Chính phủ Úc đối mặt với "Thế hệ bị đánh cắp"
Đăng ngày:
Nước Úc phải đối mặt với « Thế hệ bị đánh cắp ». Tại châu Âu, hai nước Pháp và Ý tìm cách sang trang 43 năm tranh cãi pháp lý trong việc dẫn độ những thành viên Lữ đoàn đỏ từng một thời khuynh đảo nước Ý. Trên đây là những chủ đề chính trong mục Tạp chí Thế giới tuần này.
Những ai thuộc « Thế hệ bị đánh cắp » ?
Trong những ngày qua, các kênh truyền thông Úc cho hay, vào ngày 17/06, những người thuộc « Thế hệ bị đánh cắp » tại Bắc Úc (Northern Territory) sẽ phát động vụ kiện tập thể chính phủ liên bang. Họ đòi bồi thường những tổn thất mà họ phải gánh chịu trong việc bị cưỡng bách tách khỏi gia đình, cộng đồng thổ dân từ hơn 60 năm trước.
Thông tín viên Hoàng Hằng từ Sydney giải thích:
Thổ dân và cư dân đảo Torres Strait là những người bản địa của Úc, ước tính chừng 800.000 người (2016), chiếm 3,3% tổng dân số. Họ không phải là một nhóm, mà bao gồm hàng trăm nhóm có ngôn ngữ, lịch sử và truyền thống văn hóa riêng biệt. Họ không chỉ tập trung định cư trên các vùng đất truyền thống, mà phân bổ sinh sống ở hầu hết các khu thành thị và nông thôn của tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc châu.
Theo đó, « Thế hệ bị đánh cắp » (Stolen Generations) là những người Thổ dân đã bị bắt đi khỏi gia đình lúc còn nhỏ theo chính sách chủng tộc của chính phủ liên bang, tiểu bang và vùng lãnh thổ từ năm 1910 đến 1970. Việc tách những trẻ em của thổ dân và cư dân đảo Torres Strait ra khỏi gia đình, cộng đồng là một phần trong chính sách đồng hóa. Trẻ em là nhóm xã hội vốn được tin là dễ thích nghi với xã hội da trắng hơn các nhóm xã hội khác.
Người ta dựa trên giả định, cuộc sống của người thổ dân và cư dân đảo sẽ được cải thiện nếu họ trở thành một phần của xã hội da trắng. Những đứa trẻ của « Thế hệ bị đánh cắp » được các gia đình da trắng nuôi dưỡng hoặc nhận làm con nuôi, hoặc được nuôi dạy trong các trại trẻ mồ côi, các gia đình hoặc các cơ sở khác do chính phủ, nhà thờ và các cơ quan phúc lợi xã hội điều hành. Từ đó, chúng được dạy từ chối nền văn hóa bản địa và tiếp nhận nền văn hóa của người da trắng.
Nếu dựa theo số liệu trong bản phúc trình « Hãy mang họ về nhà » (Bring Them Home), có ít nhất 100.000 trẻ em đã bị tách biệt khỏi gia đình, cộng đồng thổ dân. Tuy nhiên, theo nhận định, con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều bởi rất khó xác lập một số liệu chính xác do sự khác nhau về dân số trong một khoảng thời gian dài; các chính sách cũng thay đổi theo từng thời điểm khác nhau, tại các tiểu bang, vùng lãnh thổ khác nhau; đồng thời hồ sơ các trường hợp được ghi lại cũng không đầy đủ. Tuy nhiên, dựa vào một nghiên cứu gần đây của Viện Y tế và Phúc lợi Úc, có hơn 17.000 người sống sót trong « Thế hệ bị đánh cắp » ở Úc.
Một mảng tối trong lịch sử và « Lời xin lỗi toàn quốc »
« Thế hệ bị đánh cắp » và các chính sách dựa trên chủng tộc khác được cho có tác động nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe, văn hóa, thể chất, tinh thần và tâm hồn của các cộng đồng bản địa, không chỉ đối với những người bị cưỡng bức rời gia đình khi còn nhỏ mà cả gia đình và con cháu của họ. Các nghiên cứu chỉ ra, nhiều người sống sót đã trải qua những chấn thương thời thơ ấu do bị buộc phải rời khỏi gia đình, cộng đồng, rời khỏi nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ của mình, và đôi khi họ bị ngược đãi, bị phân biệt đối xử trong suốt quãng đời bị chia cắt.
« Thế hệ bị đánh cắp » được cho là một mảng đen tối nhất trong bức tranh vốn dĩ đầy màu sắc tươi đẹp của lịch sử nước Úc. Chính vì vậy, năm 1995, chính phủ Úc đã tiến hành một cuộc điều tra quy mô về chính sách cưỡng bức trẻ em thổ dân rời bỏ gia đình trong khuôn khổ chính sách đồng hóa. Kết quả, một bản phúc trình mang tên « Hãy mang họ về nhà » được trình lên quốc hội vào năm 1997, bao gồm 54 đề nghị, trong đó có việc bồi thường về mặt tài chính, bảo đảm không tái phạm, hòa giải và phục hồi cho các nạn nhân.
Vào khoảng thời gian đó, trong khi chính phủ ông Paul Keating (1991 – 1996) ủy thác cuộc điều tra về các thế hệ bị đánh cắp, chính phủ của ông John Howard (1996 – 2007) đã lên nắm quyền vào thời điểm báo cáo được hoàn thiện và phần lớn phớt lờ 54 khuyến nghị của báo cáo. Mãi cho đến năm 2008, cách đây hơn 13 năm, thủ tướng Úc lúc bấy giờ là ông Kevin Rudd (06/2013 - 09/ 2013) mới thực hiện một trong 54 đề nghị, đó là nói « Lời xin lỗi toàn quốc ». Mặc dù, lời xin lỗi chỉ mang tính biểu tượng nhưng nó đã đánh dấu một kỷ nguyên mới về việc nhìn nhận và hòa giải với người Thổ dân.
Bên cạnh đó, việc bồi thường tài chính cho các nạn nhân của « Thế hệ bị đánh cắp » cả ở cấp liên bang và tiểu bang, vùng lãnh thổ là một trong những khuyến nghị quan trọng trong bản phúc trình. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có ba tiểu bang thực thi là Tasmania (2006), South Australia (2015) và New South Wales (2017). Ngoài ra, ở một số tiểu bang, vùng lãnh thổ khác cũng đã bồi thường cho một số nạn nhân đơn lẻ khi họ thắng kiện ở các tòa án.
Đó là nguyên nhân tại sao trong những năm qua, người thổ dân ở các tiểu bang, vùng lãnh thổ còn lại thuộc « Thế hệ bị đánh cắp » đã, đang và chuẩn bị kiện đòi bồi thường từ chính phủ để cho họ một cuộc sống công bằng và sung túc hơn. Thực tế, nhiều người trong số họ đã không hội đủ các tiêu chí của chương trình bồi thường từ cấp tiểu bang. Trong khi, những người khác cho rằng, không có số tiền nào có thể bù đắp hết những tổn thương mà các thế hệ đã trải qua.
Pháp và Ý sang trang 4 thập kỷ tranh cãi pháp lý ?
Sau hơn 40 năm tranh cãi, ngày 28/04/2021, điện Elysée thông báo bắt giữ 9 cựu thành viên thuộc Lữ đoàn đỏ và truy tìm một khác, theo yêu cầu của chính phủ Ý vì những hành động khủng bố trong những năm 1970-1980. Tư pháp của Pháp sắp tới sẽ phải tuyên bố có cho dẫn độ 9 nhân vật này về Ý để xét xử hay không.
Những năm tháng đen tối
Thông báo này gợi nhắc lại một giai đoạn đen tối của nước Ý trong những năm 1960-1980 do những cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội và kinh tế (hậu quả của cú sốc dầu hỏa và bất ổn tiền tệ). Trong bối cảnh này, nhiều nhóm đấu tranh cực hữu và cực tả cũng ra đời, trong đó có Lữ đoàn đỏ (BR), lấy cảm hứng từ tư tưởng « Mác – Lênin », được đánh dấu bằng vụ đánh bom đầu tiên ở Milano cuối năm 1969, làm 16 người chết và gần 100 người bị thương.
Nhóm này chủ trương các hành động có vũ trang như là một phương thức đáp trả duy nhất để đối phó với một nhà nước mà họ cho là tham nhũng và ngày càng ít dân chủ hơn. Hàng trăm vụ khủng bố, bắt cóc hay tấn công có mục tiêu nhắm vào các thẩm phán, cảnh sát, học giả hay các nhà báo trong giai đoạn 1969-1980 đã làm cho 84 người thiệt mạng (Le Monde Diplomatique 2011). Sự việc nổi tiếng nhất vẫn còn ghi đậm trong tâm trí người dân Ý là vụ bắt cóc và sát hại lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Aldo Moro ngày 16/03/1978.
Theo AFP, từ nhiều thập niên qua nước Ý không ngừng đòi cho dẫn độ nhiều thành viên Lữ đoàn đỏ tỵ nạn ở Pháp kể từ khi phong trào bị tan rã sau vụ hai nhà lãnh đạo bị bắt và bị kết án tù. Nhưng đòi hỏi của Roma luôn vấp phải sự từ chối từ Paris, viện dẫn « học thuyết Mitterand ».
Theo đó, nước Pháp « sẽ bảo vệ những nhà hoạt động chính trị nào một khi họ từ bỏ đấu tranh có vũ trang và chứng tỏ thiện chí hội nhập tại Pháp ». Nhưng ông Mitterand cũng nêu rõ Pháp « sẽ không chấp thuận bảo vệ những ai có can dự vào những ‘‘tội ác gây đổ máu’’. »
Pháp quyết định sang trang, liệu công lý được thực thi ?
Với quyết định này, tổng thống Emmanuel Macron quyết định sang trang một mối tranh chấp xưa cũ giữa Paris và Roma khi đoạn tuyệt với « học thuyết Mitterand ». Đảng cánh tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) tỏ ra bất bình cho rằng « nước Pháp nuốt lời », hay các luật sư của những cựu thành viên Lữ đoàn đỏ nói đến « sự phản bội không kể xiết »
Vì sao giờ đây tổng thống Emmanuel Macron lại chấp nhận phá vỡ học thuyết vào lúc này trong khi năm 2008, tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn từ chối cho dẫn độ những thành viên trên khi viện dẫn học thuyết Mitterand ?
Ngoài việc ông Mario Draghi lên cầm quyền mà nguyên thủ Pháp có một mối quan hệ hữu hảo, thì theo điện Elysée, tổng thống Pháp « cảm thấy thấu hiểu nhu cầu mạnh mẽ về công lý » tại Ý trong khi mà « nước Pháp cũng đang đối mặt với nạn khủng bố ».
Vậy tại nước Ý, người dân và gia đình các nạn nhân có phản ứng ra sao ? Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir cho biết cụ thể :
Một trong số những người phản ứng đầu tiên là chủ tịch Hiệp hội gia đình các nạn nhân khủng bố của Ý, Roberto Della Rocca. "Chúng tôi từ lâu đã trông mong một bước đột phá về phẩm cách từ phía nước Pháp. Và hành động khẩn cấp là cần thiết, vì một số thành viên khủng bố trước đây, bị bắt ở Pháp, có nguy cơ phải chịu án."
Về phần mình, lãnh đạo chính phủ, ông Mario Draghi, tỏ sự hài lòng trước quyết định của Pháp cho khởi động thủ tục pháp lý nhắm vào " những người có trách nhiệm về những hành vi man rợ, hiện vẫn còn để lại nhiều vết thương "
Đại diện của tất cả các đảng chính trị đều cho biết cảm thấy nhẹ nhõm vì cuộc tranh chấp giữa Roma và Paris từ hơn 40 năm qua đã được xử lý. Tuy nhiên, như nhấn mạnh của nhà báo Mario Calabresi, mà cha của ông đã bị một thành viên của Lotta Continua sát hại năm 1972, thì người dân Ý không tìm kiếm một sự trả thù.
Ông nói : « Công lý cuối cùng đã được tôn trọng, nhưng tôi không có chút vui sướng nào khi nhìn những người già nua và bệnh tật phải đi tù ».
Chính phủ Úc đối mặt với "Thế hệ bị đánh cắp" - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten