Covid-19: Giải mã trường hợp hơn 100.000 ca tử vong tại Pháp
Đăng ngày:
Ngày 15/04/2021, đến lượt Pháp vượt ngưỡng biểu tượng 100.000 người chết vì Covid-19, để trở thành một trong 8 nước trên thế giới có hơn 100 nghìn ca tử vong, trong danh sách đã bao gồm Mỹ, Brazil, Mêhicô ở châu Mỹ, Ấn Độ ở châu Á, cũng như Anh, Ý và Nga ở châu Âu.
Theo các nhà phân tích, biểu tượng 100.000 người chết rất bi thảm, thứ hạng cao của nước Pháp rất đáng buồn, tuy nhiên các con số đó cần được xem xét trong tương quan với quy mô dân số và độ tuổi của người dân mỗi nước, cũng như cách thống kê hay độ tin cậy của dữ liệu ở từng nơi.
Trên báo Ouest-France ngày 17/04/2021, bà France Meslé, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Nhân Khẩu Quốc Gia Pháp (INED) đã nhấn mạnh đến yếu tố quy mô dân số trong việc thống kê các ca tử vong vì dịch bệnh.
Đối với chuyên gia này, không thể nào so sánh dữ liệu của nước Mỹ, nước có 330 triệu dân, với các quốc gia như Cộng Hòa San Marino ở châu Âu chỉ vỏn vẹn 33.000 dân, và: “100.000 ca tử vong ở Pháp hay ở Luxembourg không hề (có ý nghĩa) giống nhau”. Pháp có hơn 67 triệu dân, trong lúc Luxembourg chỉ có hơn 600 nghìn dân.
Pháp không thuộc số nước có tỷ lệ tử vong theo dân số cao nhất
Chính vì vậy mà theo bà Meslé, khi xem xét số liệu tử vong vì Covid, vấn đề dân số của mỗi nước cần phải được xem xét, và trong cách tính số ca tử vong theo đầu người, châu Âu trở thành lục địa bị dịch bệnh tàn phá mạnh nhất, chứ không phải là châu Mỹ như được thấy trong các bảng xếp hạng phổ biến hiện nay dựa trên số liệu tuyệt đối.
Trên bảng xếp hạng các quốc gia, dựa trên tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính theo số dân, thì đến ngày 18/04, có đến 12 nước châu Âu đứng đầu danh sách, bị nặng nhất là Cộng Hòa Séc với 265 người chết cho mỗi 100.000 dân, theo sau là Hungary, với 259 người, tiểu quốc San Marino với 256 người, rồi đến Bosnia Herzegovina, Montenegro… Có hai nước lớn, với dân số trên 60 triệu dân đứng trong số 12 nước này: Ý với tỷ lệ 193, và Anh với mức 187.
Hai nước đứng đầu thế giới về số tử vong tuyệt đối là Mỹ (175) và Brazil (174) chỉ xếp thứ 13 và 14. Riêng Pháp nằm ở vị trí thứ 22, với 154 người chết cho mỗi 100.000 dân.
Đối với Amesh Adalja, nhà nghiên cứu tại Đại Học Mỹ Johns Hopkins, “Rõ ràng là châu Âu và Hoa Kỳ đã liên tục mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho virus hoành hành, các nước châu Á đã đạt được mức độ khống chế cao hơn, mặc dù kết quả đôi khi đã có được, chẳng hạn như ở Trung Quốc, bằng cách hy sinh quyền tự do cá nhân”
Vai trò thiết yếu của dân số: Mật độ và tuổi tác
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sẽ rất sai lầm, và có lẽ không công bằng trong việc đánh giá chất lượng của việc xử lý dịch bệnh tại một nước nhất định nếu chỉ dựa trên các yếu tố thuần số học như kể trên. Để tránh kết luận vội vàng, cần phải chú ý đến một số nhân tố khác như độ tuổi của người dân và vị trí của quốc gia có liên quan.
Trước hết là yếu tố tuổi tác. Với một loại virus có ác tính mạnh hơn đối với những đối tượng lớn tuổi, vấn đề độ tuổi của dân số đóng một vai trò thiết yếu trong đại dịch Covid-19. Theo chuyên gia Amesh Adalja: “Các quốc gia có dân số trẻ tuổi hơn sẽ bị dịch bệnh tác hại nhẹ hơn. Và nếu không tính đến ngoại lệ Nhật Bản, 20 quốc gia trên thế giới có độ tuổi trung bình cao nhất đều thuộc lục địa châu Âu.
Một ví dụ cụ thể: Độ tuổi trung bình ở Ý là 45 tuổi so với 15 tuổi ở Niger, một nước châu Phi. Trong trường hợp cụ thể của nước Pháp, trong số 100.000 chết vì Covid-19 tính đến ngày 15/04, báo Les Echos ghi nhận là có đến 85% thuộc diện trên 70 tuổi, trong đó có hơn 61.000 người chết trong bệnh viện, và 26.000 người trong các viện dưỡng lão.
Cần tính đến yếu tố địa lý
Địa lý là một yếu tố khác không thể bỏ qua để hiểu được sự tàn phá của Covid-19. Trước hết là mật độ dân số. Các thành phố đông dân dĩ nhiên có mức độ lây nhiễm cao hơn các khu vực nông thôn thưa dân. Theo báo Les Echos, tại Pháp, trong số hơn 73.300 ca tử vong trong bệnh viện tính cho đến hôm nay, 24% được ghi nhận tại vùng Paris và ngoại ô Ile de France, khu vực đông dân nhất.
Khí hậu cũng ảnh hưởng đến sự lây lan của virus, cũng như vị trí địa dư của một nước. Tại châu Âu, vị trí trung tâm của Bỉ chẳng hạn là “đất lành” cho dịch Covid-19, khiến quốc gia này có lúc phải gánh chịu tiếng tăm là nước có tỷ lệ tử vong bình quân theo đầu người thuộc hạng cao nhất thế giới. Nước Pháp cũng vậy, trong tư cách là một đầu mối giao lưu của châu Âu, đã phải chịu tác hại mạnh của dịch bệnh, hơn hẳn các nước Bắc Âu hay các hải đảo như Iceland.
Mỗi nước một cách đinh nghĩa “thế nào là chết vì Covid ?”
Điểm cần chú ý sau cùng là thế giới không đề ra một chuẩn mực chung để thống kê các ca tử vong khiến cho diện “chết vì Covid-19” có những nội dung khác nhau. Có nước chỉ công nhận những trường hợp thực sự chết vì Covid-19, và loại bỏ những ca tử vong vì những bệnh khác, trong lúc có quốc gia thì xếp vào diện này tất cả những người chết mà xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2, kể cả khi nguyên nhân tử vong không phải là vì Covid.
Cơ quan y tế công cộng Sciensano của Bỉ chẳng hạn đã nêu bật thực tế là cách “đếm” số người chết vì Covid-19 không giống nhau tùy theo quốc gia: “Do khả năng tiếp cận các xét nghiệm rất hạn chế vào thời điểm bắt đầu xảy ra dịch bệnh, nên số người chết được xác nhận là vì Covid-19 thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong thực tế do Covid gây ra”. Chính vì vậy mà ngay từ mùa xuân năm ngoái, Bỉ đã đưa vào số liệu thống kê những người có triệu chứng của Covid-19 nhưng chưa được chính thức xác nhận bằng xét nghiệm. Mặt khác, Bỉ cũng tính luôn số ca tử vong tại nhà, tại những các cơ sở chăm sóc khác, từ viện điều dưỡng, nhà dưỡng lão, viện tâm thần, các cơ sở chăm sóc cho người già và người tàn tật…
Tại Pháp chẳng hạn, số thống kê người chết vì Covid-19 không bao gồm những trường hợp chết tại nhà riêng. Lý do được đưa ra là vì “không có đủ phương tiện để làm điều đó”.
Tại Ba Lan, trong số 486.000 trường hợp tử vong, “chỉ” có 28.500 người được cho là do Covid-19, do những bất cập trong chính sách xét nghiệm. Còn tại Ấn Độ, hơn 2/3 trường hợp tử vong xẩy ra tại nhà mà không xác định được nguyên nhân và các thi thể thường được hỏa táng ngay trong ngày.
Không loại trừ khả năng bưng bít thông tin
Bên cạnh đó, phải tính đến những trường hợp có nước cố tình che giấu. Ở Nga, chẳng hạn, chỉ những bệnh nhân chết trong bệnh viện và đã qua nhiều xét nghiệm dương tính lúc còn sống mới được xếp vào diên chết vì Covid-19, và theo Le Monde, con số tử vong chính thức sẽ phải nhân lên gấp ba hoặc thậm chí bốn lần mới gần với thực tế.
Và tại Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu trong điều kiện không rõ ràng với rất nhiều lời chứng về những trường hợp tử vong hàng loạt vào đầu năm 2020, hiên chỉ có hơn 4.600 người chết vì Covid-19 được thống kê!
Covid-19: Giải mã trường hợp hơn 100.000 ca tử vong tại Pháp (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten