vrijdag 6 augustus 2021

Afghanistan tự lo thân

 

Afghanistan tự lo thân

Lực lượng an ninh giám sát tòa nhà bị nổ ở Kabul, Afghanistan, ngày 04/08/2021.
Lực lượng an ninh giám sát tòa nhà bị nổ ở Kabul, Afghanistan, ngày 04/08/2021. AP - Rahmat Gul

Chiến sự tại Afghanistan được hai nhật báo Le Monde và Libération chú ý trong số ra ngày 05/08/2021. Sau 20 năm can thiệp, quyết định rút quân của Mỹ đã khơi dậy tham vọng của phe nổi dậy. Những vụ tấn công, khủng bố liên tiếp xảy ra, kể cả ở trung tâm thủ đô Kabul tối 03 và sáng 04/08, giúp Taliban chiếm lại từng khu đô thị.

“Hỗn loạn Taliban” là hàng tựa trang nhất của nhật báo Libération, với hình ảnh một người lính Afghanistan bàng hoàng trước một tòa nhà đổ nát. Tình hình tại Afghanistan được bài xã luận của Libération nhận định trong hai từ “Thảm họa”, vì không còn từ nào chuẩn hơn. Hai mươi năm trước, Mỹ quyết tâm đến đây để triệt hạ thánh chiến Hồi Giáo. Bây giờ, Mỹ cúi đầu rời khỏi Afghanistan, để lại đằng sau mớ hỗn độn và những tổn thất quá lớn, còn “Afghanistan đối mặt với chính mình”, như hàng tựa trong mục “Sự kiện” của Libération.

Xã luận của Libération cho rằng đó là lỗi của Donald Trump. Vì muốn huy động phiếu bầu tổng thống nên ông quá vội vã quyết định rút quân, tự “ru” là Taliban đã thay đổi để đàm phán với lực lượng Hồi Giáo cực đoan này. Chính quyền Afghanistan chưa sụp đổ nhưng chật vật đối phó với quân Taliban tung hoành khắp nơi. Nỗi lo Afghanistan sắp trở về thời hỗn mang ngày càng hiển hiện. Nạn nhân sẽ lại là thường dân, phụ nữ, trẻ em, với viễn cảnh là những dòng người bỏ xứ, trong khi châu Âu đã đóng cửa.

“Sự trở lại của lực lượng Taliban ở Afghanistan khiến Ấn Độ lúng túng” là nhận định của nhật báo Le Monde. New Delhi đã rút hết nhân viên ở ba lãnh sự quán tại Afghanistan, nhưng vẫn duy trì kênh ngoại giao. Ngoại trưởng Ấn Độ đã thể hiện mối bận tâm lớn nhất của nước này về bất ổn ở Afghanistan khi tiếp đồng nhiệm Mỹ Blinken ngày 28/07, đó là những lực lượng Hồi Giáo cực đoan Pakistan như Lashkar-e-Toiba (Quân đội của những người sùng đạo) và Jaish-e-Mohammed (Quân đội của Mohammed) có thể sát cánh với Taliban đi ngược lại với “độc lập và chủ quyền” của Afghanistan.

Tuy nhiên, cả Ấn Độ, Mỹ và phương Tây vẫn tin vào tiến trình đàm phán hòa bình Doha, được khởi động từ tháng 09/2020 giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban. Theo Raja Mohan, giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, đại học Singapore, “chính phủ của ông Modi nghĩ rằng vẫn còn một khả năng đáng kể cho tham vấn ngoại giao và chính trị để buộc phe Taliban tiết chế chủ nghĩa đơn phương của họ và tìm ra được một thỏa hiệp với Kabul”.

Đa số truyền thông Ấn Độ có chung một phân tích : Nếu Taliban trở lại nắm quyền, đây sẽ là một bước thụt lùi xót xa cho New Delhi, vì từ năm 2001, Ấn Độ đã nỗ lực “tái lập mối quan hệ có từ nhiều thế kỷ” với Afghanistan. New Delhi và Kabul ký thỏa thuận đối tác chiến lược vào năm 2011. Ấn Độ cho biết đã đầu tư 3 tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng ở Afghanistan. Trao đổi thương mại song phương là 1,5 tỉ đô la hàng năm.

Hoa Vi : “Cựu hoàng” điện thoại thông minh

Từ vị trí số 1 thế giới vào giữa năm 2020, Hoa Vi hiện không nằm trong top 5 các nhà cung cấp điện thoại thông minh. “Những đắng cay của Hoa Vi, cựu  hoàng smartphone” được nhật báo Le Monde điểm lại trong chuyên mục “Kinh Tế”.

Cuối tháng Bẩy 2020 đánh dấu thời vàng son của Hoa Vi, theo phòng nghiên cứu Canalys, với 55,8 triệu điện thoại thông minh được giao trong quý II, vượt qua Samsung (55,7 triệu). Một năm sau, tập đoàn Trung Quốc ở Thâm Quyến thậm chí không lọt vào top 5 (chỉ chiếm 4% thị phần thế giới), sau Samsung (19%), Xiaomi (17%), Apple (14%), Oppo và Vivo (10%).

Từ năm 2012, dưới thời tổng thống Obama, Hoa Vi đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ, nhưng đến thời tổng thống Trump thì những biện pháp trừng phạt ngày càng nặng, do tập đoàn này bị cáo buộc đe dọa an ninh Hoa Kỳ - trừ khi Washington sợ bị Bắc Kinh qua mặt trong cuộc chạy đua công nghệ, theo nhật báo Le Monde. Nhà Trắng đã sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục đích: sử dụng pháp lý để bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi và là con gái của nhà sáng lập ; sử dụng mạng lưới ngoại giao để thuyết phục đồng minh không mua thiết bị mạng 5G của tập đoàn Trung Quốc ; liệt Hoa Vi và nhiều chi nhánh vào danh sách đen của bộ Thương Mại, như vậy cắt được mối quan hệ giữa Hoa Vi và các đối tác chính, dẫn đến hậu quả là Hoa Vi không mua được linh kiện thế hệ mới nhất để sản xuất điện thoại.

Hoa Vi đã phải dự trữ khối lượng lớn linh kiện, thậm chí bán mác điện thoại giá rẻ Honor để trì hoãn sự thiếu hụt. Honor chiếm khoảng 25-30% nên phần nào giải thích cho số lượng điện thoại bán ra bị giảm. Hiện tại, Hoa Vi vẫn chưa tái lập được chuỗi cung ứng chíp điện tử ở mức đã giúp tập đoàn thành công trước đây. Thương hiệu cao cấp Huawei Mate, có từ năm 2013, chưa chắc đã được sản xuất lại vào năm 2021, theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post.

Phòng nghiên cứu Catalys đánh giá là “Hoa Vi rơi xuống quá thấp để có thể trở lại ngang hàng với các đối thủ. Việc này phải mất từ 5 đến 10 năm, trừ phi Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Hoa Vi”. Tuy nhiên, “nếu Hoa Vi chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, thì việc này cũng đủ giúp tập đoàn đứng trong top 10, thậm chí là top 5”, theo nhà phân tích Annette Zimmermann. Dù vậy, vào tháng 5, ban lãnh đạo Hoa Vi vẫn quyết định tiếp tục chinh phục thị trường nước ngoài.

Hoa Vi tụt hạng, Xiaomi trở thành đối thủ mới của Samsung

Trái với Hoa Vi bị “đánh” tơi bời, Xiaomi lại thoát ra được danh sách đen của Mỹ. Với tốc độ tăng trưởng 83%, tập đoàn ở Bắc Kinh đã vươn lên hàng thứ hai thế giới, chính thức trở thành “thách thức mới đối với Samsung”, theo báo Le Monde.

Xiaomi có được thành tích này là do “đã phát triển nhanh chóng hoạt động ở nước ngoài” : tăng 300% tại châu Mỹ Latinh, 150% ở châu Phi và 50% ở Tây Âu. Cũng như Oppo và Vivo, đều của Trung Quốc, Xiaomi đã tận dụng thời cơ Hoa Vi đi xuống để vươn lên, cũng như sự xuất hiện của mạng 5G đã giúp thị trường năng động hơn.

Ngoài ra, giá bán cũng là lợi thế của Xiaomi: rẻ hơn 40% so với Samsung và 75% so với Apple. Chỉ đến Pháp cách đây ba năm, Xiaomi hiện chiếm gần 20% thị phần và sẽ từ vị trí thứ ba vươn lên vị trí thứ hai trong vài tháng tới.

Trợ cấp thất nghiệp bán phần : Lòng hảo tâm của Pháp bị lợi dụng

Kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chính phủ Pháp triển khai cơ chế trợ giúp người thất nghiệp, doanh nghiệp phải đóng cửa ngay từ mùa xuân 2020. Tuy nhiên, các vụ gian lận đã khiến Nhà nước mất 50 triệu euro.

Cụ thể, trong bài “Những con số gian lận của thất nghiệp bán phần”, báo Le Monde cho biết có hơn 7.000 đơn xin trợ cấp gian lận, tương ứng với số tiền là 113 triệu euro. Trong số này đã có 63 triệu euro được chuyển và Nhà nước chỉ thu hồi được 13 triệu euro, 50 triệu còn lại đã bốc hơi.

Tư pháp của Pháp cho là đã xác định được danh tính của một nhóm hoạt động rất tích cực. Chỉ riêng nhóm này đã nộp 3.648 đơn xin trợ cấp tổng cộng 40 triệu euro : Nhà nước đã chuyển 11 triệu, chỉ thu hồi được 3 triệu, 8 triệu còn lại đã được chuyển qua các tài khoản trung gian ở Trung Âu hoặc vào tiền ảo. Một người đàn ông Israel đã bị bắt trên đường trốn sang Thụy Sĩ để bay sang Tel Aviv, nhưng chỉ nhận là một cánh tay trong mạng lưới lớn được điều hành từ Israel.

Covid-19 : Chính phủ có phải lo lắng về phản đối “chứng nhận y tế” ?

Ngày 05/08, Hội Đồng Bảo Hiến sẽ ra quyết định về dự luật mở rộng phạm vi áp dụng của chứng nhận y tế (passe sanitaire), trong khi đó lại có nhiều lời kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối vào thứ Bẩy 07/08. Mục câu hỏi trong ngày của La Croix nêu vấn đề : Liệu chính phủ có phải lo lắng về phong trào phản đối chứng nhận y tế không ?

Ông Jean-Yves Camus, Viện Jean - Jaurès, cho rằng, nếu chiến dịch tiêm chủng thành công và đạt được miễn dịch cộng đồng thì không việc gì phải lo lắng về các cuộc biểu tình gần đây. Dù sao phần lớn những người biểu tình sẽ không đi tiêm chủng, cho nên cần thuyết phục số người lưỡng lự. Mạng xã hội trở thành công cụ để tổng thống Pháp tiếp cận giới trẻ, những người hiện vẫn “vô tư lự” nhất.

Tuy nhiên, chính phủ có nguy cơ đối mặt với việc phong trào phản đối vào tháng 9 sau mùa nghỉ hè có thể quy tụ mọi “giận dữ” không liên quan đến chứng nhận y tế. Số người tham gia biểu tình ngày càng đông cũng thể hiện họ phản đối chính sách của chính phủ trong mọi mặt từ kinh tế đến xã hội và tượng trưng hơn là mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.

Nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến sự kiện “Sanofi đặt cược 3 tỉ euro vào vac-xin ARN thông tin” khi quyết định mua lại công ty Mỹ Translate Bio, chuyên về công nghệ ARN thông tin. Theo Les Echos, đây là một phần trong chiến lược “play to win” (tạm dịch : chịu chơi để thắng) của Sanofi từ năm 2019. Thực ra, hai công ty đã có một thỏa thuận hợp tác và giấy phép độc quyền từ năm 2018 và đã cho kết quả tốt đẹp : Translate Bio đang thử nghiệm lâm sàng hai loại vac-xin : một chống Covid (giai đoạn 1-2) và một chống cúm mùa (giai đoạn 1).

Thiên nhiên nổi giận

Le Figaro và La Croix quan tâm đến hiện tượng ô nhiễm tảo xanh ở vùng Bretagne, miền tây nước Pháp. Le Figaro tỏ thất vọng : “Thủy triều xanh không thể thay đổi ở Bretagne”. Còn theo nhật báo Công Giáo, chiến lược chống tảo xanh chỉ mang lại hiệu quả rất hạn chế tại vùng Bretagne, dù giới nông dân đã thay đổi cách canh tác. Và thực trạng là “Tảo xanh, vẫn rút quá chậm”, theo trang nhất và phóng sự của La Croix tại Lannion.

Le Monde dành hai trang để nói về thảm họa thiên nhiên, từ “một mùa hè thảm kịch khí hậu tại Nga”, đến “Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp làm mồi cho lửa trên quy mô lịch sử” hay “Những mẩu nhựa nhỏ xuất hiện trên cả đỉnh dãy Alpes” và tình trạng ô nhiễm ở sông Seine.

Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến “Các trận hỏa hoạn đe dọa du lịch ở miền nam châu Âu”, nơi có đến gần 1.600 vụ cháy chỉ trong tháng 7. Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý : vùng Địa Trung Hải đang phải đối phó với những đợt hỏa hoạn đôi khi khó dập do nhiệt độ cao, độ ẩm rất thấp và gió lớn. Theo thủ tướng Hy Lạp, đây là “đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1987”.

Afghanistan tự lo thân (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten