Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Biển Đen ?
Đăng ngày:
Trong hồ sơ Ukraina và Biển Đen, Nga đang tính toán những gì và đến khi nào thì ngừng những hoạt động khiêu khích phương Tây ? Đó là hai câu hỏi đang khiến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đau đầu. Việc Matxcơva thông báo rút một phần lực lượng khỏi bán đảo Crimée và tại biên giới sát cạnh với Ukraina phải chăng là dấu hiệu cho thấy Nga đã làm chủ cuộc chơi trong khu vực ?
Sau nhiều tuần lễ khuấy động Biển Đen, Nga đã làm hạ nhiệt tình hình. Từ cuối tháng 3/2021 Matxcơva triển khai hàng chục ngàn quân, thậm chí là hàng trăm ngàn, như Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận, vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay trinh sát … đến gần biên giới với vùng Donbass phía đông Ukraina và trên bán đảo Crimée với tầm nhìn gần 360 độ ra Biển Đen.
Sự hiện diện của Hải Quân Nga trong vùng biển này đã thêm dầy đặc, các cửa ngõ ra vào các vùng biển chung quanh bị hạn chế từ eo biển Kertch cánh cổng nối liền Biển Đen và Azov. Trước lo ngại của cả Ukraina lẫn cộng đồng quốc tế, điện Kremlin nhấn mạnh đây chỉ là một đợt diễn tập bình thường nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của các lực lượng quân sự và những hoạt động đó « không đe dọa » một ai. Cùng lúc Matxcơva lên án chính quyền Kiev có những hành vi « khiêu khích » qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền đông Ukraina từ tháng Hai vừa qua.
Những động thái nói trên của Nga khiến NATO « lo ngại », vì các quyền tự do đi lại trên Biển Đen và Azov bị hạn chế, qua đó bóp ngẹt các hoạt động giao thương của Ukraina. Để dằn mặt Nga, Hoa Kỳ đã tính đến khả năng điều tàu chiến đến khu vực, nhưng rồi đã hủy quyết định này vào giờ chót, khi Matxcơva quyết định mở một cuộc tập trận ngay tại chính khu vực mà Mỹ muốn tăng cường hiện diện để thị uy. Riêng về phía Anh Quốc, theo tiết lộ của báo chí tại Luân Đôn, dường như chính phủ Boris Johnson vẫn duy trì kế hoạch điều chiến hạm đến Biển Đen trong tháng 5/2021.
Vậy phải chăng phương Tây và Nga đang chơi trò mèo vờn chuột tại vùng biển chiến lược này ? Theo nhà phân tích Mark Galeotti, thuộc trung tâm nghiên cứu về khu vực Trung và Đông Âu ULC SSEES, trụ sở tại Luân Đôn, được AFP trích dẫn, việc Nga thông báo làm hạ nhiệt tình hình ở Biển Đen không là điều ngạc nhiên, sau khi Matxcơva đã phô trương sức mạnh với Hoa Kỳ ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.
Những hoạt động quân sự dồn dập vừa qua của Nga trên Biển Đen và sát biên giới Ukraina chính là nhằm « nắn gân » tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngoài ra, điện Kremlin cũng muốn chứng minh với phương Tây là chớ xem thường khả năng phòng thủ của Nga, Matxcơva hoàn toàn có khả năng « triển khai trong một thời gian rất ngắn, huy động đông đảo binh sĩ đến hiện trường ».
Nhưng có lẽ các nhà quân sự ở Matxcơva biết rõ cần dừng lại đúng lúc mới là thượng sách. Tây phương cũng đã có một số thiện chí. Thứ nhất về phía Kiev, dù nước này được phương Tây ủng hộ, một lần nữa NATO từ chối để Ukraina gia nhập liên minh quân sự. Điểm thứ hai đáng ghi nhận có lẽ Matxcơva dừng lại các hành động gây thêm căng thẳng vào lúc mà chính Washington đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Nga vào mùa hè năm nay và hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin – Joe Biden sẽ gặp nhau tại một quốc gia thứ ba để khởi động lại đối thoại song phương và có lẽ lúc đó cũng là điều Matxcơva mong muốn.
Điểm thứ ba được nhà báo Jean Pierre Stroobants của tờ Le Monde ghi nhận : dường như Nga cũng đã nhận thấy một sự lúng túng nào đó của khối NATO : trước mắt khối này chưa biết trong trường hợp cần can thiệp, liên minh sẽ đáp trả dưới hình thức nào.
Có lẽ như ghi nhận của phóng viên Véronika Dorman trên báo Libération, Nga đấu dịu sau khi Vladimir Putin đã đạt được những gì mong muốn. Đó là buộc chính quyền Biden phải chú ý trở lại đến nước Nga, hù dọa đồng minh của phương Tây là Ukraina và nhắc nhở cả Kiev lẫn NATO rằng chớ « vượt qua lằn ranh đỏ », tức là kết nạp Ukraina vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hay Bruxelles cho phép Ukraina tham gia Liên Hiệp Châu Âu.
Andrei Kortounov, tổng giám đốc hội đồng cố vấn đối ngoại của Nga, trên tờ Libération ghi nhận Matxcơva thừa biết cái giá sẽ phải trả khi khai mào một chiến dịch quân sự, cho nên mục tiêu của Nga là « răn đe », chứ không phải là để đi đến cùng. Nga không hài lòng trước viễn cảnh NATO tập trận ở Biển Đen và Baltic, gần sát cạnh, nên đã thể hiện thái độ bất bình đó bằng một sự hù dọa.
Có điều, như phân tích của chủ tịch trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva, Dmitri Trenin, căng thẳng trong vùng Biển Đen mới chỉ tạm lắng, vẫn tồn tại viễn cảnh một cuộc xung đột lại bùng lên trong khu vực. Nhưng có lẽ rõ rệt nhất là trong mọi kịch bản, Vladimir Putin mới là người làm chủ tình hình trong khu vực nhạy cảm này.
Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Biển Đen ? (rfi.fr)
Châu Âu và Nga khó có thể đối thoại : Lỗi tại tất cả, trừ Vladimir Putin?
Đăng ngày:
Phát hành từ chiều hôm qua, một ngày sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu truyền thống, khi ngoài đường phố diễn ra các cuộc biểu tình ở hàng trăm thành phố, báo Le Monde dành nhiều bài viết nói về Nga, nhất là về quan hệ căng thẳng giữa Nga với châu Âu.
Bất chấp những nỗi thất vọng tích tụ trong suốt nhiều năm, châu Âu mới chỉ tự bó hẹp trong những phản ứng ngắn hạn. Các biện pháp trừng phạt kinh tế không phải là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Trên đây là những nhận định trong bài phân tích « Châu Âu và Nga khó có thể đối thoại » của nhà báo Piotr Smolar. Đương nhiên châu Âu phải đối thoại với Nga, nhưng câu hỏi đặt ra là nói về điều gì với Matxcơva và bằng cách nào ? Cuộc chiến ở miền đông Ukraina và số phận của nhà đối lập Nga Alexeï Navalny đã cho châu Âu thấy một bài học : trước khi tiếp cận với điện Kremlin, trước hết phải xác định một chiến lược và phương tiện để thực hiện chiến lược đó. Nói cách khác, khả năng răn đe hiệu quả, ngoài phạm vi quân sự, là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, châu Âu chưa từng thực hiện nỗ lực đó. Châu Âu bị mắc kẹt trong sự chia rẽ chỉ có những phản ứng ngắn hạn, với những lời lên án từ bục phát biểu, các biện pháp trừng phạt không mấy hiệu quả, tính toán thương mại và các thỏa thuận năng lượng, chẳng hạn như Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt nối Nga với Đức. Riêng Pháp đã cố gắng có một cuộc phiêu lưu đơn lẻ, nhưng không mang lại kết quả đáng kể.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn vạch « lằn ranh đỏ » với Matxcơva. Nhưng vấn đề là đã vạch ra lằn ranh đỏ thì là phải làm sao để lằn ranh đó không bị vượt qua, nếu không thì sẽ mất uy tín. Ông Macron nói : « Chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý để hoạt động quân sự lại diễn ra trên đất Ukraina », sau khi hơn 100.000 quân Nga được huy động dọc biên giới. Nhưng cảnh báo của tổng thống Pháp ám chỉ điều gì ? Bởi hồi năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina và gây bất ổn ở vùng Donbass, châu Âu chỉ có các biện pháp trừng phạt kinh tế nhưng không thay đổi được gì.
Tác giả bài viết nhấn mạnh càng có nhiều lời đe dọa hời hợt, không có sức mạnh, điện Kremlin càng cảm thấy được củng cố và đáp trả, như Vladimir Putin hôm thứ Tư 21/04 trong bài phát biểu thường niên đã cam kết sẽ có phản ứng « bất đối xứng, nhanh chóng và cứng rắn » nhắm vào những người vượt qua « lằn ranh đỏ » của Nga.
Le Monde nhắc lại vào tháng 06/2017, khi mới đắc cử, tổng thống Pháp nói đến hai lằn ranh đỏ mà ông đã vạch ra với đồng nhiệm Putin : việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và khả năng người tị nạn Syria được tiếp cận các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Vào tháng 4/2018, Pháp, Anh và Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích mang tính biểu tượng nhắm vào ba địa điểm có liên quan đến chương trình hóa học của Syria. Về các hành lang tiếp cận người tị nạn, Matxcơva đã đóng cửa 3 trong số 4 hành lang. Vậy Pháp phản ứng thế nào ? Chính Paris đã đấu tranh để Nga được trở lại Hội Đồng Nghị Viện của Ủy Hội Châu Âu, từ tháng 6/2019, nhưng nỗ lực của Pháp đã không được Nga đền đáp.
Putin có muốn đối thoại ?
Những người quảng bá không mệt mỏi cho chế độ Nga, luôn tìm đối tượng để đổ lỗi : từ Mỹ, NATO, Ba Lan, Ukraina đến Gruzia … Nói tóm lại, lỗi của tất cả mọi người, ngoại trừ chính chế độ mà Vladimir Putin là hiện thân trong suốt 21 năm qua.
Ở trong nước, đối thủ Boris Nemtsov của ông Putin bị ám sát dưới cửa sổ điện Kremlin, nhà đối lập Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh rồi bị bỏ tù, bất cứ sự phản kháng nào trên mạng hay trên đường phố đều bị trấn áp mạnh tay. Còn ở nước ngoài, Nga đã tổ chức các chiến dịch làm sai lệch thông tin và tấn công mạng. Các vụ ám sát và âm mưu ám sát được cho là của Nga đã diễn ra ở nhiều nước châu Âu.
Năm 2014, bán đảo Crimée của Ukraina bị Nga sáp nhập, miền đông Ukraina bị chia cắt, với sự trợ giúp của lực lượng ly khai. Tại Syria, các cuộc pháo kích của Nga nhằm hỗ trợ chế độ Damas đã giết hại hàng loạt dân thường và phá hủy nhiều bệnh viện. Ở Libya, lính đánh thuê Wagner vẫn chưa rút lui, bất chấp việc một chính phủ đoàn kết dân tộc đã được thành lập. Hàng loạt sự việc nói trên như một « tủ kính trưng bày » quyền lực của Putin, những điều tổng thống Nga quyết định hoặc cho phép. Putin sử dụng các công cụ, phương tiện có trong tay để đảm bảo kiểm soát xã hội và duy trì quyền lực của mình.
Tụt hậu về các sáng chế dù có vac-xin Sputnik V, đối mặt với thách thức trung hạn của cuộc cách mạng năng lượng, vốn có thể tác động đến sức mạnh tài nguyên dầu lửa và khí đốt, Nga có thể dựa vào kho vũ khí, quân đội, các dịch vụ, khả năng trong không gian mạng, ghế ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nga cũng mạnh lên nhờ sự e ngại của châu Âu, hay thông qua việc châu Âu không có khả năng truy vết tiền bẩn, nhờ các khoản đầu tư bất động sản không phù hợp, các công ty bình phong do các quan chức và doanh nhân thành lập và được chế độ chế độ trợ giúp.
Các nhà ngoại giao viện dẫn một số hồ sơ châu Âu có thể đạt đồng thuận với Nga : các hiệp ước hạn chế vũ trang, chương trình hạt nhân Iran, hồ sơ khí hậu. Nhưng tác giả Piotr Smolar nhấn mạnh điều cần ghi nhớ là Vladimir Putin nhiều lần từ chối thực sự tham gia vào các cuộc đối thoại « mang tính xây dựng ».
Vì tương lai của Trái đất
Khí hậu là một hồ sơ được các báo Pháp lưu ý trong ngày thứ hai diễn ra hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về chống biến đổi khí hậu do tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức. Trong bài viết « Vì tương lai của Trái đất », báo công giáo La Croix nhấn mạnh tương lai sẽ cho biết thông báo của các tổng thống Mỹ và Trung Quốc tại thượng đỉnh về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu liệu có dẫn đến các quyết định cụ thể và bền vững hay không. Bởi theo La Croix, trong quá khứ, rất nhiều lời hứa hẹn, cam kết sau đó đã không được tôn trọng, kéo theo hệ quả là tình hình khí hậu ngày càng xấu đi.
Kể từ hội nghị khí hậu lần đầu tiên được tổ chức tại Berlin vào năm 1995 (COP1), hơn 25 năm đã trôi qua nhưng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thải ra môi trường ngày càng tăng, trừ năm 2020 với đại dịch Covid-19. Ngày 20/04, Cơ quan năng lượng quốc tế dự báo lượng CO2 phát thải trong năm 2021 sẽ tăng 5% so với năm 2019. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua tại thượng đỉnh trực tuyến gọi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là “một đòi hỏi cấp bách về đạo đức và kinh tế”. La Croix chờ đợi giới lãnh đạo các nước lớn trên thế giới cho thấy ý muốn hồi đáp lời kêu gọi của tổng thống Mỹ Biden.
Châu Âu muốn duy trì vai trò lãnh đạo
Trong lúc tổng thống Mỹ Biden muốn đoạn tuyện với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, đưa nước Mỹ trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, châu Âu không muốn để mất vai trò lãnh đạo thế giới về chống biến đổi khí hậu vào tay nước Mỹ thời Biden. Trên đây là nhận định của Le Monde.
Để giữ được vai trò lãnh đạo đó, bộ trưởng Môi trường của 27 nước châu Âu, sau 14 giờ đàm phán, đã đạt thỏa hiệp về đạo luật khí hậu, với mục tiêu từ nay đến năm 2030 giảm 55% khí gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990. Le Monde nhấn mạnh các nước thành viên Liên Âu đã phải trải qua một « trận chiến » mới đạt được thỏa hiệp. Nhưng cuộc đấu dữ dội nhất liên quan đến hồ sơ năng lượng. Trong khi các nước Đông Âu muốn hướng đến khí ga tự nhiên, vốn ít ô nhiễm hơn than đá, thì Pháp lại bảo vệ nguồn năng lượng hạt nhân, vốn không gây hại hại cho khí hậu nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề về xử lý rác thải hạt nhân. Trong khi đó Luxembourg và Áo thì phản đối cả hai loại năng lượng nói trên. Ủy ban Châu Âu sẽ ra quyết định về vấn đề này vào cuối năm 2021.
Tương lai nào cho Trạm Không Gian Quốc Tế ?
Về lĩnh vực không gian, các báo Pháp hôm nay đều có bài viết hoặc chạy tựa trang nhất về sự kiện phi hành gia người Pháp Thomas Pesquier trở lại Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS). Riêng Libération quan tâm đến tương lai bất định của trạm ISS.
Bị chỉ trích là tốn nhiều chi phí và « tuổi đời » đã cao, hiện giờ ISS đang hoạt động hết công suất nhưng tương lai của trạm sau năm 2024 vẫn không chắc chắn, cho dù nhiều chuyên gia khẳng định Mỹ, Nga, Nhật, Canada và châu Âu sẽ không sớm từ bỏ Trạm Không Gian Quốc Tế. Một trong những lý do là hiện giờ người ta chưa biết làm thế nào để loại bỏ trạm ISS với kích thước lớn như một sân bóng đá. Libération trích dẫn một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (Cnes): Nếu đưa ISS rời quỹ đạo, các mảnh sẽ rơi xuống nửa địa cầu, điều này là quá nguy hiểm, còn việc tháo dỡ trạm thành mô-đun đòi hỏi chi phí rất lớn.
Libération lưu ý kết cấu nặng 400 tấn, quay quanh quỹ đạo cách Trái đất 400 km, đang có dấu hiệu « mệt mỏi » với « những vết nứt » gây « rò rỉ không khí ». Tờ báo cũng nhắc lại việc xây dựng ISS là một quyết định chính trị, không phải là một quyết định khoa học. Về mặt kỹ thuật, trạm ISS có thể tồn tại đến năm 2028 hoặc 2030. Sau đó, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào kinh phí để giữ duy trì nó. Vấn đề là tham vọng của NASA chinh phục Mặt Trăng có thể khiến Mỹ ngừng các nghiên cứu trên trạm ISS. Với sứ mệnh Artemis III, cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ muốn đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng ngay từ năm 2024 nếu có thể, và dựa vào kinh nghiệm đó để khởi động chuyến thám hiểm Sao Hỏa. Mỹ cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng.
Còn nước Nga thì đã công bố hai dự án mới, trong đó có xây dựng trạm không gian trên Mặt Trăng với Trung Quốc. Phó thủ tướng Nga Yuri Borissov hôm Chủ Nhật đã phát biểu ngụ ý Matxcơva sẽ xem xét lại việc tham gia vào hoạt động trên trạm ISS từ năm 2025. Libération lo ngại việc duy trì trạm ISS mà không có sự tham gia của Nga sẽ gặp khó khăn.
Pháp : Tình hình dịch bệnh cải thiện, nhưng chậm và chưa chắc
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 sau 3 tuần tái phong tỏa cũng là một đề tài được các báo Pháp hôm nay quan tâm khai thác. Trong cuộc họp báo hôm qua, thủ tướng Pháp Jean Castex khẳng định « đỉnh dịch đã lùi về phía sau ». Nhưng báo thiên hữu Le Figaro đặt câu hỏi liệu 3 tuần phong tỏa đã đủ để cải thiện tình hình y tế tại Pháp ?
Không thể phủ nhận chiến dịch tiêm chủng đã được đẩy mạnh, nhưng tỉ lệ người được tiêm ngừa vẫn chưa đủ cao để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Pháp vẫn còn xa mới đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, bởi mới chỉ có 7,5% dân số Pháp tiêm xong hai mũi. Tại các bệnh viện, số ca bệnh nặng phải nhập khoa hồi sức, chăm sóc tích cực có giảm, nhưng rất chậm, mức độ giảm chỉ bằng ½ so với hai đợt dịch trước. Số ca nhiễm mới thường nhật hiện là khoảng 32.000, chỉ giảm 20% so với hồi đầu tháng (40.000 ca/ngày).
Tuy nhiên, trái với hai đợt dịch đầu, lần này số ca tử vong thường nhật đã không tăng đột biến trong những tuần qua, nhờ chiến dịch tiêm chủng đã bảo vệ được nhóm người cao tuổi, những người dễ tử vong nhất vì virus corona. Từ tháng Hai đến nay, mỗi ngày Pháp ghi nhận hơn 300 ca tử vong, Le Figaro dự báo con số này sẽ « ổn định », không tăng giảm nhiều trong những tuần tới đây.
Trong khi đó Le Monde quan tâm đến nỗi lo của tổng thống Macron về việc người Pháp mất lòng tin vào vac-xin AstraZeneca và một phần nào đó là vac-xin Johnson&Jonhson. Theo một thăm dò ý kiến của Odoxa, 71% dân Pháp không muốn tiêm ngừa với vac-xin của tập đoàn Anh - Thụy Điển. Chính tổng thống Pháp Macron đã phải thừa nhận là chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục dân chúng. Để lấy lại lòng tin của người dân, chính quyền Marcon đang chuẩn bị chiến dịch truyền thông, với sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng tại Pháp.
Miến Điện trước áp lực quốc tế
Nhìn sang châu Á, cuộc khủng hoảng Miến Điện vẫn được nhiều báo Pháp quan tâm. La Croix nhận định « Miến Điện dưới áp lực quốc tế », trước thềm thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, Indonesia, để bàn về khủng hoảng ở Miến Điện. Mặc dù bị đàn áp đẫm máu, với hơn 730 người thiệt mạng, người dân trong nước vẫn tiếp tục phản kháng, liên hệ với nhiều phe nhóm nổi dậy thuộc các sắc tộc (Shan, Karen, Kachin). Nhưng theo La Croix, do quân đội Miến Điện được trang bị nhiều vũ khí mua từ Nga và Trung Quốc, nên chỉ có những áp lực bên ngoài mới có thể kiềm chế việc sử dụng vũ lực một cách mù quáng của giới tướng lĩnh nước này.
La Croix nhắc lại Hoa Kỳ đã trừng phạt một số quan chức cấp cao Miến Điện và một số tập đoàn công nghiệp nước này có liên hệ với quân đội. Liên Âu đầu tuần này đã trừng phạt 10 thành viên của tập đoàn quân sự và hai công ty tài trợ cho Tatmadaw. Josep Borrell, lãnh đạo ngoại giao châu Âu, cảnh báo : « Cuộc đàn áp phải dừng lại. Tiếp tục con đường hiện nay sẽ chỉ mang lại nhiều nỗi khổ đau và không hợp pháp ».
Lo sợ xung đột lan rộng ở một quốc gia vốn đã hỗn loạn, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và người tiền nhiệm Ban Ki Moon đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới ASEAN. Ông Ban Ki Moon nhấn mạnh là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên không nên được ASEAN sử dụng làm cái cớ để không hành động, đồng thời ông kêu gọi Hội Đồng Bảo An hành động dứt khoát để ngăn chặn nguy cơ điều tồi tệ nhất xảy ra ở Miến Điện.
Trong khi đó, báo Libération nhắc lại việc Liên Âu, thông qua chương trình Mypol, đã đào tạo, huấn luyện 4.500 cảnh sát Miến Điện theo chuẩn quốc tế và bảo đảm tôn trọng nhân quyền, với mục đích trợ giúp tiến trình chuyển đổi dân chủ ở nước này. Thế nhưng, điều oái oăm là giờ đây cảnh sát Miến Điện đã tận dụng những gì học được ở châu Âu và cả vũ khí, thiết bị được Liên Hiệp cung cấp để quay sang đàn áp người dân trong nước.
Châu Âu và Nga khó có thể đối thoại : Lỗi tại tất cả, trừ Vladimir Putin? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten