donderdag 7 januari 2021

Covid-19, Mỹ, Trung Quốc, Merkel… những hồ sơ lớn năm 2021

 

Covid-19, Mỹ, Trung Quốc, Merkel… những hồ sơ lớn năm 2021

Phần âm thanh 10:43
Ảnh minh họa: Cuộc đua giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ngự trị chính trường quốc tế năm 2021.
Ảnh minh họa: Cuộc đua giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ngự trị chính trường quốc tế năm 2021. REUTERS/Hyungwon Kang/Files
Minh Anh
22 phút

Thế giới vừa trải qua một năm đại dịch tệ hại nhất trong thời bình kể từ 50 năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và kinh tế toàn cầu. Bất chấp cuộc khủng hoảng dịch tễ, những căng thẳng chính trị, địa chính trị cũng không ngừng gia tăng. Giới chuyên gia dự báo : Covid-19, Hoa Kỳ, Trung Quốc và người thay thế thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là những thách thức chính cho năm 2021 này.


Covid-19 : Yếu tố địa chính trị trọng tâm năm 2021

Nhân loại trong năm 2021 này tiếp tục sống dưới mối đe dọa Covid-19, hiện vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khắp địa cầu, khiến gần hai triệu người chết và hơn 85,7 triệu người nhiễm bệnh trong năm qua. Dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) từ một năm qua đã làm cho nền kinh tế thế giới bị suy thoái nghiêm trọng, tổng sản phẩm nội địa toàn cầu giảm mất 4,3% theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 05/01/2021. Thất nghiệp bùng nổ, khoảng từ 70-100 triệu người rơi vào cảnh bần hàn, gây ra những bất ổn về xã hội và chính trị.

Trong hoàn cảnh này, việc nhiều hãng dược lớn thông báo tìm ra được vac-xin đang mang lại một tia hy vọng cho nhân loại, dù biết rằng công cuộc tiêm chủng đại trà sẽ còn đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện. Làm thế nào để cho tất cả mọi người dân trên thế giới được tiêm ngừa, đây không chỉ là một câu hỏi lớn cho các chính phủ mà còn là những thách thức địa chính trị, cho phép nhiều nước khẳng định thế thống lĩnh các công nghệ cao trong nghiên cứu khoa học.

Chỉ có điều cuộc đua vac-xin này làm lộ rõ sự phân hóa xã hội sâu sắc giầu-nghèo. Nếu như sự hợp tác giữa những công trình nghiên cứu công với các hãng dược lớn cho phép thúc đẩy nhanh quy trình bào chế vac-xin, thì việc chiếm hữu các bằng sáng chế đã gây trở ngại cho việc phổ biến công nghệ. Ông El Mouhoub Mouhoud, giáo sư kinh tế trường đại học Paris Dauphine, trên đài France Culture lấy làm tiếc rằng « việc bảo vệ các bằng sáng chế tạo thuận lợi cho các hãng dược độc quyền ấn định giá cả thị trường để thu lợi, đồng thời gạt một bộ phận người dân trên thế giới tiếp cận nguồn vac-xin ».

Joe Biden có sang được trang Donald Trump ?

Một yếu tố quan trọng khác không thể nào bỏ qua là nước Mỹ có một tổng thống mới. Joe Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2021 và khép lại một giai đoạn Donald Trump nhiều xáo trộn. Một giai đoạn mà nhà nghiên cứu địa chính trị Pascal Boniface, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhận thấy là « chính bản thân Donald Trump cũng khó khép lại ».

Từ đây đến ngày ông Joe Biden chính thức vào Nhà Trắng, người ta không khỏi tự hỏi : « Donald Trump sẽ còn làm gì ? ». Dẫu sao thì đối với các đồng minh châu Âu, việc ông Biden đắc cử xem như được lật sang một trang mới sau bốn năm khổ ải với Donald Trump. Tuy nhiên, chuyên gia Pascal Boniface dự báo, mối quan hệ đôi bờ xuyên Đại Tây Dương trong năm nay khó có thể trở lại như thời vàng son.

« Đương nhiên, việc Joe Biden lên cầm quyền sẽ là hồi kết của những cuộc tấn công nhắm vào các cơ chế đa phương, chấm dứt những căng thẳng gay gắt với các đồng minh. Đó sẽ là một chương mới cho chính sách của Mỹ, một nền ngoại giao mới. Dù vậy, chính sách đối ngoại đó chưa hẳn sẽ hoàn toàn khác biệt, nghĩa là chủ nghĩa đơn phương của Mỹ vẫn sẽ tồn tại. Thật khó mà tin rằng việc áp dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ của tư pháp Mỹ sẽ được ngưng lại. Dẫu sao thì quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ có chút cải thiện, nhưng không hẳn là hoàn toàn lý tưởng, bởi vì Hoa Kỳ vẫn muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình bằng mọi giá, kể cả việc phải chống lại châu Âu ».

2021 : Trung Quốc khẳng định thế siêu cường ?

Năm 2021, châu Á tiếp tục khẳng định sự năng động và sẽ là đầu tầu kinh tế thế giới. Trong khi dịch bệnh Covid-19 lây lan đã đánh quỵ nhiều nền kinh tế lớn, thì nhiều nước châu Á chứng tỏ khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt và là những nước hiếm hoi có tăng trưởng kinh tế, cho dù có thấp hơn so với các năm trước rất nhiều.

Riêng với Trung Quốc, chưa có gì cho thấy là có thể cản được nước này đi lên thành siêu cường. Đại dịch Covid-19 nổ ra dường như còn là dịp để Bắc Kinh chứng tỏ khả năng làm chủ khoa học công nghệ. Theo Hội đồng Cấp cao về thẩm định nghiên cứu và đào tạo sau đại học (Hceres) tại Pháp, Trung Quốc gần như bám gót Hoa Kỳ và khẳng định thế mạnh trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Số bài đăng khoa học của Trung Quốc tăng vọt trong vòng có 35 năm, đẩy nước này lên hàng thứ hai trên thế giới. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học của Trung Quốc cũng gần như ngang ngửa với Hoa Kỳ.

Việc Bắc Kinh ngày 03/01/2019 thông báo gieo được hạt bông (coton) trên Mặt Trăng, hai tuần sau sự kiện đáp xuống được phần khuất của Mặt Trăng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ngành vũ trụ không gian Trung Quốc. Bởi vì, ngoài những thách thức về khoa học, những cuộc chinh phục không gian còn bao hàm nhiều thách thức lớn về kinh tế, địa chính trị, địa chiến lược và mang đậm tính biểu tượng quan trọng. Làm chủ kỹ thuật không gian là một yếu tố cơ bản cho phép khẳng định sức mạnh quân sự của một quốc gia.

Chính trong bối cảnh này mà cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ chiếm lĩnh chính trường quốc tế trong năm 2021 này, theo như nhận định của nhà địa chính trị Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, Pascal Boniface.

« Đây sẽ là yếu tố kiến tạo những vấn đề địa chính trị cho những năm sắp tới. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày mỗi gia tăng bởi vì Trung Quốc vẫn tiếp tục đà đi lên thành cường quốc (…) Nhân quyền, hệ thống chính trị đúng là những vấn đề khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng động cơ thật sự về thái độ thù địch của Washington đối với Bắc Kinh chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ thành siêu cường của Trung Quốc (…) Thế nên, chủ đề về hệ thống chính trị giờ không còn có tầm quan trọng bằng vấn đề thế bá quyền trên thế giới mà hai ông khổng lồ này đang tranh giành với nhau. »

Liên Hiệp Châu Âu : Đầu tầu Đức đổi người cầm lái

Câu hỏi đặt ra : Liên Hiệp Châu Âu phải làm gì ? Phải chăng năm 2021 này cũng là cơ hội cho khối 27 nước khẳng định thế mạnh của mình sau một cuộc chia tay đau đớn với Anh Quốc ? Trong hoàn cảnh này, nước Đức, một trong những đầu tầu kinh tế phải thay người lãnh đạo mới. Sau 16 năm cầm quyền, nữ thủ tướng Angela Merkel sẽ từ giã chính trường sau cuộc tổng tuyển cử liên bang dự kiến vào ngày 26/09/2021.

Việc chỉ định người thay thế bà làm lãnh đạo Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) dĩ nhiên sẽ có những tác động đáng kể đối với vai trò thủ lĩnh hàng đầu của Đức tại châu Âu. Khối 27 nước này chỉ vận hành tốt khi Paris và Berlin cùng đồng thuận như những gì cho thấy trong việc thông qua bản Kế hoạch tái thiết kinh tế hậu Covid-19.

Thế nên, trên đài France Culture, bà Helene Miard-Delacroix, giáo sư lịch sử và văn minh Đức đương đại, trường đại học Sorbonne, cho rằng bất kể người thay thế bà Merkel là ai, vai trò tìm kiếm một đồng thuận để vận hành cả khối châu Âu là điều tối quan trọng vì đó còn là lợi ích của chính bản thân nước Đức.

« Tất cả mọi người đã thật sự bị bất ngờ trước sự thay đổi ý kiến này, cái cách mà Đức chấp nhận từ bỏ nguyên tắc không mắc nợ và nhất là không gánh nợ chung. Chúng ta có thể hiểu rất rõ điều này khi nhớ đến những lợi ích mà Đức có được trong việc duy trì sự vận hành của châu Âu. Một mặt, đó là vì những lợi ích thương mại. Hơn 60% giao thương của Đức là với thị trường chung, nước Đức cần những khách hàng thịnh vượng. Mặt khác, việc kinh tế lao dốc có thể có những ʺtác động muộnʺ - những hệ quả chính trị, những thành công có thể của các đảng theo chủ nghĩa dân túy ngay chính tại nước Đức và nhiều nền dân chủ khác tại châu Âu vào thời điểm Anh Quốc ra đi. Do vậy, sự ủng hộ này đối với nền kinh tế châu Âu, đối với bản thân nước Đức, chính là một sự can thiệp nhằm chống lại sự bất ổn, kể cả trong chính trị, vốn dĩ rất có khả năng ảnh hưởng đến nước Đức. »

Bầu cử tổng thống Iran : Một chu kỳ đối ngoại kết thúc ?

Cuối cùng hồ sơ hạt nhân Iran cũng có thể là một điểm nóng tại Trung Đông trong năm 2021 này. Một năm đã trôi qua, nhưng Iran vẫn chưa quên mối hận Hoa Kỳ dùng drone sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Vệ Binh Al-Qods vào ngày 03/01/2020 trên lãnh thổ Irak.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran từ đó cũng không ngừng gia tăng khi chế độ Teheran liên tục tuyên bố phá vỡ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Trong bối cảnh đó, Iran chuẩn bị bầu chọn tổng thống mới dự kiến diễn ra ngày 18/06/2021. Một cuộc bầu cử rất có thể có những tác động ngoại giao quan trọng. Phe cứng rắn được cho là chiếm ưu thế sau hai nhiệm kỳ của tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rohani, vốn chủ trương ôn hòa hơn.

Tương lai nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran ? Việc ông Joe Biden đắc cử có thể làm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước ? Trên đài France Culture, nhà báo Mariam Pirzadeh, cựu thông tín viên đài truyền hình quốc tế France 24 tại Iran nhận xét cuộc bầu cử tổng thống lần này tại nước Cộng hòa Hồi giáo đánh dấu hồi kết của một chu kỳ ngoại giao.

« Năm 2013, những cuộc đàm phán bí mật được nối lại giữa Mỹ và Iran để đạt được thỏa thuận về hạt nhân trong bối cảnh các tác nhân có một xu hướng chung. Nghĩa là, có một tổng thống Mỹ, ông Barackk Obama, muốn thương thuyết với Iran và có một tổng thống Iran cũng muốn đàm phán với phương Tây. Xu hướng này hiện nay không còn nữa. Sẽ không có thay đổi nữa. Đúng là khi ông Joe Biden đắc cử, người dân Iran cảm thấy nhẹ nhõm. Họ tự nhủ thế là chấm hết các lệnh trừng phạt, không còn áp lực tối đa nữa… Phe ôn hòa do ngoại trưởng Iran Mohammad Djavad Zarif dẫn đầu có thể nói là ʺchúng tôi sẵn sàng đàm phán, chúng tôi sẵn sàng lại tiếp đón quý vị cho thỏa thuận hạt nhân Iranʺ. Nhưng chắc chắn là những điều này sẽ không diễn ra nếu phe cứng rắn lên cầm quyền, bởi vì họ luôn phản đối thỏa thuận này. Do vậy, họ cũng sẽ không muốn đàm phán với Joe Biden. »

Lập trường cứng rắn của phe cực kỳ bảo thủ liệu sẽ trụ được bao lâu khi mà nguồn tài chính của đất nước đã bị suy kiệt do những trừng phạt và chính sách áp lực tối đa của Donald Trump gây ra ? Nhà báo Myriam Pirzadeh nhắc lại tổng thống Rohani khi lên cầm quyền đã phải chấp nhận đàm phán với Mỹ cũng chỉ vì ngân khố lúc đó trống rỗng.

Covid-19, Mỹ, Trung Quốc, Merkel… những hồ sơ lớn năm 2021 - Tạp chí tiêu điểm (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten