Đài Loan, bài toán nan giải của Hoa Kỳ
Đăng ngày:
Với vỏn vẹn 23 triệu dân, cách Hoa Lục gần 150 cây số, Đài Loan đang trở thành điểm nóng thời sự. Thông cáo chung của ngoại trưởng nhóm G7 nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc duy trì « hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », « mạnh mẽ chống đối mọi hành động đơn phương gây thêm căng thẳng trong khu vực ».
Về phía Hoa Kỳ, vấn đề Đài Loan đang làm dấy lên tranh luận với câu hỏi : Lợi hay hại nếu như chính quyền Biden tuyên bố can thiệp quân sự trong kịch bản Trung Quốc chiếm đóng Đài Loan bằng vũ lực ?
Trong vài ngày nữa tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ công bố chính sách của Nhà Trắng đối với Trung Quốc. Bên cạnh rất nhiều xung khắc giữa Washington với Bắc Kinh, từ tranh chấp về thương mại hay cuộc chạy đua về công nghệ, cho đến nhân quyền tại Tân Cương, các quyền tự do tại Hồng Kông, an ninh trong các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, mọi chú ý còn hướng về lập trường của Mỹ trên vấn đề Đài Loan
Từ năm 1979, Hoa Kỳ đã có luật « Taiwan Relations Act » quy định quan hệ của Mỹ với Đài Loan. Điều đó không cấm cản Washington bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và công nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa ». Vấn đề nằm ở chỗ đạo luật về quan hệ Mỹ-Đài Loan cho phép Hoa Kỳ bán vũ khí cho hòn đảo này để tự vệ, nhưng không quy định rõ về trách nhiệm « can thiệp quân sự » trong trường hợp Đài Loan bị tấn công. Trong khi đó, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ ý định « thống nhất vùng lãnh thổ không thể tách rời này » kể cả bằng vũ lực.
Trong thời gian gần đây, thời sự tại eo biển Đài Loan càng lúc càng nóng : Các đợt máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan ngày càng nhiều và dồn dập. Các đòn hù dọa, sách nhiễu cũng thường xuyên xảy ra trên biển.
Đạo luật « Taiwan Relations Act » có còn tính thời sự nữa hay không ? Phải chăng đã tới lúc Washington cần đưa ra một « chiến lược rõ ràng » khẳng định là sẽ « can thiệp » nếu như Đài Loan bị Trung Quốc xâm chiếm ? Cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations của Mỹ thiên về giải pháp thứ nhì. Trong một bài tham luận hồi tháng 9/2020, giám đốc cơ quan này, Richard Haass, cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ cần có « chiến lược rõ ràng » với Đài Loan, tổng thống Biden cần « nói rõ là Mỹ sẽ đáp trả mọi hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan ».
Thế nhưng theo quan điểm của nhà nghiên cứu Michele Lowe, thuộc cơ quan Chicago Council on Global Affairs, một người từng phục vụ Hải Quân Hoa Kỳ, chưa chắc tuyên bố « rõ ràng » về mức độ can thiệp của Mỹ sẽ giúp hạ nhiệt tình hình trên eo biển Đài Loan. Theo bà, « một thông điệp rõ ràng cũng có thể bắn đi những tín hiệu trái ngược nhau ». Nói cách khác, chuyên gia này không loại trừ khả năng việc Mỹ mạnh mẽ tuyên bố can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan sẽ phản tác dụng.
Về phía quân đội Mỹ, nhiều tiếng nói lo ngại Trung Quốc sẽ bất ngờ tấn công chiếm Đài Loan và xem những hành vi uy hiếp của Bắc Kinh nhắm vào chính quyền Đài Bắc như là những bằng chứng cho thấy hơn bao giờ hết, Washington cần có những biện pháp để đáp trả.
Quan điểm này không được tất cả các cố vấn của tổng thống Biden tán đồng. Điều trần trước ủy ban quân sự ở Thượng Viện, bà Avril Haines, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Mỹ, cho rằng Mỹ không nên thay đổi chiến lược trên vấn đề Đài Loan. Viễn cảnh Mỹ huy động quân đội để bảo vệ quốc đảo này sẽ là một « yếu tố gây hoang mang sâu rộng » đối với Bắc Kinh .
Phải chăng vì thế mà đô đốc John Aquilino, người lên thay thế đô đốc Philip Davidson ở chức vụ tư lệnh lực lượng Mỹ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đã tỏ ra mơ hồ ? Ông Aquilino cho biết sẵn sàng thảo luận với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin, về những rủi ro và lợi ích tiềm tàng trong trường hợp Mỹ thay đổi chính sách về Đài Loan.
Avril Haines, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Mỹ, thậm chí lo ngại, trong trường hợp Mỹ có chiến lược rõ ràng về khả năng can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Bắc, Bắc Kinh sẽ khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa của gần 1,5 tỷ dân Trung Quốc và chụp mũ Hoa Kỳ là muốn ngăn cản đà vươn lên của quốc gia châu Á này.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan, phát biểu tại viện nghiên cứu Aspen Institute tuần trước, cũng đã tạm thời xua tan kịch bản chính quyền Joe Biden thay đổi chiến lược về Đài Loan. Ông Sullivan nhắc lại chính quyền Biden đã rất rõ ràng với cả phía Đài Loan lẫn Trung Quốc rằng Mỹ chống đối « mọi hành động đơn phương làm thay đổi quy chế hiện tại ».
Đài Loan, bài toán nan giải của Hoa Kỳ (rfi.fr)
Việt Nam và Hoa Kỳ, những đồng minh tình thế ?
Đăng ngày:
Phải mất một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam mới gởi lời chúc mừng đến ông Joe Biden. Tại Việt Nam, người dân biết đến Donald Trump nhiều hơn và mong ông trúng cử hơn là Joe Biden. Đó là vì không những Donald Trump đã hai lần đến Việt Nam (2017 và 2019) mà vì ông còn được người Việt Nam đánh giá rất cao trong chính sách chống Trung Quốc.
Sự xác quyết của Trung Quốc trên trường quốc tế vô hình chung đang đẩy Hà Nội xích lại gần với Washington. Nhưng chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (IRSEM), lưu ý rằng mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ luôn chứa đựng nhiều cảm xúc. Điều này giải thích vì sao yếu tố kinh tế chiếm ưu thế hơn so với chính trị. Thực tế là như vậy, chớ nên nhầm lẫn !
Nếu như vị trí địa chiến lược nằm ngay giữa vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đã biến Việt Nam thành một quốc gia trục chính cho sự dấn thân của Mỹ trong khu vực để đối phó với Trung Quốc, thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì một chính sách cân bằng và không có chuyện chọn phe.
Cho dù niềm khát khao của các chiến lược gia tại Washington có ra sao, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước thành viên vẫn chưa sẵn sàng gia nhập một liên minh chống Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo. Và những nước này cũng sẽ không đi theo Trung Quốc để gạt Hoa Kỳ ra khỏi những vấn đề của khu vực.
Biển Đông : Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam mừng thầm
Năm 2020 đánh dấu 25 năm nối lại quan hệ song phương giữa hai cựu thù (1995-2020). Nhìn từ Hà Nội, học thuyết Trump không phải là nguồn gốc của một tầm nhìn, một chiến lược đặc biệt hay được đổi mới nào của Mỹ đối với châu Á. Các phát biểu của Trump chỉ « hùng hồn » hơn bao giờ hết và không ai ngờ là những lời lẽ cứng rắn đó lại rất được người dân Việt Nam đánh giá cao.
Về mặt cơ bản, chính sách của Mỹ đối với Hà Nội đi cùng với sự chuyển hướng chính trị sang châu Á có từ thời chính quyền Obama, ban đầu là « xoay trục » rồi sau đó là « rebalancing » (tái cân bằng). Ngay từ năm 2009, ngoại trưởng Hillary Clinton có tuyên bố rằng Hoa Kỳ « trở lại » với Đông Nam Á.
Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện nhằm thắt chặt mối quan hệ đôi bên trên phương diện quốc phòng. Điều này được thể hiện cụ thể sau cuộc khủng hoảng 2014 giữa Hà Nội và Bắc Kinh tại quần đảo Hoàng Sa, khi Trung Quốc cho triển khai một giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những bế tắc ngoại giao năm 2019 xung quanh bãi đá ngầm Thị Tứ (Vanguard Bank).
Bất kể là gì, trước tiên, hai nước nỗ lực giải quyết hậu quả của cuộc chiến tàn khốc (1965-1975). Đôi bên ký kết một thỏa thuận mới xử lý các vấn đề có liên quan đến chất độc mầu da cam như khử nhiễm chất độc tại hai sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, hay hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tại những vùng bị nhiễm độc.
Về phần mình, Việt Nam cho phép mang 726 hài cốt trong số 1973 lính Mỹ bị mất tích trong các trận đánh. Một cách biểu tượng, Daniel Kritenbrink là đại sứ Mỹ đầu tiên khi tại nhiệm đã đến thăm nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi chôn cất hơn 10 ngàn quân lính Việt Nam đã chết trong cuộc xung đột.
Để đánh dấu những bước tiến này, Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và ASEAN năm 2019, và nhất là, Việt Nam cũng là một trong số ba nước được đặc cách miễn áp dụng đạo luật « Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act » để tiếp tục được mua vũ khí của Nga, quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Việt Nam.
Cùng lúc, Washington tăng cường hậu thuẫn Hà Nội trong các cuộc tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh tại Biển Đông. Tháng 7/2020, cả hai nước ký kết một bản ghi nhớ nhằm « hỗ trợ ngư dân Việt Nam chống lại những hành động hăm dọa bất hợp pháp » của Trung Quốc. Tháng 10/2020, Marshall Billingslea, đặc sứ của Donald Trump về làm chủ vũ khí, nhân chuyến thăm Hà Nội, tái khẳng định khả năng Hoa Kỳ chống việc Trung Quốc bố trí tên lửa nhắm vào « hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh » tại châu Á.
Tân chính quyền mới của Mỹ không cần chờ đợi gì để thông báo ngay rằng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ không thay đổi. Nhưng trong mọi trường hợp, Việt Nam luôn ngần ngại những định hướng quá bao trùm của nền ngoại giao đa phương của Mỹ. Năm 2019, trong sách Trắng mới nhất về quốc phòng, Việt Nam đã thêm điều « KHÔNG » thứ tư như là nguyên tắc chủ đạo cho chính sách an ninh đất nước, cổ vũ không « dùng đến vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế ».
Nếu như giờ đây mục tiêu của Washington là mở rộng mối hợp tác an ninh với Hà Nội sang nhiều lĩnh vực khác như bán thiết bị quân sự và tình báo, rõ ràng người ta nhận thấy sự hợp tác này bị giới hạn bởi bản chất của « mối quan hệ đối tác toàn diện », có nghĩa là chủ yếu là những hoạt động HADR (Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thiên tai Humanitarian Assistance and Disaster Relief) như an toàn hàng hải, các chiến dịch gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và cứu tế trong trường hợp có thảm họa. Tác giả lưu ý, kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận về bán vũ khí hồi tháng 4/2016, giữa hai nước chưa có một hợp đồng mua bán vũ khí lớn nào được ký kết.
Giám sát việc tăng cường quan hệ thương mại song phương
Nếu như việc củng cố quan hệ với Mỹ được công bố công khai, thì các nhà lãnh đạo Việt Nam tập trung trước hết vào lĩnh vực kinh tế. Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho ngành xuất khẩu Việt Nam. Nhưng không vì vậy mà Donald Trump bỏ lỡ cơ hội chỉ trích tình trạng thâm thủng mậu dịch với nước này, khi cáo buộc chính quyền Hà Nội thực hiện các chính sách gian lận.
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam ngày một lớn và tăng nhanh, từ 47 tỷ đô la năm 2019 lên 63 tỷ trong năm 2020. Washington còn cho rằng Hà Nội đã hạ giá đồng nội tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Tháng 10/2020, chính quyền Donald Trump xem các nhà lãnh đạo Việt Nam là những kẻ thao túng tiền tệ, lên tiếng đe dọa ban hành nhiều biện pháp thuế quan mới.
Cách hành xử này của Mỹ giải thích phần nào Việt Nam luôn chủ trương hướng đến đa phương nhiều hơn. Năm 2015, thái độ quay ngoắt của ông Trump đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của Việt Nam. Ở Hà Nội, người ta còn nhớ là những cuộc tranh luận xung quanh thỏa thuận này đã làm dấy lên những chỉ trích từ cộng đồng người Việt ở Mỹ, các nghiệp đoàn và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền liên quan đến cách điều hành đất nước và mô hình phát triển của chính phủ.
Trong một bối cảnh như vậy, khi kết thúc 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11/2020 tại Hà Nội giữa 10 nước thành viên khối ASEAN, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, Việt Nam hoan nghênh một thỏa thuận cho phép nước này hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cho những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao (giầy dép, nông nghiệp, ô tô, điện tử, viễn thông).
Đâu là vị thế mới của Mỹ tại Đông Nam Á ?
Sự trở lại mạnh mẽ của các chiến lược liên minh này và tư tưởng thực dụng kinh tế, khởi thủy của những chính sách ngoại giao cân bằng tại Đông Nam Á, cuối cùng phải đối mặt với sự trỗi dậy của những tiếng nói châu Á ngày càng mạnh mẽ và công khai.
Theo quan điểm của Hà Nội, tính chất khó lường và những trục trặc trong chính sách của Mỹ đối với khu vực đang củng cố quan điểm của những người cho rằng sự hiện diện của phương Tây tại Đông Nam Á, cùng với thời gian, dường như chỉ làm phát sinh hỗn loạn, chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và giờ đây là những thiệt hại « vạ lây » do cuộc đọ sức mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với họ, việc Trung Quốc tái khẳng định sức mạnh không hẳn đi kèm với sự trở lại của các xung đột, mà là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị cho nhiều nước, phần lớn là quốc gia chuyên chế, ngày càng ít phải hứng chịu sự can thiệp của phương Tây.
Thách thức lớn nhất cho Bắc Kinh năm 2021, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản là mọi sự phải hanh thông, là đạt được sự chấp nhận, dù là ảo tưởng, rằng Trung Quốc có quy cách ứng xử hòa bình. Do vậy, trong mọi trường hợp, Việt Nam nhận thức rõ là đối với Washinton họ chỉ là một đồng minh theo tình thế trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Bắc Kinh. Dàn lãnh đạo mới tại Hà Nội biết rõ là họ sẽ phải tiếp tục đa dạng hóa và đa phương hóa chính sách đối ngoại để bảo vệ các lợi ích quốc gia, một chiến lược mà cũng là một cách thức trấn an Trung Quốc.
(Theo tạp chí Diplomatie số ra tháng 4-5/2021)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten