dinsdag 27 april 2021

Yếu tố quân sự và kinh tế trong cuộc chạy đua không gian Mỹ - Trung

 

Yếu tố quân sự và kinh tế trong cuộc chạy đua không gian Mỹ - Trung

Phần âm thanh 11:15
Hỏa tiễn Trường Chinh 5 của Trung Quốc cất cánh từ Trung tâm không gian Văn Xương, ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 23/07/2020.
Hỏa tiễn Trường Chinh 5 của Trung Quốc cất cánh từ Trung tâm không gian Văn Xương, ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 23/07/2020. Noel CELIS AFP

Robot và xe tự hành từ Trái Đất dồn dập đổ bộ lên sao Hỏa trong tháng 2/2021. Mỹ quan tâm trở lại đến Chị Hằng, Trung Quốc thám hiểm Mặt Trăng. Đâu là mục đích và những lợi thế của mỗi bên ? Thách thức nào chờ đợi Washington và Bắc Kinh ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia Paul Wohrer thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp- FRS lần lượt trả lời các câu hỏi trên.


Trong chưa đầy hai tuần, xe tự hành Perseverance của Mỹ, tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 của Trung Quốc, Hope của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cùng rủ nhau ghé thăm sao Hỏa. Cả ba theo đuổi những mục tiêu khác nhau, nhưng đây là dấu hiệu rõ rệt nhất về mối quan tâm của Trái Đất đối với hành tinh đỏ và qua đó là mục tiêu chinh phục không gian. Đơn giản là vì cuộc chạy đua không gian trong thể kỷ XXI nhằm phục vụ các mục đích quân sự và dân sự, mà chủ yếu vấn đề cũng chỉ xoay quanh các quyền lợi kinh tế ước tính trị giá hàng ngàn tỷ đô la, theo thẩm định của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, trong báo cáo The New Next Trillion Dollar Industry By 2040.   

Câu lạc bộ được mở rộng

Trong thế kỷ 20 và nhất là suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, chinh phục không gian là phương tiện để Hoa Kỳ và Liên Xô phô trương thanh thế. Nhưng câu lạc bộ các nhà thám hiểm không gian đã từng bước mở rộng ra nhiều thành viên mới và công nghệ không gian không còn là độc quyền của nhà nước. Tại Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều công ty tư nhân nhập cuộc. Điển hình là SpaceX của nhà tỷ phú Elon Musk, hay Blue Origin của chủ nhân Amazon Jeff Bezos …

Ngoài Nga, Mỹ và châu Âu, nay đã có thêm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Phi … và gần đây nhất là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng muốn làm chủ không gian. Ngoài ra, cũng phải kể đến nhóm bao gồm Iran, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên mà giới trong ngành gọi là những quốc gia đang “trỗi dậy” để chinh phục không gian.

Dù vậy, trên ván cờ này, Mỹ vẫn giữ vị trí áp đảo tuyệt đối cả về mặt kỹ thuật lẫn tài chính. 60 % các chi phí dành cho ngành công nghệ vũ trụ và không gian trên thế giới là vốn của Mỹ và 80 % các hoạt động không gian phục vụ mục tiêu quân sự đều “tập trung cả về Hoa Kỳ”, theo Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược - FRS.

Trả lời RFI Việt Ngữ, chuyên gia Paul Wohrer, thuộc quỹ nghiên cứu này, lưu ý hai điểm : trọng tâm cuộc tranh hùng trên không gian giờ đây đã chuyển về trục Mỹ-Trung và cuộc chinh phục không gian đó đã mở rộng đến sao Hỏa.

Paul Wohrer : “Chúng ta dùng công nghệ robot để thám hiểm sao Hỏa, phóng phi thuyền lên hành tinh Đỏ. Đến lượt sao Hỏa nằm trong số các mục tiêu để Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh về mặt địa chính trị. Thuần túy về khoa học, chưa một ai làm chủ công nghệ đưa người lên sao Hỏa, thế nhưng chúng ta biết gửi người lên Mặt Trăng. Thực sự là cuộc chạy đua chinh phục không gian đã khai mào. Hôm 24/02/2021 Trung Quốc ra thông báo về chương trình phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 9 với mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng, đồng thời dự án này cũng nhắm tới việc về lâu dài mở rộng đến các chương trình đưa người lên sao Hỏa. Mỹ cũng có những kế hoạch tương tự”.

Thế áp đảo tuyệt đối của Hoa Kỳ

Vậy câu hỏi kế tiếp là: trong cuộc chạy đua chinh phục không gian hiện tại, Mỹ và Trung Quốc mỗi bên đang có những lá chủ bài nào để chiếm thế thượng phong ?

Paul Wohrer : “Mỹ có những lợi thế như sau : một là kinh tế và hai là cả một chuỗi dài những kinh nghiệm về mặt kỹ thuật. Phải công nhận là Mỹ đang đi trước rất nhiều giai đoạn và đừng quên rằng từ thập niên 1960, Hoa Kỳ đã thành công đưa người lên Mặt Trăng và cho đến nay thì Mỹ là quốc gia duy nhất làm chủ công nghệ đưa xe tự hành đáp xuống sao Hỏa và thám hiểm hành tinh này, như đã thấy hồi tuần trước với kỳ công của Perseverance.

Về phía Trung Quốc, ưu điểm của nước này là đà phát triển kinh tế rất ngoạn mục. Thêm vào đó, Bắc Kinh đã thu hẹp được những chậm trễ của mình về mặt kỹ thuật. Phải nói rằng, ở điểm này, thành tính của Trung Quốc rất đáng nể phục và hiện tượng này đã bắt đầu manh nha từ năm 1978. Kế tới, Trung Quốc cũng bắt đầu tích lũy nhiều kinh nghiệm về công nghệ không gian, nhưng chưa khai thác đúng mức những tiềm năng đó. Điểm thứ tư cần chú ý là Trung Quốc bắt đầu có kinh nghiệm đưa người lên không gian, bắt đầu có những công cụ khoa học, những hệ thống phóng phi thuyền rất lợi hại.

Tóm lại, Trung Quốc có nhiều lá chủ bài trong tay và có quyết tâm bắt kịp thời gian đã mất để cạnh tranh ngang ngửa với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước mắt thì Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong và cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất trên thế giới cho ngành thám hiểm không gian. Câu hỏi mà chúng ta chưa thể trả lời đó là mức độ hiệu quả của các khoản đầu tư trong lĩnh vực này. Giới nghiên cứu chưa xác định được là đầu tư của Mỹ hay Trung Quốc hiệu quả hơn”.

Theo Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Không Gian Pháp CNES, ngân sách hàng năm của Mỹ dành riêng cho Cơ Quan Hàng Không Vũ Trụ NASA là khoảng 20 tỷ đô la và nếu tính luôn cả ngân sách chính quyền Liên Bang cấp cho các cơ quan, các viện nghiên cứu về không gian và vũ trụ, tổng đầu tư của Hoa Kỳ một năm lên đến 53 tỷ đô la. Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy khả năng tài chính của Trung Quốc chỉ tương đương với từ 10 đến 20 % so với Mỹ.

Không gian, miền đất hứa ?   

Như vừa nêu, từ đầu những năm 2000 không gian, vũ trụ “trở thành một mặt trận kinh tế” mà một số các tập đoàn tư nhân ngày càng chiếm một vị trí quan trọng. Các công ty tư nhân hiện diện và đóng một vai trò then chốt trong các lĩnh vực như công nghệ viễn thông, với những ứng dụng phục vụ từ các mục tiêu an ninh đến kinh tế, môi trường … Paul Wohrer nhấn mạnh “ranh giới giữa những mục tiêu quân sự và dân sự đã thu hẹp dần” với thời gian. Chuyên gia Pháp thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS giải thích về những chuyển biến xuất phát từ các cuộc thám hiểm và chinh phục không gian :

Paul Wohrer : "Trước hết xin nói về tầm mức quan trọng trên phương diện chiến lược, vì có lẽ đây là nét tiêu biểu nhất khi chúng ta nói về không gian. Các chương trình thám hiểm, chinh phục không gian ngay từ đầu liên quan tới lĩnh vực quân sự. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các chương trình vệ tinh được khởi động nhằm giám sát xem các bên có tôn trọng những thỏa thuận quốc tế về vũ khí hạt nhân hay không. Kế tới là khía cạnh phô trương thanh thế : Liên Xô và Hoa Kỳ xưa kia lao vào cuộc thám hiểm không giam là nhằm thể hiện sức mạnh của mình. Nhưng với thời gian, yếu tố chiến lược của các chương trình chinh phục không gian cũng đã thay đổi. Chúng ta sẽ trở lại với điểm này.

Còn về mặt kinh tế, từ thập niên 1980, không gian ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, nhất là với sự hình thành của công nghệ viễn thông với những vệ tinh truyền hình … Thế rồi, bước sang thập niên 1990 và cho đến tận ngày nay, những công ty tư nhân đầu tiên dấn thân vào lĩnh vực này bắt đầu hình thành. Tôi muốn nói đến trường hợp của tập đoàn S.E.S tại Luxembourg, hay các hãng chuyên phóng vệ tinh như Ariane Espace …

Đến hiện tại đã có thêm những công ty mới như Space X của nhà tỷ phú Elon Musk, hay Blue Origin của Jeff Bezos. Song song với những ngành công nghệ không gian, những tiến bộ kỹ thuật trong tin học đã cho phép chế tạo các vệ tinh ngày càng nhỏ, càng gọn. Nhờ vậy, các vệ tinh ngày càng dày đặc trong không gian. Chúng ta sử dụng được internet là nhờ kết nối được hàng ngàn vệ tinh …

Nói cách khác, không gian giờ đây đã trở thành một công cụ, một dạng cơ sở hạ tầng không thể thiếu. Thí dụ như là hệ thống định vị GPS hoàn toàn lệ thuộc vào vệ tinh. Thế rồi chúng ta lại đang tiến thêm nhiều bước trong ngành công nghệ kết nối …  và nhờ vậy mà ở bốn phương trên địa cầu, các hoạt động được kết nối với nhau".

Còn về sự thay đổi trong tầm nhìn chiến lược ?  

Paul Wohrer : "Về mặt chiến lược, từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, lĩnh vực không gian và quân sự ngày càng gần gũi với nhau. Chẳng hạn như càng lúc chúng ta càng sử dụng phương pháp điểu khiển vũ khí từ xa bẳng vệ tinh. Công nghệ này đã được thử nghiệm trong chiến tranh vùng Vịnh hồi 1991, tức là chỉ hai năm sau khi khối Xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Ngoài ra, không gian được coi như một công cụ bảo đảm ổn định về mặt chính trị và chiến lược. Như đã nói, người ta đã dùng vệ tinh để giám sát các chương trình giải trừ vũ khí. Càng lúc cộng đồng quốc tế càng khai thác không gian như một công cụ để tự vệ, để tấn công. Hiện tượng này có khuynh hướng gia tăng.

Đến hiện tại thì quân đội thường xuyên sử dụng các vệ tinh và đó cũng có thể là những mục tiêu tấn công để vô hiệu hóa khả năng quân sự của đối phương. Tình hình có xu hướng căng thẳng thêm và thậm chí các vệ tinh ngày càng được trang bị thêm vũ khí – đó có thể là những loại vũ khí được gắn thẳng vào vệ tinh, hoặc từ mặt đất có thể liên lạc được với các vệ tinh để phục vụ các mục tiêu quân sự. Chính vì mục tiêu này, Hoa Kỳ đã cho ra đời Lực Lượng Không Gian và Pháp thì cho ra đời Bộ Chỉ Huy Không Gian. Điều đó có nghĩa là mọi người bắt đầu xem không gian như một công cụ, một sân chơi mới và đây cũng có thể trở thành một mặt trận chiến tranh."

Thách thức 

Về câu hỏi cuối cùng : trong cuộc chạy đua chinh phục không gian, Mỹ và Trung Quốc cùng phải vượt qua những thách thức nào ? Paul Wohrer nhấn mạnh, thứ nhất “yếu tố không gian đang từng bước được hội nhập vào cuộc sống hàng ngày” của nhân loại. Xu hướng này sẽ càng rõ nét với công nghệ kết nối đang được phát triển với tốc độ chóng mặt. Khi mà con người khai thách mạnh không gian để phục vụ các mục tiêu quân sự, kinh tế… điều đó làm gia tăng “rủi ro căng thẳng quân sự” trên không gian. Đó là thách thức thứ nhì.

Nguy cơ thứ ba mà chuyên gia của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nêu bật liên quan đến hiện tượng “ô nhiễm không gian”, do ngày càng có nhiều “rác thải” và những mảnh vỡ do hai vật thể va chạm vào nhau và bùng nổ trên không gian. Yếu tố sau cùng nhà nghiên cứu Paul Wohrer đề cập đến là thách thức về an ninh : kịch bản nào sẽ xảy ra khi mà các vệ tinh của các đối thủ chiến lược và kinh tế dọ thám lẫn nhau trên các quỹ đạo ? Có gì bảo đảm là vệ tinh của Mỹ và Trung Quốc hay của Nga, của Châu Âu không dọ thám lẫn nhau ? Chuyện gì sẽ xảy ra khi những thông tin tuyệt mật lọt vào tay các đối thủ chiến lược hay kinh tế ?

Đương nhiên giới khoa học và các nhà chiến lược trên Mặt Đất đã tính tới tất cả các yếu tố kể trên nhưng “rủi ro zéro là điều không tưởng”.

Yếu tố quân sự và kinh tế trong cuộc chạy đua không gian Mỹ - Trung - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten