Đại chiến thế giới lần 3 sẽ khởi động giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông ?
Đăng ngày:
L’Express tuần này giới thiệu cuốn sách của hai cựu sĩ quan Mỹ, phác họa kịch bản một sự leo thang chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington, dẫn đến thảm họa nguyên tử. Một kịch bản đen tối, nhưng không kém phần hiện thực.
Biển Đông 2034 : Chiến tranh có thể bùng nổ ra sao?
Tháng Ba, năm 2034. Trên Biển Đông, một khu trục hạm Mỹ nhận được lời cầu cứu của một chiếc tàu nhỏ vô danh đang bị bốc cháy, nên đến cứu. Đó là chiếc bẫy do Bắc Kinh giương ra. Bị một tàu sân bay Trung Quốc truy đuổi, hệ thống báo động bị vô hiệu hóa từ xa, chiến hạm của Hải quân Mỹ bị một loạt ngư lôi và hỏa tiễn đánh chìm. Cùng lúc đó, một phi công Mỹ không còn kiểm soát được chiếc tiêm kích F-35 đang trên không phận eo biển Ormuz, buộc phải hạ cánh xuống Iran. Trên biển Baltic, các tàu phá băng Nga cắt cáp internet của bờ Đông nước Mỹ, tách rời Washington và New York khỏi phần còn lại của thế giới.
Đại chiến thế giới lần thứ ba vừa khởi đầu. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Hoa Kỳ gánh chịu thiệt hại quân sự to lớn, bị bất ngờ vì cuộc tấn công mạng do các kẻ thù Trung Quốc, Nga và Iran phối hợp, trong khuôn khổ « Con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh. Cuộc chiến dẫn đến một loạt đầu đạn nguyên tử bắn vào Hàng Châu và San Diego, khiến các thành phố cảng này bị xóa sổ. Hậu quả là hàng triệu người chết, không có ai chiến thắng.
Khung cảnh tận thế này được hình dung trong tác phẩm « 2034 : A Novel of the Next World War » (Câu chuyện về cuộc thế chiến lần tới), của hai cựu sĩ quan tên tuổi, đô đốc James Stavridis 66 tuổi, cựu tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu, và Elliot Ackerman 40 tuổi, cựu chiến binh lực lượng đặc biệt ở Irak và Afghanistan. Cuốn sách của họ, hiện thực một cách đáng sợ, không làm Washington thích thú vì đang căng thẳng với Bắc Kinh, nguy cơ xảy ra sự cố tại Trường Sa và eo biển Đài Loan gia tăng.
Điều trần trước Thượng Viện ngày 09/03, đô đốc Philip S.Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, bày tỏ quan ngại trước tham vọng Bắc Kinh muốn vượt qua Mỹ từ nay đến 2050, và trong sáu năm tới có thể xâm lược Đài Loan. Trước đó một hôm, tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), nhân vật số 2 trong quân đội Trung Quốc, kêu gọi tăng cường năng lực để chuẩn bị chiến tranh với Hoa Kỳ. Ông ta nêu ra « chiếc bẫy Thucydide », lý thuyết cho rằng chiến tranh không thể tránh khỏi giữa một cường quốc đang lên và cường quốc đang lãnh đạo thế giới.
Đệ tam Thế chiến và nguy cơ vũ khí nguyên tử
Trên thực tế, Bắc Kinh nay có số chiến hạm đông đảo hơn Hoa Kỳ, và ngang sức trong một số lãnh vực quân sự, tung ra số tiền khổng lồ để hiện đại hóa quân đội. Ngân sách quốc phòng 2021 được tăng 6,8% (208 tỉ đô la, so với Mỹ là 740 tỉ đô la).
Đô đốc Stavridis lo lắng, nếu đại chiến thế giới thứ ba nổ ra, « không nên nghĩ rằng nó sẽ giống như các cuộc chiến trước. Lầu Năm Góc ý thức được sẽ bị thiệt hại rất nhiều, nhưng dường như không ai hình dung một trong hai phe sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử ». Ông sợ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chiến, như các cường quốc châu Âu năm 1914.
Giáo sư Hal Brands, đại học Johns Hopkins (Maryland), trấn an: « Khi một nước thực sự muốn tránh leo thang, thì sẽ tìm được cách lùi lại ». Đối với hai tác giả cuốn sách, không thể đánh giá thấp mối nguy hạt nhân. Elliot Ackerman nói : « Chúng ta đã tránh được nguy cơ tệ hại nhất này trong chiến tranh lạnh, vì kịch bản đã được nêu ra trong nhiều tác phẩm, như phim ‘Bác sĩ Strangelove’ của Stanley Kubrick, cuốn sách ‘Đệ tam Thế chiến : Chuyện chưa kể’ của Sir John Hackett. Các nhà lãnh đạo rốt cuộc tự hỏi không phải làm cách nào để thắng được cuộc chiến, mà làm sao để tránh khỏi bằng mọi giá ».
Liệu logic trong thời đại chúng ta cũng tương tự ? Một số chuyên gia lo rằng Trung Quốc lấy cớ một vụ va chạm ở eo biển Đài Loan để tấn công hòn đảo. « Trong chiến tranh, cơ hội không chờ đợi », một nhà sử học Hy Lạp cổ đại đã viết như thế, người đó tên là…Thucydide !
Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Point phỏng vấn nhà tư tưởng Singapore, Kishore Mahbubani, tác giả cuốn « Ngày mà Trung Quốc sẽ thắng ». Theo phân tích của ông, Bắc Kinh sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Mỹ. Ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, giờ đây siêu cường Hoa Kỳ đối mặt với Trung Quốc đầy tham vọng và toàn trị.
Ông Mahbubani cho rằng Liên Xô chỉ tồn tại chưa đầy một thế kỷ, còn Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời ; dân số Liên Xô ít hơn, và kinh tế không thể sánh được với Mỹ, còn Trung Quốc bây giờ có nền kinh tế hùng mạnh. Vấn đề lão hóa dân số không ảnh hưởng nhiều, nếu Hoa Kỳ không tiếp nhận thêm di dân và nếu ông Donald Trump quay lại, thì dân số Mỹ không tăng nhanh và dù sao đi nữa, dân Trung Quốc cũng đông hơn Mỹ. Theo ông Mahbubani, chủ nghĩa cộng sản chỉ là công cụ của giới chóp bu Bắc Kinh để lãnh đạo, thực ra xã hội Trung Quốc bây giờ là tư bản, số tỉ phú đô la ở Hoa lục đông đảo nhất kể từ 10 năm qua.
Tỏ ra bênh vực Bắc Kinh, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc nói rằng không phải tất cả các nhà ngoại giao Trung Quốc đều là « chiến lang », Trung Quốc không bành trướng, vì là cường quốc duy nhất không tiến hành một cuộc chiến tranh nào từ sau chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979. Về Đài Loan, hòn đảo này cần tránh mọi ý định độc lập, vì như vậy buộc lòng quân đội Trung Quốc phải can thiệp.
Bắc Kinh lợi dụng các bộ óc xuất sắc phương Tây
Ngược lại, trong bài điều tra công phu « Bắc Kinh đã lợi dụng các nhà nghiên cứu của chúng ta như thế nào », Le Point tiết lộ những chuyện hậu trường cho thấy tâm địa thực sự của Bắc Kinh: phía sau việc hợp tác khoa học là khai thác các bộ óc lỗi lạc của phương Tây để phục vụ cho việc nâng tầm quân đội Trung Quốc lên đứng đầu thế giới.
Hồi tháng Giêng 2020, giáo sư Gérard Mourou của trường đại học Bách khoa, giải Nobel vật lý 2018 nhờ các nghiên cứu về tia laser, một trong những học giả Pháp lừng lẫy nhất, được tiếp đón trọng thể tại Bắc Kinh. Ông là khách mời ngôi sao trong một hội nghị chuyên đề với các chuyên gia quốc tế tên tuổi làm việc tại Trung Quốc, có sự hiện diện của thủ tướng Lý Khắc Cường, tại Đại sảnh đường Nhân Dân. Ngay trong lúc ấy, đại dịch Covid đang âm thầm lan tràn tại Vũ Hán, nhưng Bắc Kinh vẫn chứng tỏ tham vọng trở thành « siêu cường khoa học tương lai ».
Trước đó hai tháng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký với Tập Cận Bình một thỏa thuận hợp tác chiến lược về vật lý giữa Bắc Đại (Beida, tên tắt của trường đại học Bắc Kinh) với tập đoàn Thales và đại học Bách khoa Pháp. Dự án đầu tiên là trang bị cho Bắc Đại môt hệ thống laser siêu mạnh để nghiên cứu, vì khai rằng với mục đích dân sự nên Pháp đã cho xuất khẩu. Tuy nhiên, công nghệ này có thể dùng cho quốc phòng, và các chuyên gia lo ngại quân đội Trung Quốc lợi dụng : Tập Cận Bình từng nhấn mạnh đến việc thu thập các công nghệ lưỡng dụng.
Tháng 6/2020, đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc đã cảnh báo, các định chế Pháp ký hợp tác với khoảng 15 trường đại học Trung Quốc liên quan đến kỹ nghệ quốc phòng, và các đại học quân đội này chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.
Thâu tóm, đánh cắp công nghệ để nâng tầm quân đội Trung Quốc
Viện Chiến lược Chính trị Úc báo động vấn đề này từ 2018 : Trung Quốc lợi dụng sự cởi mở của các trường đại học phương Tây để chuyển giao công nghệ một cách chính thức. Đôi khi Bắc Kinh dùng đến gián điệp, như Úc đã phát hiện khoảng 20 vụ. Chính quyền Donald Trump năm 2020 đã cấm cửa các sinh viên và nghiên cứu sinh Hoa lục liên quan đến quân đội Trung Quốc, nhưng bị la ó là « phân biệt chủng tộc », « bài Hoa » …
Nhà kinh tế Bernard Belloc mỉa mai : « Chúng ta giúp Trung Quốc tập bay và nay phải đứng nhìn hỏa tiễn phóng vọt lên trời. Pháp giúp đỡ như thể Trung Quốc là một nước đang phát triển », nhưng sau hai thập niên tương quan lực lượng đã thay đổi hẳn. Vì sao ? « Hiệu trưởng đại học Trung Quốc đều là nhân vật có vai vế rất cao trong đảng Cộng Sản », với bàn tay sắt đầy quyền lực, khác hẳn với hiệu trưởng Pháp.
Toulouse, mũi nhọn về hàng không, không gian của Pháp, tiếp nhận hàng trăm nghiên cứu sinh từ Trung Quốc. Một nữ tiến sĩ trong lý lịch ghi rõ là từ một đại học thuộc quân đội, muốn làm việc trong phòng thí nghiệm robot, đã bị từ chối. Nhưng với việc kiểm tra đơn thuần trên lý lịch được khai, có bao nhiêu trường hợp quân đội Trung Quốc đã len lỏi vào được ?
Bên cạnh đó là chương trình « 1.000 nhân tài » nhằm thu hút các tài năng trong các « công nghệ lưỡng dụng » - vừa dân sự vừa quân sự - về cho Trung Quốc. Bắc Kinh rất khéo chiêu dụ. Nhận được vé máy bay hạng business, ở khách sạn hạng sang, đưa đón bằng Mercedes…khiến nhà khoa học Pháp có cảm giác như một bộ trưởng.
Trung Quốc, đối tác thô bạo đã vùi dập Hồng Kông
The Economist đặt vấn đề, có thể làm ăn với Trung Quốc như thế nào sau khi Bắc Kinh đặt dấu chấm hết cho nền dân chủ của Hồng Kông. Tuần rồi Trung Quốc đã giảm tỉ lệ số dân biểu được bầu trực tiếp một cách dân chủ từ 50% xuống còn 22%, và những người này phải được kiểm tra về « lòng yêu nước », tức là trung thành với đảng Cộng Sản.
Đây là hồi kết của chiến dịch đè bẹp tự do tại Hồng Kông. Các lãnh đạo phong trào phản kháng đã phải lưu vong hoặc vào tù. Trung Quốc còn đàn áp Tân Cương, tấn công tin học, đe dọa các láng giềng, gia tăng việc tôn sùng lãnh tụ Tập Cận Bình. Thế nhưng các tập đoàn đa quốc gia vẫn đầu tư vào Trung Quốc, tránh né nói đến nhân quyền.
Phương Tây không thể tách rời khỏi Trung Quốc, vì trọng lượng nước này trong thương mại quốc tế cao gấp ba so với Liên Xô năm 1959. Bắc Kinh là đối tác hàng đầu của 64 nước trong khi Hoa Kỳ chỉ có 38. Về lâu về dài, nếu Liên Xô chỉ có tài nguyên dầu khí phong phú, thì Trung Quốc đủ lớn, đa dạng và sáng tạo để thích ứng với áp lực bên ngoài, và đang thử nghiệm đồng tiền ảo để tìm cách đua tranh với đồng đô la.
Theo The Economist, nên bắt đầu bằng việc củng cố các định chế và chuỗi cung ứng, chống sự xâm nhập của nhà nước Trung Quốc. Để duy trì hòa bình, cần tăng cường các liên minh như Bộ Tứ (Quad) và quân đội Đài Loan, để nếu Bắc Kinh gây chiến sẽ phải trả một cái giá thật đắt.
Kế hoạch Biden, liều thuốc tai hại cho bệnh nhân Covid đang hồi phục
Nhìn sang Hoa Kỳ, xã luận của Le Point đặt câu hỏi « Joe Biden, người cứu rỗi kinh tế thế giới ? ». Tuần báo Pháp nhận định kế hoạch tái thúc đẩy của tân tổng thống Mỹ vừa trễ tràng lại vừa quá lố, có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.
Có những tiếng vỗ tay ở Pháp hoan nghênh kế hoạch vĩ đại 1.900 tỉ đô la của siêu anh hùng Biden, được cho là quý nhân cứu độ nền kinh tế thế giới, đồng thời chỉ trích sự chậm chạp và dè dặt của Liên Hiệp Châu Âu. Các nhà kinh tế OCDE cũng cho rằng nhờ đó tỉ lệ tăng trưởng của Hoa Kỳ từ 3,2% sẽ tăng lên 6,5%. Sự phấn khởi đối với kế hoạch Biden, theo Le Point là đáng ngạc nhiên, trước những rủi ro và đe dọa mà nó mang lại.
Trước hết, không phải ngẫu nhiên khi chỉ vài giờ sau khi Hạ Viện thông qua, chỉ số Dow Jones đã đạt một kỷ lục mới. Tấm séc 1.400 đô la mà Nhà Trắng tặng cho mỗi người Mỹ có thu nhập dưới 80.000 đô la/năm là nguồn sữa cho nhiều loại cổ phiếu : 37% được đổ vào chứng khoán. Hệ quả là giúp các nhà giàu càng giàu to, làm tăng tình trạng bất bình đẳng mà ông Biden đã hứa sẽ giảm thiểu.
Số tiền không dùng để mua cổ phiếu, đa số chi cho tiêu dùng, làm tăng mạnh nhập khẩu đóng góp vào sự tăng trưởng của…Trung Quốc, gây thiệt hại cho phương Tây. Bên cạnh đó là nguy cơ lạm phát, và đặc biệt càng làm nền kinh tế mất thăng bằng : người Mỹ chi tiêu quá khả năng, hầu hết nhờ tín dụng. Biden dùng đòn bẩy kích thích một cách quá đáng, mà quên rằng kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ Donald Trump rất khỏe mạnh trước khi đại dịch ập đến. Như vậy kế hoạch này vừa muộn màng vừa quá khổ.
Tờ báo so sánh một cách thời sự : cũng giống như chích một liều thật mạnh corticoide (thuốc kháng viêm) vào một bệnh nhân Covid đang hồi phục, với tất cả những phản ứng phụ tai hại là tạo bong bóng đầu cơ, đào sâu bất bình đẳng, quay lại với lạm phát, tăng lãi suất…Kế hoạch Biden mang động cơ chính trị nhiều hơn là kinh tế, đáng lo ngại hơn là làm an tâm.
Trung Quốc, Hồng Kông, Covid : Hồ sơ báo Pháp tuần này
Chuyên đề của L’Obs tuần này là địa ốc : xu hướng chọn nhà của người Pháp đã thay đổi sau đại dịch. L’Express chạy tựa « Xét nghiệm, khẩu trang, vac-xin : Tai họa của sự quan liêu », chỉ trích chính quyền không có những biện pháp nhanh chóng để đối phó với Covid.
Trang nhất của Le Point đưa ảnh Tập Cận Bình với dòng tít lớn « Ngày mà Trung Quốc sẽ lãnh đạo » (thế giới). The Economist chọn hình vẽ trang bìa là một bàn tay khổng lồ đang đè bẹp nhiều con người nhỏ bé đang cầm những chiếc dù phía dưới, còn phía trên là bóng một doanh nhân cũng nhỏ bé đang xách cặp cúi chào, chạy tựa « Thực tế thô bạo của việc làm ăn với Trung Quốc ».
Courrier International đăng ảnh một chú chó được quấn trong chiếc khăn choàng ấm áp, với dòng tựa « Vì sao thú cưng khiến chúng ta hạnh phúc ». Từ khi đại dịch bắt đầu, số lượng chó mèo được nuôi bùng nổ, vì chúng giúp chịu đựng tình trạng phong tỏa và khiến người chủ được an ủi. Hồ sơ của Courrier International được dành cho « Hồng Kông, những người ra đi ». Sẽ có khoảng mấy chục ngàn người rời khỏi đặc khu, do Bắc Kinh đàn áp nặng nề và giấc mơ dân chủ tàn úa.
Đại chiến thế giới lần 3 sẽ khởi động giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông ? (rfi.fr)
Mỹ xúc tiến liên minh chống Trung Quốc ở châu Á, Bắc Kinh tan ảo tưởng
Đăng ngày:
Nguy cơ tái phong tỏa trước số ca nhiễm virus corona tăng cao, chiến lược toàn cầu của Anh, mối đe dọa từ Trung Quốc là các chủ đề chính được các báo Pháp đề cập nhiều hôm nay 18/03/2021.
Hàn Quốc tăng chi phí duy trì lực lượng Mỹ
Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Monde nhận định « Hoa Kỳ dựa vào các đồng minh châu Á để chống lại Trung Quốc ». Trong khi Nhật Bản hoan nghênh thái độ cứng rắn của Washington, thì Hàn Quốc có phần dè dặt.
Trong cuộc gặp « 2+2 » giữa ngoại trưởng Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin với các đồng nhiệm Hàn Quốc Chung Eui Yong, Suh Wook, phía Mỹ muốn đồng minh cũng có quan điểm cứng rắn hơn, thậm chí muốn thuyết phục Seoul tham gia Bộ Tứ (Quad) đối phó với Bắc Kinh, bên cạnh đó là giảng hòa với láng giềng Nhật Bản.
Nhân dịp này, đôi bên ký thỏa thuận về sự hiện diện của quân Mỹ : Seoul sẽ tăng 13,9% đóng góp để duy trì 28.500 quân nhân Mỹ trú đóng, giải quyết vấn đề tồn tại từ thời tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên Hàn Quốc không muốn làm mất lòng Trung Quốc, láng giềng hùng mạnh, đối tác kinh tế và là nhân tố quan trọng để tái lập đối thoại liên Triều mà tổng thống Moon Jae In hằng mong muốn.
Nhật-Mỹ đồng lòng về quan điểm Ấn Độ-Thái Bình Dương
Ngược với thái độ chừng mực của Seoul, các đồng nhiệm Toshimitsu Motegi và Nobuo Kishi ở Tokyo nồng nhiệt ủng hộ lập trường kiên quyết của Mỹ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Hai bên đã cảnh cáo Bắc Kinh hôm 16/03 về « thói cưỡng bức và thái độ gây bất ổn » đối với Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương.
Ngoại trưởng Blinken tuyên bố : « Chúng tôi đoàn kết trong tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (…). Khi cần thiết, chúng tôi sẽ đẩy lùi Trung Quốc nếu nước này dùng cách cưỡng ép và tấn công để đạt mục đích ». Washington tái khẳng định « quyết tâm không gì lay chuyển được » trong việc tôn trọng điều 5 của hiệp ước an ninh song phương, quy định Mỹ sẽ bảo vệ nếu Nhật bị tấn công.
Chỉ trong năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển Senkaku do Nhật Bản quản lý đến 333 lần – một kỷ lục. Căng thẳng càng tăng lên khi từ ngày 01/02 Trung Quốc ra luật mới cho phép hải cảnh bắn vào tàu nước ngoài.
Về Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ cũng khiến Nhật Bản hài lòng khi kêu gọi « phi hạt nhân hóa toàn bộ ». Thêm vào đó là gia hạn một năm thỏa thuận về lực lượng Mỹ nhưng không đòi Nhật đóng góp thêm chi phí. Ưu tiên dành cho Nhật Bản không phải là điều gì mới, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và Bắc Triều Tiên khiêu khích, Tokyo không chỉ là đối tác tin cậy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà còn là kiến trúc sư cho trật tự trong khu vực.
Hoa Kỳ muốn lập liên minh chống Trung Quốc
Les Echos cũng cho rằng « Washington tỏ rõ ý định lập một mặt trận thống nhất đối mặt với Bắc Kinh », và Trung Quốc không ảo tưởng về cuộc gặp tại Alaska giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Dương Khiết Trì. China Daily viết « Dù thiện chí đến đâu đi nữa, một ngày đối thoại không thể giải quyết được bất đồng giữa hai nước ». Từng hy vọng sau nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, chính quyền mới của Mỹ sẽ hòa hoãn hơn, nhưng « hy vọng này ngày càng phai nhạt », theo tờ báo của đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre thuộc Havard Kennedy School nhận định : « Mọi sự nới lỏng trước Trung Quốc đều khiến cử tri Mỹ bất bình, dư luận chưa bao giờ tiêu cực như vậy với Bắc Kinh. Có rất nhiều vấn đề bất đồng, và tất cả đều được chính quyền Biden nêu rõ : người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, thương mại, an ninh mạng…Về phía Trung Quốc, các nhà ngoại giao được lệnh không có nhượng bộ nào về những vấn đề chủ chốt. Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ có thể tìm được vài điểm chung như khí hậu, thương mại quốc tế, chống vũ khí nguyên tử và đại dịch ».
Trừng phạt của Mỹ đã chận bước Trung Quốc về kinh tế và quân sự, nên kế hoạch 5 năm vừa công bố của Trung Quốc nhắm vào nỗ lực giảm lệ thuộc công nghệ. Song song đó, hôm 25/02 ông Joe Biden ra lệnh xem xét lại chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc đối với những mặt hàng thiết yếu. Cuộc song đấu giữa hai đại cường chỉ mới bắt đầu.
Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ tại eo biển Đài Loan
Về hồ sơ căng thẳng nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc, Les Echos nhận thấy « Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ tại eo biển Đài Loan ».
Liệu quân đội Trung Quốc có nhân cơ hội cuộc gặp Mỹ-Trung đầu tiên trong nhiệm kỳ Biden để giương oai diễu võ tại eo biển Đài Loan ? Khu vực này tương đối yên tĩnh trong những ngày gần đây, ngược với vô số hành động khiêu khích khi Joe Biden vừa bước vào Nhà Trắng. Bắc Kinh đã cho hàng mấy chục phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan để trắc nghiệm ý chí của tân chính quyền Mỹ, đồng thời « nghiêm túc cảnh cáo phe ly khai Đài Loan ». Vương Nghị trong kỳ họp Quốc Hội cảnh báo nguyên tắc một nước Trung Hoa là « lằn ranh đỏ không thể vượt qua », còn Tập Cận Bình đe dọa sự khác biệt chính trị giữa hai bờ eo biển « không thể chuyến giao từ thế hệ này sang thế hệ khác ».
Năm ngoái, eo biển Đài Loan căng thẳng tột độ : tập trận hải quân chống Trung Quốc đổ bộ, tiêm kích vượt qua đường trung tuyến…Chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không đến 380 lần trong năm 2020, cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn năm 1995. Chuyên gia Antoine Bondaz nhận định : « Mục đích của Bắc Kinh là bình thường hóa các vụ xâm nhập qua việc ‘quốc tế hóa’ eo biển Đài Loan, trắc nghiệm năng lực phòng không, làm Không quân Đài Loan nhanh chóng bị già cỗi, khiến cho người dân mất tinh thần qua việc gây áp lực tâm lý chưa từng thấy và đo lường phản ứng của cộng đồng quốc tế ».
Tuy Vương Nghị kêu gọi Biden « rời xa cung cách nguy hiểm » của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng tại Washington hiện nay lưỡng đảng đều thống nhất chủ trương. Chính quyền Biden theo đúng những bước đi của Trump trước đây, và Washington hồi cuối tháng Giêng khẳng định sự ủng hộ Đài Loan là « vững như bàn thạch », đòi hỏi Bắc Kinh chấm dứt các « mưu toan đe dọa ». Hoa Kỳ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ, trong bối cảnh tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương tuần trước đã cảnh báo Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan « trong vòng sáu năm tới ».
Anh xoay trục sang Ấn Độ-Thái Bình Dương
Cũng về địa chính trị, Le Monde và La Croix đều tỏ ra lo lắng trước kế hoạch « Global Britain » mà Anh quốc vừa công bố. Sau hơn 50 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn hậu « Brexit » muốn khẳng định vị trí quan trọng của mình trên thế giới. Hầu như không nói gì đến quan hệ với các láng giềng châu Âu, tài liệu này cho biết Anh sẽ xoay trục về ngoại giao và quân sự sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Coi Trung Quốc là mối đe dọa, nhưng Luân Đôn cũng muốn tăng cường giao dịch thương mại với Bắc Kinh. Đồng thời cho biết sẽ tăng thêm 80 đầu đạn hạt nhân, nâng tổng số lên 260, để xứng danh cường quốc nguyên tử đồng minh của Mỹ. Le Monde cho rằng Anh có tính chính danh khi tự chọn chính sách đối ngoại của riêng mình, vì là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và đồng minh quan trọng trong NATO. Tuy nhiên không khỏi chạnh lòng khi Luân Đôn tích cực tìm kiếm các đồng minh mới ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lại xa lánh những nước vẫn được gọi là « bạn bè châu Âu » của mình.
Phục hồi sớm sau đại dịch, sản xuất của Trung Quốc lấn lướt phương Tây
Nhìn từ nước Pháp trên lãnh vực kinh tế, Les Echos phân tích « Cái bóng của Trung Quốc bao trùm lên kinh tế thế giới ». Trước đại dịch, giới chủ Pháp đã phải dè chừng, và một năm sau Bắc Kinh gây sợ hãi cho tất cả ngành kỹ nghệ Pháp.
Đó là do các nhà sản xuất Trung Quốc đã ra khỏi khủng hoảng dịch tễ, trong khi cả thế giới vẫn còn lao đao trước con virus xuất phát từ Vũ Hán. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trên 60% từ tháng Giêng đến tháng Hai 2021, thặng dư thương mại đã vượt quá 100 tỉ đô la, riêng đối với Mỹ đã tăng gấp đôi. Nghịch lý là kế hoạch tái thúc đẩy của các nước đã trở thành cơ hội bán hàng của « công xưởng thế giới ».
Lý do thứ hai là cuộc khủng hoảng cho thấy kỹ nghệ thế giới trở nên càng lệ thuộc Trung Quốc. Cách đây một năm Pháp bàng hoàng phát hiện thiếu khẩu trang, còn giờ đây là các thiết bị, phụ tùng như cáp nhựa, mút xốp…Một số người nghi ngờ phía sau có bàn tay của Bắc Kinh, nhưng theo nhật báo kinh tế, đó là vì được phục hồi trước phương Tây, các công ty Trung Quốc đã bóp nghẹt những nhà cạnh tranh Âu Mỹ vốn đang thiếu thốn nhiều nguyên vật liệu.
Riêng về công nghệ, Le Monde chú ý đến việc « Hoa Vi tung ra cuộc chiến bằng sáng chế ». Bị Donald Trump tống cổ ra bằng cửa trước, Hoa Vi (Huawei) lại trèo vào bằng cửa sổ ! Tập đoàn Trung Quốc đang sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, đặc biệt về 5G – một thị trường từ 55 tỉ đô la năm 2020 có thể vọt lên đến 668 tỉ năm 2026. Trắng tay trên lãnh vực điện thoại di động vì ông Trump, nhưng làm « vua » 5G, Hoa Vi đang chuyển sang cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng kết nối.
Cuộc trường chinh của hộ chiếu vac-xin Trung Quốc
Về y tế, tuy Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên có hộ chiếu vac-xin, nhưng khó thể hữu dụng vì thiếu vắng các thỏa thuận công nhận với các nước, trong khi ngay tại Hoa lục tiến độ tiêm chủng rất chậm chạp. Trong bài « Cuộc trường chinh của hộ chiếu vac-xin Trung Quốc », Les Echos cho rằng lợi ích của loại giấy chứng nhận này vẫn còn mơ hồ.
Theo Bắc Kinh thì nhiều nước rất quan tâm, như Israel vốn đã có hộ chiếu y tế riêng, muốn đôi bên cùng công nhận lẫn nhau trong vài tuần nữa. Israel đã ký kết tương tự với Hy Lạp, Chypre và quần đảo Seychelles, nhưng tất cả đều sử dụng cùng một loại vac-xin của Pfizer/BioNTech, còn Trung Quốc chỉ mới công nhận bốn loại vac-xin cây nhà lá vườn của mình. Việc công nhận hộ chiếu vac-xin Trung Quốc tùy thuộc vào sự minh bạch thông tin về các loại vac-xin « made in China », nhưng các dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối lại chưa hề được công bố.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có tỉ lệ tiêm chủng quá thấp, chỉ 4,6 liều/100 người, trong khi Pháp là 10,8 và Mỹ 32,6. Với nhịp độ hiện nay, miễn dịch tập thể không thể đạt được tại Hoa lục trước mùa hè 2022, và từ đây cho đến lúc đó, Trung Quốc rất dễ tổn thương.
Tái phong tỏa : Người dân Pháp phải xem lại bộ phim cũ
Cũng về đại dịch Covid nhưng tại Pháp, Le Figaro ngao ngán chạy tựa « Một năm sau, lại phải vận dụng chiến lược phong tỏa ». « Bức tường phong tỏa » là tựa trang nhất của Libération, Le Monde ghi nhận « Chính phủ buộc phải hành động trước một dạng làn sóng dịch thứ ba », còn Les Echos chú ý đến việc tổng thống « Macron giải quyết (khủng hoảng) bằng một đợt hạn chế mới ». Đối với Les Echos, đúng một năm sau, người Pháp có cảm giác phải xem lại một bộ phim cũ : dịch lây lan nhanh, bệnh viện quá tải, lại bị phong tỏa.
Trong bài xã luận, Le Figaro than thở : Đã qua một năm rồi, thủ tướng đã là người khác, vài con virus biến thể mang thêm chút màu sắc cho cuộc sống bình thường. Còn lại, hết đợt phong tỏa đến lượt phong tỏa khác, toàn bộ hay từng phần, cả nước hay từng địa phương. Nước Pháp luôn kẹt cứng trong quan liêu, sau kinh nghiệm vừa qua lẽ ra chính quyền đã phải có những sáng kiến để đối phó với con quỷ Satan virus này. Nhưng không !
Cũng như người tiền nhiệm, thủ tướng Jean Castex tối nay lên truyền hình để loan báo tin xấu. Lúc trước thiếu khẩu trang và xét nghiệm, còn bây giờ là thiếu vac-xin. Người dân bị buộc ở trong nhà vì thiếu giường bệnh hồi sức, trong khi số giường không hề tăng trong 12 tháng qua, ít khi cầu viện đến các bệnh viện tư, còn bệnh viện dã chiến không thấy nói tới. Việc tập huấn nhanh cho các kỹ thuật viên hồi sức cũng không phải là trở ngại không thể vượt qua.
Mỹ xúc tiến liên minh chống Trung Quốc ở châu Á, Bắc Kinh tan ảo tưởng (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten