Vỏ bọc bề ngoài của sức mạnh của Trung Quốc
Đăng ngày:
Bắc Kinh hung hăng về đối ngoại để giải tỏa những áp lực nội bộ. Theo hai nhà Trung Quốc học, Emmanuel Lincot và Emmanuel Véron, thái độ cứng rắn của đảng Cộng Sản nước này là « vỏ bọc bề ngoài » nhằm che đậy « nhiều nhược điểm ở bên trong ».
Giáo sư Emmanuel Lincot giảng dậy tại Viện đại học Công Giáo Paris, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp – IRIS. Còn nhà nghiên cứu Emmanuel Véron thuộc Học Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO. Trên trang mạng chuyên về địa chính trị Diploweb số ra tháng 1/2021, qua bài "Có gì ở phía sau bức tranh tươi sáng của Trung Quốc ?" hai nhà nghiên cứu này đã phân tích về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, về những « ngòi nổ âm ỉ » từ bên trong. RFI xin trích dịch một số đoạn trong bài phân tích của hai chuyên gia Lincot và Véron.
Nguy cơ giải pháp quân sự từ những bất mãn chồng chất trong nước
Nhược điểm thứ nhất, theo giáo sư Lincot, chính là địa hình địa lý của nước đông dân nhất địa cầu : Trung Quốc tuy nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng các nguồn tài nguyên đó lại ở những vùng rất xa với trung ương, cách xa các lò sản xuất của Trung Quốc. Từ đó nẩy sinh « căng thẳng thường trực giữa chính quyền trung ương và các địa phương ». Hiềm khích đó có chiều hướng gia tăng từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo đất nước. Điểm yếu thứ nhì là núi và sa mạc chiếm một phần lớn diện tích quốc gia rộng lớn này, « tối thiểu 400 triệu dân Trung Quốc khó tiếp cận với các nguồn nước ngọt (…) Sự khan hiếm nước đó giải thích một số xung đột với các quốc gia sát cạnh ». Điểm yếu thứ ba là vấn đề nhu cầu thực phẩm. Emmanuel Lincot giải thích : đất canh tác của Trung Quốc không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho 1,5 tỷ dân và « sự lệ thuộc của Trung Quốc vào lương thực, thực phẩm của nước ngoài là một vấn đề lớn » đối với bản thân Trung Quốc và toàn thế giới. Nguy hiểm hơn nữa là diện tích đất canh tác của Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho thành phố phát triển. Sự phát triển đó dẫn đến một hậu quả tai hại không kém về mặt xã hội : khác biệt giữa nông thôn và thành thị càng lúc càng lớn.
60 % dân Trung Quốc sống với thu nhập chưa tới 140 đô la hàng tháng. « Trái với các chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh, Trung Quốc không phải là một xã hội hài hòa ». Người dân Trung Quốc không dám nói ra, nhưng « bất mãn chồng chất đang tích tụ ». Emmanuel Lincot kết luận : Vì những nhược điểm vừa nêu, Bắc Kinh chưa có đủ phương tiện để trở thành một siêu cường của thế giới và đó là mối bức xúc của ông Tập Cận Bình.
Chênh lệch giữa tham vọng và khả năng để trở thành một cường quốc là « một mối nguy hiểm » vì « trong một chế độ độc tài, ngõ thoát duy nhất để giải tỏa bức xúc đó đôi khi có thể là một giải pháp quân sự ».
Dùng công nghệ mới để giải tỏa bế tắc nội bộ
Đối với nhà nghiên cứu Emmanuel Véron Viện INALCO, nhược điểm của Trung Quốc là dân số đông nhất địa cầu và diện tích tương đương với cả một châu lục, với những mức độ phát triển quá chênh lệch. Để vượt lên trên những khó khăn đó, Bắc Kinh « khai thác những công nghệ mới từ trí thông minh nhân tạo đến mạng 5G và tới đây là 6G ». Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển, sử dụng ở quy mô lớn và không có giới hạn các công nghệ mới vừa để kiểm soát mọi hoạt động của các công dân nước này, vừa để phục vụ mục đích trở thành một cường quốc. Điều ấy « đang và sẽ đẩy Trung Quốc cũng như là thế giới vào một thực tế khác hẳn so với những gì mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay ».
Bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh
Vậy Bắc Kinh có những lá chủ bài nào để chinh phục thế giới ? Trong phần trả lời dành cho trang mạng chuyên về địa chính trị Diploweb giáo sư Lincot, Viện đại học Công Giáo Paris và cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp gắn liền vế kinh tế và ngoại giao.
Từ thời Đặng Tiểu Bình đến Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã nhã nhặn trên trường ngoại giao vì cần đầu tư của phương Tây. Nhưng bước sang thế kỷ XXI, vững mạnh về kinh tế (Bắc Kinh đã ra đời những định chế riêng như là Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, Ngân Hàng Phát Triển Cơ Sở Ha Tầng…) Trung Quốc không còn nhút nhát trong bang giao quốc tế và đã bắt đầu « đọ sức với Ấn Độ, uy hiếp Đài Loan, kích động công luận khơi dậy hiềm khích trong quá khứ lịch sử với Nhật Bản, với châu Âu trong thời kỳ chiến tranh nha phiến »… Emmanuel Lincot lưu ý những nỗ lực đó của đảng Cộng Sản Trung Quốc khơi lại quá khứ để kích động quần chúng, nhưng « chưa bao giờ xin lỗi về cái chết của 80 triệu nạn nhân của những phong trào Trăm Hoa Đua Nở, Đại Nhẩy Vọt hay Cách Mạng Văn Hóa ».
Tiêu tan những nỗ lực ngoại giao
Thái độ hung hăng dưới thời ông Tập Cận Bình thể hiện khá rõ với việc Trung Quốc « đòi viết lại lịch sử » về diễn biến dịch Covid-19, « về nguồn gốc con virus, về số nạn nhân ở Vũ Hán » và qua áp lực của Bắc Kinh với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về một thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hơn bốn triệu người trên hành tinh.
Theo nhà Trung Quốc học Emmanuel Lincot, do virus corona mà « trong vài tuần lễ thế giới đã sáng mắt ra » về « mức độ nguy hiểm của sức mạnh Trung Quốc, về thái độ vô trách nhiệm của Bắc Kinh » và quan trong hơn nữa là « trong một thời gian rất ngắn, ông Tập Cận Bình đã hủy hoại những nỗ lực của nền ngoại giao Trung Quốc để tô điểm cho hình ảnh của quốc gia này ». Giáo sư Lincot Viện đại học Công Giáo Paris cho rằng giờ đây, Trung Quốc hiện nguyên hình là một « kẻ phá hoại » vơ vét của người khác về làm của mình đồng thời cho thấy « hợp tác một cách bình đẳng » với Bắc Kinh là điều không tưởng. Ngay cả với các nước như Iran, hay Nga thường khẳng định có mối bang giao chặt chẽ với Trung Quốc nhưng đó cũng chỉ là vỏ bọc bề ngoài.
« Mối quan hệ đặc biệt Nga-Trung »
Trong trường hợp của Matxcơva chẳng hạn, giáo sư Lincot cho rằng, tổng thổng Putin cũng như công luận Nga không hề « ngây thơ » chút nào trước những ý đồ của Bắc Kinh.
Giáo sư Lincot nhắc lại : Ngay cả dự án Một vành đai một con đường mà Trung Quốc đề xướng hiện nay, khởi đầu là một sáng kiến của Nga. Từ thập niên 1980 Matxcơva đã có ý định làm sống lại con Đường Tơ Lụa để đánh lạc hướng công luận Liên Xô về những thất bại quân sự trên chiến trường Afghanistan và để chứng minh rằng mô hình xã hội chủ nghĩa có thể phát triển và hợp tác với các nước Hồi Giáo. Nhưng rồi Bắc Kinh đã có tham vọng lớn hơn, có nhiều phương tiện hơn.
Bên cạnh những chủ đích kinh tế, những ý đồ về địa chính trị của Trung Quốc đã « quá rõ ràng » và điều rõ ràng không kém là « Bắc Kinh có những phương tiện tài chính mà Matxcơva không có được ». Nhưng Trung Quốc phải dựa vào ảnh hưởng của Nga tại Trung Á thông qua Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (OTSC) được thành lập từ tháng 10/2002 quy tụ Nga và Armenia, Belarus, Kazakhstan Kirghizistan và Tadjikistan. Tổ chức này cho phép Matxcơva can thiệp quân sự trong khu vực liên quan để giải quyết xung đột. Trong khi đó Trung Quốc không có thẩm quyền đó với Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.
Tuy nhiên giáo sư Emmanuel Lincot nhấn mạnh đến tính chất « tình thế » của trục Matxcơva – Bắc Kinh : thứ nhất tới nay Trung Quốc chưa mạnh dạn đầu tư vào Nga. Điểm thứ nhì là điện Kremlin không ngần ngại bán vũ khí cho Việt Nam hay Ấn Độ. Chủ tịch Tập Cận Bình không mấy hài lòng về điều đó.
Về phía giáo sư Véron thuộc viện INALCO, ông cho rằng Trung Quốc và Nga chủ yếu gắn kết với nhau trên ba hồ sơ, đó là năng lượng - nguyên liệu - khoáng sản, là công nghiệp vũ khí và địa chính trị. Nhà nhiên cứu này cũng cho rằng không nên đánh giá quá đáng về sự « thắm thiết » của cặp bài trùng nói trên bởi vì « Matxcơva không muốn Trung Quốc hiện diện quá nhiều và quá mạnh ». Trong khi đó « Bắc Kinh hài lòng về thế thượng phong của mình đối với nước Nga cho dù Matxcơva là một tâm điểm của thế giới cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự và chiến lược, nhưng cả về đối ngoại lẫn đối nội, nước Nga của ông Putin lại không có phương tiện tài chính xứng tầm.
Đó là điều khiến Bắc Kinh hài lòng.
Trung Quốc chỉ muốn dựa vào ảnh hưởng của Nga tại châu Âu và trong khu vực Trung Á mà thôi. Thế nhưng nhà nghiên cứu Emmanuel Véron lưu ý : Nga không là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc bắt rễ vào hai khu vực vừa nêu, bởi Bắc Kinh đã kết nối với những người bạn mới, như là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và cũng đã từng bước chen chân vào vùng Capkaz thuộc ảnh hưởng của Matxcơva hay vùng Địa Trung Hải.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten