donderdag 22 april 2021

Thượng đỉnh khí hậu... trực tuyến với 40 nguyn thủ quốc gia : Cơ hội để TT Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới +

 

Thượng đỉnh khí hậu : Cơ hội để TT Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới

Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến với lãnh đạo 40 quốc gia, Nhà Trắng, Washington, 22/04/2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến với lãnh đạo 40 quốc gia, Nhà Trắng, Washington, 22/04/2021. REUTERS - TOM BRENNER

Hôm nay 22/04/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden khai mạc thượng đỉnh thế giới trực tuyến 2 ngày về khí hậu. Sáng hôm nay nguyên thủ Mỹ có bài phát biểu qua cầu truyền hình trước khoảng 40 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron và cả Giáo hoàng Phanxicô.

Nhiều chuyên gia hy vọng tổng thống Mỹ Biden sẽ công bố những mục tiêu đầy tham vọng của Washington, chẳng hạn từ nay đến năm 2030 giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ so với năm 2005. Thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để ông Biden khẳng định vị trí của nước Mỹ trên trường quốc tế về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích :

Ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, tổng thống đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, và giờ đây ông Biden muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Để làm được điều đó, tổng thống Mỹ phải lấy lại lòng tin của các đối tác trên trường quốc tế với những cam kết cụ thể, nhưng ông cũng phải thuyết phục được người dân Mỹ. Joe Biden đã đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành tâm điểm của kế hoạch đầu tư hơn 2.000 tỷ đô la vào hạ tầng cơ sở. Văn bản được đưa ra thương lượng với rất nhiều khó khăn tại Quốc Hội.

Joe Biden không ngừng nhắc rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra những việc làm được trả lương cao, nhưng ông vẫn gặp nhiều khó khăn để có được sự ủng hộ của các dân biểu Cộng Hòa. Về đối nội, tổng thống Mỹ đang đấu tranh để đạt các mục tiêu trong nước. Ông muốn có thể được nêu ra làm gương. Ông Biden khẳng định việc tiến hành công cuộc chuyển đổi sinh thái này là cách duy nhất để bảo đảm vị trí của nước Mỹ trên thế giới.

Bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này, tổng thống Mỹ hy vọng sẽ có được lời hứa từ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Ông Biden muốn nước Mỹ lấy lại được uy tín đã mất dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, trong lĩnh vực chống lại tình trạng khí hậu bị hâm nóng”.

Rừng Amazon: Nhiều NGO Brazil đề nghị Mỹ không tin vào hứa hẹn của Bolsonaro

Tham dự thượng đỉnh khí hậu do Mỹ tổ chức trong hai ngày 22-23/04 có tổng thống Brazil Bolsonaro. Và theo chương trình nghị sự ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đề cập đến việc bảo vệ rừng Amazon. AFP cho biết Hoa Kỳ đang thương lượng với Brazil để ký kết một thỏa thuận hạn chế việc phá rừng. Washington hứa tài trợ, nhưng chỉ chuyển tiền cho Brazil với điều kiện Brasilia phải đưa ra các bảo đảm về việc bảo vệ Amazon, điều mà Brasilia vẫn chưa làm.

Tại Brazil, nhiều tổ chức phi chính phủ Brazil đề nghị tổng thống Mỹ Biden không tin vào những lời hứa của Bolsonaro, bởi vị tổng thống dân túy không có được lòng tin ngay tại chính quê nhà trong lĩnh vực môi trường.

Chống biến đổi khí hậu: Đa phần doanh nghiệp lớn trên thế giới bị chậm

Trước thềm thượng đỉnh khí hậu, sáng hôm nay, công ty đầu tư Arabesque của Anh Quốc công bố một nghiên cứu theo đó mới chỉ có gần 25% doanh nghiệp lớn trên thế giới có các biện pháp cho phép thế giới đạt mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Đi đầu trong nhóm tiên phong này là các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Thụy Điển, Đức, Phần Lan và Pháp. Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019, với gần 700 tập đoàn lớn ở 14 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật, Pháp …

Trong khi đó, cũng trong sáng hôm nay 22/04, Cơ quan châu Âu về kiểm soát tình hình biến đổi khí hậu (Copernicus), cho biết khí hậu châu Âu tiếp tục nóng lên trong năm 2020, đặc biệt là vùng Siberia.

Thượng đỉnh khí hậu : Cơ hội để TT Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới (rfi.fr)

Chủ tịch Trung Quốc dự thượng đỉnh khí hậu do tổng thống Mỹ tổ chức

Màn hình lớn đặt trên một phố sầm uất ở thủ đô Bắc Kinh, chiếu ảnh chủ tịch Trung  Quốc Tập Cận Bình tham dự thượng đỉnh khí hậu với thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/04/2021.
Màn hình lớn đặt trên một phố sầm uất ở thủ đô Bắc Kinh, chiếu ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự thượng đỉnh khí hậu với thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/04/2021. REUTERS - FLORENCE LO

Mặc dù đang có nhiều căng thẳng trong quan hệ song phương, có vẻ như Trung Quốc và Hoa Kỳ quyết tâm hợp tác với nhau để chống biến đổi khí hậu : Hôm nay, 21/04/2021, Bắc Kinh chính thức xác nhận chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do tổng thống Joe Biden tổ chức trong hai ngày, 22 và 23/04.

Tổng thống Mỹ đã mời 40 lãnh đạo thế giới, trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc họp thượng đỉnh này sẽ đánh dấu việc Hoa Kỳ quay trở lại tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau khi dưới thời Donald Trump, nước Mỹ đã rút khỏi hiệp định Paris về khí hậu. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, tổng thống Biden đã quyết định đưa Hoa Kỳ trở lại hiệp định này.

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu thế giới về lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính, cho nên sự hợp tác giữa hai nước này có tính chất quyết định cho các nỗ lực của quốc tế nhằm làm giảm lượng khí phát thải toàn cầu.

Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay xác nhận là chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự thượng đỉnh do tổng thống Biden tổ chức và từ Bắc Kinh, lãnh đạo họ Tập sẽ có « một bài phát biểu quan trọng ».

Mặc dù đang căng thẳng trên nhiều hồ sơ từ Đài Loan, Hồng Kông, cho đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và thương mại, Washington và Bắc Kinh có vẻ quyết tâm tạm gác sang một bên những bất đồng để hợp tác chặt chẽ hơn trên vấn đề khí hậu. Thật ra thì hai nước vào thứ Bảy tuần trước đã cam kết sẽ chung tay chống biến đổi khí hậu, sau chuyến đi Thượng Hải của phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry.

Trong thời gian vắng mặt Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, Trung Quốc đã đứng ra đóng vai trò quan trọng cùng với Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vào cuối năm 2020, chủ tịch Tập Cận Bình đã từng được thế giới hoan nghênh khi thông báo Trung Quốc bắt đầu giảm lượng khí phát thải CO2 trước năm 2030, để 30 năm sau đó sẽ đạt được mục tiêu « trung hòa carbon », tức là hấp thụ hết lượng khí CO2 thải ra.

Tin tặc Trung Quốc lại tấn công Hoa Kỳ

Theo hãng tin AFP, các tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào một công ty phần mềm VPN của Mỹ để xâm nhập hệ thống tin học của các công ty quốc phòng Hoa Kỳ. Thông tin này vừa được Madiant, một công ty tư vấn an ninh mạng của Mỹ tiết lộ hôm qua.

Cụ thể, hai nhóm tin tặc, trong đó có một nhóm được xem là thân cận với chính phủ Bắc Kinh đã dùng một phần mềm độc hại để đánh cắp thông tin cá nhân của những người sử dụng mạng VPN của công ty Pulse Secure, trụ sở tại bang Utah, rồi từ đó xâm nhập hệ thống tin học của các công ty quốc phòng Mỹ trong thời gian từ 10/2020 đến tháng 03/2021.

Chủ tịch Trung Quốc dự thượng đỉnh khí hậu do tổng thống Mỹ tổ chức (rfi.fr)

Mỹ-Trung ra tuyên bố chung, cam kết hợp tác đối phó với khủng hoảng khí hậu

Hình minh họa: Một nhà máy nhiệtđiện chạy than ở gần Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 28/02/2017.
Hình minh họa: Một nhà máy nhiệtđiện chạy than ở gần Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 28/02/2017. AP - Andy Wong

Khí hậu là một lĩnh vực hiếm hoi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hợp tác. Hôm qua, 17/04/2021, hai quốc gia - chịu trách nhiệm về gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu - đã ra một tuyên bố chung, khẳng định sẽ hợp tác đối phó với khủng hoảng khí hậu. Tuyên bố được đưa ra ít ngày trước thượng đỉnh về khí hậu, 22 và 23/04, theo sáng kiến của tân chính quyền Joe Biden.

Trong thông cáo chung có đoạn : « Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết hợp tác song phương và với các quốc gia khác để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc khủng hoảng cần được xử lý một cách nghiêm túc và khẩn cấp, đúng như tình hình đòi hỏi ».

Ký tên vào tuyên bố chung về phía Mỹ là đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry, và về phía Trung Quốc là đồng nhiệm Giải Chấn Hoa (Xia Zhenhua). Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry công du Trung Quốc bốn ngày, từ ngày 14 đến ngày 17/04, để thảo luận với các đối tác Trung Quốc về các khả năng hợp tác về khí hậu song phương.

Bản tuyên bố chung công bố hôm qua cho biết một loạt lĩnh vực mà hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể hợp tác. Washington và Bắc Kinh khẳng định sẽ « phát triển » các chiến lược dài hạn nhằm hướng tới trung hòa về khí thải, trước thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Anh, đầu tháng 12/2021.

Trong số các biện pháp đó, có việc cắt giảm khí thải công nghiệp, khí thải trong việc sản xuất điện, tăng cường năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông « sạch », cũng như một nền nông nghiệp có thể kháng cự lại được những bất thường về khí hậu.

Mỹ, Trung cũng khẳng định « tăng cường hành động và hợp tác trong các cơ chế đa phương, bao gồm Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris », có nghĩa là thống nhất về mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp.

Trong số các biện pháp trước mắt, có việc gia tăng « đầu tư và tài trợ quốc tế » để hậu thuẫn cho tiến trình chuyển sang kinh tế Xanh ở các nước đang phát triển, cũng như việc loại trừ dần dần việc sản xuất và tiêu thụ khí hydrofluorocarbon (HFC), loại khí gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng, vốn được sử dụng chủ yếu trong tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ.

Ông John Kerry là quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền Biden đến Trung Quốc. Chuyến công du của đặc sứ Kerry để ngỏ hy vọng là hai siêu cường có thể hợp tác trong lĩnh vực này, bất chấp căng thẳng cao độ trong rất nhiều hồ sơ khác, từ Tân Cương đến Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, cũng như chiến tranh thương mại...

Hôm nay, 18/04, đặc sứ Hoa Kỳ về khí hậu tới Hàn Quốc. Theo AP, về triển vọng hợp tác với Trung Quốc, trả lời báo giới tại Seoul, ông John Kerry nói Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung với lời lẽ « mạnh mẽ », và hai bên đã đồng ý về « các yếu tố cơ bản » cần hướng đến, tuy nhiên điều quan trọng giờ đây là các hành động cụ thể.

Đặc sứ Mỹ cũng cho biết, trong các thảo luận với đối tác Trung Quốc tại Thượng Hải về việc tăng tốc tiến trình chuyển sang nền kinh tế Xanh, ông đã nhấn mạnh đến việc phải sớm thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá. Hiện tại, hơn một nửa lượng điện dùng tại Trung Quốc là do than đá, và Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thủ khoảng một nửa sản lượng than đá toàn cầu.

Trong nhiệm kỳ bốn năm của Donald Trump, chính quyền Mỹ đã rút lui khỏi cuộc chiến khí hậu, bỏ ngỏ sân chơi này cho Trung Quốc. Ngay ngày đầu tiên lên nắm quyền, tổng thống Joe Biden khẳng định khí hậu là mặt trận hàng đầu, đưa nước Mỹ trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris 2015.

Chính quyền Mỹ gửi lời mời 40 lãnh đạo các nước tham gia vào thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Washington tổ chức, một thượng đỉnh được đánh giá là hiếm có với một tổng thống vừa nhậm chức ba tháng.

Tổng thống Hoa Kỳ hy vọng thượng đỉnh này là dịp để thúc đẩy nhiều nước gia tăng cam kết cắt giảm khí thải trước các đàm phán tại Glasgow, Anh quốc cuối năm nay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nằm trong danh sách khách mời, hiện tại Bắc Kinh chưa đưa ra trả lời chính thức.

Bắc Kinh có vẻ không mấy hào hứng với vai trò dẫn dắt cuộc chiến khí hậu toàn cầu, mà nước Mỹ mới nhận lãnh trở lại. Trong tuần qua, ngành ngoại giao Trung Quốc tung ra thông điệp, không nên coi hành động nói trên của Washington như « một sự trở lại vẻ vang », đúng hơn đó là thái độ của « một học sinh tồi, trở lại ghế nhà trường sau một thời gian trốn học ».

Mỹ-Trung ra tuyên bố chung, cam kết hợp tác đối phó với khủng hoảng khí hậu (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten