Chiến lược phát triển kinh tế và không gian của châu Âu
Đăng ngày:
Hiện tại châu Âu cùng với Mỹ là hai con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ không gian, nhưng vị thế của Lục Địa Già có phần bị lung lay trước sự trỗi dậy của một số quốc gia,nhất là Trung Quốc. Liên Âu cần phải làm những gì để tạo một đà mới cho một lĩnh vực nối liền trục Trái Đất – Công Nghệ Số và Không Gian ?
Theo nghiên cứu Espace : Le Réveil Européen ? của Viện Montaigne Paris công bố tháng 2/2020, lĩnh vực không gian càng lúc càng chiếm một vai trò quan trọng cả về mặt chiến lược và kinh tế. Bản thân ngành công nghệ không gian đang đứng trước rất nhiều chuyển biến, đặc biệt là với trọng lượng ngày càng lớn của các tập đoàn tư nhân bên cạnh các cơ quan quốc gia. Tỷ phú Elon Musk trực tiếp tham gia các chương trình thám hiểm Sao Hỏa, còn chủ nhân Amazon, Jeff Bezos mỗi năm đầu tư 1 tỷ đô la tài sản cá nhân vào lĩnh vực này. Số tiền đó gần bằng ngân sách hàng năm của chính phủ Pháp (1,5 tỷ đô la) cho ngành công nghệ không gian.
Nhìn rộng ra ở cấp châu lục, không gian là một lĩnh vực « mũi nhọn » bảo đảm công việc làm trực tiếp cho 35.000 người, trong đó 15.000 chỉ riêng tại Pháp ; 50 % các thương vụ xuất khẩu vệ tinh của châu Âu tùy thuộc vào các tập đoàn Pháp.
Tiềm năng doanh thu được nhân lên gấp 10
Theo một bài nghiên cứu của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI công bố hôm 11/03/2021 « không gian là một thị trường rất năng động và thịnh vượng, với một tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đều đặn 6,7 % kể từ 2005 trên toàn thế giới (…) Năm 2018 doanh thu đạt 240 tỷ đô la và con số này dự trù sẽ tăng lên gấp 10 lần vào ngưỡng 2040 ». Điều đó giải thích vì sao ngày càng có nhiều quốc gia và các hãng tư nhân nhập cuộc « chinh phục không gian »
Vào lúc cạnh tranh ngày càng gay gắt thì châu Âu vẫn trong thế thủ. Ngân sách của Cơ Quan Không Gian Châu Âu – ESA do 22 nước thành viên đóng góp chưa đầy 6 tỷ đô la, tương đương với hơn một phần tư ngân sách của NASA- Cơ Quan Hàng Không Vũ Trụ Quốc Gia Hoa Kỳ.
Tuy với những phương tiện eo hẹp đó, châu Âu - với đầu tầu là Pháp - đã rất năng động trong lĩnh vực này như giải thích của chuyên gia Murielle Lafaye, chủ nhiệm chương trình Kinh tế Không Gian, Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Không Gian – CNES :
« Châu Âu rất năng động trong các hoạt động không gian, cả trên phương diện các chương trình nghiên cứu khoa học, thám hiểm không gian lẫn về mặt thương mại với rất nhiều chương trình phục vụ những lĩnh vực kinh tế vì mục tiêu phát triển lâu dài. Một dấu hiệu khác cho thấy các hoạt động trong ngành phát triển không gian đang rất sôi động, đó là ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp, những công ty vừa và nhỏ tham gia cùng với những đại tập đoàn. Ở đây có một sự hợp tác càng lúc càng chặt chẽ ».
Vẫn chủ nhiệm chương trình Kinh Tế Không Gian của trung tâm CNES, Murielle Lafaye nhắc lại vị trí riêng biệt của Pháp cho dù ưu thế đó bắt đầu phải đối mặt với những nguồn cạnh tranh mới :
« Pháp đóng vai trò đầu tầu trong lĩnh vực phóng vệ tinh. Mặc dù vị trí đó của Pháp có phần bị thách thức trên trường quốc tế nhưng tập đoàn Ariane Espace vẫn đang dẫn đầu. Ngoài ra phải kể đến nhiều cái tên khác như Airbus Defence Space hay Thales Alenia Space cũng chiếm ưu thế về mặt cạnh tranh trên thị trường cung cấp vệ tinh. Một lĩnh vực khác nữa mà Pháp cũng là con chim đầu đàn, đó là công nghệ xử lý dữ liệu quan sát Trái Đất. Thí dụ như vị trí khá tốt của tập đoàn CLS chuyên quan sát và giám sát địa cầu ».
« Gần » trước, « Xa » sau
Vào lúc phi thuyền của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Trung Quốc hay của Mỹ đã tiến gần đến Sao Hỏa thậm chí là đổ bộ lên Hành Tinh Đỏ, thì Liên Hiệp Châu Âu, tháng Giêng 2021, tổ chức hội thảo qua cầu truyền hình và không thấy các bên đề cập đến tham vọng hay kế hoạch chinh phục không gian. Cuộc họp đó đã chủ yếu tập trung điểm lại những « thách thức ở phía trước », và nhằm « củng cố những tiến bộ đã đạt được ». Các bên cũng nhắc lại châu Âu đầu tư 16 tỷ đô la trong giai đoạn 2021-2027 để phát triển công nghệ không gian, trong đó chủ yếu là củng cố những chương trình đã có như đầu tư thêm 10 đô la tỷ cho dự án phát triển hệ định vị Galileo, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hệ GPS của Mỹ, gần 6 tỷ đô la sẽ được dành cho chương trình Copernicus nhằm thu thập các dữ liệu quan sát từ hành tinh của chúng ta. Đó là những dữ liệu về đại dương, về diện tích rừng, về những chuyển biến của vỏ trái đất … Đó là những gì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của 8 tỷ sinh mạng. Có thể là trong chiến lược phát triển không gian, châu Âu đã dành ưu tiên cho đời sống trên mặt đất thay vì những mục tiêu xa vời trong tương lai như là chinh phục Sao Hỏa.
Châu Âu trong thế thủ
Dù vậy, ngày nay, không gian liên hệ trực tiếp đến nhiều lĩnh vực từ địa chính trị đến chiến lược kinh tế của các quốc gia. Theo thẩm định của hiệp hội các nhà phân phối trên mạng, ngành E – Commerce chỉ có thể được hình thành nhờ có mạng internet. Năm 2018 doanh thu trên thị trường này đạt 95 tỷ đô la Mỹ. Không có ngành công nghệ không gian, thị trường điện thoại di động với doanh thu gần 500 tỷ đô la một năm cũng không thể phát triển.
Vậy thì châu Âu phải làm những gì để tiếp tục giữ thế thượng phong trong một lĩnh vực then chốt như không gian ?
Trước khi trả lời câu hỏi này chủ nhiệm chương trình Kinh tế và Không Gian Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu về Không Gian CNES, Murielle Lafaye lưu ý về những điểm son mà các tập đoàn châu Âu đã đạt được cho dù phương tiện không nhiều và không chỉ có Mỹ mà cả châu Á cũng đang trở thành một mối cạnh tranh đáng gờm :
« So với Mỹ, dĩ nhiên châu Âu không có được ngân sách như là đối thủ cạnh tranh này. Dù vậy, châu Âu vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ với những tập đoàn công nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực của họ. Rõ rệt nhất là Ariane Espace, nhưng gần đây SpaceX bắt đầu nổi lên và trở thành một mối cạnh tranh. Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung ra là trong tương lai không xa, sẽ có thêm những mối cạnh tranh khác xuất phát từ châu Á. Trung Quốc đang bắt đầu trỗi lên. Trong lĩnh vực chế tạo vệ tinh, Thales Alenia Space và Airbus Defence Space thường xuyên bị các tập đoàn Mỹ như là Boeing hay Lockheed Martin thách thức. Sắp tới đây thì Âu-Mỹ cũng sẽ bị Trung Quốc cạnh tranh, chúng ta bắt đầu thấy điều đó qua tập đoàn Chinese Great Wall Industry Corporation, chi nhánh của Tập Đoàn Công Nghệ Khoa Học Không Gian CASC ».
Thế độc lập về công nghệ không gian
Nhưng có lẽ thách thức quan trọng nhất là việc bảo đảm an ninh và an toàn cho các cơ sở hạ tầng, cho vệ tinh trên các quỹ đạo. Murielle Lafaye nhấn mạnh đến đường biên giới rất mong manh giữa hai lĩnh vực quốc phòng và kinh tế trong mọi chương trình không gian :
« Từ đã rất lâu, lĩnh vực không gian phục vụ cho các mục tiêu dân sự và quốc phòng chia sẻ nhiều lợi ích chung. Công nghệ viễn thông và định vị được sử dụng cả trong xã hội dân sự lẫn trong ngành quốc phòng. Mỹ thì có hệ định vị GPS, châu Âu thì có Galileo còn Trung Quốc là hệ Baidu. Kế tới lĩnh vực giám sát, phân tích những dữ liệu của Trái Đất cũng vậy. Bên cạnh đó thì còn có nhiều chương trình phát triển được là nhờ công nghệ được sử dụng trong quân đội. Ngay cả với vệ tinh, cũng vậy : ban đầu là để dùng trong các hoạt động quân sự và chiến lược, nhưng rồi đã từng bước được thương mại hóa. Các hoạt động trong công nghệ không gian không có biên giới rõ ràng giữa bên dân sự với quân sự ».
Trong nghiên cứu của Viện Montaigne mang chủ đề Không Gian, phải chăng đã đến lúc châu Âu thức dậy ? Espace : Le Réveil de l’Europe ?, các đồng tác giả đã đưa ra những kết luận như sau : Một là đã đến lúc châu Âu cũng cần mở rộng hơn nữa lĩnh vực này đến các nhà đầu tư tư nhân, đến các công ty khởi nghiệp. Thứ tới, qua trung gian Cơ Quan Không Gian Châu Âu ESA các thành viên cần « có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước những thách thức đang đặt ra ». Để đạt được mục tiêu thứ nhì này thì Viện Nghiên Cứu Montaigne đề xuất những hướng đi cụ thể như bảo đảm một thế đứng độc lập về mặt kỹ nghệ (trang thiết bị rada, vệ tinh, viễn vọng kính …) của châu Âu trong lĩnh vực phát triển công nghệ không gian, bảo đảm một nguồn tài chính cho các chương trình nghiên cứu và nguồn tài trợ chủ chốt của nhà nước. Yếu tố quan trọng không kém là sự đồng thuận trong khối về mặt chính trị : có như vậy những chương trình đầy tham vọng như đưa phi thuyền lên Mặt Trăng trước năm 2023 mới hy vọng được thực hiện đến nơi đến chốn !
Chiến lược phát triển kinh tế và không gian của châu Âu - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten