donderdag 22 april 2021

Doanh nghiệp ngoại quốc ‘ẵm’ hết xuất cảng hàng điện tử của Việt Nam có trị giá 87 tỷ USD

 

Doanh nghiệp ngoại quốc ‘ẵm’ hết xuất cảng hàng điện tử của Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mặc dù trong các phúc trình về kim ngạch xuất cảng hàng điện tử của Việt Nam luôn đạt mức “đáng nể,” song thực tế 95% giá trị lại nằm trong tay doanh nghiệp ngoại quốc.

Báo VNExpress dẫn phúc trình của Cục Công Nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho thấy giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất cảng hàng điện tử của Việt Nam bình quân đạt trên 50%. Cụ thể năm 2019, ngành điện tử xuất cảng trên $87 tỷ. Riêng quý 1/2021, điện tử nằm trong các ngành có kim ngạch xuất cảng trên $5 tỷ một con số “đáng nể.”

Máy điện toán, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất cảng lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2020. (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)

Theo thống kê, đáng kể nhất là xuất cảng điện thoại và linh kiện đạt $14.1 tỷ, tăng hơn 9% so với cùng kỳ 2020 và chiếm trên 18% tổng kim ngạch xuất cảng. Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt $12 tỷ, tăng trên 31%.

Mặc dù con số thể hiện giá trị xuất cảng cao, góp tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất cảng chung của Việt Nam, nhưng Bộ Công Thương cho biết “có tới 95% giá trị xuất cảng hàng điện tử nằm trong tay doanh nghiệp có vốn ngoại quốc (khối ngoại).” Đặc biệt, riêng ba tháng đầu năm nay, giá trị xuất cảng một số mặt hàng như điện thoại và linh kiện của “khối ngoại” chiếm trên 99%, trong khi hàng điện tử, máy tính và linh kiện là 98%…

Theo cơ quan quản lý, nguyên nhân là do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ từ 5% đến 10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập cảng nguyên chiếc hoặc chỉ lắp ráp với phần lớn các linh kiện nhập cảng. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam “đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng phần lớn cung cấp các sản phẩm hàm lượng công nghệ, giá trị thấp.”

Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa “có tiếng” trước đây đang phát triển chậm lại, chiếm thị phần nhỏ hoặc mất dần thương hiệu. Một số nhãn hiệu điện tử tại Việt Nam mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Vietel… song không đáng kể.

“Năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành hạn chế, phẩm chất, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc) và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt,” phúc trình Cục Công Nghiệp nêu.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Việt Nam. (Hình: Thế Hải/Đầu Tư)

Cũng theo Cục Công Nghiệp, qua một số dự án hợp tác với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy “rất nỗ lực, nhưng chưa đủ.” Chẳng hạn, trong chuỗi cung ứng của Panasonic Việt Nam hiện có bốn doanh nghiệp Việt, nhưng giá trị cung ứng mới chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của tập đoàn này. Còn Canon Việt Nam vẫn liên tục tìm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

“Doanh nghiệp nội địa cần nâng cao năng lực để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh, tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đem lại,” Cục Công Nghiệp nêu rõ. (Tr.N) [qd]

Doanh nghiệp ngoại quốc 'ẵm' hết xuất cảng hàng điện tử của Việt Nam (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten