donderdag 11 februari 2021

Người dân Việt Nam đón Giao Thừa Tân Sửu ‘khác lạ’

 

Người dân Việt Nam đón Giao Thừa Tân Sửu ‘khác lạ’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm nay nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam không tổ chức bắn pháo hoa, song người dân vẫn đổ về các trung tâm thành phố đón Giao Thừa Tân Sửu với nhiều trạng thái…

Tại Hà Nội, thời tiết đêm Giao Thừa mát mẻ, không mưa. Do vậy, dù phố đi bộ Hồ Gươm không tổ chức bắn pháo hoa nhưng nhiều người dân vẫn đổ về đây đón Giao Thừa.

Người dân Hà Nội tập trung đón Giao Thừa ở nhiều quán cà phê vỉa hè trên phố. (Hình: Mai Thương/Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 9 giờ tối, người dân đã đổ ra phố Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào… du Xuân. Trái ngược với những năm trước, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và công viên tượng đài vua Lý Thái Tổ thưa thớt người tới thắp hương và chụp hình, trong khi đó các quán cà phê có “view” hướng ra bờ hồ, tại các ngã tư, ngã ba hoặc quán cóc vỉa hè tự phát đông nghịt người, giá bán đắt gấp hai, ba lần so với ngày thường, thế nhưng quán vẫn không còn chỗ ngồi.

Nhiều người lần đầu ăn Tết ở Hà Nội do không về quê vì dịch COVID-19, ra phố để trải nghiệm Giao Thừa ở Hà Nội đã… choáng ngợp, bởi vì Hà Nội vẫn đông như ngày thường. Nhiều người chở ba, bốn trên một xe gắn máy để vào phố đi bộ, không tuân thủ Luật Giao Thông và giãn cách xã hội, thậm chí không đội nón bảo hiểm…

“Đây là lần đầu tiên mình đón Tết ở Hà Nội, rất háo hức thế rồi thất thần. Đi lên phố cũng đông, vào quán cà phê cũng đông, dù hôm nay không bắn pháo hoa nhưng ai cũng ra phố để rồi toàn là người nhìn người mà thôi,” chị Mai Phương (27 tuổi) nói.

Anh Nguyễn Đình Tiến (ở phường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa vợ con đi chơi Tết, cho biết: “Năm nào tôi cũng đưa vợ con đi đón Giao Thừa. Năm nay có dịch, tôi tưởng vắng hơn mọi năm nhưng hóa ra lên phố vẫn đông người Tôi phải đưa vợ con ra Nhà Thờ Lớn để chơi vì không muốn đứng ở chỗ đông người, không bảo đảm an toàn.”

Trong khi đó theo báo Zing, đêm Giao Thừa tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi bùng phát ổ dịch COVID-19 từ hôm 27 Tháng Giêng, “khác lạ chưa từng có” so với các năm do bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Đường phố vắng lặng, không có cảnh người dân đổ ra đường như mọi năm.

Đêm Giao Thừa “đặc biệt” vắng lặng ở thành phố Chí Linh, Hải Dương. (Hình: Nguyễn Dương/Zing)

Tại Đà Nẵng, đêm Giao Thừa thời tiết khá đẹp, trời se lạnh và có gió nhẹ. Song, thành phố không rộn rã như các năm trước mà đón một Giao Thừa “lạ kỳ chưa từng có”: không có pháo hoa, người ra đường đều bịt kín khẩu trang.

Do lo sợ dịch bệnh, người dân Đà Nẵng có tâm lý ngại ra đường. Tối 30 Tết, dù Cầu Rồng – điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng – có phun lửa nhưng chỉ ít người đứng xem. Các trục đường chính như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi… không khí khá vắng lặng, người thưa vắng dần.

Tại Sài Gòn, chính quyền cũng quyết định hủy tám địa điểm bắn pháo hoa trong đêm Giao Thừa để chống dịch COVID-19. Các lễ hội cũng dừng tổ chức, đặc biệt là lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây chỉ mở cửa đón khách từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Do vậy, người dân đi chơi đêm Giao Thừa ít hơn mọi năm, tập trung đông đúc tại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, và ai cũng không rời khẩu trang.

Báo VNExpress cho biết tuy thời tiết mát mẻ, nhưng các đường phố khá vắng lặng, thưa người. Ở trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1), lượng người đi chụp hình ít hơn các ngày lễ trong năm.

Anh Trương Đình Bảo (quận 10) đang di dạo, cho biết: “Năm nay thay vì xem pháo hoa thì chở con đi vòng vòng. Khi ra đường cũng hạn chế, thời điểm ‘nhạy cảm,’ bảo vệ mình trước bằng việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người. Tôi mong dịch qua đi để sớm trở về cuộc sống bình thường.”

Khu vực cao ốc Landmark 81 (quận Bình Thạnh), nơi trước đó dự kiến bắn pháo hoa tầm cao đêm Giao Thừa, chỉ nhộn nhịp tại một số điểm mua sắm, vui chơi… Các tuyến đường xung quanh như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn… không có nhiều xe cộ qua lại.

Ngã tư Hàng Xanh, nơi vốn luôn đông đúc người qua lại nhưng tối Giao Thừa dòng xe thưa thớt. Điều này trái ngược hình ảnh chen chúc, nhộn nhịp với đêm 30 Tết Dương Lịch, cách đây hơn một tháng.

Đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1, Sài Gòn, không mở cửa vào buổi tối nên người dân ngắm từ xa. (Hình: Đình Văn/VNExpress)

Tương tự, tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức), các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, công viên nóc hầm vượt sông…, cũng thưa người qua lại so với dịp Tết các năm. Dọc các tuyến đường này, Giao Thừa năm ngoái chật kín người cùng hàng quán nhộn nhịp.

“Ở Sài Gòn 11 năm, lần đầu tôi thấy không khí đón Giao Thừa khác lạ đến vậy. Không pháo hoa, không sự kiện công cộng, không quán nhậu, không ngột ngạt do kẹt xe…” anh Thế Khanh (ở Thủ Đức), chở vợ bằng xe gắn máy đi dạo qua các tuyến phố ở trung tâm Sài Gòn, nói.

Nhiều người làm các bàn nhậu bên vỉa hè, ăn uống chờ đón Tết. Trong khi tại khu vực chùa Ôn Lăng (quận 5), đông người tập trung đi cầu an. “Năm nay dịch bệnh hoành hành, tất cả các ngành nghề đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ mong qua năm mới, mọi thứ tốt hơn,” ông Hữu (ở quận 5) nói.

Ở Cần Thơ, từ chiều 30 Tết, Đường Hoa Nghệ Thuật thành phố tại đường cặp sông Hậu, quận Ninh Kiều, rộng 14 mét, dài 240 mét, gồm 40 mô hình lớn nhỏ, với hơn 50,000 giỏ hoa các loại, thu hút đông đúc người dân đổ về vừa chiêm ngưỡng sắc hoa, vừa đón chờ Giao Thứa “đặc biệt” không có pháo hoa nhưng vẫn ấm cúng.

Chiều 30 Tết, Đường Hoa Nghệ Thuật Cần Thơ đã có nhiều người đến tham quan. (Hình: Chí Công/Tuổi Trẻ)

Ông Lê Triều Dân (72 tuổi ở quận Bình Thủy) cho biết so với năm Canh Tý 2020, thì mùa Xuân Tân Sửu 2021 này rất “đặc biệt” vì thành phố không bắn hoa và đường hoa nghệ thuật cũng bế mạc sớm gần cả tuần.

“Xuân Tân Sửu 2021 năm nay tuy không có pháo hoa nhưng tôi thấy mình còn ăn Tết đoàn viên với gia đình là nhứt rồi. Tôi tin rằng dịch bệnh sẽ qua, người dân Việt Nam sẽ lại bình an trong năm mới,” ông Dân nói với báo Tuổi Trẻ. (Tr.N) [qd]

Người dân Việt Nam đón Giao Thừa Tân Sửu ‘khác lạ’ (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten