không gian, dự án đầu tư cảng biển Trieste, thỏa thuận giữa Fastweb với Hoa Vi…
Theo tác giả, chính quyền Roma đã không hiểu được thâm ý của Trung Quốc. Tăng cường hợp tác kinh tế với Ý chưa bao giờ là mục tiêu chính của Bắc Kinh. Trên thực tế, chế độ cộng sản Trung Quốc dồn hết mọi sự quan tâm vào ý nghĩa địa chính trị của việc Ý tham gia BRI và chưa bao giờ từ bỏ ý định của mình đối với những cảng biển tại đảo Sicilia, nhất là khu vực cảng Catania và Augusta, mà Trung Quốc cho rằng có thể phát triển thành một mạng lưới vận chuyển hỗn hợp hàng không – hàng hải. Ý định này đã từng được Bắc Kinh đề cập đến cách nay 10 năm khi đề nghị tài trợ xây dựng cụm cảng hàng không – hàng hải tại Centuripe, chỉ cách căn cứ quân sự Sigonella 40 km.
Cứ như thể cuộc đối đầu địa chính trị giữa Bắc Kinh và New Dehli bị dịch chuyển từ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương sang Đại Trung Hải. Năm 2017, một doanh nghiệp Ấn Độ cũng cho biết muốn xây dựng một cảng hàng không liên lục địa gần Messine. Nhà phân tích địa chính trị này cho rằng, cho dù hai dự án trên (của Trung Quốc và Ấn Độ) giờ đã bị rơi vào quên lãng, sự việc cho thấy rõ những điểm yếu về kho bãi trên bộ của Ý nói chung, và tính thiếu hiệu quả trong việc kết nối nam – bắc tại Ý nói riêng. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc xem các cảng biển Genova và Trieste của Ý như là những điểm trung chuyển tiềm tàng cho dự án Những Con đường Tơ lụa mới.
Giờ đây, Trung Quốc một lần nữa lại chìa tay với chính phủ thủ tướng Mario Draghi. Bắc Kinh chắc chắn sẽ dựa vào mối quan hệ hữu hảo giữa ông Draghi với Đức (đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Trung Quốc), mối liên hệ giữa các dây chuyền sản xuất Đức và Ý và nhất là việc Berlin có một vai trò quyết định trong việc phân bổ quỹ hỗ trợ bất thường của châu Âu cho Roma. Bắc Kinh rất có thể sẽ đòi hỏi sự xác nhận bộ Ngoại Giao và bộ Cách tân Công nghệ và Chuyển giao Kỹ thuật số của Ý về hồ sơ mạng 5G.
Cuối cùng, tác giả cho rằng, đương nhiên, lợi ích của Ý trong việc tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc và dòng du khách Trung Quốc đến Ý là không thay đổi. Nhưng những ràng buộc vì an ninh quốc gia, do những căng thẳng Mỹ - Trung và sự gần gũi của ông Draghi với chính quyền Mỹ, rất có thể sẽ gây hạn chế cho việc thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh trong những lĩnh vực cảng biển và công nghệ, nhất là tại vùng đảo Sicilia chiến lược !
Sicilia : Một đảo chiến lược không nên để rơi vào tay Trung Quốc (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten