maandag 1 februari 2021

Quân đội Miến Điện đảo chính, bắt bà Aung San Suu Kyi + Quốc tế lên án, Hội Đồng Bảo An họp khẩn + Biden đe dọa trừng phạt

 

Quân đội Miến Điện đảo chính, bắt bà Aung San Suu Kyi

Nhà lãnh đạo Miến Điện, Aung San Suu Kyi, cùng tướng Min Aung Hlaing, nhân vật quyền lực nhất quốc gia, tại Naypyidaw, ngày 06/05/2016.
Nhà lãnh đạo Miến Điện, Aung San Suu Kyi, cùng tướng Min Aung Hlaing, nhân vật quyền lực nhất quốc gia, tại Naypyidaw, ngày 06/05/2016. AP - Aung Shine Oo
Thụy My
4 phút

Theo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, rạng sáng hôm nay 01/02/2021 quân đội Miến Điện đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo trên thực tế của chính phủ - và tổng thống Win Myint. Tình trạng khẩn cấp được ban hành trong thời gian một năm, phó tổng thống vốn là cựu tướng lãnh được chỉ định tạm nắm quyền. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt.

Thông tín viên Stéphan Lagarde cho biết thêm chi tiết :

« Vẫn có rất ít hình ảnh về đêm đảo chính ở Miến Điện. Đó là vì từ 3 giờ sáng nay (giờ địa phương), mạng internet đã sụp đổ. Ban đầu mạng chỉ hoạt động khoảng 75% so với tốc độ bình thường, rồi sau đó hoàn toàn bị cắt, nhất là tại thủ đô. Mạng lưới điện thoại di động cũng ngưng hoạt động một phần.

Cuộc đảo chính của quân đội đã bắt đầu. Người ta thấy sự hiện diện của quân nhân trên các đường phố tại Naypyidaw và ở Rangoon. Phát ngôn viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ xác nhận bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Miến Điện đã bị quân đội bắt giữ. Ông nói : « Chúng tôi nghe nói rằng bà Suu Kyi bị giam ở Naypyidaw. Chúng tôi cho rằng quân đội đang tổ chức đảo chính ».

Binh lính cũng vào nhà các lãnh đạo chính trị trong khu vực. Nhiều khuôn mặt xã hội dân sự bị bắt, nhất là nhà điện ảnh Min Htin Ko Ko Gyi, bị bắt tại nhà vào 3 giờ rưỡi sáng nay. Ông Gyi là người thường lên tiếng phản đối quân đội.

Chương trình của đài phát thanh, truyền hình quốc gia cũng bị ngưng, trước khi một thông cáo của quân đội được đọc lên vào lúc 8 giờ sáng địa phương, khẳng định Tatmadaw, tức quân đội Miến Điện, nắm lấy quyền lực. Giới quân nhân cho rằng đây là một cuộc đảo chính hợp hiến. Họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm, và trong thời gian này phó tổng thống U Myint Swe sẽ lãnh đạo Nhà nước ».

Cũng theo thông cáo trên, quyết định này là cần thiết để duy trì « sự ổn định ». Các tướng lãnh lên án Ủy ban bầu cử không giải quyết « các vụ gian lận hàng loạt » trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Vụ bắt bớ này diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Quốc Hội họp phiên đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc kêu gọi quân đội Miến Điện trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo bị bắt giữ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kiên quyết lên án việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi.

Tuần trước phát ngôn viên quân đội tố cáo đã ghi nhận được hàng triệu trường hợp gian lận phiếu, trong đó có hàng ngàn cử tri đã 100 tuổi hoặc vị thành niên. Lo ngại càng tăng khi tướng Min Aung Hlaing, nhân vật quyền lực nhất Miến Điện, tuyên bố có thể « hủy bỏ » Hiến Pháp trong một số tình huống. Mười bảy đại sứ các nước trong đó có Hoa Kỳ, cùng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi quân đội Miến Điện « tôn trọng các nguyên tắc dân chủ ».

Giải Nobel hòa bình 1991 gần đây bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội vì làm ngơ trước tình trạng người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp, nhưng vẫn được cảm tình của đa số dân chúng. Quân đội Miến Điện có quyền hành rất lớn, nắm ba bộ quan trọng là Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới.

Quân đội Miến Điện đảo chính, bắt bà Aung San Suu Kyi (rfi.fr)

Quân đội Myanmar đảo chánh, bắt giữ bà Suu Kyi, người dân biểu tình

Lãnh tụ Myanmar Aung San Suu Kyi và các giới chức cao cấp thuộc đảng cầm quyền bị bắt trong một cuộc đảo chánh do quân đội thực hiện, diễn ra vào lúc sáng sớm ngày Thứ Hai, 1 Tháng Hai, giờ địa phương, theo lời phát ngôn viên đảng Liên Đoàn Quốc Gia Dân Chủ (NLD).

Điều này làm người dân phẫn nộ và xuống đường biểu tình để phản đối. Hai phía biểu tình gồm có những người ủng hộ quân đội và phía chống lại đảo chánh.

Hai bên ủng hộ và chống quân đội Myanmar đụng độ. (Hình: AP Photo/Thein Zaw)
Lãnh tụ Aung San Suu Kyi bị bắt trong cuộc đảo chánh. (Hình: AP Photo/Aung Shine Oo, File)
Các thầy tu biểu tình phản đối phía quân đội. (Hình: AP Photo/Thein Zaw)
Cảnh sát chặn đường vào thủ đô. (Hình: AP Photo/Aung Shine Oo)
Những người ủng hộ quân đội Myanmar cầm cờ. (Hình: Sai Aung Main/AFP via Getty Images)
Phía người dân ủng hộ chính phủ. (Photo by SAI AUNG MAIN/AFP via Getty Images)
Cảnh sát chặn đường. (Hình: Thet Aung/AFP via Getty Images)
Đảo chánh ở Myanmar, người dân xuống đường biểu tình (nguoi-viet.com)

Đảo chính ở Miến Điện : Quốc tế lên án, Hội Đồng Bảo An họp khẩn

Một chốt kiểm soát do quân đội Miến Điện lập ra trên con đường dẫn đến trụ sở Nghị Viện ở Naypyidaw, ngày 01/02/2021.
Một chốt kiểm soát do quân đội Miến Điện lập ra trên con đường dẫn đến trụ sở Nghị Viện ở Naypyidaw, ngày 01/02/2021. REUTERS - STRINGER
Thu Hằng
4 phút

Ngay sau khi quân đội Miến Điện đảo chính, ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm kể từ ngày 01/02/2021, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động vi hiến. Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn ngày 02/02.

Theo AFP, cuộc họp kín do Anh Quốc, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An, triệu tập và sẽ diễn ra thông qua hệ thống viễn thông. Bà Christine Scharaner Burgener, đặc trách hồ sơ Miến Điện, sẽ trình bày những diễn biến mới nhất.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều chính trị gia khác. Trong thông cáo ngày 01/02, ông Guterres cho rằng “tuyên bố chuyển giao mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho quân đội là một đòn giáng nặng nề cho cải cách dân chủ ở Miến Điện”.

Ngân Hàng Thế Giới cũng lo ngại cuộc đảo chính sẽ “gây trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi và phát triển” của Miến Điện, cho sự an toàn của người dân cũng như nhân viên và đối tác của họ.

Các nước phương Tây, Pháp, Anh, Mỹ, cũng như Nhật Bản kêu gọi “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi” và yêu cầu tôn trọng kết quả bầu cử ngày 08/11/2020 thể hiện mong muốn dân chủ và tự do của người dân Miến Điện. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa tái trừng phạt và kêu gọi “cộng đồng quốc tế cần có chung tiếng nói để yêu cầu quân đội Miến Điện trao lại quyền lực ngay lập tức”

Nga tạm thời chưa đưa ra bình luận và tiếp tục theo dõi tình hình, theo phát ngôn viên điện Kremlin.

Các nước ASEAN, trung thành với nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác” vẫn im lặng hoặc như trường hợp Việt Nam, chỉ bày tỏ mong muốn Miến Điện sẽ ổn định trở lại. 

Tương tự, Trung Quốc cũng kêu gọi “ổn định chính trị và xã hội” tại Miến Điện, theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh :

Một kí tự xuất hiện liên tục trong những lời bình luận ở Trung Quốc ngày 01/02 về tình hình Miến Điện : Đó là từ “Lại nữa” trên các mạng xã hội với nhận xét là lịch sử tái diễn ở nước láng giềng Miến Điện.

Rõ ràng là Bắc Kinh có lẽ mong muốn tình hình tiến triển theo kiểu khác. Một người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Trung Quốc phát biểu : “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ giải quyết được bất đồng trong khuôn khổ Hiến Pháp và luật lệ để duy trì ổn định chính trị và xã hội”. Quan chức ngoại giao này cho biết thêm là Trung Quốc vẫn đang theo dõi để “hiểu rõ hơn tình hình hiện nay”.

Chuyện gì đã xảy ra từ khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Miến Điện cách nay ba tuần ? Người ta vẫn nhớ về bức ảnh chụp tại phủ tổng thống ở Naypyidaw: trước sự hiện diện của ngoại trưởng Trung Quốc, bà Aung San Suu Kyi và đại diện các cơ quan Nhà nước đã hoan nghênh Bắc Kinh tặng vac-xin ngừa Covid-19 cho Miến Điện, cũng như tăng cường quan hệ đối tác với Miến Điện, nước đóng vai trò quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Những con đường mà bà Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước Miến Điện, gọi là “con đường hòa bình” nhân chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 01/2020.   

Hàng loạt dự án khí đốt, dầu khí, cảng nước sâu, đường sắt nối Trung Quốc đến vịnh Bengale, vành đai kinh tế Trung Quốc-Miến Điện nằm trong ưu tiên của Bắc Kinh. Trung Quốc công nhận chính phủ của đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ và không hề muốn có bất ổn ở quốc gia có biên giới chung này”.

Đảo chính ở Miến Điện : Quốc tế lên án, Hội Đồng Bảo An họp khẩn (rfi.fr)

Biden đe dọa trừng phạt Miến Điện sau cuộc đảo chánh

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Mỹ Joe Biden hôm Thứ Hai, 1 Tháng Hai, đã có lời đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt Miến Điện nếu quân đội quốc gia này không có hành động tái lập dân chủ sau cuộc đảo chánh trước đó trong ngày, khiến bà Aung San Suu Kyi và các giới chức chính phủ dân sự cùng thành phần lãnh đạo sinh viên tranh đấu đều bị bắt giam.

Theo bản tin của US News and World Report, tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc, bà Jen Psaki, trong bản thông cáo đưa ra hôm Chủ Nhật, ngay sau khi có tin đảo chánh, nói rằng: “Nước Mỹ rất quan tâm về các tin tức nói rằng quân đội Miến Điện đã có hành động cản trở tiến trình dân chủ ở quốc gia này.”

Người dân mang theo hình bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình trước tòa Đại Sứ Miến Điện ở Bangkok, Thái Lan sau tin đảo chánh. (Hình: Lauren DeCicca/Getty Images)

Bà Psaki có ý nói đến cuộc bầu cử Quốc Hội ở Miến Điện hồi Tháng Mười Một năm ngoái, trong đó đảng Liên Đoàn Quốc Gia Dân Chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo đã đè bẹp đảng của quân đội và gia tăng thế đa số.

Bà Psaki kêu gọi thành phần lãnh đạo quân đội chỉ huy cuộc đảo chánh, gồm cả tư lệnh quân đội là Thượng Tướng Min Aung Hlaing, hãy trả tự do cho những người bị bắt và tuân theo các quy luật dân chủ pháp trị.

Bà Psaki khẳng định: “Nước Mỹ chống lại mọi hành động nhằm thay đổi kết quả bầu cử mới đây ở Miến Điện, hay cản trở tiến trình chuyển tiếp dân chủ, và sẽ có biện pháp đối với những người có trách nhiệm nếu không hủy bỏ hành động của họ.”

Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ sự “quan tâm sâu xa” trong bản thông cáo đưa ra vào khuya ngày Chủ Nhật, nói rằng: “Nước Mỹ đứng cùng với dân chúng Miến Điện trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển của họ. Quân đội phải ngay lập tức hủy bỏ các hành động đàn áp này.”

Quân đội chặn đường dẫn vào Quốc Hội Miến Điện ở thủ đô Naypyidaw. (Hình: Stringer/AFP via Getty Images)

Các tin tức có được vào sáng ngày Thứ Hai nói rằng bà Suu Kyi không bị làm hại, nhưng các phương tiện truyền thông và viễn thông trong nước đều bị giới hạn, phi trường chính ở Yangon bị đóng cửa.

Thành phần đảo chánh nói họ ban hành tình trạng khẩn cấp trong thời hạn một năm và quân đội sẽ tổ chức bầu cử sau thời gian đó. (V.Giang)

Biden đe dọa 'trừng phạt Miến Điện' sau cuộc đảo chánh (nguoi-viet.com)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten