zaterdag 9 januari 2021

Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu qua đời vì COVID-19 ngày 5-1-2021 tại Pháp, hưởng thọ 89 tuổi. [Vô Cùng Thương Tiếc Cụ ! ]

 

Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu qua đời vì COVID-19

07/01/2021 15:08 GMT+7

TTO - Tin từ gia đình cho biết giáo sư - nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu đã qua đời lúc 23h15 ngày 5-1 theo giờ Pháp, tức rạng sáng 6-1 giờ Việt Nam. Ông mất vì COVID-19 tại Pháp, hưởng thọ 89 tuổi.

Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu qua đời vì COVID-19 - Ảnh 1.

Giáo sư, nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu - Ảnh: vjsonline.org

Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy - một người họ hàng của gia đình nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu - cho biết GS Riệu được phát hiện mắc COVID-19, gia đình đưa vào viện nhưng ông đã mất rất nhanh sau đó.

GS Nguyễn Quang Riệu là một trong số rất ít nhà khoa học ngành thiên văn học gốc Việt được biết tới rộng rãi trên thế giới. Ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn trên các tạp chí nổi tiếng, được trao giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học Pháp năm 1973 sau khi phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3).

Sinh năm 1932 tại Hải Phòng, sinh sống và học tập tại Hà Nội, GS Nguyễn Quang Riệu là một người con của làng nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Cha ông là chủ của hiệu ảnh Phúc Lai, tức Central photo nổi tiếng tại Hà Nội và Hải Phòng những năm 1930.

Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, GS Nguyễn Quang Riệu là người Lai Xá thứ hai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1968 rồi trở thành giáo sư, sau GS Nguyễn Văn Huyên.

Mê thiên văn từ nhỏ, ông luôn ước mơ được khám phá bí ẩn của vũ trụ. Ông rời Hà Nội đi du học ở Đại học Sorbonne, Pháp năm 1950 khi mới 18 tuổi. Với nỗ lực không ngừng, ông trở thành giáo sư, tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris, giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS).

Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến ngành vật lý thiên văn và vật lý môi trường, hai lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở Việt Nam. Khi còn khỏe, hằng năm ông đều dành thời gian về nước tổ chức lớp học về môn vật lý vũ trụ và vật lý môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội, vận động nhiều nhà khoa học nước ngoài cùng về thỉnh giảng.

Với mục tiêu phổ biến khoa học cho người Việt, ông đã viết nhiều cuốn sách về thiên văn học với nội dung dễ hiểu bằng tiếng Việt, như Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, Lang thang trên dải Ngân Hà, Sông Ngân khi tỏ khi mờ, Bầu trời tuổi thơ, Những con đường đến với các vì sao, Vũ trụ huyền diệu... Ngoài ra, ông còn tham gia soạn một cuốn giáo trình chuyên ngành thiên văn vật lý song ngữ Việt - Anh dành cho sinh viên các trường đại học trong nước.

Các cuốn sách cả về chuyên ngành lẫn phổ biến khoa học trong lĩnh vực vật lý thiên văn do ông xuất bản tại Việt Nam nhiều năm qua đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu thiên văn học của thế hệ trẻ người Việt.

Một điều đặc biệt nữa là cả ba anh em ông Nguyễn Quang Riệu đều là những nhà khoa học xuất sắc. Hai em trai ông là giáo sư, nhà giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền và giáo sư, tiến sĩ hóa lý Nguyễn Quý Đạo.

Nhà khoa học phổ biến khái niệm ‘nóng lên toàn cầu’ vừa qua đờiNhà khoa học phổ biến khái niệm ‘nóng lên toàn cầu’ vừa qua đời

TTO - Giáo sư Wallace Smith Broecker, nhà khoa học từng là người đưa ra những cảnh báo sớm nhất về tình trạng biến đổi khí hậu và phổ biến khái niệm 'nóng lên toàn cầu', vừa tạ thế ở tuổi 87.

THIÊN ĐIỂU

Geen opmerkingen:

Een reactie posten