Khủng bố Kabul : Kịch bản tệ hại nhất cho Biden, đòn nặng cho Taliban
Đăng ngày:
Hai vụ tấn công hôm qua cho thấy Taliban, trên lý thuyết là những người chủ mới của Afghanistan, không kiểm soát được những phe nhóm đối địch. Và Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác là phải tiếp tục chống khủng bố, trong khi Joe Biden bị chỉ trích kịch liệt.
Chỉ có Les Echos ra trễ nhất vào tối qua là kịp đưa lên trang nhất vụ khủng bố ở phi trường Kabul, chạy tựa « Việc phương Tây rút đi trở thành thảm kịch ». Các báo Le Figaro, Le Monde, Libération tường thuật chi tiết trên trang web, còn La Croix nói về « Kabul-Paris, bi kịch Afghanistan ».
Đánh bom tự sát ở sân bay : Kịch bản xấu nhất đã diễn ra
Bài xã luận của Le Monde trong số báo ra chiều nay mang tựa đề « Kịch bản tệ hại nhất ở Kabul » nhận xét, dù đã dự báo trước nhưng vẫn không tránh được. Từ nhiều ngày qua Washington đã cảnh báo về nguy cơ khủng bố ở khu vực phi trường Kabul. Hôm qua, thứ Năm 26/08/2021, mối đe dọa đã thành sự thực, khi hai quả bom nổ ở gần sân bay, nơi những người Afghanistan chen chúc chờ ra đi. Theo hãng tin AP, trên 100 người thiệt mạng trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) nhanh chóng nhận trách nhiệm.
Đã bị tai tiếng vì cái chết của một số người Afghanistan di tản ở sân bay, vụ rút lui khỏi Kabul lại trở thành thảm họa. Hoa Kỳ và các đồng minh đã cố gắng đưa được trên 100.000 ra đi trong 10 ngày qua, nhờ các cầu không vận, trong điều kiện đặc biệt khó khăn. Tổng thống Biden tối qua cam đoan chiến dịch di tản sẽ kết thúc ngày 31/08. Nhưng ngoài thiệt hại nhân mạng, các vụ khủng bố này gây tác động nặng nề cho Washington và các đồng minh.
« Chúng tôi sẽ không tha thứ, sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và buộc các người phải trả giá ». Lời hứa trả thù do một Joe Biden đang bị chấn động thốt lên từ Nhà Trắng, có nghĩa là tuy ông muốn quay lưng hẳn với khu vực, Hoa Kỳ trên thực tế vẫn chưa thể chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo.
Mỹ khó làm ngơ trước khủng bố Hồi giáo
Gần đến dịp kỷ niệm lần thứ 20 các vụ khủng bố ngày 11/09/2001 đã khiến Washington phải can thiệp vào Afghanistan ngay tháng sau, lực lượng Mỹ lại đứng trước sự phát triển vượt bậc của Al Qaida, tổ chức khủng bố đã bị người Mỹ đuổi chạy khỏi Afghanistan. Khi nêu ra các « di căn » của khủng bố Hồi giáo tối qua, tổng thống Biden đã mặc nhiên nhìn nhận Mỹ không diệt được khối u này. Sau khi chiến đấu chống Al Qaida, Hoa Kỳ và đồng minh lại chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak, Syria và Sahel, hiện diện tại châu Phi, các di căn cũng lan ra châu Á.
Một bài học khác từ hai vụ tấn công ở Kabul là phe Taliban, những ông chủ mới của Afghanistan, không kiểm soát được các nhóm khủng bố này. Theo thỏa thuận Doha hồi tháng 2/2020 với chính quyền Donald Trump, phần nào là nguyên nhân của sự hỗn loạn hiện nay, Taliban cam kết sẽ không có việc tấn công vào quân của liên minh cho đến khi rút đi toàn bộ. Họ đã cho thấy không thể ngăn trở các nhóm khác hành động.
Cuộc chiến chống IS thậm chí còn dẫn đến sự hợp tác đầy nghịch lý giữa Mỹ và Taliban trong những ngày gần đây để cố gắng giữ an ninh cho phi trường, « mục tiêu chung ».
Thảm kịch ở sân bay Kabul nhắc nhở các thất bại đáng buồn khác, như toan tính giải cứu các con tin ở Iran năm 1980 dưới thời Jimmy Carter, hay vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) ngày 11/09/2012. Điểm lại các sai lầm trong 20 năm qua là cần thiết, nhưng tuy muốn thu mình lại, Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác là tiếp tục các cam kết chống khủng bố. Thánh chiến ngày nay mang tính toàn cầu, và nước Mỹ cùng các đồng minh luôn là mục tiêu trước tiên.
Cộng Hòa khó xử : Nếu Biden từ chức, Harris sẽ lên thay
Trong bài « Biden bị yếu đi bởi những thiệt hại của Mỹ », Le Monde ghi nhận từ mười ngày qua, trước những chỉ trích về sự rút lui trong hỗn loạn, trong các thông báo và những cuộc họp báo, chính quyền Biden luôn nhấn mạnh những tiến triển. Tổng cộng có 104.000 người đã được di tản khỏi Kabul, trong đó có 37.000 công dân các nước đồng minh kể cả công dân Mỹ.
Joe Biden ấn định hai ưu tiên hàng đầu : kết thúc di tản vào ngày 31/08 theo thỏa thuận với Taliban, giúp tất cả các công dân Mỹ rời Afghanistan nếu muốn. Bộ Ngoại Giao ước tính còn khoảng 1.000 người, hầu hết đều muốn ra đi, chỉ một số song tịch muốn ở lại. Tướng Kenneth McKenzie cho biết quân đội dự báo ba kiểu khủng bố : tấn công tự sát bằng đai chất nổ, dùng xe gài bom, và dùng rốc-kết bắn vào máy bay. Ông nhấn mạnh việc khám người ở lối vào phi trường không thể tránh được, dù có thể bị khủng bố tự sát.
Phía đảng Cộng Hòa tất nhiên là có những lời kêu gọi cách chức ông Joe Biden. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley viết trên Twitter : « Biden nên từ chức hoặc bị cách chức vì việc xử trí vấn đề Afghanistan ? Vâng. Nhưng như vậy chúng ta sẽ gặp phải Kamala Harris, tệ hại hơn gấp mười lần. Thượng Đế ơi, xin giúp đỡ chúng con ».
Thực ra từ nhiều ngày qua phe Cộng Hòa đã kêu gọi Biden từ chức. Chẳng hạn dân biểu Greg Steube của Florida đã viết, một hôm trước khi xảy ra khủng bố : « Trong khi được cho là cường quốc quân sự số một thế giới, lãnh đạo chúng ta, tổng tham mưu trưởng quân đội là quỳ gối trước Taliban để xin họ cho phép đồng bào mình ra khỏi Afghanistan ». Điều mâu thuẫn là Donald Trump đã ký thỏa thuận với Taliban, Joe Biden chỉ hoãn lại thời điểm rút quân vài tháng, thế nên các chỉ trích của Cộng Hòa tập trung vào hai tuần lễ vừa qua.
Quân thánh chiến IS giáng đòn đầu tiên vào Taliban
Taliban bỗng trở thành đồng minh nhất thời của Mỹ để ngăn chận khủng bố, nhưng không thể quên một điều : chính Taliban đã mở cửa các nhà tù, giúp quân Hồi giáo có thể tự do gây hại.
Libération nhận định, với việc « khủng bố sân bay Kabul, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã tặng một đòn nặng nề đầu tiên cho Taliban ». Từ khi chiếm được Kabul mà không bắn một phát súng nào, phe này đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu trong chiến dịch thông tin để cố trấn an dân chúng. Họ cũng chặn lại đa số người chạy ra sân bay để di tản.
Chi nhánh Afghanistan với tên tự xưng là tổ chức « Nhà Nước Hồi Giáo ở Khorasan » (vùng đất bao gồm Afghanistan và miền nam Turkmenistan, Uzbekistan, Tadjikistan) xuất hiện từ năm 2015. Trong nhóm này có các tay súng xuất thân từ TTP (Taliban ở Pakistan), và quân Taliban ở Afghanistan ly khai. Phe này tuyển mộ các thanh niên cực đoan, được trả lương có thể đến 400 đô la/tháng, hoạt động chủ yếu tại miền đông Afghanistan. Bọn chúng nổi tiếng là tàn bạo, thường đăng lên mạng xã hội các vụ hành quyết.
Lực lượng thánh chiến này khiến không chỉ quân đội Mỹ và quân chính phủ Afghanistan e ngại, mà cả với Taliban trước những đối thủ không thể kềm chế. IS không còn kiểm soát vùng đất nào, nhưng có các cơ sở trên cả nước kể cả ở Kabul. Chính phe này đã tấn công vào khoa phụ sản một bệnh viện ở khu Dacht-e Barchi hôm 12/05/2020, sát hại các bà mẹ và trẻ sơ sinh, gây bàng hoàng cho cư dân Kabul. Một năm sau đó, bọn chúng đánh vào một trường dành cho nữ sinh ở cùng khu phố, sát hại trên 50 em gái, và nay lại làm phi trường Kabul đẫm máu.
Người di tản Afghanistan ra đi bằng mọi giá
Các báo Pháp đều có bài viết về những người Afghanistan may mắn được di tản. Nếu những người ra đi trước mang theo được một chiếc vali, thì những người mới đến chỉ có mỗi bộ quần áo trên người – họ bỏ lại tất cả để lên được máy bay. Trong cảnh hỗn loạn ở phi trường, có những gia đình bị lạc nhau, không đi cùng chuyến bay.
Những người di tản lần này là luật sư, nhà cựu ngoại giao, nhà hoạt động, nhà báo…hay những người dân bình thường, nhưng đa số là tầng lớp trung lưu, học thức. Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết từ 15/08 đến nay trung tâm xử lý khủng hoảng đã nhận được 120.000 cuộc gọi, trong đó 90% từ những người tị nạn Afghanistan tại Pháp lo lắng cho thân nhân. Hàng ngàn hồ sơ vẫn còn chờ đợi nhưng không thể xử lý kịp.
Trong vô số những câu chuyện người di tản, nhật báo công giáo La Croix kể lại « Vatican đã xoay sở như thế nào cho Afghanistan ». Tòa Thánh đã âm thầm vận động để di tản được nhiều người công giáo. Trong số người vừa đến được Roma tối 25/08, có linh mục Giovanni Scalese, năm nữ tu và 14 trẻ khuyết tật. Vị linh mục duy nhất còn hiện diện tại Afghanistan từ chối ra đi nếu các tu sĩ khác và các trẻ em đang chăm sóc không được đi cùng.
Rút khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ dồn sức đối đầu với Trung Quốc
Về phương diện địa chính trị, Le Monde nhận định Iran đã đặt cược vào phe Taliban từ rất lâu, ngay khi còn giao hảo với chính phủ của ông Ghani, và nay đang vui sướng trước thất bại của Mỹ. Kabul rơi vào tay Taliban khiến mọi cái nhìn hướng về các nhà ngoại giao Qatar : Doha là nơi Mỹ đàm phán với Taliban về thỏa thuận rút quân, và nay về việc di tản. Thủ lãnh chính trị của Taliban cũng coi kênh Al Jazira là kênh truyền thông ưu tiên. Còn Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, hai nước từng công nhận Taliban hồi năm 1996, tỏ ra dè dặt.
Riêng đối với Trung Quốc, nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel nhận thấy Bắc Kinh ngày càng tìm cách thử nghiệm ý định bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Chiến thắng chớp nhoáng của Taliban ở Afghanistan sau khi Mỹ loan báo rút quân, cuộc di tản hỗn loạn là cơ hội quá tốt để Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự « thoái trào » của Hoa Kỳ.
Theo ông Duchâtel, việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan sẽ dành được nguồn lực để bảo vệ nguyên trạng ở Biển Đông và đặc biệt tại eo biển Đài Loan, trọng tâm của cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Thành công đầu tiên của chính quyền Biden là Nhật Bản góp phần vào vấn đề an ninh ở eo biển. Hai quyết định mới đây của Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc chưa thể đọ sức với Mỹ : đưa tàu dân sự tham gia cuộc tập trận đổ bộ Đài Loan, và việc gia tăng số lượng đầu đạn nguyên tử để cố bắt kịp khoảng cách hãy còn rất xa với Washington.
Khủng bố Kabul : Kịch bản tệ hại nhất cho Biden, đòn nặng cho Taliban (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten