Việt Nam lần đầu mua gạo Ấn Độ, đối thủ xuất khẩu cạnh tranh
Đăng ngày:
Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ ba thế giới, lần đầu tiên từ nhiều thập niên phải mua gạo của Ấn Độ - một đối thủ cạnh tranh xuất khẩu nông sản. Nguồn cung hạn chế làm giá gạo nội địa tăng cao là nguyên nhân chính.
Theo thỏa thuận, Ấn Độ sẽ xuất sang Việt Nam 70 ngàn tấn gạo tấm 100% cho các tháng Giêng và Hai năm nay với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng lên tàu (FOB – Free on Board). Ông B.V Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo với Reuters, « đây là lần đầu tiên Ấn Độ xuất khẩu gạo sang Việt Nam » nhờ vào giá gạo của Ấn Độ rẻ hơn nhiều so với các nước xuất khẩu khác.
Reuters ngày 05/01/2021 nhận định, thương vụ này cho thấy rõ là nguồn cung ở châu Á đang bị hạn hẹp, điều này có thể làm tăng giá gạo trong năm 2021. Vẫn theo hãng tin Anh, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên đến mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Gạo tấm 5% của Việt Nam được chào bán với mức giá khoảng 500-505 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với gạo của Ấn Độ là 381-387 USD/tấn.
Nhưng đối với các thương nhân Việt Nam, gạo Ấn Độ được dự trữ trong kho của Nhà nước từ năm 2016-2017, có giá rẻ phản ảnh phần nào chất lượng thấp. Người tiêu dùng Việt Nam « chỉ dùng để sản xuất thức ăn cho chăn nuôi và chế biến bia », theo như một nhà kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các thương nhân cũng cho biết là đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước trong đó có Việt Nam phải tích trữ gạo nhằm bảo đảm nguồn lương thực dự phòng trong bối cảnh chuỗi cung cứng bị gián đoạn vì Covid-19, trong khi mà sản lượng gạo của Việt Năm trong năm 2020 cũng bị sụt giảm mất 1,85% (khoảng 42,69 triệu tấn). Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm qua được dự báo giảm mất 3,5%.
Trong bối cảnh này, ngân hàng Thế giới quan ngại, tình trạng này sẽ gây ra những bất ổn an ninh lương thực cho các nước thuộc vùng châu Phi cận Sahara, khu vực có nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng do dân số tăng nhanh.
Việt Nam lần đầu mua gạo Ấn Độ, đối thủ xuất khẩu cạnh tranh (rfi.fr)
Xuất khẩu gạo: Covid-19 có cản đường Việt Nam qua mặt Thái Lan?
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Sản lượng thóc giảm và giá thành cao, trong năm 2020, Thái Lan có nguy cơ bị Việt Nam soán ngôi quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ hai thế giới.
Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan nhìn nhận : Vương quốc sẽ khó có thể đạt chỉ tiêu 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020. Việt Nam, với hy vọng bán ra 7 triệu tấn, rất có thể soán ngôi nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới từ Thái Lan, hiện đứng sau Ấn Độ.
Việt Nam từng qua mặt Thái Lan một lần vào năm 2012. Vào thời điểm đó, Bangkok đã không thể nào bán số gạo tồn kho mà chính phủ mua với giá cao từ nông dân Thái.
Năm 2020 thì ngược lại, Thái Lan thiếu hụt gạo, thu hoạch mùa phụ chịu hạn hán. Gạo Thái khó khăn cạnh tranh do đồng bath lên giá so với đô la. Một điểm bất lợi khác: Thái Lan không biết đa dạng hóa mặt hàng gạo để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường thế giới, vốn dĩ ngày càng hướng đến các loại gạo thơm hay mềm dẻo.
Covid-19 : Con dao hai lưỡi
Thế nhưng, theo quan điểm của chuyên gia Patricio Mendez del Villar, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nông học vì Phát triển (Cirad), được RFI trích dẫn, kết cục của cuộc đọ sức giữa Thái Lan và Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ vài năm gần đây, Trung Quốc điều chỉnh thị trường bằng cách nhập khẩu gạo. Nhưng với dịch virus corona chủng mới (Covid-19) lan sang nước Việt Nam láng giềng, cùng với việc đóng cửa biên giới giữa hai nước, rất có thể các giao dịch gạo Việt Nam bị xáo trộn.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo (ba triệu tấn vào năm 2019). Nước này đang bán bớt khối lượng gạo dự trữ lớn, chủ yếu sang châu Phi, khu vực mà Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Thái Lan và Ấn Độ trong năm 2019.
Sau một năm, các hoạt động kinh doanh gạo trên thế giới bị thụt lùi do nhu cầu gạo của Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc giảm, thị trường gạo thế giới hy vọng sẽ lại khởi sắc trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra sẽ là con dao hai lưỡi : Hoặc kìm hãm hoạt động kinh doanh gạo, hoặc khuyến khích Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore tích trữ gạo nhiều hơn.
Một điều chắc chắn duy nhất, Ấn Độ vẫn sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và giá gạo vẫn sẽ dao động nhiều hơn so với năm 2019.
Xuất khẩu gạo: Covid-19 có cản đường Việt Nam qua mặt Thái Lan? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten