dinsdag 18 mei 2021

Miến Điện: Đại Hội Đồng LHQ chuẩn bị thông qua một nghị quyết cấm vận vũ khí + Thái Lan cam kết với Liên Hiệp Quốc không đóng cửa với dân tị nạn Miến Điện

 

Miến Điện: Đại Hội Đồng LHQ chuẩn bị thông qua một nghị quyết cấm vận vũ khí

Ảnh minh họa: Giáo hoàng Phanxicô trên màn ảnh video tại trụ sở Liên Hiệp Quốc trong một thông điệp được ghi hình trước gởi đến khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh chụp ngày 25/09/2020, tại trụ sở LHQ.
Ảnh minh họa: Giáo hoàng Phanxicô trên màn ảnh video tại trụ sở Liên Hiệp Quốc trong một thông điệp được ghi hình trước gởi đến khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh chụp ngày 25/09/2020, tại trụ sở LHQ. AP - Mary Altaffer

Miến Điện bên bờ vực nội chiến là nỗi lo lớn của cộng đồng quốc tế. Hôm qua, 16/05/2021, theo một số nguồn tin ngoại giao, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được kêu gọi thông qua một nghị quyết yêu cầu « đình chỉ ngay lập tức » việc vận chuyển vũ khí đến Miến Điện.

Dự thảo nghị quyết yêu cầu « đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, buôn bán, chuyển giao trực tiếp hoặc gián tiếp tất cả các loại vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự cho Miến Điện ». Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền quân sự Miến Điện « chấm dứt ngay lập tức tình trạng khẩn cấp », « đình chỉ mọi hành vi bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa », « trả tự do ngay lập tức và không điều kiện » cho tổng thống Win Myint và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, cũng như tất cả những người bị bắt bớ vô cớ.

Nghị quyết cũng đòi chính quyền quân sự « thực thi không chậm trễ » kế hoạch phục hồi nền dân chủ, theo lộ trình đã được khối ASEAN thảo ra cuối tháng 4/2021 và « tạo điều kiện ngay cho chuyến công du của đặc phái viên LHQ » đến Miến Điện.

Dự thảo nghị quyết do Liechtenstein đề xuất, được thảo luận từ nhiều tuần nay và có sự ủng hộ đặc biệt của Liên Hiệp Châu Âu, Anh quốc và Hoa Kỳ. Hiện tại, dự thảo được tổng cộng 48 quốc gia bảo trợ, ngoài các nước châu Âu và Hoa Kỳ, còn có Hàn Quốc, đại diện cho nhóm các nước châu Á, một số quốc gia châu Mỹ và châu Phi. Theo một người phát ngôn của LHQ, dự thảo nghị quyết sẽ được trình ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào lúc 19 giờ, giờ quốc tế, ngày mai, 18/05.

Nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ, không mang tính cưỡng chế, để được thông qua phải nhận được ủng hộ của quá nửa thành viên Liên Hiệp Quốc, với 193 thành viên. Theo nhiều nhà ngoại giao, vấn đề hiện nay là vận động để nghị quyết này được sự ủng hộ tối đa của các nước.

Từ cuộc đảo chính đến nay, Hội Đồng Bảo An LHQ đã ra tổng cộng bốn tuyên bố chung về Miến Điện. Tuy nhiên các tuyên bố này đều bị giảm nhẹ mức độ nghiêm khắc với tập đoản quân sự, đặc biệt do sự cản trở của Trung Quốc, quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, có quyền phủ quyết.

Giáo hoàng cầu nguyện cho hòa bình và tình huynh đệ tại Miến Điện

Sáng hôm qua, một thánh lễ đặc biệt cho Miến Điện đã được tổ chức tại Vatican. Thánh lễ, do đức giáo hoàng chủ trì, có sự tham gia của khoảng 100 tu sĩ Công giáo Miến Điện.

Thông tín viên Eric Sénanque tường trình từ Vatican :

« Trước khoảng một trăm tu sĩ Công Giáo Miến Điện, có mặt tại Giáo đường Thánh Phêrô, giáo hoàng giải thích ngài muốn gửi đến  Chúa những nỗi đau khổ của người dân Miến Điện, và cầu nguyện cùng Chúa ‘‘để Chúa mang lại bình an cho tất cả mọi người’’. Trong lúc đàn áp của tập đoàn quân sự tiếp tục tại một xứ sở cách Roma hàng ngàn cây số, người đứng đầu đạo Công giáo kêu gọi những người Miến Điện có mặt tại đây giữ vững đức tin ‘‘ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất’’, chống lại vòng xoáy bạo lực.

Ngài nói : ‘‘Hãy giữ lấy đức tin, hãy hướng lên trời, trong lúc trên mặt đất người ta đang đánh nhau, người ta đang làm đổ máu người vô tội. Đừng nhường chỗ cho lòng căm hận, trả thù, mà hãy hướng về Đức Chúa của tình thương yêu, Người nhắc nhở với chúng ta rằng chúng ta là huynh đệ’’.

Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc lại rằng cam kết dấn thân cho hòa bình và tình huynh đệ nảy sinh ‘‘chính trong thế gian này. Và mỗi người, tùy theo tầm mức của mình, có thể đóng góp phần mình’’.

Thánh lễ tại Giáo đường Thánh Phêrô là một thời điểm rất được người Công giáo Miến Điện trông đợi. Vào cuối thánh lễ, một linh mục đã cám ơn giáo hoàng và nhắc lại rằng : ‘‘Người Miến Điện đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, và họ muốn hòa bình’’. Theo vị linh mục này, đối với nhiều người Miến Điện, thánh lễ tại đây là ‘‘một phép màu vĩ đại, một điều kỳ diệu’’ ».

Miến Điện: Đại Hội Đồng LHQ chuẩn bị thông qua một nghị quyết cấm vận vũ khí (rfi.fr)

Thái Lan cam kết với Liên Hiệp Quốc không đóng cửa với dân tị nạn Miến Điện

Ảnh minh họa : Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan O Cha lúc phát biểu nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 23/09/2019.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan O Cha lúc phát biểu nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 23/09/2019. AP - Jason DeCrow

Thủ tướng Thái Lan cam kết với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc sẽ không cưỡng bức người Miến Điện, chạy sang Thái Lan lánh nạn, trở về nước.

Theo hãng tin AP, hôm qua, 14/05/2021, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O Cha, trong cuộc gặp với đặc phái viên LHQ về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, đã đưa ra hứa hẹn nói trên. Văn phòng thủ tướng Thái Lan ra thông báo cho biết đặc phái viên Liên Hiệp Quốc hy vọng Thái Lan sẽ giúp tìm ra được các phương thức làm việc với tập đoàn quân sự Miến Điện, nhằm thúc đẩy tháo gỡ khủng hoảng.

Thủ tướng Thái Lan nói với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc là Bangkok đang theo dõi sát tình hình tại vùng biên giới với Miến Điện, và đã chuẩn bị sẵn một số địa điểm để làm nơi tạm trú cho người tị nạn, cung cấp dược phẩm. Theo thông báo của văn phòng chính phủ Thái Lan, thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho bà Schraner Burgener biết là chính phủ Thái Lan sẵn sàng lắng nghe và trao đổi thông tin về Miến Điện. Hiện không có bình luận nào ngay lập tức từ phía đặc phái viên LHQ.

Trước đó, có nhiều hoài nghi về khả năng chính quyền Thái Lan sẽ có các biện pháp cứng rắn với người tị nạn chạy trốn đàn áp của chính quyền quân sự Miến Điện, sau vụ ba nhà báo cùng hai nhà đấu tranh Miến Điện bị bắt tại Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, hôm Chủ Nhật 09/05. Năm công dân Miến Điện bị cáo buộc tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Thái Lan.

Quân đội Miến Điện đang chiến đấu với các đội quân du kích thuộc nhiều sắc tộc thiểu số ở các vùng biên giới, đang tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn từ chính quyền trung ương. Nhiều nhóm vũ trang hỗ trợ những người đấu tranh chống đảo chính, đòi khôi phục chính quyền dân sự.

Tháng trước, hàng nghìn dân từ bang Karen, miền đông Miến Điện, đã chạy sang Thái Lan sau các cuộc không kích của không quân Miến Điện vào vùng đất do sắc tộc Karen kiểm soát. Các quan chức Thái Lan cho biết dân tị nạn đã tự nguyện trở về Miến Điện ít ngày sau đó. Các nhân viên phụ trách tị nạn cho biết hầu hết những người tị nạn trốn trong rừng và không trở về nhà của họ. Ước tính gần 50.000 người đã phải sơ tán kể từ đầu năm, do các giao tranh ở một số vùng đất của người Karen.

Từ thứ Năm, 13/05/2021, chính quyền quân sự Miến Điện ra lệnh thiết quân luật tại thị trấn Mindat ở bang Chin, phía tây Miến Điện, giáp với Ấn Độ. Khu vực hẻo lánh này là một trong những nơi có nhiều hoạt động vũ trang chống lại lực lượng an ninh.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, một cựu chỉ huy quân đội, cũng lên nắm quyền bằng cách lật đổ một chính phủ dân cử, được cho là có mối quan hệ thân thiết với người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing.

Đặc phái viên LHQ Schraner Burgener, có mặt tại Thái Lan kể từ tháng Tư, cho biết có kế hoạch ở lại khu vực trong những tuần tới, để tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ việc thực hiện « Đồng thuận 5 điểm » về khủng hoảng Myanmar, mà các nhà lãnh đạo ASEAN đạt được tại một cuộc hội nghị đặc biệt ở Jakarta, Indonesia, ngày 24/04/2021.

Thái Lan cam kết với Liên Hiệp Quốc không đóng cửa với dân tị nạn Miến Điện (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten