Việt Nam thăng 3 bậc trên bảng xếp hạng về tầm ảnh hưởng và danh tiếng trên toàn cầu khi được đánh giá là đã “làm khá tốt” trong mọi lĩnh vực để đưa thương hiệu Việt ra thế giới bất chấp một năm biến động vì đại dịch.
Theo Chỉ số Quyền lực Mềm Toàn cầu 2021 của Brand Finance, một nghiên cứu được coi là bao quát nhất thế giới về giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam đứng thứ 47, tăng từ vị trí thứ 50 vào năm ngoái khi báo cáo lần đầu tiên được đưa ra.
Mỹ trở thành quốc gia tụt hạng nhanh nhất khi rơi xuống bậc 6 và nhường ngôi vị dẫn đầu về quyền lực mềm trên toàn cầu cho Đức, theo khảo sát được lấy ý kiến từ 75.000 người từ 100 nước. Trong khi đó New Zealand là nước thăng hạng nhanh nhất, tiến 6 bậc lên vị trí thứ 16.
Nhật là quốc gia có quyền lực mềm lớn nhất ở châu Á và đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau tân quán quân Đức, từng là á quân của năm trước đó.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất thăng hạng trong năm 2020 trong bối cảnh đại dịch virus corona làm các nền kinh tế trong khu vực và thế giới tăng lâm vào khủng hoảng khi Việt Nam là nước duy nhất trong khối đạt được tăng trưởng dương.
Tuy nhiên dù có sự tiến bộ, Việt Nam vẫn đứng sau Singapore (hạng 20), Thái Lan (hạng 33), Malaysia (hạng 39) và Indonesia (hạng 45). Với việc có được 33,8 trên 100 điểm, Việt Nam đứng trên Philippines (hạng 53), Campuchia (hạng 89) và Myanmar (hạng 90) trong khối ASEAN.
Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn thứ 9 trên toàn châu Á.
Theo Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu có trụ sở ở London của Anh, sự thăng hạng của Việt Nam chủ yếu nhờ vào việc quốc gia Đông Nam Á đã khống chế tốt đại dịch COVID-19.
“Việt Nam đã thoát khỏi một năm bế quan toả cảng và các bệnh viện bị quá tải khi là một trong những nước có mức lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 thấp nhất thế giới,” theo đánh giá của báo cáo.
Báo cáo, công bố hôm 25/2, cho thấy không chỉ có sự ứng phó một cách “đầy ấn tượng” với đại dịch – dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất phát của virus corona – Việt Nam còn ‘ghi điểm’ nhờ vào việc có được một trong những mức tăng trưởng kinh tế cao nhất toàn cầu trong năm 2020.
GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt hơn 2,9%, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Về mức độ quốc gia được nhiều người biết tới, Việt Nam ghi 5,3 trong tổng số 10 điểm. Quốc gia Đông Nam Á ghi 5,5 điểm về mức độ danh tiếng toàn cầu và 3,3 điểm về sự ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Đánh giá về sự tiến bộ của Việt Nam, Giám đốc điều hành của Brand Finance ở châu Á Thái Bình Dương Samir Dixit nói trong báo cáo rằng Việt Nam “dường như đã quản lý khá tốt mọi mặt về thương hiệu quốc gia, đặc biệt trong việc hội nhập là liên kết thương hiệu của Việt Nam với thế giới.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm ngoái phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến 2030 nhằm tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt đã tăng lên, đặc biệt qua chương trình “Giá trị Việt Nam” với mục tiêu đưa 1.000 sản phẩm Việt ra thế giới, theo ông Dixit.
“Nhờ vào những nỗ lực của chương trình “Giá trị Việt Nam”, ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam giờ đây đóng góp đến 17 tỷ USD cho giá trị xuất khẩu của quốc gia trong khi ngành may mặc chiếm 22 tỷ USD trong tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới,” giám đốc điều hành của Brand Finance nói. “Những đóng góp kinh tế này vô cùng quan trọng cho sự phát triển tổng thể, danh tiếng cũng như quyền lực mềm của Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Brand Finance, Việt Nam có chỉ số thấp trong các hạng mục như kinh doanh và thương mại, quan hệ quốc tế, truyền thông và thông tin, và giáo dục và khoa học.
Theo ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục xúc tiến thương mại của Bộ Công thương, để xây dựng và phát huy sức mạnh mềm của mình, Việt Nam trước hết “cần thực hiện chiến lược định hướng phát huy quyền lực mềm một cách có hệ thống và lâu dài trong kỷ nguyên kỹ thuật số” cũng như cần “cải thiện chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.”
Ông Phú được trích lời nói trong báo cáo của Brand Finance rằng bên cạnh việc xây dựng và phát huy quyền lực mềm, Việt Nam cũng cần “tăng cường và hoàn thiện sức mạnh cứng của mình để tạo ra sức mạnh tổng hợp” mà ông gọi là “quyền lực thông minh” để cho thấy vị trí địa-chiến lược và địa-kinh tế mới của Việt Nam.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten