Axolotl, 'con cá đi bộ' ở Mexico City

  • Megan Frye
  • BBC Travel
Alamy

Frankie bị mất nửa khuôn mặt. Một chứng bệnh nhiễm nấm xuất hiện trên chú axolotl nhỏ bé, còn được gọi là kỳ giông Mexico, hoặc khủng long sáu sừng, loài lưỡng cư bản địa sống trong các kênh rạch của thành phố Mexico City.

Song Frankie và các con axolotl khác lại có một khả năng đặc biệt.

Bác sỹ thú y đồng thời là nhà nghiên cứu chuyên về axolotl, Erika Servín Zamora, cũng là người chăm sóc Frankie, cho biết bà đã rất kinh ngạc khi thấy khả năng tái sinh kỳ lạ của loài động vật mà bà nghiên cứu.

Trong vòng hai tháng, ngay trong bể nuôi tại Sở thú thành phố Chapultepec, Frankie đã 'mọc' một con mắt mới với đầy đủ chức năng, và đời sống của chú cá này đã trở lại bình thường.

Frankie có lẽ đã không thể may mắn như vậy nếu sống trong môi trường tự nhiên hoang dã của mình, nơi chỉ cách sở thú khoảng 30km về phía nam.

Loài axolotl, được coi là là biểu tượng của Mexico City, đặc biệt là ở khu quận phía nam Xochimilco - một địa điểm Di sản Thế giới của Unesco, nay đang đứng trước tình trạng khẩn nguy trong đời sống tự nhiên. Lý do là bởi sự hiện diện ngày càng đông các loài cá xâm lấn hung hãn và tình trạng ô nhiễm tồi tệ tại các kênh rạch trong thành phố.

Tệ hơn nữa, Frankie lại là một con axolotl bạch tạng - chú có màu hồng nhạt, hồng từ mang và vây loang ra hết phần đầu, thế nên khi ở trong vùng nước tối, đục ngầu chú sẽ dễ dàng bị nhận ra và trở thành con mồi cho bọn cá rô phi.

Được dân địa phương gọi là "thủy quái", axolotl có vẻ bề ngoài tạo ấn tượng ban đầu trái ngược: bạn có thể sẽ thấy rất thích hoặc rất ghét chúng.

Một số người thấy rằng loài 'thuỷ quái' với làn da mềm mại, dài khoảng 20 cm này thật đáng yêu vì mặt chúng luôn thường trực nụ cười. Nhưng với một số người khác, bọn lưỡng cư bốn chân này chỉ gây cảm giác kì quái.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,

Nhiều giống axolotl đang trong tình trạng khẩn nguy

Axolotl thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Họ hy vọng rằng các con axolotl như Frankie có thể vào một lúc nào đó trong tương lai sẽ gợi mở cho loài người chúng ta về thủ thuật tái tạo cơ thể.

"Các nhà khoa học đang xem xét các lợi ích có từ khả năng tự tái tạo của axolotl bằng cách áp dụng các lợi ích này cho những người bị thương do tai nạn, chiến tranh hoặc bệnh tật - những người bị mất chân tay," Servín Zamora nói.

"Những người khác lại chú trọng vào cách mà axolotl tự tái tạo có thể mang lại lợi ích cho các cơ quan nội tạng của con người, chẳng hạn như để chữa lành tim hoặc gan."

Axolotl cũng giúp cho Servín Zamora và các nhà khoa học khác hiểu được khả năng chống ung thư có ở hầu hết các loài lưỡng cư.

"Trong 15 năm, tôi chưa hề thấy trường hợp nào có khối u ác tính ở axolotl, điều này thật thú vị," bà nói. "Chúng tôi suy đoán rằng chính khả năng tái tạo tế bào và các bộ phận cơ thể của chúng đã giúp loài này có được đặc tính đó."

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,

Các nhà khoa học đang tìm cách lợi dụng ưu điểm từ các đặc tính tự tái tạo của axolotl

Chưa hết. Axolotl được coi như thứ thuốc chữa bách bệnh theo cách truyền thống ở Mexico, từ dưỡng thai cho tới chữa chứng suy nhược hay bệnh hô hấp.

Một nhóm nữ tu ở Patzcuaro, Mexico, đã nuôi hợp pháp một giống axolotl, ambystoma dumerilii, và dùng chúng làm nguyên liệu chế biến xi-rô ho, tuy theo truyền thống thì người ta thường đem chúng nấu canh súp.

Mãi mãi tuổi thanh xuân - axolotl là biểu tượng của thần tiên

Frankie là con axolotl thuộc ambystoma mexicanum, một trong 17 giống axolotls ở Mexico.

Được tìm thấy chủ yếu ở các bang Mexico, Puebla và Michoacán, phần lớn chúng đang trong tình trạng khẩn nguy.

Một số giống tự biến mình thành kỳ nhông bò trên cạn bằng cách rụng đuôi và biến dạng bộ phận mang, giống như khi nòng nọc biến thành cóc.

Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống của chúng.

Ví dụ như Frankie sống trong tình trạng nuôi nhốt nên không phải đối phó với bọn cá săn mồi, cho nên chú cứ lớn lên trong trạng thái trẻ mãi không già.

Khi không cần biến thành kỳ nhông, những con cá axolotl giống như Frankie sẽ giữ cái đuôi mà chúng đã có từ khi còn là ấu trùng và sống hoàn toàn dưới nước.

"Về căn bản, chúng tự quyết định việc liệu chúng có thực sự cần phải biến đổi hình dạng hay không, tuỳ thuộc vào áp lực của môi trường sống," Servín Zamora nói.

"Nếu chúng thấy sống trên cạn tốt hơn là dưới nước, chúng sẽ trải qua quá trình biến đổi thành kỳ nhông, nhưng đó sẽ là một giai đoạn khó khăn. Chúng sẽ phải ngừng ăn hoàn toàn trong khoảng thời gian đó."

"Giả thuyết hiện tại là, vì lý do tiến hóa, ambystoma mexicanum (loài lưỡng cư Mexico) sẽ duy trì trạng thái vị thành niên [tức là nằm giữa nòng nọc và kỳ nhông], bởi trong môi trường nước thì có quá nhiều thức ăn [như charales, một loài cá nước ngọt nhỏ] mà lại có ít loài kẻ thù săn đuổi chúng. Cho nên không có mấy lý do để chúng phải chuyển lên cạn."

Do xu hướng biến đổi hình dạng này, axolotl hiện diện đậm nét trong vũ trụ quan của nền văn minh Aztec.

Chúng thường được coi là hiện thân của Xolotl, vị thuỷ thần và là anh em song sinh xấu xa của thần rắn lông Quetzacoatl, thường được miêu tả trong hình ảnh mặt trời.

Khi các vị thần được yêu cầu làm vật hiến sinh để tạo thành thế giới, Xolotl đã trốn xuống nước. Sự hèn nhát và không chịu giúp kẻ khác khiến vị thần này bị lời nguyền phải vĩnh viễn sống dưới nước và phải gánh chịu tuổi trẻ vĩnh hằng.

Đối với người Aztec, cái chết là siêu việt, và kẻ nào không hoàn thành vòng đời sinh tử sẽ không thể với tới cõi cảnh cao hơn.

Hấp dẫn du khách

Bất chấp tình trạng khẩn nguy của axolotl, các hình ảnh về Frankie và loài lưỡng cư này được dán khắp Mexico City.

Chúng được vẽ thành tranh tường như một hình thức nghệ thuật đường phố, và được bán dưới dạng đồ chơi trong các cửa hàng lưu niệm.

Hình ảnh loài lưỡng cư axolotl sẽ được in trên đồng 50 peso phát hành vào năm 2022.

Và những chiếc xe buýt du lịch ở Mexico City mới đây nhất được trang trí hình ảnh của một chú axolotl bạch tạng ở hai bên thân xe.

Megan Frye
Chụp lại hình ảnh,

Xe buýt du lịch Mexico City mới nhất trang trí hình ảnh của một chú axolotl bạch tạng

Những năm trước, nếu bạn muốn xem một chú axolotl, bạn chỉ cần đến một nơi có kênh rạch.

Mexico City được xây dựng trên nền đất nơi từng là hồ nước khổng lồ mà người Aztec dùng để tạo ra các kênh đào - và các chinampas, tức là những hòn đảo nổi làm từ cây và bùn được sử dụng để nuôi trồng thực phẩm - để đi lại và vận tải.

Mặc dù hồ và phần lớn hệ thống kênh đã bị rút cạn trong những năm qua để nhường chỗ sinh sống cho dân số ngày càng tăng, nhưng quận Xochimilco còn hơn 183 km kênh đào và 165 hécta đất, nước trong khu vực bảo tồn thuộc Công viên Sinh thái Xochimilco.

Nhưng thay vì thấy axolotl, du khách ngày nay nhiều khả năng sẽ chỉ thấy các loài chim di cư và cảnh mọi người đi thuyền vui chơi trên kênh rạch.

Khu vực này đã trở nên nhộn nhịp với khách du lịch và nổi tiếng là nơi để đi chơi trên những con thuyền gỗ sặc sỡ, được gọi là trajinera, và có những chiếc thuyền con bơi qua bơi lại biểu diễn nhạc truyền thống của Mexico, mariachis, hoặc bán bia và đồ uống các loại.

Những mối đe dọa môi trường

Vì trajinera là loại thuyền không gắn động cơ, chúng không gây tác động tiêu cực cho cá axolotl.

Tuy nhiên, các đảo nổi chinampas lại không được kết nối với hệ thống nước thải thành phố, cho nên chất thải thường chảy luôn ra hệ thống kênh rạch.

Cạnh đó, những mối đe dọa khác đối với loài động vật lưỡng cư này bao gồm sự phát triển nhanh chóng của các loài thủy sinh vật ngoại lai, tình trạng ô nhiễm do phân bón công nghiệp, cũng như các loài xâm lấn như cá chép, cá rô phi, vốn do chính phủ đưa vào hồi thập niên 1970 để cung cấp thực phẩm cho nơi từng là vùng nông thôn này.

Ý tưởng thì tốt, Servín Zamora nói, nhưng lại không được cân nhắc thấu đáo, vì cá chép và cá rô phi lại là bọn ăn thịt hết các con axolotl non.

Megan Frye
Chụp lại hình ảnh,

Trong các kênh đào của Xochimilco, nhiều người đến dạo chơi trên các con thuyền gỗ sặc sỡ, được gọi là trajinera

"Những vấn đề mà Xochimilco phải đối mặt không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn cả về xã hội nữa," Servín Zamora nói.

"Người dân không thu nhập đủ từ đảo nổi chinampas hoặc du lịch sinh thái, vì vậy họ có xu hướng xây nhà ở đó [trên đảo chinampas của họ, qua đó có được nơi ăn chốn ở hợp túi tiền hơn, bởi họ đã có quyền sở hữu với đảo nổi đó rồi], và từ đó đô thị hóa đã phát triển rất nhanh ở những khu vực này."

"Thật không may, tất cả hệ thống thoát nước từ những ngôi nhà nói trên đi thẳng vào kênh rạch, điều đó đã gây ra ô nhiễm rất lớn."

Năm 2017, Đại học Quốc gia Tự trị Mexico (National Autonomous University of Mexico - UNAM) đã tiến hành nghiên cứu theo dõi các kênh đào.

Tuy kết quả vẫn đang được xem xét, nhưng nó cho thấy tình trạng ô nhiễm nước rất nghiêm trọng tại các khu đô thị đang phát triển nhanh chóng của Xochimilco.

Servín Zamora cho biết cũng có hy vọng phục hồi các diện tích đất dành cho nông nghiệp, những nơi ít bị ô nhiễm do tình trạng quá tải về dân số hơn.

"Nếu chúng ta nỗ lực hơn nữa trong công tác giáo dục, nghiên cứu và làm việc trực tiếp ngay tại khu vực này, chúng ta có thể cứu được nó, cho dù nơi đây chỉ là một phần thôi."

Vậy nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có duy nhất một cá thể axolotl còn đang sống trong tự nhiên ở Xochimilco.

Hãy cứu axolotl

Ngày nay, hầu hết các axolotl đều chỉ còn sinh sống trong điều kiện nuôi nhốt.

Yanin Carbajal là đồng sáng lập Casa del Axolotl, một bảo tàng và thủy cung dành riêng cho việc giáo dục cộng đồng về axolotl, nằm ở thị trấn Chignahuapan ở Puebla.

Dự án của bà bắt đầu từ nhiều năm trước với các bể nuôi tại trang trại của gia đình ở chân dãy núi Sierra Madre Oriental.

Bảo tàng nằm trong thị trấn mở cửa năm ngoái, với từ 15 đến 20 cá thể axolotl thuộc bốn giống khác nhau.

Carbajal nói bà muốn quan tâm đến axolotl vì chúng có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử Mexico của người dân bản địa, vì chúng có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người, và vì mục tiêu bảo tồn các giống loài cùng cải thiện môi trường sống của chúng.

Tuy nhiên, bà cảnh báo những người yêu thích thú cưng rằng nuôi axolotl không phải là điều giản đơn.

Mặc dù nuôi chúng như thú cưng trên khắp thế giới là hợp pháp, nhưng ở Mexico, điều này chỉ hợp pháp nếu như con axolotl của bạn có nguồn gốc từ một trại nuôi được Bộ trưởng Môi trường công nhận.

"Sự phớt lờ là một vấn đề lớn, những người bắt chúng từ môi trường tự nhiên và nuôi chúng như thú cưng hoặc có khi còn đem bán," Car Carbajal nói.

"Nếu mọi người có thể nuôi chúng thì đó là điều tích cực. Nhưng nếu không, thì việc dó không hữu ích cho loài vật này. Khi chúng sống trong các hồ ao tù và đầm phá nước đọng, nhiệt độ có xu hướng không dao động nhanh được như trong điều kiện nuôi nhốt [đây chính là mấu chốt khiến việc nuôi nhốt được thực hiện nghiêm túc]."

Ngày nay, tại Mexico City có một vài nơi nuôi nhốt axolotl, bao gồm Sở thú Chapultepec, Sở thú Zoológico Los Coyotes và trụ sở của các công ty lữ hành Axolotitlán và Umbral Axochiatl, cả hai đều ở vùng Xochimilco.

Pamela Valencia là người sáng lập Axolotitlán, một công ty lữ hành có trụ sở tại Mexico City, nhằm mục đích giáo dục người dân địa phương và khách du lịch về hệ sinh thái nhạy cảm của Xochimilco và về nhu cầu cần hỗ trợ axolotls, thông qua các tour du lịch với một hợp tác xã các nông dân làm du lịch đảo nổi tại địa phương (chinamperos) trong khu công viên sinh thái.

"Axolotl là một chủ đề ở Mexico liên quan đến chính trị, xã hội, đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên, giáo dục và hệ thống hóa môi trường," bà Valencia nói trong một buổi chiều ấm áp tại địa điểm chăm sóc axolotl của bà, nơi du khách có thể đến để tìm hiểu về axolotl.

"Đó là chủ đề đụng chạm vào tất cả các mục tiêu xã hội, dưới cách này hay cách khác. Chúng tôi tin rằng axolotl là điều bí mật để cứu thành phố của chúng tôi, đất nước của chúng tôi và có lẽ là cứu cả thế giới. Đó là một loài động vật cực kỳ quan trọng, có thể truyền cảm hứng để mọi người ngừng làm những việc không tốt [ví như gây ô nhiễm] mà xã hội chúng ta đã thản nhiên làm trong một thời gian dài, và để mọi ngươi làm những điều tốt hơn bằng nhiều cách."

Dionisio Eslava, chủ tịch Công ty Umbral Axochiatl, đồng hành với Công ty Axolotitlán tổ chức các tour du lịch tại Xochimilco quê ông để du khách có thể hiểu rõ hơn về khía cạnh tự nhiên của Xochimilco, nói rằng việc thu hẹp khoảng cách về mặt địa lý, văn hóa và xã hội giữa cư dân trung tâm Mexico City và nông dân sống ở phía nam thành phố là một cách để làm sạch môi trường khu vực, và do đó giúp các con axolotl quay trở lại xuất hiện ở vùng này.

"Hệ sinh thái cũng là một loại bảo tồn an toàn, không chỉ đối với thực phẩm mà còn cả nước, oxy và là đồng minh để đương đầu với biến đổi khí hậu," ông nói. "Những thành phố lớn cần hỗ trợ các hệ sinh thái của chúng tôi bằng cách đến tham quan và đồng hành cùng chúng tôi bảo tồn kho báu này, đó là một di sản lớn của toàn nhân loại."

Loài động vật nhỏ bé và thường bị bỏ qua này không chỉ có thể hướng dẫn chúng ta bảo vệ hành tinh mà còn có khả năng nắm giữ chìa khóa để giải mã những bí ẩn khoa học nhất định.

Frankie sống đến tám tuổi - mặc dù axolotl sinh sống trong môi trường nuôi nhốt có thể thọ được 12 năm hoặc thậm chí còn lâu hơn - thì chết vào năm 2010 vì những nguyên nhân tự nhiên tại vườn thú Chapultepec.

Servín Zamora dành một vị trí đặc biệt cho chú cá ấy trong trái tim mình vì Frankie là một trong những con axolotl đầu tiên bà từng đồng hành nghiên cứu cùng, và bà đã học hỏi được khá nhiều từ nó. Hy vọng là phần còn lại của thế giới cũng sẽ học được như bà.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-50480544