donderdag 9 september 2021

Biển Đông: Chiến hạm Mỹ thách thức luật mới của Trung Quốc, ở khu vực 12 hải lý bên trong Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa

 

Biển Đông: Chiến hạm Mỹ thách thức luật mới của Trung Quốc

Ảnh tư liệu: Khu trục hạm Mỹ USS Benfold từng ghé cảng Thanh Đảo (Trung Quốc), ngày 08/08/2016.
Ảnh tư liệu: Khu trục hạm Mỹ USS Benfold từng ghé cảng Thanh Đảo (Trung Quốc), ngày 08/08/2016. Reuters

Hải quân Hoa Kỳ hôm nay 08/09/2021 ra thông cáo cho biết khu trục hạm USS Benfold đã tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, bác bỏ cáo buộc « sai trái » của Bắc Kinh là tàu Mỹ « vi phạm chủ quyền » Trung Quốc. Đây là hành động thách thức đầu tiên của Mỹ, sau khi Bắc Kinh ra luật đòi kiểm soát tất cả tàu nước ngoài đi vào « lãnh hải » của mình.

Đại úy Mark Langford, thuộc Đệ thất Hạm đội, tuyên bố, Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động thường lệ ở khu vực 12 hải lý bên trong Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, theo luật pháp quốc tế đã quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).  

Trước đó phát ngôn viên Quân khu Miền Nam Trung Quốc, cáo buộc khu trục hạm USS Benford của Mỹ đã « vi phạm trầm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, thêm một bằng chứng của bá quyền và quân sự hóa Biển Đông ». Ông gọi Hoa Kỳ là « kẻ hủy diệt lớn nhất đối với hòa bình và ổn định » khu vực, cho biết không quân Trung Quốc đã theo dõi, giám sát và đưa ra cảnh báo cho chiến hạm Mỹ.

Ngược lại, phía Mỹ khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Đây là cuộc chạm trán đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh đơn phương đặt ra « Luật an toàn hàng hải », có hiệu lực kể từ ngày 01/09, đòi hỏi 5 loại tàu nước ngoài phải khai báo danh tính, địa điểm, hàng hóa đang chở…khi đi vào « vùng lãnh hải » Trung Quốc. Vấn đề là khái niệm « vùng lãnh hải » của Trung Quốc rất rộng, bao gồm đất liền, các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan, Điếu Ngư, Hoàng Sa, Trường Sa… nghĩa là gần như toàn bộ khu vực Biển Đông trong bản đồ « đường lưỡi bò » tự vẽ.

South China Morning Post cho rằng đòi hỏi này khó thể được các quốc gia tranh chấp tuân theo, vì như vậy có thể bị coi như mặc nhiên chấp nhận « chủ quyền » Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210908-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-chi%E1%BA%BFn-h%E1%BA%A1m-m%E1%BB%B9-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-lu%E1%BA%ADt-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

Geen opmerkingen:

Een reactie posten