Thời đại đồ sắt mới dưới ảnh hưởng của Trung Quốc
Đăng ngày:
Sự bùng nổ giá quặng khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ. Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm lệ thuộc nhiều vào Úc, bằng cách gia tăng các dự án ở châu Phi khu vực nam Sahara. Trên đây là nhận định của Le Monde ngày 14/03/2021 trong bài viết « Thời đại đồ sắt mới dưới ảnh hưởng của Trung Quốc ».
Trong khi giá của nhiều loại khoáng sản tăng vọt, quặng sắt trở thành trọng tâm của cả quá trình chuyển đổi toàn cầu cũng như giai đoạn các tập đoàn quản lý khai thác đạt lợi nhuận cao ở mức lịch sử. Đối với các tập đoàn khai thác quặng mỏ, năm 2020 được coi là thời kỳ hoàng kim của sắt, được đánh dấu bởi những kết quả mang tính lịch sử, khi giá mỗi tấn quặng tăng hơn 70% vào năm ngoái. Đối với quặng sắt chất lượng cao - quặng có hàm lượng sắt trên 65% - giá đã tăng 85%.
Tập đoàn BHP Billiton của Úc, tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất toàn cầu, hồi tháng 02/2021 thông báo chuẩn bị trả 5,1 tỷ đô la (4,3 tỷ euro) cổ tức, trong khi đó tập đoàn Anh - Úc Rio Tinto (tập đoàn khai thác mỏ lớn thứ hai thế giới, nhưng là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất toàn cầu), ngày 17/02 công bố lợi nhuận đạt mức cao nhất tính từ 9 năm qua. Rio Tinto còn cho biết đang chuẩn bị trả 9 tỷ đô la cổ tức, mức cao nhất trong suốt lịch sử 148 năm tồn tại, cho dù tập đoàn Anh-Úc đang gặp khủng hoảng ở chóp bu lãnh đạo liên quan tới vụ bê bối phá hủy một địa điểm khảo cổ 46.000 năm tuổi của thổ dân nhằm mở rộng các khu vực khai thác để tăng lợi nhuận.
Giá tăng trước hết là do sự kết hợp của nhiều yếu tố mang tính hoàn cảnh : các hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc tái khởi động trong năm 2020, cùng với nỗ lực tăng sản lượng thép (+5,2%). Lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng thép của Trung Quốc vượt một tỷ tấn. Ngoài ra còn phải nói tới những khó khăn mà tập đoàn Brazil, Vale, một trong những gã khổng lồ trong lĩnh vực khai thác quặng mỏ gặp phải trong sản xuất sắt, cùng với các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sự cố vỡ đập hồi đầu năm 2019 và những hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với sản xuất.
Sản xuất sắp chạm đỉnh
Aurélia Britsch, giám đốc nghiên cứu nguyên vật liệu của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, nhấn mạnh : « Nhu cầu của Trung Quốc đã tăng rất mạnh do kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng ». Trung Quốc ngày càng giữ vai trò áp đảo trong lĩnh vực sản xuất thép, đạt 56,5% tổng sản lượng toàn cầu, theo Hiệp Hội Thép Thế Giới. Trong khi đó, tỉ trọng của Liên Hiệp Châu Âu giảm 11,8%, xuống còn 7,4% vào năm 2020. Cho dù các chuyên gia nhận định sản xuất sắp chạm mức trần, họ cũng ghi nhận sự biến chuyển sâu sắc của ngành sản xản xuất thép ở Trung Quốc : chủ yếu dựa vào quặng chất lượng cao (quặng có hàm lượng sắt cao).
Erik Sardain, cố vấn chính của Roskill, một cơ quan phân tích thị trường nguyên vật liệu, trưởng bộ phận nghiên cứu của BHP Billiton, nhận xét : « Nếu cách nay 10 năm nếu chúng tôi nói rằng vào năm 2020 Trung Quốc có thể sản xuất 1 tỷ tấn thép, thì chúng tôi đã bị coi là những kẻ ngốc ».
Sau khi đạt mức cao kỷ lục hồi cuối năm 2020, giá quặng bắt đầu giảm nhẹ. Nhưng giai đoạn hiện nay vẫn mang lại nhiều lợi nhuận. Giám đốc nghiên cứu nguyên vật liệu của Fitch Solutions lưu ý : « Giá sẽ vẫn ở mức cao, so với mức rất thấp trong giai đoạn 2013-2018. Ví dụ, vào năm 2021, chúng tôi kỳ vọng mức giá trung bình đạt 120 đô la/tấn. Đây là mức cao nhất trong 7 năm. Mức giá cao, cùng với thực tế là Trung Quốc đang tích cực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp sắt do phải lệ thuộc nhiều vào Úc, có lẽ sẽ đẩy nhanh các dự án mới về khai thác mỏ sắt, đặc biệt là ở châu Phi khu vực nam Sahara ».
« Núi sắt » Guinea
Vào tháng 12/2020, Bắc Kinh đã đưa kế hoạch phát triển ngành sắt vào kế hoạch phát triển 5 năm của Trung Quốc. Theo thông báo của bộ Công Nghiệp Và Công Nghệ Thông Tin của Trung Quốc, kế hoạch đó là trong 5 năm tới sẽ tăng cổ phần (để đạt mức trung bình là 20%) trong các dự án mới về khai thác sắt. Aurélia Britsch nhận định dự án ở Simandou, phía đông Guinea, thuộc sở hữu một phần của tập đoàn nhôm Trung Quốc Chinalco, tập đoàn Anh - Úc Rio Tinto và chính phủ Guinea, « có lẽ sẽ tiến triển nhanh hơn trong những tháng tới ».
Các vùng mỏ ở Simandou, những khu vực mỏ lớn nhất thế giới nhưng chưa từng được khai thác, có trữ lượng ước tính khoảng 1,8 tỷ tấn, chứa một loại quặng có hàm lượng sắt lên tới 65%. Nếu « núi sắt » này ở Guinea được khai thác, ngay cả khi ban đầu chỉ được 50 - 100 triệu tấn mỗi năm, thì sẽ có tác dụng giúp hạ giá quặng sắt, theo đánh giá của một đơn vị khai thác mỏ. Người ta thậm chí còn gọi đó là « kẻ giết hại Pilbara ». Pilbara là một vùng ở Úc, nơi có những mỏ sắt lớn nhất. Việc đưa vào khai thác vùng Simandou, Guinea, có thể đe dọa nguồn thu từ quặng sắt khai thác trong lòng đất vùng Pilbara, Úc. Trong số 4 tập đoàn khai thác quặng mỏ và sản xuất sắt lớn, có ba tập đoàn ít nhất là có liên hệ chặt chẽ với nước Úc và vùng Pilbara. Đó là các tập đoàn BHP Billiton, Rio Tinto và Fortescue.
Trung Quốc hiện nhập khẩu 700 triệu tấn sắt từ Úc mỗi năm. Con số này như vậy đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Kinh tế gia Yves Jégourel, đồng giám đốc báo cáo CyclOpe chuyên về thị trường, giảng viên Đại học Bordeaux, trong một bài viết đăng trên báo Le Monde, ngày 07/09/2020, cho biết Trung Quốc sản xuất 53% thép thô trên toàn thế giới, nhưng các công ty luyện kim của Trung Quốc phải nhập khẩu phần lớn quặng sắt, một mặt do nhu cầu của Trung Quốc quá lớn, mặt khác bởi vì quặng sắt khai thác tại các mỏ của Trung Quốc có chất lượng không cao. Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nguồn quặng sắt của Brazil và Úc. Nếu Brazil có thế mạnh là quặng có hàm lượng sắt cao thì Úc lại có lợi thế là gần Trung Quốc hơn về mặt địa lý. Trong năm 2019, 62% quặng sắt mà trung Quốc nhập khẩu là từ Úc.
Và tình trạng phụ thuộc lâu dài không thể không khiến Bắc Kinh lo lắng, bởi ngành sản xuất thép là ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng các mỏ ở vùng Simandou, Guinea có thể trở thành một thứ vũ khí trong tay Trung Quốc để Bắc Kinh chống lại lợi ích của Úc, quốc gia mà Trung Quốc đang có hàng loạt tranh chấp, đặc biệt về thương mại. Theo Kinh tế gia Yves Jégourel, đương nhiên là Canbera nắm được điểm yếu của Trung Quốc và có thể dùng nguồn quặng mỏ, nhất là quặng sắt, để kiềm chế phần nào Bắc Kinh.
Ném một hòn đá trúng vài đích
Trở lại với Guinea, sau các thủ tục pháp lý trường kỳ, về lý thuyết, các mỏ quặng sắt Simandou sẽ do các tập đoàn Rio Tinto và Chinalco của Trung Quốc đồng khai thác. Công ty Chinalco quản lý 2 trong số 4 khu mỏ ở Guinea. Sau khi Rio Tinto thất bại trong việc bán cổ phần của họ (45,05%) cho Chinalco (công ty sở hữu 39,95%), hai bên sẽ phải tìm ra một mô hình để bắt đầu khai thác các mỏ ở Simandou.
Dẫu sao đi chăng nữa, Trung Quốc vẫn sẽ tính đến việc củng cố vị thế thống trị của họ trong lĩnh vực sản xuất thép, và đương nhiên kéo theo đó là tìm cách thống trị ngành khai thác quặng sắt và tìm kiếm các loại quặng có hàm lượng sắt cao. Mối quan tâm này là dấu hiệu của một sự tiến triển sâu sắc. Loại quặng có hàm lượng sắt cao có giá cao hơn, nhưng quá trình luyện thép sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn và ít gây ô nhiễm hơn. Mục tiêu của Trung Quốc là thống trị nền sản xuất thép toàn cầu (mục tiêu đã hoàn thành), tiết kiệm trong quy trình « khử cacbon » các nhà máy luyện thép và tiếp tục cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, vốn dĩ bị nhà chức trách Trung Quốc coi là nguồn gây bất ổn định.
Ông Erik Sardain, cố vấn chính của cơ quan phân tích thị trường nguyên vật liệu Roskill, cho rằng mục tiêu rộng hơn, đối với Bắc Kinh, là tiếp tục một phong trào nói chung nhằm làm sạch một số lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, chấm dứt hoạt động của các công ty nhỏ chuyên sản xuất thép vì lợi ích của các tập đoàn lớn. Theo chuyên gia Sardain, các nhà máy luyện thép nhỏ của Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả nhất chính là những nhà máy gây ô nhiễm nhất và gây tốn kém nhất trong việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Bằng cách đóng cửa các nhà máy này, chính phủ Trung Quốc « chỉ ném một hòn đá mà trúng vài đích ».
Geen opmerkingen:
Een reactie posten