vrijdag 9 april 2021

Hội nghị tài chính G20 tập trung bàn về viện trợ cho các nước nghèo và thuế quốc tế + Thế giới tiến gần đến một thỏa thuận toàn cầu chống « thiên đường thuế »

 

Hội nghị tài chính G20 tập trung bàn về viện trợ cho các nước nghèo và thuế quốc tế

Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới David Malpass tham dự Hội nghị Bàn tròn 1+6 tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư (Diaoyutai), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/11/2019.
Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới David Malpass tham dự Hội nghị Bàn tròn 1+6 tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư (Diaoyutai), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/11/2019. REUTERS - Florence Lo

Sự phối hợp của các biện pháp kích thích kinh tế nhằm chống lại tác động của đại dịch covid-19, viện trợ cho các nước nghèo và thuế quốc tế nên là trọng tâm của một hội nghị qua cầu truyền hình của các nhà tài chính của G20 sẽ gặp nhau vào hôm nay 07/04/2021, dưới sự chủ tọa của Ý.

Cuộc họp qua mạng của các bộ trưởng Tài Chính và chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương từ 20 quốc gia giàu nhất thế giới sẽ diễn ra bên lề cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới tại Washington.

Theo IMF, cho dù có những dấu hiệu phục hồi của  kinh tế toàn cầu, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2021, thì "vẫn là quá sớm để rút lại các biện pháp hỗ trợ" vì "đại dịch vẫn chưa được khống chế" .

Để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các nước nghèo nhất, khối tài chính G20 có thể quyết định gia hạn cho đến cuối năm việc tạm hoãn trả lãi cho các khoản nợ từng được đưa ra vào tháng 4 năm 2020.

Lệnh tạm hoãn này, đã được gia hạn vào tháng 10 cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2021, có tác động khá hạn chế, trong chừng mực "các chủ nợ tư nhân không tham gia", theo thông báo của  bộ Kinh tế Pháp hôm qua.

Chỉ có 46 quốc gia, trong số 73 quốc gia đủ điều kiện, đã yêu cầu và được chấp thuận rằng việc trả lãi được hoãn lại, với số tiền là 5,7 tỷ đô la, theo bảng tổng kết  mới nhất. Vào tháng 11, một bước tiến mới đã được thực hiện với việc các bộ trưởng tài chính G20 thông qua một "khuôn khổ chung" để giảm gánh nặng nợ.

Một chủ đề khác trong chương trình nghị sự là đề xuất của bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen về việc đàm phán trong G20 một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu cho các công ty.

Dự án về mức thuế tối thiểu toàn cầu này, được Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế OCDE ủng hộ từ lâu, và được bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire mô tả là một "cơ hội lịch sử" và "một bước tiến rất lớn" đối với  bộ trưởng Tài Chính Đức Olaf Scholz.

Tại cuộc họp G20 cuối cùng vào tháng 2, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một thỏa thuận quốc tế về việc đánh thuế các tập đoàn  kỹ thuật số, có thể diễn ra vào giữa năm 2021.

Hội nghị tài chính G20 tập trung bàn về viện trợ cho các nước nghèo và thuế quốc tế (rfi.fr)

Thế giới tiến gần đến một thỏa thuận toàn cầu chống « thiên đường thuế »

Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường "trốn" thuế.
Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường "trốn" thuế. Paul ELLIS / AFP

Cách đây mươi năm, hiếm ai nghĩ rằng sẽ có một ngày cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận về thuế đánh vào các tập đoàn đa quốc gia, tấn công vào « các thiên đường thuế », trụ cột của chủ nghĩa tư bản tài chính, cho dù các hoạt động trốn tránh thuế có làm thất thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đô la. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây dự án quốc tế mà nhiều người cho là không tưởng này đã có những bước tiến dài.

Trong những tháng gần đây, với quyết tâm của chính quyền Mỹ, quốc tế đang tiến gần đến một thỏa thuận toàn cầu chống « các thiên đường thuế ».

1 – Triển vọng cụ thể của dự án cải cách thuế toàn cầu hiện ra sao ?

Ngày 05/04/2021, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế, để thiết lập một mức thuế tối thiểu đánh vào các công ty đa quốc gia, bất kể công ty đóng trụ sở ở đâu. Tân chính quyền Mỹ chủ trương khẩn trương « chấm dứt tình trạng cạnh tranh (giữa các quốc gia) nhằm kéo mức thuế xuống đáy », theo đó, các quốc gia, các vùng lãnh thổ, sử dụng mức thuế thấp để thu hút doanh nghiệp. 

Vấn đề này được bắt đầu được nêu ra trở lại trong hội nghị của khối các cường quốc kinh tế G20 (bao gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu), họp qua cầu truyền hình ngày hôm qua, 07/04. G20 khẳng định mục tiêu cố gắng đạt được thỏa thuận từ đây đến hội nghị các bộ trưởng Tài Chính và các thống đốc Ngân hàng Trung ương của các quốc gia thành viên, họp trong hai ngày 09 và 10/07 tới.

Trả lời đài France 24, ông Pascal Saint-Amans, giám đốc Trung tâm chính sách thuế và quản lý thuế của OCDE (Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế), cho biết dự án đánh thuế toàn cầu này đang tiến triển rất tốt. Ông Pascal Saint-Amans là người đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống nạn lậu thuế, và từ khoảng 4 năm nay chủ trì hồ sơ này, phối hợp với các quốc gia thành viên của OCDE.

Pháp và Đức, hai quốc gia trụ cột của Liên Âu, hưởng ứng tiến trình này. Cho dù có sự phản đối từ một số quốc gia hưởng lợi từ các thiên đường thuế, thái độ cương quyết từ phía chính quyền Mỹ mới đây đã mang lại « một lực đẩy thực sự » cho dự án thuế toàn cầu này.

Hôm 31/03, chính quyền Joe Biden - vừa tung ra một dự án đầu tư lớn, với tổng trị giá 2.250 tỉ đô la - rất cần đến các nguồn thu quan trọng. Tổng thống Biden muốn nâng mức thuế tối thiểu đánh vào lợi nhuận của các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài, lên 21% (so với 10,5 và 13% hiện nay). Vì vậy, một sắc thuế tối thiểu toàn cầu, nếu được xác lập ở mức đủ cao, là hoàn toàn nằm trong lợi ích của nước Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 06/04 cũng hoan nghênh việc thiết lập sắc thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, « một thỏa thuận toàn cầu về thuế quốc tế kể từ giờ đã nằm trong tầm tay », và cộng đồng quốc tế cần nắm bắt « cơ hội lịch sử này ». Đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19, việc có thêm các nguồn thu thuế công bằng và hợp lý là một chủ đề thời sự hơn bao giờ hết.

2 – Dự án thuế toàn cầu nói trên có những điểm chính đáng chú ý nào ?

 « Cuộc cách mạng về thuế », mà theo giới quan sát chắc chắn sẽ diễn ra, có mục tiêu trước hết là thiết lập một sắc thuế tối thiểu nhắm vào không chỉ các đại tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm GAFA (gồm Google, Apple, Facebook và Amazon), mà còn áp dụng với tất cả các tập đoàn đa quốc gia lớn khác. Cho đến nay, khoảng 140 quốc gia - với sự chủ trì của tổ chức OCDE - đàm phán xung quanh mức thuế tối thiểu là 12,5% lợi nhuận. Hoa Kỳ sẽ có lợi hơn khi mức thuế tối thiểu được nâng cao hơn hẳn. 21% lợi nhuận là mức thuế tối thiểu mà bộ trưởng Tài Chính Mỹ đề xuất hôm 05/04. Mức thuế từ 15 đến 17% cũng là các giải pháp có thể tính đến, và dường như có vẻ khả thi hơn cả (Reuters, ngày 06/04). 

Le Monde hôm nay, 08/04, trong bài « Thuế với các doanh nghiệp đa quốc gia : quốc tế đang phối hợp chuẩn bị » cho biết cụ thể là, ngoài mức thuế tối thiểu, dự án cải cách quy chế về thuế mang tính cách mạng này còn có một phần chủ yếu thứ hai. Nội dung chính của vế này là chia sẻ công bằng các khoản thuế thu được từ lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, giữa quốc gia nơi đặt trụ sở công ty và quốc gia nơi công ty thu được lợi nhuận từ thị trường.

Các quy định hiện hành rất có lợi cho các công ty đặt trụ sở ở một nơi (thường là tại các thiên đường thuế) và tiến hành hoạt động kinh doanh tại một nơi khác. Cải cách trong lĩnh vực này cho phép xóa bỏ tình trạng bất công nói trên, vốn đang ngày càng trở trầm trọng hơn với nền kinh tế « số hóa » ngày càng sâu rộng.

Để đạt được mục tiêu đánh thuế công bằng, OCDE chủ trương « hài hòa thuế » nhằm chống lại các hoạt động « hợp lý hóa thuế », « tối ưu hóa nộp thuế », vốn được coi là hoàn toàn hợp pháp theo luật lệ hiện hành. Trong ít năm gần đây, OCDE đã lập ra các giải pháp chống « xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận » (« Base erosion and profit shifting – BEPS ». Trả lời Le Monde (trong bài « OpenLux : ‘‘Hài hòa thuế là điểm trống lớn trong tiến trình xây dựng châu Âu’’ », ngày 10/02/2021), kinh tế gia Gabriel Zucman, cho biết chương trình hành động BEPS vốn có của OCDE sẽ phải được cải thiện trong thời gian tới để hướng tới mục tiêu « hài hòa thuế ». Giáo sư Gabriel Zucman, đại học Berkeley, California, được coi là một trong các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Theo OCDE, trụ cột thứ nhất của dự án thuế toàn cầu (xác lập mức thuế tối thiểu) sẽ mang lại ít nhất ít nhất 100 tỉ đô la/năm. Bên thiệt hại sẽ là các quốc gia nơi trú đóng của các thiên đường thuế, như bốn nước châu Âu, Anh, Luxembourg, Hà Lan, Ailen, và quốc gia châu Á Singapour. Trụ cột thứ hai của dự án thuế toàn cầu (chia sẻ công bằng các khoản thu) dự kiến sẽ mang lại ít nhất 80 tỉ đô la/năm.

3 – Mức thu được kỳ vọng từ dự án thu thuế toàn cầu mới dường như thấp hơn nhiều so với các thiệt hại thực sự do các « thiên đường thuế » ?

Đài France 24 cuối năm ngoái 2020 giới thiệu kết quả của cuộc điều tra « đầu tiên » về tình trạng thất thu thuế, do việc các tập đoàn đa quốc gia và các đại gia chọn đặt tài sản tại các nước nơi mức thuế rất thấp, thậm chí bằng không. Tổng hợp số liệu cho thấy thiệt hại lên đến 427 tỉ đô la/năm trên toàn cầu. Tổng hợp số liệu do OCDE công bố. Các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế tổng cộng 245 tỉ đô la, các cá nhân trốn thuế tổng cộng 182 tỉ.

Số liệu của OCDE cũng cho phép tính được thiệt hại của từng quốc gia do trốn thuế. Ví dụ như nước Pháp thiệt hại khoảng 20 tỉ đô la/năm. Phía thiệt hại lớn nhất vẫn là các quốc gia nghèo, hay đang phát triển. Ví dụ Soudan hay Cộng hòa Trung Phi thiệt hại đến hơn một phần tư tổng thu thuế quốc gia, trong lúc Pháp và Đức chỉ thiệt hại tương đương 3%. 

Báo cáo cũng điểm mặt bốn quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất do các hoạt động trốn thuế, là Anh (với các đảo thiên đường thuế Caiman), Luxembourg, Thụy Sĩ và Hà Lan. Bốn nước này chiếm đến gần 45% tổng số tiền trốn thuế toàn cầu. Báo cáo cũng phơi bày « lập trường đạo đức giả » của châu Âu về cuộc chiến chống trốn thuế.

Thiệt hại do trốn thuế có thể có nhiều cách tính khác nhau. Theo một phân tích trên trang mạng chuyên về kinh tế châu Âu IE - Portail de l’Intelligence Economique, tổng số tiền thiệt hại do các hoạt động trốn thuế riêng của các thành viên Liên Âu đã lên 824 tỉ euro hàng năm (bài « Hướng đến việc ‘‘loại bỏ’’ các thiên đường thuế châu Âu : đâu là các trở ngại với Liên Hiệp Châu Âu ? », ngày 09/02/2021). Đây là kết quả điều tra năm 2019, do kinh tế gia Richard Murphy, Đại học Luân Đôn chủ trì, theo đặt hàng của các nghị sĩ châu Âu.

Thế giới tiến gần đến một thỏa thuận toàn cầu chống « thiên đường thuế » (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten