donderdag 2 september 2021

Các dự án « thực dân » của Trung Quốc bị tấn công ở Pakistan

 

Các dự án « thực dân » của Trung Quốc bị tấn công ở Pakistan

Làng chài ở Gwadar, Pakistan sẽ bị xóa sổ để xây một cảng nước sâu quy mô, giúp hàng Trung Quốc xuất sang Trung Đông và các nước khác nhanh chóng hơn. Ảnh tư liệu chụp ngày 20/03/2007.
Làng chài ở Gwadar, Pakistan sẽ bị xóa sổ để xây một cảng nước sâu quy mô, giúp hàng Trung Quốc xuất sang Trung Đông và các nước khác nhanh chóng hơn. Ảnh tư liệu chụp ngày 20/03/2007. ASSOCIATED PRESS - Shakil Adil

Le Monde cho biết « Đầu tư của Trung Quốc là mục tiêu bị tấn công ở Pakistan ». Khủng bố, mưu sát…bạo lực nhắm vào người Trung Quốc tăng lên tại quốc gia mà Bắc Kinh đang xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Dự án này nối Tân Cương với biển Ả Rập, trong khuôn khổ « Con đường tơ lụa mới ».

Mặc cho những tuyên bố ca ngợi tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa hai nước, vấn đề an ninh ở Pakistan là thách thức thực sự cho Bắc Kinh, trong bối cảnh vụ khủng bố ở phi trường Kabul gây lo lắng cho toàn khu vực.

Liên tục xảy ra những vụ tấn công vào người Trung Quốc

Vụ mới nhất nhắm vào người Trung Quốc xảy ra hôm 20/08 ở Gwadar, thuộc tỉnh Baloutchistan, nơi Bắc Kinh cho xây một cảng nước sâu khổng lồ. Đoàn xe ba chiếc chở công nhân Trung Quốc phụ trách xây xa lộ East-Bay - con đường chính vào cảng - trở về khu nhà nghỉ thì bị tấn công tự sát. Hai trẻ em chơi gần đó thiệt mạng, một người Trung Quốc bị thương. Quân giải phóng Baloutchistan, tổ chức đấu tranh đòi độc lập cho vùng này, lên tiếng nhận trách nhiệm.

Đây không phải là lần đầu tiên. Gwadar, trung tâm của một mạng xa lộ, đường xe lửa và ống dẫn dầu trong tương lai, có khách sạn sang trọng nơi các đoàn khách Trung Quốc cư trú, cũng đã bị tấn công năm 2019. Vụ đẫm máu nhất xảy ra tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa hôm 14/07 : một chiếc xe gài chất nổ lao vào hai chiếc xe buýt chở công nhân Trung Quốc ở công trường thủy điện Dassu, làm một chiếc rơi xuống khe núi, khiến 12 người chết, trong đó có 9 người Trung Quốc.

Ban đầu Pakistan nói rằng do xe bị trục trặc, nhưng Bắc Kinh đã đưa các điều tra viên đến tại chỗ. Rốt cuộc đến 12/08, Islamabad nhìn nhận thủ phạm là Taliban ở Pakistan, và « các lực lượng cay cú với đầu tư Trung Quốc vào Pakistan », ý nói tình báo Ấn Độ và Afghanistan. Chính phủ cũ của Afghanistan thường xuyên bị Islamabad cáo buộc chứa chấp phe ly khai Baloutchistan và Taliban Pakistan. Vụ tấn công Dassu khiến công trường thủy điện phải ngưng lại, với lý do chính thức là vì Covid.

Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, ghi nhận có ít nhất 23 công dân Trung Quốc bị sát hại tại Pakistan, trong đó phân nửa từ 2017, chưa kể số người bị thương. Một số vụ tấn công khác, như vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi tháng 11/2018, vào thị trường chứng khoán Karachi tháng 6/2020 (Trung Quốc mua 40% cổ phần), cũng không được tính đến. Năm 2015, Bắc Kinh buộc Pakistan phải triển khai 15.000 nhân viên bảo vệ cho các công trường CPEC, và đến 2019 số lượng này tăng gấp đôi. Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Nông Dung (Nong Rong), từng là mục tiêu trong vụ phe Taliban Pakistan đánh vào khách sạn ở Quetta hồi tháng Tư, đòi Islamabad không để tái diễn.

Ngư dân Pakistan có nguy cơ mất kế sinh nhai vì Trung Quốc

Các vụ tấn công vào người Trung Quốc do Quân giải phóng Baloutchistan thực hiện trong bối cảnh lòng thù hận với Bắc Kinh tăng lên tại vùng đất rộng lớn nhưng thưa dân, các dự án không mang lại lợi ích gì cho dân địa phương nghèo khó. Phong trào độc lập này coi hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là công trình của thực dân Bắc Kinh nhằm bóc lột tài nguyên. Đặc biệt, công trường Gwadar gây phẫn nộ cho ngư dân, họ tố cáo chính quyền hủy hoại phương tiện mưu sinh. Việc xây dựng xa lộ East-Bay khiến ngư dân không vào được ngư trường. Ngoài ra kế hoạch còn dự kiến san bằng thành phố cũ, di dời 60.000 dân vào sâu 10 kilomet trong sa mạc.

Năm 2017, Ủy ban Nhân quyền Pakistan đã từng kêu gọi thủ tướng lúc đó là Nawar Sharif bảo vệ lợi ích của ngư dân ở Gwadar, nơi 70% dân chúng sống nhờ nghề cá. Chẳng những họ không được lắng nghe, mà chính quyền liên bang năm 2020 còn cho phép các tàu đánh cá Trung Quốc được khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Pakistan, ngoài khơi Sind và Baloutchistan.

Quyết định này làm dấy lên phong trào phản kháng mạnh mẽ. Từ hai tháng qua, ngư dân liên tục biểu tình chống các tàu Trung Quốc tận diệt nguồn lợi hải sản ngoài khơi, nơi những chiếc tàu nhỏ của Gwadar hay Karachi không đến được. Để yên chuyện, chính quyền vào tháng Bảy đã ngăn chận năm tàu Trung Quốc. Pakistan Fisherfolk Forum, một hiệp hội bảo vệ ngư dân, ước tính trữ lượng cá ở vùng duyên hải đã giảm mất hơn 72% chỉ trong vòng một năm.

Nhật Bản đổi thái độ, công khai ủng hộ Đài Loan

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nhận xét « Tokyo công khai ủng hộ Đài Loan, gây tức tối cho Bắc Kinh ». Xưa nay Nhật Bản vẫn thận trọng giữ khoảng cách với Đài Loan để tránh chọc giận Trung Quốc, người láng giềng khổng lồ và là đối tác kinh tế. Nhưng từ vài tháng qua, Tokyo đã đổi giọng.

Cuối tháng Sáu, thứ trưởng quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama tại một diễn đàn ở Hoa Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế « bảo vệ Đài Loan với tư cách một quốc gia dân chủ », và « tỉnh thức » trước áp lực của Bắc Kinh lên đảo quốc. Đầu tháng Bảy, đến lượt Taro Aso, nhân vật số hai trong chính phủ Nhật, khẳng định Nhật Bản sẽ tham gia cùng với Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lăng hòn đảo.

Tiếp theo, Nhật bày tỏ tình tương thân tương ái bằng việc tăng tốc giao vac-xin chống Covid cho Đài Bắc. Và tuần trước, các viên chức của hai đảng cầm quyền lần đầu tiên tổ chức đối thoại về an ninh khu vực, nêu ra khả năng hợp tác quân sự. Giáo sư Antoine Roth, Tokohu University giải thích : « Nhật có cảm giác mối đe dọa lên Đài Loan từ Trung Quốc hiện đang rất cao ».

Nguy cơ an ninh cho Nhật nếu Đài Loan bị Trung Quốc chiếm

Không chỉ o ép về kinh tế, Bắc Kinh gần đây còn liên tục tập trận quy mô, giả định việc đổ bộ lên Đài Loan, khiến Tokyo bàng hoàng. Cũng theo ông Roth, « Nhật Bản thấy đây là nguy cơ vô cùng lớn cho an ninh quốc gia, như vậy không chỉ đơn thuần là phản ứng dưới sức ép của Mỹ trong hồ sơ này ».

Tokyo nhận định việc Trung Quốc chiếm được Đài Loan sẽ làm đảo lộn cân bằng khu vực. Các nhà chiến lược Nhật nghi ngờ Bắc Kinh sau đó có thể tấn công quần đảo Okinawa của Nhật Bản, chỉ cách Đài Loan khoảng 100 km. Trung Quốc cũng sẽ kiểm soát được nhiều trục đường hàng hải quan trọng đối với những tàu chở nguyên liệu cho Nhật, và các cáp quang viễn thông chiến lược đặt ngầm dưới biển. Antoine Roth nhấn mạnh, phe thân Đài Loan chủ yếu là các dân biểu bảo thủ trẻ tuổi ngày càng mạnh mẽ, trong khi phía chủ trương thân Trung Quốc đang yếu đi.

Tất nhiên Bắc Kinh tức tối đòi Tokyo và Washington « không xen vào chuyện nội bộ ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Dương « nghiêm túc kêu gọi Nhật Bản không gởi các tín hiệu sai trái cho các lực lượng đòi Đài Loan độc lập ». Trong một bài xã luận ít tính ngoại giao hơn, Hoàn cầu Thời Báo viết rằng Nhật Bản « tự đào mồ chôn mình » nếu can thiệp quân sự vào hồ sơ Đài Loan.

Kim Jong Un, bị cáo vô hình trước tòa án Nhật

Trên lãnh vực pháp luật, thông tín viên Le Monde tại Tokyo cho biết « Tư pháp Nhật Bản triệu tập Kim Jong Un », do năm trong số 93.000 người đã sang Bắc Triều Tiên từ 1959 đến 1984 khởi kiện Bình Nhưỡng lừa đảo.

Theo lệnh triệu tập được dán trước tòa án Tokyo, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên được yêu cầu có mặt vào lúc 10 giờ ngày 14/10 tại phòng xử 103. Năm nguyên đơn gồm bốn nữ và một nam nộp đơn kiện vì đã tin vào tuyên truyền của Bắc Triều Tiên lúc đó, hứa hẹn một « thiên đường hạ giới », « tất cả đều được cung cấp, kể cả nhà ở, học hành, thực phẩm, quần áo ». Hơn 90.000 người gốc Triều Tiên và người Nhật được tàu Liên Xô đưa sang Bắc Triều Tiên nhanh chóng thất vọng, nhưng Bình Nhưỡng không cho họ quay về, nhiều người bị nhốt vào các trại cải tạo. Vài ngàn người đã trốn thoát được, trong đó có năm người trên, các nguyên đơn này đòi bồi thường 500 triệu yen (3,8 triệu euro).

Taliban từng muốn đầu hàng nhưng Mỹ từ chối đối thoại

Chủ đề Afghanistan vẫn còn nóng trên báo chí Pháp với các bài phân tích, phóng sự. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Lakhdar Brahimi, cựu đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Afghanistan (từ 1997 đến 1999) tỏ ý tiếc là vẫn có cơ hội hòa bình, nhưng Mỹ không muốn đối thoại với Taliban.

Theo ông Brahimi, việc rút khỏi Afghanistan sau 20 năm hiện diện không phải là thất bại quân sự của Mỹ, vì chính Hoa Kỳ muốn ra đi, không như trường hợp Liên Xô năm 1989 hay Anh Quốc thế kỷ 19. Người Mỹ đã muốn như thế từ khi trừ khử được Ben Laden, nhưng sau đó không có cơ hội thuận tiện. Nói đúng hơn, thay vì thất bại của Mỹ, đó là thành công về chiến thuật của Taliban. Mọi người cho rằng phe này sẽ tấn công ở miền nam, nơi họ có được cảm tình, nhưng Taliban lại bắt đầu ở miền bắc, gây bất ngờ. Có khả năng chiến thuật này được Pakistan « mớm » cho, nhưng cũng có thể từ chính Taliban.

Lẽ ra đã có một lối thoát khác, nhưng sau khi chế độ Taliban sụp đổ năm 2001, Washington luôn từ chối đối thoại với phe này. Đối với bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (thời George W.Bush), một Taliban tốt là một Taliban trong tù hay đã chết. Năm 2002, Taliban đã gởi thư cho Hamid Karzai, người đứng đầu chính phủ lâm thời lúc đó để thương lượng, nhưng các tướng lãnh Mỹ nói rằng không nên trả lời, chỉ mất thời gian vô ích. Cựu ngoại trưởng Taliban Wakil Mutawwakkil thương thảo việc đầu hàng với Mỹ, được bảo chờ hai tháng, rốt cuộc đến hai năm.

Lakhdar Brahimi cho rằng, với Afghanistan, trước hết phải gầy dựng một Nhà nước pháp quyền qua ba cột trụ : nhà tù, cảnh sát, tòa án. Không thể chống tham nhũng nếu không có một bộ máy tư pháp lành mạnh. Nếu thẩm phán hay cảnh sát tham nhũng, làm thế nào Nhà nước được dân chúng chấp nhận ? Thế nhưng trong suốt 20 năm, mục tiêu này ít được quan tâm.

Kabul, phút nói thật của châu Âu

Về quan hệ giữa Hoa Kỳ với châu Âu, tác giả Sylvie Kauffmann trong bài « Kabul, phút nói thật của châu Âu » trên Le Monde đặt câu hỏi việc Liên Hiệp Châu Âu tái lập hạn chế nhập cảnh công dân Mỹ có phải là tình cờ, hay đó là « cú đá hậu của con lừa », sau vụ rút lui thảm hại ở Kabul ? Afghanistan đánh dấu tuần trăng mật giữa chính quyền Biden và các đồng minh bên kia Đại Tây Dương đã khép lại. Paris có thái độ kềm chế, trong khi hai đồng minh thân cận nhất là Đức và Anh đã phản ứng dữ dội, và trễ tràng, trước hành động đơn phương của Washington.

Đức, vốn có khoảng 1.000 quân nhân tại Afghanistan hồi đầu năm, cảm thấy sốc khi kết thúc 20 năm hoạt động trong những điều kiện tệ hại như vậy, không thể di tản các cộng sự viên địa phương, cũng như nhân viên nhiều tổ chức phi chính phủ của Đức. Luân Đôn càng giận dữ vì « quan hệ đặc biệt » với Washington trở thành ảo tưởng, trong bối cảnh đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Còn Pháp đã từng nếm trải đắng cay năm 2013, khi Barack Obama vào phút chót đổi ý không muốn tấn công, sau khi chế độ Assad dùng vũ khí hóa học giết dân, vượt qua lằn ranh đỏ.

Giáo sư Stephen Walt của đại học Harvard nhận xét, động cơ sâu xa của Hoa Kỳ luôn là cân bằng quyền lực. Vì vậy mà châu Âu rất quan trọng trong thời chiến tranh lạnh với Liên Xô, còn nay cường quốc mà Mỹ phải đối đầu ở nơi khác, nên châu Âu không còn là ưu tiên của Washington.

Phiên tòa lịch sử về các vụ « khủng bố Paris ngày 13 tháng 11 »

La Croix nói về hậu trường của phiên tòa xử các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 đã làm chấn động toàn nước Pháp, một phiên tòa vô tiền khoáng hậu kéo dài 9 tháng, sẽ bắt đầu vào thứ Tư 08/09 trước tòa đại hình đặc biệt Paris.

Có 14 bị cáo sẽ bị xét xử trong các vụ khủng bố đã làm 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương ở Paris và Saint-Denis. Tranh luận sẽ diễn ra trong phòng xử rộng đến 750 mét vuông, đặc biệt xây lên cho dịp này tại khu vực tòa án cũ ở khu Cité, trung tâm Paris. Chưa bao giờ nước Pháp có một phòng xử lớn như thế, vừa hiện đại vừa hữu dụng, để 550 người có thể tham gia cùng lúc. Song song đó, có 10 phòng khác để theo dõi diễn biến phiên tòa trên màn hình.

Hiện chưa thể biết có bao nhiêu nạn nhân sẽ tham dự. Có người không đến, người chỉ hiện diện vào một số thời điểm quan trọng, và cũng có những người muốn dự từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, một luật sư cho biết có cơ quan đã từ chối cho thân chủ vắng mặt suốt tám tháng, cho dù nghỉ không lương.

« Thành La Mã không được dựng lên trong một ngày »…

Đã vào mùa tựu trường, trang nhất các báo Pháp xoay quanh vấn đề học hành trong mùa dịch và chuyến đi Marseille ba ngày của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Libération chạy tựa « Mùa tựu trường, những câu hỏi lớn », La Croix nói về các giáo viên hợp đồng. « An ninh, trường học…tại Marseille, Macron khởi động chiến dịch » là tựa chính của Le Figaro, trong khi Le Monde nhấn mạnh đến « Một kế hoạch toàn diện cho những vấn đề của Marseille ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Giá thực phẩm đang bị lạm phát đe dọa ».

Le Monde nhận thấy chính phủ muốn có một giải pháp toàn diện cho tình trạng mất an ninh, buôn lậu ma túy, còn chính quyền thành phố Marseille chờ đợi Nhà nước tài trợ lớn để tu bổ các trường học, trong đó đến 1/3 phải được đại tu. Gần đến kỳ bầu cử tổng thống, ông Macron hứa sẽ biến Marseille thành « thủ phủ của Địa Trung Hải ».

Ngạc nhiên thứ nhất là mới năm ngoái không khí vẫn căng thẳng, địa phương cáo buộc trung ương áp đặt các quy định dịch tễ cho thành phố lớn thứ nhì nước Pháp. Nhưng nay giáo sư gây tranh cãi Didier Raoult đã về hưu, thị trưởng Benoît Payan muốn hòa giải. Ngạc nhiên thứ hai là tầm cỡ của kế hoạch sẽ tốn kém nhiều tỉ euro : Emmanuel Macron đến với bảy bộ trưởng, để bàn bạc từ giáo dục đến giao thông…

Việc tổng thống sẽ lưu lại ba ngày cũng là sự kiện chưa từng thấy, nhưng theo La Croix, Nhà nước không thể làm mọi thứ, nếu không có sự thức tỉnh của người dân. Tương tự, Le Figaro cho rằng nếu thành La Mã không được dựng lên trong một ngày, thì Marseille cũng không thể được tái thiết chỉ trong ba ngày.

Các dự án « thực dân » của Trung Quốc bị tấn công ở Pakistan (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten