zaterdag 4 september 2021

Chopin, những áng thơ trên phím ngà

 

Chopin, những áng thơ trên phím ngà

Phần âm thanh 09:27
Ảnh minh họa: Chopin, và những giai điệu "cánh bướm đồng xanh", trong bản Etude số 9 (op.25).
Ảnh minh họa: Chopin, và những giai điệu "cánh bướm đồng xanh", trong bản Etude số 9 (op.25). © Wikipedia

Trái ngược với những etude các thời kỳ trước, bản nhạc chỉ tập trung  phát triển, rèn luyện kỹ thuật chơi đàn, thì etude ở giai đoạn âm nhạc lãng mạn như của Chopin hay Liszt là những tác phẩm nghệ thuật, được cô đọng từ nhiều cảm xúc khác nhau. Ấy là những áng thơ rạng rỡ, những hình ảnh như mơ, như thật, để lặng ngắm, để giữ chúng cho riêng mình.


Mười hai bản Etude , tập Op.25 mà Chopin đề tặng nàng Marie d’Agoult, người vợ sắp cưới của ông, một lần nữa minh chứng cho tài năng viết thơ bằng nhạc của nhạc sỹ xuất chúng đất Ba Lan.

Mở đầu tập này, bản Etude số 1 (op.25) « Dòng suối » hay còn gọi là « Etude của đàn harpe » với vô số dải hòa âm mờ ảo. Ở đây Chopin muốn ưu tiên kỹ thuật chơi hợp âm rải song song với giai điệu khá bay bổng ở phần tay phải. Theo như Schumann, nhà soạn nhạc lãng mạn người Đức, thì khi bản nhạc kết thúc, ta có cảm giác như vừa thấy điều gì đó nửa hư nửa thực, thoắt chạy trốn mất mà ta không kịp bắt lấy nó.  

Niềm an ủi và những nốt nhạc lỗi

Được mệnh danh « Niềm an ủi », bản số 2 giọng fa thứ (Op.25) mà Schumann gọi nó là  « bài hát của một đứa trẻ đang mơ ngủ ». Dưới nét lướt bồng bềnh của tiết tấu chùm ba, những nốt nhạc dịu nhẹ tựa theo đó mà trôi vào giấc nồng của bé. Cũng như những Etudes khác của Chopin, bản này là một trong nhiều lựa chọn thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc. Bởi đó là sự hợp nhất hoàn hảo giữa yếu tố nghệ thuật và thử thách kỹ thuật.

Lúc sinh thời, Chopin không bao giờ có ý định gọi tên hình tượng âm nhạc cụ thể cho từng đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên mỗi giọt âm thanh, mỗi ý nhạc của ông luôn khiến người nghe có cảm giác như xem một bức họa , đọc một áng thơ, liên hệ một hình ảnh nghệ thuật nào đó. Nói cách khác, ông có một tiếng đàn rất riêng, một thứ ngôn ngữ cô đọng từ trái tim khát khao yêu thương và một tâm hồn thanh tao mang tên Chopin.

Etude số 5 (Op.25) đôi khi còn được gọi là « Nốt nhạc lỗi », là bởi hòa thanh của étude này có rất nhiều âm nghịch tai được đưa vào một cách cố ý. Tác phẩm có hai phần tương phản : phần thứ nhất với tiết tấu hoạt bát, có nhiều nốt chõi, đưa người nghe về với ký ức tuổi thơ, là nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ đang nô đùa. Phần thứ hai, giai điệu thơ mộng (ở tay trái) trên nét chạy rộng dài (ở tay phải), là cánh đồng đầy gió, là chân trời xa vợi, chất chứa bao ước mơ thơ trẻ sáng trong.

« Đôi khi mỏng manh tựa làn khói, khi thì rung động hạnh phúc, khi lại tinh khiết như pha lê, không thì ồn ào bận rộn ». Tất cả được gói ghém trong bản Etude số 6 (Op.25) giọng son thăng thứ, còn gọi là Etude « Quãng ba ». Trong suốt toàn bộ tác phẩm, tay trái chạy quãng ba khi thì ở gam bán cung (gamme chromatique) khi lại ở gam nguyên cung (gamme diatonique). Cái khó ở đây là làm sao để không bị lẫn lộn giữa hai kiểu gam và việc sử dụng ngón tay thế nào cho phù hợp với từng gam. Trong khi đó, tay trái ngân nga giai điệu đồng quê : một điệu nhảy ngẫu hứng trên thảo nguyên ắt chăng sẽ buông đi những gánh nặng , lo âu thường nhật ? 

Những cánh bướm đồng xanh

Một điểm lặng giữa ốc đảo étude thơ Chopin, bài số 7 (op.25) vang lên như một bản nocturne chậm rãi, u tối. Nỗi hoài niệm về cố hương với những đối âm xót xa và lời muộn phiền tuôn ra từ những ngón tay trên phím ngà. Bản nhạc này, đôi khi được người ta gọi tên là « Trên đàn cello », do bởi giai điệu mang tính tự sự viết trên các nốt trầm. Một số nhạc sỹ sau này đã chuyển soạn nó thành tác phẩm song tấu cho đàn cello và piano. Mặc dù mang hơi thở nocturne nhưng bản thân vẫn giữ chức năng của một étude, cho phép người nghệ sỹ rèn luyện kỹ thuật chơi nhạc phức điệu, đối âm xen kẽ với vài tính năng điêu luyện khác.

« Cánh bướm » là tên gọi của Etude số 9 (op.25), một bản nhạc nhanh và nhẹ nhàng được yêu chuộng nhất. Độ khó về kỹ thuật của bài này nằm ẩn sau tiết nhịp 2 /4, trong đó tay phải chơi hợp âm không ngừng nghỉ, xen kẽ với quãng tám, lúc phải đánh nhấn, liền tiếng(légato), lúc thì nảy ngón tay (staccato). Thế nên, để chinh phục bản này, người chơi phải rèn luyện sư mềm mại và dẻo dai đặc biệt ở phần cổ tay để đạt tới ngưỡng mà khi âm thanh thoát ra, nghe tựa hồ như những cánh bướm mỏng manh dập dờn, đậu rồi lại bay giữa đồng cỏ xanh. Một điều thú vị nữa mà không phải ai cũng biết, không hiểu do vô tình hay cố ý mà motif âm nhạc « Cánh bướm » của Chopin dường như cùng nguồn cảm hứng với  bản Sonate giọng son trưởng, chương 3, opus 79 của nhà soạn nhạc Beethoven.

Chopin chưa bao giờ có ý nghĩ về một tác phẩm thơ văn khi đặt bút sáng tác. Tuy nhiên, mỗi nốt nhac, mỗi câu đàn vang lên là bài thơ rất đẹp. Dù có buồn bã hay hạnh phúc, dù là nước mắt hay tiếng cười, những trang thơ đó cứ theo hoài nhân thế, để rồi vỗ về , để mà thủ thỉ như một người bạn đường của chúng ta trên quãng đời này.

Chopin, những áng thơ trên phím ngà - Tạp chí âm nhạc (rfi.fr)

Chopin, Giọt Mưa và Tiếng Thu

Phần âm thanh 10:42
Mùa lá rụng.
Mùa lá rụng. RFI Tiếng Việt

Thiên nhiên cứ đeo đẵng hoài dòng thời gian vô định. Ấy là khi cỏ cây bắt đầu tự trang điểm lên mình những gam màu dịu dàng và bàng bạc. Vài hàng dương liễu trở nên ủ rũ hơn vì nhạt nắng. Và lúc này đây, ta đang nghe tiếng thu, rồi chợt nhớ từng giọt mưa thầm lặng vọng về từ bản prélude số 15, opus 28 của Frédéric Chopin.


Bản nhạc rất hợp với thời khắc này, minh họa tuyệt vời cho ranh giới thu mong manh, giữa niềm vui của mùa hè rực rỡ và hơi thở u sầu của ngày đông giá lạnh.

Khúc dạo đầu (còn gọi là prélude) số 15 mang tên « Giọt Mưa » là một trong những cảm xúc nằm trong tập 24 prélude của nhà soạn nhạc người Ba Lan, Frédéric Chopin. Hai mươi bốn bản, đôi khi rất ngắn gọn, họa nên những mảnh vỡ của bóng tối và những không gian ngập tràn ánh sáng trong thế giới nội tâm của ông. Đó là thứ âm nhạc nhẹ nhàng, đam mê nhưng bấp bênh, dễ vỡ, giống như cánh chim chao lượn trên bờ vực sâu thăm thẳm.

Khúc dạo đầu « Giọt mưa » nói với chúng ta điều như vậy. Âm nhạc bắt đầu bằng đường giai điệu ngọt ngào, vỗ về nhưng lẩn quất đâu đó một sự bất động chưa thể gọi tên. Nốt la giáng trì tục, được nhắc lại liên hồi ở bè tay trái tụ dần thành từng đám mây đen, dai dẳng đầy lo ngại. Sự bất động nay đã thành hình hài, với cường độ ngày càng lớn, hóa nên trận giông bão ngút trời. Ở đây Chopin đã dùng hợp âm dày và mạnh, tiết tấu đều đặn, kiên trì với nốt la giáng, lặp đi lặp lại như muốn đưa người nghe tới tận cùng bờ vực sâu kia.

Nhưng rồi, khoảng lặng đã quay trở lại. Âm nhạc xuất hiện nét giai điệu ban đầu. Đây đó le lói những tia nắng còn rụt rè. Những giọt mưa cuối cùng làm nốt nhiệm vụ mà tạo hóa giao cho, rồi gieo mình thanh thản vào đất mẹ. Nốt la giáng trì tục vẫn còn đó, nhưng giờ đây sao trở nên dịu dàng và bình yên đến vậy.

Mùa lá vàng.
Mùa lá vàng. RFI Tiếng Việt.

Frédéric Chopin đã trải qua khoảng thời gian khá dài và hạnh phúc bên người bạn đời George Sand, nữ văn sĩ người Pháp, tại Majorque (quần đảo Baléares , Tây Ban Nha). Nơi đây, Chopin đã cho ra đời khá nhiều bản prélude mà theo các nhà nghiên cứu, khúc dạo đầu mang tên « Giọt mưa » nằm trong số đó.

Trong « Câu chuyện của đời tôi », George Sand viết : « Chính nơi đây (Valldemossa, Majorque), anh ấy đã sáng tác những khúc nhạc ngắn tuyệt đẹp nhất với tựa đề rất khiêm tốn mang tên những khúc dạo đầu.

Đó là một đêm mưa não nề, anh ấy uể oải đếm từng giọt nước nặng nề rơi không dứt xuống mái hiên, nó có tác động kinh khủng vào tâm hồn của anh. Chúng tôi đã để anh ở nhà một mình trong tâm trạng không tốt. Hôm đó, tôi và Maurice đi Palma để mua vài nhu yếu phẩm cần thiết. Cơn mưa đổ về, trào dâng như thác ; chúng tôi phải vật lộn tới sáu giờ đồng hồ để trở về từ tâm lũ, và tới nhà lúc nửa đêm (…) Anh ngồi đó, gần như đóng băng, tuyệt vọng trong tĩnh lặng, lúc ấy anh đang chơi bản prélude của mình trong nước mắt (…).

Trong cơn bão giông hôm đó, lúc chờ đợi vợ con trở về, Chopin đã hồi tưởng những hiểm nguy đang xảy ra với họ. George Sand viết : « Anh ấy nói với tôi rằng, anh đã nhìn thấy điều đó trong mơ, đến độ không phân biệt được giấc mơ và thực tại nữa. Chopin bắt đầu ngồi vào đàn, tưởng như chính mình cũng đã chết. Anh thấy mình đang bị dòng nước cuốn đi nuốt chửng ; những giọt nước nặng nề, băng giá rơi xuống lồng ngực. Và khi, tôi chỉ cho anh nghe thấy âm thanh của những giọt mưa đang rơi trên mái, Chopin phủ nhận là đã nghe thấy chúng (…) Bản nhạc của anh đêm ấy, đúng là đầy ắp những giọt mưa, vọng xuống từ mái hiên nhà, ngấm sâu vào trí tưởng tượng, vào tiếng đàn của anh qua những giọt nước mắt rơi từ trên trời xuống trái tim ».

Câu chuyện của George Sand thật thơ và thật xúc động. Nhưng tiếc thay, bà đã không nói chính xác đó là bản prélude nào. Vì trong số 24 prélude của Chopin, có nhiều bản cùng mang hình tượng « Giọt mưa » như bản prélude số 6, số 8, số 15 hay xa hơn là số 17, số 19.

Vậy nên, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã mở ra các cuộc khảo cứu. Một trong số chuyên gia về Chopin, Jean-Jacque Eigeldinger, đã viết một bản nghiên cứu khá dài về chủ đề này. Ông bắt đầu bằng việc đối chiếu mốc thời gian ra đời của những bản prélude kể trên với thời điểm xảy ra cơn bão ở Valldemossa, cũng như thời điểm chiếc đàn dương cầm của Chopin được chuyển đến Majorque.

Sau khi chiếu rọi nhiều góc độ và phân tích đầy đủ các tiêu chí, ông khẳng định bản prélude số 15 chính là « Giọt mưa », đặc biệt không thể lẫn vào đâu được bởi sự lặp lại đầy ám ảnh của nốt la giáng (có lúc là son thăng) từ đầu cho đến cuối tác phẩm.

Một không gian ảm đạm, một tâm trạng u sầu, một tiếng đàn xa xôi như giọt mưa thu, thánh thót bên khung cửa, là tiếng chim hót dưới tán lá vàng ẩm ướt, là những cánh hồng phai rơi nhẹ trên lối. Tất cả đủ để vẽ nên hình hài của nàng thu đa cảm và quyến rũ. Nàng ý nhị và sâu kín tựa khúc dạo đầu « Giọt mưa » của Chopin vậy. Cả hai như đã tìm thấy tri âm. « Giọt mưa » và mùa thu đã thực sự làm mê say, tan chảy trái tim con người.

Chopin, Giọt Mưa và Tiếng Thu - Tạp chí âm nhạc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten