dinsdag 10 augustus 2021

Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ + Trung Quốc tập trận với Nga để khẳng định tư thế ngang hàng với Mỹ

 

Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ

Ảnh minh họa : tập trận Nga - Trung ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 19/09/2016.
Ảnh minh họa : tập trận Nga - Trung ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 19/09/2016. REUTERS/Stringer

Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày kể từ ngày mai 09/08/2021 tại một căn cứ huấn luyện chiến thuật ở khu tự trị Ninh Hạ miền tây bắc Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách đối phó với Mỹ.

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Trong khi bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh, nội dung rèn luyện cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công điện tử và thông tin, cũng như các tập dượt tấn công chung khác. 

Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là vào cuối tháng Tám này, khu vực Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc cũng là nơi tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại Hội Thể Thao Quân Đội Quốc Tế do Nga chủ xướng. Quân Đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.

Vào tháng Chín tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

Được đặt tên là “Sứ mệnh hòa bình-2021”, cuộc điễn tập của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg phía tây nam nước Nga.

Theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh Tế Cao Cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Matxcơva, các cuộc tập trận kể trên sẽ diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Matxcơva cùng giảm quy mô các hoạt động quân sự chung vì đại dịch. Thế nhưng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái, một cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019.

Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ (rfi.fr)

Trung Quốc tập trận với Nga để khẳng định tư thế ngang hàng với Mỹ

Phần âm thanh 10:49
Cuộc tập trận "Vostok 2018" của Nga tại đông Siberia và Viễn Đông.
Cuộc tập trận "Vostok 2018" của Nga tại đông Siberia và Viễn Đông. Captura de vídeo

Tạp chí Thế giới Đó Đây tuần này xin điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 9 : Nga và Trung Quốc rầm rộ tập trận với quy mô lớn ; thượng đỉnh Liên Triều lần 3, Kim Jong Un tìm cách lách lệnh trừng phạt ; tòa án hình sự Quốc tế mở điều tra về tội diệt chủng ở Miến Điện và sau cùng Donald Trump nổi dóa vì cuốn « Nỗi sợ - Donald Trump ở Nhà Trắng » của Bob Woodward.


Ngày thứ Ba, 11/09/2018, nước Nga của tổng thống Vladimir Putin khai mở một cuộc tập trận mang tên « Vostok - 2018 », với quy mô lớn nhất từ bốn thập niên nay. Quân đội Nga đã triển khai một lực lượng hùng hậu với đủ mọi phương tiện ở vùng đông Siberia và Viễn Đông. Một cuộc biểu dương lực lượng với tầm mức chưa từng thấy. Tổng cộng Nga đã huy động gần 300 ngàn binh sĩ, hơn 1000 chiến đấu cơ, trực thăng và thiết bị bay không người lái, khoảng 30 ngàn phương tiện như xe thiết giáp, xe kéo pháo hay vận chuyển binh sĩ cùng với 80 tầu chiến.

Theo quan sát của thông tín viên RFI, Daniel Vallot tại Matxcơva, đối với quân đội Nga, đợt tập trận lần này mang lại ba lợi thế : Cho phép triển khai quân ở khoảng cách xa, Chứng tỏ khả năng hậu cần và di chuyển quân, và Huy động kho vũ khí mới nhất – bao gồm tên lửa Iskander, xe tăng T-80 và T-90, chiến đấu cơ Su-34 và Su-35, cũng như là tầu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr.

Tuy nhiên, ngoài số lượng vũ khí, khí tài được triển khai, điểm mới nhất trong cuộc tập trận này, chính là mức độ tham gia lớn chưa từng có của Trung Quốc. Đây chính là điều khiến nhiều nước phương Tây lo lắng. Bởi vì, quân đội Trung Quốc gởi đến 3.200 binh sĩ, cùng với 24 trực thăng, 6 chiến đấu cơ và nhiều trang thiết bị hạng nhẹ khác. Và trong vòng nhiều ngày, quân đội Trung Quốc « chơi trò chiến tranh » cùng với binh sĩ Nga.

Trả lời báo Le Figaro, chuyên gia Francois Godement, giáo sư Khoa học Chính trị, phụ trách chương trình châu Á và Trung Quốc, Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations), lưu ý đây cũng là một tín hiệu mạnh mà Trung Quốc muốn gởi đến Hoa Kỳ.

« Đây không phải là lần đầu tiên. Điều đáng nói là quy mô tham gia cuộc tập trận của Trung Quốc, khoảng 300 xe tăng và 3000 ngàn binh sĩ. Các con số này nếu so với tầm vóc nước Trung Quốc thì tương đối nhỏ. Thế nhưng, đây lại là một sự huy động quân sự rất lớn, nếu so với quá khứ. Chúng ta không nên quên các cuộc tập trận của hải quân bởi vì Trung Quốc tự khẳng định mình như một cường quốc hải quân. Các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc và Nga đã trở thành truyền thống và diễn ra ở nhiều nơi, như tới tận Địa Trung Hải, biển Baltic và đương nhiên trong khu vực rất quan trọng đối với Trung Quốc là biển Nam Trung Hoa.

Về thời điểm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận một cách hùng hậu như vậy, tôi nghĩ rằng đó là thời điểm đáp trả Hoa Kỳ, thời điểm Trung Quốc cảm thấy khó chịu, chới với do cuộc chiến tranh thương mại. Đó cũng là thời điểm Trung Quốc cảm thấy bối rối, hẫng hụt trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, Bắc Kinh cần có những động tác đáp trả Mỹ. Các cử chỉ của Bắc Kinh trong quan hệ với Matxcơva là nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc có cùng một vị thế ngang hàng với Hoa Kỳ. »

Thượng đỉnh Liên Triều lần 3 : Kim Jong Un vẫn là người cầm trịch ?

Một tuần sau « Vostok 2018 », thế giới lại được chứng kiến một sự kiện khác cũng không kém phần hấp dẫn : Thượng đỉnh Liên Triều lần 3 tại Bình Nhưỡng. Trọng tâm của cuộc gặp là để bàn về chương trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ song phương giữa hai miền.

Nhiều tín hiệu cho phép giới quan sát có thể lạc quan về kết quả thượng đỉnh Liên Triều lần này. Bắc Triều Tiên cho biết sẵn sàng đóng cửa hai cơ sở thử tên lửa và hạt nhân quan trọng : Bãi thử Tongchang-ri dưới sự chứng kiến của các thanh tra quốc tế và trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon với điều kiện Hoa Kỳ cũng phải có sự « đáp trả tương xứng ».

Hơn nữa, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng nhận lời sang thăm Seoul, thủ đô Hàn Quốc, sớm nhất là trong năm nay. Thượng đỉnh Liên Triều 3 kết thúc với hình ảnh nặng ý nghĩa biểu tượng : lãnh đạo hai nước Triều Tiên cùng tham quan đỉnh núi Paektu huyền thoại.

Điểm đáng chú ý trong thượng đỉnh lần này, lời lẽ phát biểu của lãnh đạo Kim Jong Un ít « hiếu chiến » khi nói về hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Vì sao như thế ? Trên đài RFI, nhà báo Anthony Dufour, từng là thông tín viên cho nhiều hãng tin Pháp, tác giả bộ phim tài liệu « Chiếc bẫy nhà họ Kim » được phát trên đài truyền hình Arte, cho biết:

« Đó là chiến lược hai mũi nhọn. Trước tiên là phát triển vũ khí nguyên tử, tập trung tất cả vào việc phát triển nguyên tử. Sau đó, tập trung vào phát triển kinh tế. Có thể nói chế độ Bình Nhưỡng đã thành công, bất chấp các trừng phạt kinh tế. Trong vài ngày chúng tôi quay phim ở Bình Nhưỡng, tất cả mọi người đều nhận thấy thành phố đã thay đổi. Tuyến đường dẫn từ sân bay vào thủ đô rất hiện đại. Sân bay và thành phố có tầm cỡ trung bình, như mọi thành phố khác. Các dấu hiệu của sự sung túc, nhiều cửa hàng ăn mở cửa, chứng tỏ là chính sách phát triển kinh tế thực sự mang lại kết quả, đương nhiên là khiêm tốn thôi.

Thế nhưng, điều này cho thấy là các trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ không hiệu quả. Bởi vì Bắc Triều Tiên ve vãn cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc. Xin nhắc lại là trước đây, Kim Jong Un chưa bao giờ gặp Tập Cận Bình, thế mà trong có vài tháng gần đây, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gặp chủ tịch Trung Quốc ba lần. Rõ ràng là quan hệ giữa hai nước đã được sưởi ấm. Kim Jong Un có phương tiện để bẻ gẫy các trừng phạt kinh tế của Mỹ. Chừng nào Bắc Triều Tiên còn có kênh liên lạc được với Hàn Quốc và Trung Quốc, thì Kim Jong Un có thể vượt qua được các trừng phạt kinh tế, đạt được các thành công và duy trì được các hoạt động kinh tế cho Bắc Triều Tiên. »

Miến Điện : Thế giới nên hỗ trợ Aung San Suu Kyi

Tòa án Hình sự Quốc Tế ngày 06/09/2018 cho biết sẽ mở một cuộc điều tra sơ bộ về việc người Rohingya ở Miến Điện bị xua đuổi, truy bức phải chạy lánh nạn sang Bangladesh. Theo định chế quốc tế, hành động này có thể được xem như là tội ác chống nhân loại. Ngày 27/09, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc còn thông qua nghị quyết thành lập một cơ chế thu thập các bằng chứng về tội ác chống lại sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.

Trong thời gian gần đây, Liên Hiệp Quốc liên tiếp tố cáo quân đội Miến Điện phạm « tội ác diệt chủng » và đề nghị khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội cùng với 5 viên sĩ quan cao cấp khác. Cáo buộc này đã bị phía quân đội Miến Điện bác bỏ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Jean-Louis Margolin, sử gia và chuyên gia về Miến Điện, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng quốc tế nên có ứng xử ngoại giao phù hợp và ý thức được vấn đề chính trị trong hồ sơ này.

« Tôi nghĩ nên giúp đỡ Aung San Suu Kyi thu hẹp bớt vị trí của quân đội, hiện đang chiếm giữ quá nhiều quyền lực. Trong một thời gian dài, dưới chế độ quân sự độc tài, quân đội đã có rất nhiều thói xấu trong cách đối xử với người dân. Mặt khác, cũng nên tránh làm dấy lên sự phản ứng dân tộc chủ nghĩa từ một bộ phận dân chúng người gốc Miến Điện – sắc tộc Bamar chiếm tới hai phần ba dân số - và từ phía các cộng đồng dân cư không theo Hồi Giáo.

Không nên làm như thể chỉ chú ý đến một thảm kịch duy nhất tại Miến Điện, đó là thảm họa người Rohingya – mà lại không quan tâm đến những trường hợp sách nhiễu, trấn áp các sắc tộc thiểu số khác, không chú ý đến hoàn cảnh hiện nay tại Miến Điện, một quốc gia đang chật vật tìm kiếm con đường hướng tới dân chủ hóa.

Do vậy, theo tôi, không nên chỉ trích, vứt bỏ tất cả, chỉ chú ý đến vấn đề Rohingya – cho dù sự quan tâm này là chính đáng, rồi đưa ra những đánh giá cho rằng Miến Điện đang quay lại quá khứ, thời kỳ bị cô lập với chế độ quân sự độc tài. »

Bob Woodward : Thêm một khắc tinh của Donald Trump

Cuối cùng, tạp chí xin được khép lại với sự kiện « giật gân » tại Mỹ, khiến chủ nhân Nhà Trắng trong một thời gian « ăn ngủ không yên ». Nhà báo điều tra Bob Woodward, người đã tiết lộ vụ Watergate dẫn đến sự ra đi nhanh chóng của tổng thống Richard Nixon, đã cho phát hành một quyển sách đề tựa « Fear : Trump in the White House » (tạm dịch Nỗi sợ : Donald Trump ở Nhà Trắng).

Tác giả đã thu thập hàng trăm giờ lời chứng để biên soạn tập sách gây chấn động này, phác họa ra chân dung nguyên thủ Mỹ, một người có tính khí thất thường, vô văn hóa và mắc chứng cuồng ám. Đương nhiên, cuốn sách không làm hài lòng chủ nhân Nhà Trắng.

Ngay ngày phát hành sách (11/09) tổng thống Mỹ đã tung một tràng tweet chỉ trích cuốn sách này là một trò đùa cợt, với một đợt tấn công mới nhắm vào ông, đồng thời xem tác giả Bob Woodward như là một kẻ dối trá.

Theo nhận xét của thông tín viên Anne Corpet tại Washington, tuy tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Mỹ vẫn còn cao, nhưng tập sách này đang làm lay chuyển phần nào niềm tin của một bộ phận cử tri Mỹ.

« Nền tảng cử tri hậu thuẫn Donald Trump vẫn trung thành với ông. Gần 40% dân Mỹ tiếp tục tin tưởng ông. Những cuốn sách như quyển Nỗi Sợ của Bob Woodward tiếp tục làm cho nhóm cử tri thán phục ông nghĩ là có một âm mưu trong chính quyền chống lại người do dân bầu ra. Tuy nhiên, những nghi ngờ cũng bắt đầu làm chao đảo nhóm cử tri truyền thống của đảng Cộng Hòa. Họ khó chịu về thái độ « phá cách » của tổng thống Mỹ. Một vài đại diện đảng Cộng Hòa bắt đầu lên tiếng tố cáo tình trạng rối loạn bên trong Nhà Trắng. Ví dụ, thượng nghị sĩ Benjamin Sasse, thuộc tiểu bang Nebraska cho biết là ngày nào ông cũng nghĩ đến việc ra khỏi đảng Cộng Hòa do bầu không khí hỗn loạn. »

Trung Quốc tập trận với Nga để khẳng định tư thế ngang hàng với Mỹ - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten