zondag 12 september 2021

"Khi ta hai mươi..." : Các bài phóng tác hay nhất của Everly Brothers

 

Khi ta hai mươi : Các bài phóng tác hay nhất của Everly Brothers

Phần âm thanh 09:08
Don (phải) và Phil Everly và ban nhạc The Everly Brothers. Ảnh tháng 7/1964.
Don (phải) và Phil Everly và ban nhạc The Everly Brothers. Ảnh tháng 7/1964. AP - Uncredited

Giai đoạn thành công của ban nhạc The Everly Brothers trùng hợp với thời kỳ phát triển của phong trào nhạc trẻ những năm 1960 tại Pháp. Điều đó giải thích vì sao đã có khá nhiều bài hát ăn khách của ban nhạc này được phóng tác sang tiếng Pháp.

Hai anh em Phil và Don Everly bắt đầu đi hát từ khi họ lên 10. Thành ra khi trình làng những bản ghi âm đầu tiên vào năm 1957, ban song ca người Mỹ này tuy độ tuổi chỉ mới khoảng đôi mươi, thật ra lại có nhiều năm tay nghề. Một trong những bản nhạc ăn khách đầu tiên của họ chính là bài ''All I have to do …. is dream'' (của hai tác giả nhạc country người Mỹ Felice & Boudleaux Bryant) phát hành vào năm 1958. Trong tiếng Việt, bài này được tác giả Trường Kỳ đặt lời thành ''Khi ta hai mươi'', nhạc phẩm này từng ăn khách trước năm 1975 qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan và gần đây hơn đã được ca sĩ Phương Vy ghi âm lại.

 Sau khi giành lấy ngôi vị quán quân trên thị trường quốc tế kể cả Anh, Úc, Canada và Hoa Kỳ, tình khúc ''All I have to do …. is dream'' trở thành bài hát của nhóm The Everly Brothers được phóng tác nhiều nhất. Tính tổng cộng, đã có đến hàng trăm phiên bản trong 10 thứ tiếng khác nhau kể cả tiếng Ý, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Bồ Đào Nha …

Còn trong tiếng Pháp, bản nhạc này có đến ít nhất ba phiên bản khác nhau. Tại Canada, ban nhạc Les Bel Canto ghi âm ca khúc này với tựa đề ''Seul'' (Cô đơn), còn trên thị trường Pháp có phiên bản phóng tác ''Line'' của Eddy Mitchell thời ông là ca sĩ chính của nhóm Les Chausettes Noires, đồng thời vào năm 1963, một trong những thần tượng nhạc trẻ nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Sheila ghi âm một phiên bản tiếng Pháp khác với tựa đề ''Pendant les Vacances'' hiểu theo nghĩa ‘‘Tình yêu trong kỳ nghỉ hè’’.

Richard Anthony và bản nhạc ''Khóc thầm trong mưa"

Một trong những gương mặt tiên phong của phong trào nhạc trẻ Pháp những năm 1960 chính là nam ca sĩ quá cố Richard Anthony (1938-2015). Vào lúc các thần tượng như Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Hervé Vilard hay Chrisophe vẫn còn ngồi ghế nhà trường, ông đã ký hợp đồng ghi âm vào năm 1958, thời ông phóng tác ca khúc ''You are my destiny'' của Paul Anka sang tiếng Pháp. Vào năm 1961, trong lúc đang đi công tác ở Luân Đôn, ông tình cờ nghe được cách hát bè điêu luyện nhuần nhuyễn của nhóm The Everly Brothers trong bản nhạc ''Crying in the Rain'' (Khóc thầm trong mưa).

 Ca khúc này là bản nguyên tác của hai nhạc sĩ Carole King và Howard Greenfield. Khi về tới Paris, Richard Anthony mới chấp bút đặt lời tiếng Pháp thành ''J'irai pleurer sous la pluie'' (Khóc một mình dưới mưa) tình khúc ăn khách mùa hè năm 1962. Đây là một trong những bài hát tủ của nam danh ca. Bản thân ông ghi âm nhiều phiên bản tiếng Pháp cho các vòng lưu diễn trên sân khấu, mở đường cho các bản phóng tác sau này với nhiều lối hoà âm khác nhau.

 Trong đời có ai hiểu thấu

Con tim vỡ đến độ nào

Mặc nhiên ngẩng cao mái đầu

Dù muôn vạn nỗi buồn đau

 Người sẽ chẳng bao giờ thấy

Trái tim mảnh vụn còn đây

Hạt mưa sa vào đôi mắt

Bỗng dưng hóa mặn thật đầy

 Chờ tới khi trời giông bão

Mưa tuôn thác đổ từ cao

Cho bao niềm đau chôn giấu

Thầm theo dòng lệ tuôn trào

Sau khi tạo dấu gạch nối giữa dòng nhạc tình của Paul Anka với dòng nhạc rock của The Beatles (nhạc phẩm ''Put your head on my shoulder'' sẽ có hai phiên bản tiếng Pháp ''Prouve moi que tu m'aimes'' và ''Pose ta tête sur mon épaule'') Richard Anthony chuẩn bị nhường ngôi lại cho các giọng ca trẻ như Christophe (Aline) và Hervé Vilard (Capri c'est fini) vào năm 1965. Dù muốn hay không, ông đã mở đường cho phong trào chuyển thể, phóng tác các ca khúc Anh Mỹ sang tiếng Pháp. Riêng về nhóm The Everly Brothers, có khá nhiều ca khúc của ban song ca đã được giới ca sĩ trẻ ở Pháp ghi âm lại. 

Claude François thành danh nhờ ghi âm bài ''Made to Love''

Đó là trường hợp của bài ''Le p'tit clown de ton cœur'' (1960) của Johnny Hallyday gợi hứng từ nhạc phẩm ''Cathy's Clown'' của Don Everly. Cũng chính giai điệu ''Made to Love'' do Phil Everly sáng tác, một khi được dịch sang tiếng Pháp thành ''Belles Belles Belles'' đã giúp cho sự nghiệp của thần tượng nhạc trẻ Claude François cất cánh bay cao vào năm 1962, để rồi thành công liên tục trong hơn một thập niên liền.

Trong số những ca khúc để đời của nhóm The Everly Brothers, có nhạc phẩm ''Let it be Me'' ghi âm vào năm 1959 theo cách đặt lời tiếng Anh của tác giả Manny Curtis. Trong nguyên tác, đây là một bài hát tiếng Pháp (mang tựa đề ‘‘Je t'appartiens’’) của ca sĩ kiêm tác giả Gilbert Bécaud. Chính phiên bản tiếng Anh của ban song ca The Everly Brothers đã giúp cho tình khúc này trở nên nổi tiếng trên thị trường quốc tế vào đầu những năm 1960. Sau khi ban song ca chia tay nhau vào năm 1973, Phil Everly từng ghi âm lại ca khúc ''Let it be Me'' với một lối hoà âm mới, chất giọng tenor trong sáng của ông với lối phát âm nhẹ nhàng thướt tha, cách vuốt chữ đầy đặn mượt mà, nâng giai điệu hồn nhiên lên hàng kinh điển.   

Khi ta hai mươi : Các bài phóng tác hay nhất của Everly Brothers - Tạp chí âm nhạc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten