woensdag 2 juni 2021

Vink : Người đầu tiên mang cổ tích Việt Nam vào truyện tranh Bỉ

 

Vink : Người đầu tiên mang cổ tích Việt Nam vào truyện tranh Bỉ

Phần âm thanh 11:00
Họa sĩ Vink tại nhà riêng, tháng 04/2021.
Họa sĩ Vink tại nhà riêng, tháng 04/2021. © RFI / Tiếng Việt

“Tôi ngừng vẽ truyện tranh cách đây 5 năm rồi, giờ tôi chỉ vẽ tranh mầu nước làm thú vui”. Sau quyết định “gác cọ” với tác phẩm cuối cùng Le Temps perdu (Thời gian đã mất, 2014), vào tháng 01/2021, Vink tặng lại thành phố Liège (miền nam Bỉ) 173 bản vẽ gốc, trích từ những tác phẩm truyện tranh theo suốt sự nghiệp của ông. Đây là cách họa sĩ gốc Việt cảm ơn thành phố, đất nước quê hương thứ hai nơi ông gắn bó suốt hơn nửa thế kỷ.


Thông tin Vink góp một phần tác phẩm vào Quỹ Bản vẽ gốc truyện tranh (Fonds de planches originales de bande dessinée) của Bảo tàng Mỹ Thuật Liège (Musée des Beaux-Arts de Liège) được truyền thông Bỉ và giới trong ngành liên tục đưa tin trong suốt tháng 01/2021.

Từ sinh viên ngành Y chuyển sang cầm cọ

Vink là nghệ danh của họa sĩ Vinh Khoa, sinh ở Đà Nẵng năm 1950, đến Bỉ du học năm 1969. Lúc đó, 19 tuổi, nhưng ông nói “cứ như trẻ 15 tuổi bây giờ” vì thiếu kinh nghiệm sống do chiến tranh, vì được gia đình bao bọc, ông ngơ ngác, lạc lõng giữa xứ lạ. Thế nhưng, những khổ ải trong thời gian đầu đã giúp ông, cũng như bất kỳ du học sinh nào, trở nên mạnh mẽ hơn, tự lập hơn.

Ông học ngành Y theo nguyện vọng của cha mẹ, rồi chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục vì thời cuộc và cuối cùng theo đuổi sự nghiệp hội họa theo đam mê, bất chấp phản đối của gia đình, như chia sẻ của họa sĩ với RFI Tiếng Việt ngày 20/04/2021 :

“Tôi thích vẽ từ thưở nhỏ, từ năm 11-12 tuổi, tôi vẫn còn những tập vẽ vào quãng thời gian đó. Nhưng trong gia đình, ba tôi nói đó không phải là nghề, sau này không thể sống nhờ nghề đó. Qua đây tôi gặp những đồng nghiệp Âu châu, hầu như ai cũng nói như vậy, cha mẹ họ cũng nói vẽ không phải là một nghề, phải làm nghề khác, vẽ chỉ để chơi thêm thôi.

Nhưng đến năm 1975, khi tôi học xong đại học, có bằng cấp để về Việt Nam - tôi học ngành giáo dục để đi dạy ở mấy trường sư phạm. Thường tôi có thể đi dạy ở đây (Bỉ), nhưng tôi không có giấc mơ đó nên tôi không đâm đơn xin đi dạy. Vì thế tôi đi học ngành vẽ là điều tôi vẫn hằng mơ ước. Lúc đó cũng không biết làm chi hơn nữa. Có nghĩa là muốn ở lại Bỉ và vì tôi không xin tị nạn chính trị, nên phải đăng ký học để có giấy chứng nhận sinh viên cho phép ở lại”.

Chi tiết bản vẽ "Múa lân", NXB Dargaud, 1997, được họa sĩ Vink tặng thành phố Liège.
Chi tiết bản vẽ "Múa lân", NXB Dargaud, 1997, được họa sĩ Vink tặng thành phố Liège. © Vink / Dargaud / DR

Vink gặp Claudine (được biết dưới bút danh “Cine”) ở Trường Mỹ Thuật Liège, người trở thành bạn đời, đồng nghiệp, đồng tác giả và là người hỗ trợ ông tích cực trong suốt sự nghiệp. Hợp tác với Journal Tintin (báo Tintin) - báo dành cho thiếu nhi nổi tiếng ở Bỉ thời đó cùng với tờ Spirou - là đòn bẩy để ông theo đuổi đam mê. Họa sĩ gốc Việt muốn đưa hiện thực Bỉ qua góc nhìn của một người nước ngoài, nhưng Jean-Luc Vernal, tổng biên tập Journal Tintin, lại muốn ông họa nét Á đông, “thế mạnh” của ông. Và Vink bắt đầu kể truyện cổ tích Việt Nam trong tủ sách Derrière la haie de bambous (Sau lũy tre).

“Lúc đó, hầu như không có một họa sĩ nào gốc Á châu nên tôi được chú ý một phần lớn là nhờ chuyện đó và tôi được chào đón khá nồng hậu trong thế giới truyện tranh lúc đó. Khi tôi viết xong hết 7-8 truyện cổ tích Việt Nam (từ 1979-1982), trong đó có một truyện tôi “đặt” ra (tự sáng tác), thì ông chủ báo muốn tôi vẽ những truyện ngắn về Nhật. Tôi nói : Nhật tôi không biết gì cả, để tôi vẽ truyện Trung Hoa, tôi gần hơn.

Hồi ở Việt Nam tôi đọc truyện chưởng trong những thập niên 1960-1970 của Trung Hoa từ Hồng Kông. Phải nói là truyện chưởng của Hồng Kông tràn ngập Việt Nam như một phong trào rất là mạnh. Độc giả truyện chưởng của Hồng Kông ngày nào cũng trực mua báo để đọc truyện chưởng đó thôi. Trong số tác giả Hồng Kông lúc đó, một người nổi bật là ông Kim Dung. Cho nên khi tôi bắt đầu vẽ truyện Trung Hoa, tôi bị ảnh hưởng rất nặng ở một tập tên là Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Tôi phỏng theo không khí của lời truyện đó để viết truyện Le Moine fou.

Lợi thế từ hai luồng văn hóa Á-Âu

Le Moine Fou (tạm dịch : Nhà sư điên, 10 tập, NXB Dargaud) theo Vink từ năm 1984 đến 1999. Sau đó, Vink tiếp tục đưa độc giả phương Tây chu du trên đất Trung Hoa trong Les Voyages de He Pao (Những chuyến đi của He Pao, 5 tập, NXB Dargaud) từ năm 2000 đến 2010. Điểm đặc biệt là nhân vật chính - He Pao - lại là một phụ nữ phương Tây tóc vàng, mũi cao, bị coi là “người man rợ” trong xã hội Trung Hoa phong kiến thế kỷ XI. Chính “Cine”, người vợ và là đồng nghiệp của ông đưa ra ý tưởng độc đáo này, để thu hút độc giả châu Âu. Đây cũng là cách thể hiện sự giao thoa hai nền văn hóa mà họa sĩ gốc Việt được hưởng :

“Đúng là trong lối vẽ của tôi, cũng như trong cốt truyện, có tính chất Á đông rất nhiều, tuy mình không cố tìm kiếm cách diễn tả nhưng vì đã tự nhiên có ở trong người, mình chỉ diễn đạt ra thôi. Nhưng phải nói là từ khi tôi học ở trường của Pháp ở Đà Nẵng từ thưở bé, từ mẫu giáo, thì sách vở của Pháp, Bỉ, sách học, tranh minh họa ảnh hưởng đến tôi rất lớn nên tôi có những yếu tố văn hóa của Âu châu từ thưở bé rồi. Qua đây, khi bắt đầu vẽ truyện tranh thì hai nguồn Âu-Á tự nhiên bộc lộ cùng lúc.

Với lại, trong những truyện đó, dầu muốn dầu không tôi cũng diễn tả những vấn đề mình sống ngay trong hiện tại ở đây (Bỉ). Tuy là cốt truyện tôi vẽ và viết vào thế kỷ XI ở Tầu nhưng mà trong đó tôi bộc lộ hoặc kể những suy tư hoặc những điều mình sống ngay lúc đấy, tại đây”.

Có thể hiểu được tâm trạng này của Vink trong tập truyện Le Moine Fou (Nhà sư điên), qua những chủ đề như phải bỏ xứ, nỗi sợ hóa điên và nỗi sợ chiến tranh, theo nhận xét rất tinh tế của ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học các Bảo tàng Liège. Ngoài hai tập truyện dài kỳ, Vink còn sáng tác một số truyện khác, về đúng thời kỳ của ông, Une luciole dans la ville (Đom đóm thành phố), Le Passager (Hành khách)… Tác phẩm phác họa 1.000 năm lịch sử thành phố Liège của Vink cũng được chú ý với cách thể hiện mới mẻ.

1/5
Bản vẽ "La Montagne qui bouge" (Núi rung) trong tập truyện He Pao của họa sĩ Vink, NXB Dargaud, 2000. Bản vẽ được Vink tặng thành phố Liège (Bỉ).
Bản vẽ "Poussière d’or" (Bụi vàng) trong tập truyện He Pao của họa sĩ Vink, NXB Dargaud, 1999. Bản vẽ được Vink tặng thành phố Liège (Bỉ).
Bản vẽ "Le Tournoi des licornes" (Thi múa lân) trong tập truyện He Pao của họa sĩ Vink, NXB Dargaud, 1997. Bản vẽ được Vink tặng thành phố Liège (Bỉ).
Bản vẽ "Le Tournoi des licornes" (Thi múa lân) trong tập truyện He Pao của họa sĩ Vink, NXB Dargaud, 1997. Bản vẽ được Vink tặng thành phố Liège (Bỉ).
Chi tiết bản vẽ "Les Matins du serpent" trong tập truyện He Pao của họa sĩ Vink, NXB Dargaud, 1997. Bản vẽ được Vink tặng thành phố Liège (Bỉ).
Bản vẽ "La Montagne qui bouge" (Núi rung) trong tập truyện He Pao của họa sĩ Vink, NXB Dargaud, 2000. Bản vẽ được Vink tặng thành phố Liège (Bỉ). © © Vink / Dargaud / DR

Là họa sĩ cầu toàn, Vink không chọn con đường đơn giản để sáng tác. Hai vợ chồng ông có thể mất cả ngày chỉ để tìm tài liệu về một kiểu áo, một chi tiết nhỏ hay tua đi tua lại băng video một bộ phim tài liệu để nghiên cứu chi tiết một ngôi chùa, một địa điểm cho đúng với thời kỳ trong truyện. Nhân vật của ông luôn trong thế "chuyển động" "rất thực". Đây chính là thành quả một năm học ngành Y và nghiên cứu giải phẫu học. Hai vợ chồng ông thay nhau làm mẫu để người kia có thể vẽ phác những chuyển động cần thiết.

Vink cũng là một trong những họa sĩ truyện tranh hiếm hoi sử dụng mầu nước trực tiếp “để diễn tả mọi thứ cùng lúc” mà không mất đi dòng cảm hứng. Do đó, mỗi trang tranh của ông thường mất đến gần một tuần để hoàn thiện.

“Trước hết là vẽ nháp trên tờ giấy nháp, đại khái bao nhiêu hình trên trang đó, trong mỗi hình sẽ có gì, sẽ có những câu viết như thế nào, bởi vì đã có kịch bản sẵn rồi. Sau đó lên khung trên giấy nháp, rồi bắt đầu vẽ bằng bút chì từng hình rồi tôi đồ lại đường nét bằng bút mực bởi vì khi tô mầu nước, cần có một loại mực không lem và cần một đường nét rõ ràng để thấy mà tô mầu. Việc tô mầu, cả hai chúng tôi (cùng vợ Claudine - “Cine”) cùng làm. Và cách vẽ truyện tranh như chúng tôi làm, bây giờ không còn nữa.

Tô mầu trực tiếp, vào lúc đó, khi tôi bắt đầu, thì rất hiếm. Các họa sĩ thường thường vẽ đen trắng, rồi đưa cho nhà xuất bản. Nhà xuất bản in một loại như photocopy rồi họa sĩ tô mầu trên bản photocopy đó, sau đó có một bản in mầu đen ghép lại. Tôi thấy vẽ trực tiếp và tô mầu trực tiếp dễ hơn là đi qua mấy giai đoạn. Tranh sống động hơn với cảm hứng của mình lúc đó, mình nghĩ mầu gì thì mình tô liền, không phải đợi 2, 3 tuần sau mới tô mầu.

Khi mà tôi vẽ hay tô mầu, cũng như khi tôi viết truyện, tất cả những yếu tố xảy ra trong hiện tại lúc đó đều có ảnh hưởng. Ví dụ như tôi vừa uống cà phê, hoặc ngồi bên cửa sổ có nắng là mình vẽ khác. Rất là theo cảm hứng, chứ không sắp đặt trăm phần trăm, mà được tự do diễn xuất hay diễn đạt trong giây phút hiện tại, tức thì”.

Họa sĩ Vink (P) và ông Fabien Denoël (T), phụ trách khoa học của Quỹ Di Sản thành phố Liège (Fonds patrimoniaux de la Ville de Liège) chụp ảnh với bà Isabelle Zumkir, tình nguyện viên, nhập kho 173 bản vẽ Vink tặng thành phố.
Họa sĩ Vink (P) và ông Fabien Denoël (T), phụ trách khoa học của Quỹ Di Sản thành phố Liège (Fonds patrimoniaux de la Ville de Liège) chụp ảnh với bà Isabelle Zumkir, tình nguyện viên, nhập kho 173 bản vẽ Vink tặng thành phố. © RFI / Tiếng Việt / Vink

Tặng tranh cho thành phố Liège như một lời cảm ơn

Vink vẽ tổng cộng khoảng 600 đến 700 bản. Ngoài một số bản bị mất, niềm vui của ông là tặng tranh cho người thân quen. Ông bán một vài tác phẩm khi tổ chức triển lãm nhưng từ chối bán số lượng lớn cho các nhà sưu tầm dù nhận được rất nhiều đề nghị.

Ý tưởng tặng tranh của Vink đến từ hai người bạn dành tặng các bộ sưu tập của họ cho thành phố Liège. Họa sĩ gốc Việt quyết định tặng một số tác phẩm cho cả Liège nơi ông gắn bó suốt 50 năm và cả Đà Nẵng, nơi ông sinh ra và lớn lên. Trong lần về thăm quê năm 2016, ông bất ngờ về phong cách kiến trúc và cơ sở hạ tầng của Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng mới được khánh thành và tin đó là nơi có thể bảo quản tốt và chia sẻ rộng rãi những tác phẩm của ông. Đầu tháng 02/2021, ông liên lạc với bảo tàng Đà Nẵng và đến cuối tháng Ba, khoảng 60 tranh ông dành tặng thành phố đã về đến Bảo tàng Mỹ Thuật.

Trong trụ sở của Quỹ Di Sản thành phố Liège, cụ bà Isabelle Zumkir, 90 tuổi, cẩn thận lật mặt trước, rồi mặt sau từng bản vẽ của Vink. Mỗi tuần hai lần, cụ đến giúp nhập sổ 173 bản vẽ của họa sĩ gốc Việt.  

“Tôi ghi vào tờ phiếu này tên tác giả, tên tác phẩm, đánh số, rồi tôi nhìn số lượng khung trên bản vẽ gốc ở ba phần, sau đó là chữ ký, ngày vẽ và phần thoại. Tôi ghi lại phần đầu câu thoại của ô thứ nhất - tôi rất thích khi có những phần ghi rõ ràng như vậy. Rồi tôi ghi thêm là “tranh mực tầu, tranh mầu nước”.

Còn trong cuốn sổ này, tôi ghi chủ yếu các bản vẽ và số thống kê. Tôi đã nhập được 104 bản rồi và bắt đầu làm bản thứ 105. Xem nào, hôm nay (20/04) tôi đã nhập được 4 bản vẽ, chắc là tôi làm xong được 6 hay 7 bản”.

Đối với thành phố Liège, “món quà của họa sĩ Vink có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử của một họa sĩ truyện tranh”, theo nhận xét với RFI Tiếng Việt ngày 20/04 của ông Alain Delaunois :

“Điều đặc biệt là Vink tặng cho thành phố những bản vẽ nằm trong cùng seri, chứ không chỉ là một bức vẽ trong một tập truyện, nên chúng ta có thể thấy được sự phát triển từng bước trong sự nghiệp của ông, vừa về hành trình của nhân vật chính trong truyện, vừa về cách Vink bắt đầu sự nghiệp và tiếp tục như thế nào, kể cả trong cách ông xử lý mầu sắc. Khi ông tặng tranh cho thành phố Liège, dĩ nhiên là để tăng giá trị cho tác phẩm nhưng cũng là để những tác phẩm đó được lưu lại trong Bảo tàng Mỹ Thuật với những bản gốc khác trong “kho tàng truyện tranh” của Liège”.

Vink : Người đầu tiên mang cổ tích Việt Nam vào truyện tranh Bỉ - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten