Ngân hàng Thế giới: Việt Nam, Trung Quốc đứng đầu châu Á về hồi phục kinh tế
Ngân hàng Thế giới hôm thứ Sáu 26/3 công bố một báo cáo nói rằng Việt Nam và Trung Quốc hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn tiền đại dịch, trong khi các nước khác ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ mất nhiều năm hơn mới hồi phục kinh tế. Khu vực này sẽ có 3 tốc độ phục hồi khác nhau, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo.
Việt Nam có hoạt động kinh tế nổi trội so với các nước khác, với mức tăng trưởng năm nay dự kiến lên đến 6,6%, tăng từ mức 2,9% của năm ngoái, Ngân hàng Thế giới tiên liệu.
Việt Nam và Trung Quốc thuộc số ít các nước chỉ bị đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhẹ và hai nước này không bị suy thoái trong năm 2020.
Vẫn Ngân hàng Thế giới dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay, so với mức 2,3% của năm ngoái.
Do quy mô khổng lồ của đất nước hơn 1,4 tỷ dân nên mức tăng trưởng của Trung Quốc cũng làm cho mức tăng trưởng chung của toàn khu vực ước tính sẽ đạt 7,4% trong năm nay, tăng so với mức 1,2% trong năm 2020.
Các nước đang phát triển trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến có mức tăng trưởng chung là 4,4% sau khi tăng trưởng âm 3,7% trong năm ngoái.
Ngân hàng Thế giới cho rằng việc Mỹ mới đây thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỉ đô la sẽ có tác động lan tỏa đến cả các nền kinh tế ở Đông Á-Thái Bình Dương.
Theo ước tính của ngân hàng này, gói cứu trợ của Mỹ sẽ giúp các nước trong khu vực nâng tốc độ tăng trưởng thêm trung bình 1%, chủ yếu thông qua thương mại và đầu tư. Các nền kinh tế có định hướng xuất khẩu ở châu Á, nhất là Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
(Reuters, Bloomberg)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten