Vac-xin chống Covid-19 : Ai đang kiểm soát thị trường ?
Đăng ngày:
Ngành sản xuất vac-xin nhờ virus corona lãi bạc tỷ. Chìa khóa của đà phục hồi kinh tế cho thế giới sau hơn một năm chống chọi với đại dịch Covid-19 trong tay một số rất ít các viện bào chế. Không dễ tìm ra một loại thuốc mới để trị một con siêu vi mới : ở mỗi chặng nghiên cứu, sản xuất, đóng chai, phân phối… các nhà sản xuất đều phải vượt qua 1001 thử thách. Thuốc tiêm chống Covid-19 là một sản phẩm tuân thủ luật cung cầu của thị trường ?
Nhu cầu về thuốc tiêm chủng chống Covid-19 cho toàn nhân loại ước tính trên dưới 14 tỷ liều. Trên thực tế cho đến cuối 2020, tất cả các nhà máy trên thế giới chỉ có thể sản xuất 3,5 tỷ liều vac-xin. Làm thế nào để trong một thời gian rất ngắn nhân lên gần gấp 4 lần mức cung ứng ?
Một số rất ít các nhà sản xuất
Trên đài RFI tiếng Pháp, kinh tế gia Nathalie Coutinet giảng dậy tại đại học Paris 13 chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp thuốc trước hết điểm qua vài nét tiêu biểu của một thị trường rất đặc biệt này :
« Ngành công nghiệp bào chế vac-xin chiếm 5 % tổng doanh thu thị trường thuốc men toàn cầu, tức là khoảng 5 % trong số 1000 tỷ đô la. Kế tới, đây là một lĩnh vực tập trung trong tay một số rất ít các nhà sản xuất. Trên thế giới hiện có 4 tập đoàn lớn chế tạo vac-xin và số này kiểm soát đến 80 % thị phần. Trong số 4 công ty tên tuổi thống lĩnh toàn cầu, thời gian gần đây Pfizer được nhắc đến nhiều hơn cả. Kế tới là Sanofi, rồi GlaxoSmithKline (GSK) và sau cùng là Merk ».
Covid-19 thay đổi cục diện ngành công nghiệp dược phẩm thế giới
Chỉ một con siêu vi cũng đủ để từ gần một năm qua, đại đa số các hoạt động ngoại giao đều thực hiện qua cầu truyền hình. Tệ hơn cả là mùa xuân năm ngoái, hơn một nửa nhân loại bị giam hãm trong nhà : kinh tế bị tê liệt, các nhà máy phải đóng cửa, dây chuyền cung ứng bị gián đoạn... Ngành dịch vụ từ nhà hàng đến khách sạn hay du lịch, đời sống xã hội và văn hóa thể thao đâu đâu cũng bị thu hẹp lại.
Ngoại trừ một vài trường hợp riêng lẻ như của Việt Nam hay Đài Loan, Trung Quốc, Âu, Mỹ đồng loạt báo động kinh tế suy sụp ở mức « nguy hiểm nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai ». Trong tình cảnh cấp bách đó ngành dược phẩm lao vào cuộc chạy đua tìm vac-xin mới để phòng ngừa một căn bệnh mới.
Trong chưa đầy một năm từ Trung Quốc đến Nga, châu Âu nhưng đứng đầu là Mỹ đã về đến đích : Nga hãnh diện với Sputnik V, Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu vac-xin của Sinopharm và SinoVax. Liên doanh Anh và Thụy Điển AstraZeneca giao hàng không kịp cho Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và cả chương trình Covax để cung cấp thuốc cho các nước nghèo. Hoa Kỳ có đến ba hãng chế tạo vac-xin trúng số độc đắc đó là Moderna, Johnson&Johnson và Pfizer. Ông khổng lồ trong ngành dược phẩm này đã hiện diện trên thị trường từ hơn 170 năm nay và hiện có một đội ngũ hơn 80 ngàn nhân viên trên khắp thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nathalie Coutinet nhắc đến bước đột phá quan trọng nhất trong đối với nền công nghiệp dược phẩm của thế giới trong đại dịch Covid-19 :
« Công nghiệp sản xuất vac-xin trước đây chủ yếu phát triển nhờ công nghệ hóa học, có nghĩa là không sử dụng công nghệ sinh học. Tuy nhiên rất nhiều viện bào chế từ nhiều năm qua đã đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực này đặc biệt là phương pháp dùng vật liệu di truyền ARN thông tin. Công nghệ này chủ yếu được phát triển nhờ các công ty khởi nghiệp với hai mục tiêu ban đầu là tìm ra vac-xin chống ung thư và chống lại siêu vi HIV/AIDS. Lĩnh vực dược phẩm đang trải qua một giai đoạn chuyển biến quan trọng và virus corona chủng mới đã bắt đầu làm thay đổi cục diện của ngành chế tạo vac-xin trong một thời gian dài. Công nghệ ARN đang mở ra nhiều chân trời mới và đang cấu tạo nên một trật tự mới trong ngành dược ».
Về phần giáo sư Pierre - Yves Geoffard, trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội Pháp EHESS, ông lưu ý virus corona đã làm đảo lộn trật tự trên bàn cờ của nền công nghệ dược phẩm vốn trong tay bốn đại gia là Pfizer của Mỹ, Sanofi của Pháp, GSK của Anh, và Merk của Đức :
« Còn hơi sớm để nói tới một cuộc cách mạng, nhưng lĩnh vực sản xuất vac-xin đang có nhiều chuyển biến quan trọng và rất nhanh chóng. Mô hình phát triển trong ngành dược phẩm thay đổi nhanh nhờ đã có nhiều những phát minh mới. Thông thường một hãng lớn mua lại các công ty khởi nghiệp, hoặc mua hẳn bằng sáng chế của các hãng nhỏ. Nhưng lần này đáng chú ý là hãng lớn và lâu đời như Pfizer đã không mua lại bằng sáng chế của BioNTech hay mua lại luôn BioNTech – đây là một hãng của Đức không quá nhỏ nhưng tương đối là khá mới trong ngành.
Pfizer chọn cùng với BioNTech bào chế vac-xin chống Covid-19. Có thể nói đây là một hình thức cộng các kiểu mới giữa hãng dược phẩm của Mỹ và của Đức. Thêm một điểm cần lưu ý khác, đó là trong số 4 đại công ty chế tạo vac-xin thống lĩnh thị trường toàn cầu, chỉ có một mình Pfizer tìm ra thuốc chích ngừa chống virus corona. Ba vac-xin khác được ba hãng mà tôi tạm gọi lã những « lính mới » trong ngành làm ra : Moderna, cũng của Mỹ, nhưng là một công ty rất nhỏ. AstraZneca của Anh và Thụy Điển chưa từng bào chế bất kỳ một loại vac-xin nào. Cuối cùng, Johnson&Johnson thì chỉ có một thị phần rất khiêm tốn ».
Covid-19, gà để trứng vàng
Trong cuộc chạy đua tìm kiếm « thuốc tiên » giải cứu cho nhân loại thoát khỏi nanh vuốt của siêu vi Sars-Co-V-2 đương nhiên những thí sinh về đầu đã giành được những phần thưởng đắt giá nhất.
Trong một sớm một chiều Moderna một công ty mới tham gia thị trường dược phẩm thế giới từ 2010 và chưa bao giờ làm ăn có lãi, với hơn 800 nhân viên, trở thành một « đấng cứu tinh » : theo các số liệu công bố tháng 2/2021 một công ty mới chỉ hôm qua còn đứng trong bóng tối thông báo ký hơn 15 tỷ đô la hợp đồng để cung cấp 310 triệu liều vac-xin cho Liên Hiệp Châu Âu cho năm nay và thêm 150 triệu cho năm tới. Mỹ đặt mua 300 triệu liều Nhật Bản là 50 triệu… Virus corona « thổi » cổ phiếu của công ty này lên cao đến hơn 240 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Hành trình của loại vac-xin do liên doanh của Anh và Thụy Điển cộng tác với đại học Oxford không được thanh thản như thuốc sử dụng công nghệ ARN nhưng dự kiến doanh thu của AstraZeneca trong năm 2021 đạt 1,8 tỷ đô la và 2,7 tỷ vào năm tới. Đây là một kỳ công đối với một hãng dược phẩm chưa từng lao vào thị trường chế tạo và sản xuất vac-xin.
Về phần Johnson&Johson nhờ chỉ cần một lượt chích và với giá chưa đầy 10 đô la một liều, đơn đặt hàng của tập đoàn có trụ sở tại New Jersey này hiện tại lên tới hơn 1,2 tỷ liều vac-xin.
Sau cùng cặp bài trùng Pfizer BioNTech vừa trúng số độc đắc : doanh thu trong năm nay dự trù đạt 12,5 tỷ đô la mức lãi của tập đoàn ước tính từ « 25 đến 30% » và có thể « là còn cao hơn gấp đôi so với dự phóng ». Là một cây đại thụ trong ngành, cổ phiếu của Pfizer tăng giá 7 % trong năm vừa qua. Riêng với BioNTech, mới chỉ bắt đầu hoạt động từ 2008, thì công nghệ ARN là một sự bất ngờ và là thành công ngoài mong đợi. Do vậy cổ phiếu của BioNTech đã có một bước « đại nhảy vọt ».
Marie Ange Saraka Yao trên đài RFI nói đến một thay đổi quan trọng khác virus corona đem lại đó là do đại dịch hoành hành cùng một lúc khắp địa cầu, nhu cầu về vac-xin vượt ngoài khả năng của cả thế giới. Đây là một cơ hội bằng vàng cho một số công ty thuốc của các nền kinh tế đang trỗi dậy :
« GAVI là hiệp hội bao gồm nhiều thực thể có liên quan đến thuốc vac-xin như là các cơ quan quốc tế, các viện nghiên cứu, các tổ chức đa quốc gia như WHO, các hãng dược phẩm, … Việc có thêm những hãng mới gia nhập câu lạc bộ các nhà sản xuất vac-xin là một điều đáng mừng vì hiện tại, các nhà sản xuất có thể cung cấp ba tỷ rưỡi liều vac-xin, với đại dịch nhu cầu tăng vọt lên thành 14 tỷ. Làm thế nào đáp ứng nhu cầu tăng đột ngột đó trong một sớm một chiều ? Hiệp hội GAVI khi được thành lập vào năm 2000 làm việc với 5 nhà sản xuất. Giờ đây GAVI hợp tác với 18 viện bào chế mà trong đó có nhiều hãng xuất xứ từ các nền kinh tế đang trỗi dậy. Những hãng chinh phục được thị trường chủ yếu nhờ công nghệ sinh học, họ đem lại một phương pháp làm việc mới và kèm theo đó là những công trình nghiên cứu và phát triển mới. Số này cộng tác với những cái tên tuổi đã quá quen thuộc trong ngành – điển hình là sự cộng tác giữ BioNTech với Pfizer. Ngoài ra chúng ta thấy trong trường hợp của AstraZeneca đây là một sự hợp tác ở cấp toàn cầu. Liên doanh Anh và Thụy Điển này hiện diện tại nhiều nước ở Châu Âu, tại Ấn Độ hay Hàn Quốc. Hơn bao giờ hết chúng ta cần tất cả các quốc gia trên thế giới chung tay để đáp ứng nhu cầu cùng một lúc cho cả thế giới ».
Ấn Độ nhà thuốc của thế giới
Ấn Độ từ nhiều năm qua đã trở thành nhà sản xuất thuốc và vac-xin lớn nhất thế giới. Đây cũng là nơi mà hầu hết các tập đoàn dược phẩm đều đặt cơ sở sản xuất. Covid-19 xác định lại điều đó. Có điều ngay cả đến nhà cung cấp này cũng đã bị bất ngờ vì virus corona chủng mới như thông tín viên Sébastien Farcis từ New Delhi tường thuật :
« Andar Poonawalla hiện là một trong những nhân vật quan trọng nhất tại Ấn Độ. Ông là tổng giám đốc tập đoàn dược phẩm Serum Institute of India, công ty sản xuất vac-xin lớn nhất trên thế giới và là nguồn cung cấp thuốc của AstraZeneca cho toàn cầu. Cách nay vài tháng khi mà thuốc của liên doanh Anh và Thụy Điển còn chưa được phép sử dụng, giám đốc công ty đã bắt đầu ngừng sản xuất các loại vac-xin khác để dành hết mọi ưu tiên cho thuốc của AstraZeneca. Ông nhấn mạnh, quyết định này có được nhờ tập đoàn không lệ thuộc vào các ngân hàng hay cổ đông mà hoàn toàn độc lập về mặt tài chính.
Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Ấn Độ sản xuất hai tỷ rưỡi liều vac-xin, tương đương với hơn 50 % nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Năng suất của Ấn Độ trong năm nay tiếp tục tăng thêm hơn 40 % so với bình thường. Hiện tại, Ấn Độ là quốc gia sản xuất vac-xin chống Covid-19 lớn thứ nhì - chỉ thua có Mỹ. Sắp tới đây Ấn Độ nhận thêm hợp đồng sản xuất vac-xin Sputnik V của Nga và Janssen của hãng Mỹ Johnson&Johnson.
Milan Patel chủ tịch hiệp hội các tập đoàn công nghiệp sản xuất vac-xin Ấn Độ nêu bật những lợi thế của quốc gia Nam Á này : trên toàn quốc có 1.500 nhà máy được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Ở ngoài lãnh thổ Mỹ, Ấn Độ là nơi thứ nhì Cơ Quan Y Tế Hoa Kỳ tín nhiệm nhất. Theo ông Patel, điều đó cho thấy rõ uy tín của Ấn Độ với cộng đồng quốc tế về khâu sản xuất vac-xin. Ấn Độ xuất khẩu 64 triệu liều thuốc tiêm chống Covid-19 cho thế giới, trong đó 18 triệu nhằm phục vụ chương trình CoVax cung cấp cho các nước nghèo.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại với đà quá nhanh, New Delhi đã cấm xuất khẩu vac-xin, dành ưu tiên cho thị trường nội địa. Dù vậy giới trong ngành cho biết với nhịp độ tiêm chủng 4 triệu người mỗi ngày, từ nay đến giữa tháng 6/2021 Ấn Độ sẽ có thể cung cấp thuốc trở lại cho thế giới. AstraZeneca cảnh cáo New Delhi về nghĩa vụ xuất khẩu vac-xin như tập đoàn Serum Institute of India đã cam kết ».
Vac-xin chống Covid-19 : Ai đang kiểm soát thị trường ? - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten