WHO muốn đẩy mạnh chiến dịch chích ngừa các bệnh khác ngoài Covid
Đăng ngày:
Cứu được 50 triệu mạng sống từ đây đến năm 2030 nhờ việc tăng cường các chiến dịch tiêm chủng để ngừa các bệnh như bệnh sởi. Đó là mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác đã đề ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cho việc chích ngừa các bệnh khác bị hạn chế.
Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, 26/04/2021, giám đốc điều hành của GAVI (Liên minh vac-xin) Seth Berkley cảnh báo: “Hàng triệu trẻ em trên thế giới có thể sẽ không được tiêm các vac-xin cơ bản, bởi vì có nguy cơ là đại dịch hiện nay sẽ làm tiêu tan các thành quả tiêm chủng của hai thập niên qua”.
Chiến lược mới, được khởi động nhân Tuần thế giới về tiêm chủng 2021, nhằm cứu mạng sống của 50 triệu người trên thế giới, trong đó 75% là ở các nước nghèo, bằng cách tăng cường việc chích ngừa.
Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche gởi về bài tường trình:
« Các biên giới đóng cửa, các dịch vụ y tế bị quá tải, thiếu nhân viên y tế đủ trình độ và thậm chí tâm lý ngày càng nghi ngại vac-xin. Đại dịch đã làm đảo lộn lâu dài chiến dịch chích ngừa các bệnh khác ngoài Covid-19. Những đảo lộn này được thể hiện ngay cả trong các dây chuyền sản xuất, theo giải thích của bác sĩ Kate O’Brien, đặc trách về tiêm chủng trong Tổ chức Y tế Thế giới :
« Chúng ta không thể cứ muốn là ra ngay một kế hoạch sản xuất vac-xin. Cho nên cần phải có một sự linh động trong hệ thống. Hầu như toàn bộ các nhà sản xuất những vac-xin thường đều có liên hệ với nhau bằng cách này hay cách khác trong việc sản xuất vac-xin ngừa Covid. Tuyệt đối phải bảo đảm làm sao để chúng ta không gặp vấn đề về cung ứng các nguyên liệu cho việc sản xuất các vac-xin này ».
Tổng cộng 228 triệu người, nhất là trẻ em, lẽ ra đã phải được chích ngừa bệnh bại liệt, uốn ván, bạch hầu, nhưng đã không được tiêm chủng. Tình hình lại càng đáng báo động đối với bệnh sởi. Chỉ riêng ở châu Phi, đại dịch đã khiến hơn 16 triệu trẻ em không được chích ngừa. Khoảng một chục nước, trong đó có Nam Phi, Angola và Kenya, vẫn chưa thể khởi động lại các chiến dịch tiêm chủng. »
WHO muốn đẩy mạnh chiến dịch chích ngừa các bệnh khác ngoài Covid (rfi.fr)
Vac-xin Covid-19 cho nước nghèo: Phương Tây cam kết gia tăng đóng góp
Đăng ngày:
Hàng loạt hứa hẹn gia tăng đóng góp cho chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 tại các nước nghèo, từ phía các cường quốc phương Tây, dự kiến được đưa ra hôm nay, 19/02/2021, nhân phiên họp của G7, khối các cường quốc công nghiệp hàng đầu.
Trong phiên họp trực tuyến hôm nay với các đồng nhiệm Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra cam kết đóng góp 4 tỉ đô la cho chương trình tiêm chủng Covax của Liên Hiệp Quốc, theo thông báo của Nhà Trắng hôm qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn « G7 có trách nhiệm nhiều hơn » trong việc đối phó toàn cầu với đại dịch. Về phần mình, thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa tái phân phối một phần lớn lượng vac-xin dư thừa thông qua cơ chế Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới điều phối.
Theo một nguồn tin châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu sẽ thông báo tăng gấp đôi mức đóng góp cho chương trình Covax, tức lên thành một tỉ euro. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng sẽ thông báo đóng góp 100 triệu euro « trợ giúp nhân đạo » cho chương trình tiêm chủng tại châu Phi.
Trước cuộc họp của G7, trên Financial Times, hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước giàu dành từ 3% đến 5% dự trữ vac-xin phòng Covid cho châu Phi, và việc này cần phải được tiến hành « khẩn trương ». Châu Phi hiện cũng là một tâm điểm của đại dịch, với số người chết vì Covid-19 vừa vượt ngưỡng 100.000, theo số thống kê chính thức. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tổn thất nhân mạng do đại dịch Covid, trên thực tế tại châu Phi, là nghiêm trọng hơn nhiều.
Hội nghị đầu tiên của G7, kể từ khi tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, cũng tập trung vào nhiều chủ đề khác, như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc đảo chính ở Miến Điện, cũng như vụ nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc. Riêng về Trung Quốc, theo AFP, ông Biden trong cuộc họp hôm nay sẽ khẳng định lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, đặc biệt trong việc « sửa đổi các quy tắc quốc tế để đáp ứng các thách thức kinh tế, như những thách thức mà Trung Quốc đặt ra hiện nay ».
Vac-xin Covid-19 cho nước nghèo: Phương Tây cam kết gia tăng đóng góp (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten