woensdag 9 december 2020

WHO phản đối việc bắt buộc tiêm chủng Covid-19

 

WHO phản đối việc bắt buộc tiêm chủng Covid-19

Ảnh minh họa vac-xin ngừa Covid-19, chụp ngày 10/04/2020.
Ảnh minh họa vac-xin ngừa Covid-19, chụp ngày 10/04/2020. REUTERS - Dado Ruvic
Thụy My
4 phút

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua 07/12/2020 tuyên bố việc tiêm chủng chống Covid-19 không thể bị bắt buộc, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.

Ông Michael Ryan, giám đốc phụ trách các vấn đề y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh cần giải thích những lợi ích của việc chích ngừa hơn là cưỡng bức. Bà Kate O’Brien, giám đốc ban miễn dịch và vac-xin cũng nói rằng kinh nghiệm cho thấy tại những nước bắt buộc tiêm chủng, hiệu quả rất hạn chế. Tuy nhiên, trong những tình huống nhất định ở một số nước, có những nhân viên bệnh viện phải được khuyến cáo đi tiêm chủng.

Về phần tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông kêu gọi những nước sắp triển khai nên chủng ngừa trước hết cho những người cần được ưu tiên, như nhân viên y tế làm việc ở những nơi dễ bị lây nhiễm nhất, người có bệnh nền, tuổi cao, vì số lượng vac-xin trong giai đoạn đầu không nhiều.

Để tránh việc những nước giàu mua hết các liều vac -xin trong những tháng đầu tiên, WHO thiết lập cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối công bằng hơn. Nhưng như vậy tổ chức này cần ngay lập tức 4,3 triệu đô la, mà quỹ thì đang thiếu.

Liên Hiệp Quốc chọn 27/12 là « Ngày quốc tế chuẩn bị đối phó dịch bệnh »

Hôm qua 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố chọn ngày 27/12 là « Ngày quốc tế chuẩn bị đối phó dịch bệnh », theo một nghị quyết được 14 nước, trong đó có Việt Nam, đề nghị.

Đại dịch corona đang lan tràn trên thế giới chứng tỏ sự thiếu chuẩn bị ở hầu hết các nước. Nghị quyết cổ vũ 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, các cơ quan quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nên có những hoạt động nhằm thông tin và khơi dậy ý thức, chuẩn bị đối phó với dịch bệnh.

Nghị quyết cũng yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn đang bị chỉ trích là thiếu minh bạch và chịu áp lực của Trung Quốc, cần có sự hợp tác để tổ chức « Ngày quốc tế chuẩn bị đối phó dịch bệnh ».

Việt Nam, quốc gia đang chống dịch hiệu quả, nhấn mạnh Covid-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên hay cuối cùng, và không loại trừ việc một dịch bệnh lại xảy ra, rồi trở nên trầm trọng vào bất kỳ lúc nào.

AFP cho biết là các đồng tác giả của văn bản không mang tính chất ràng buộc này là Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Tây Ban Nha, Tadjikistan, Qatar, Nicaragua, Niger, Ghinê xích đạo, Sénégal, Palestine, Saint-Vincent-et-les-Grenadines

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lãnh vực này, và theo báo Tuổi Trẻ, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam đề xướng, được đại sứ Việt Nam đại diện cho 14 nước trình bày trước Đại hội đồng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201208-who-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-vi%E1%BB%87c-b%E1%BA%AFt-bu%E1%BB%99c-ti%C3%AAm-ch%E1%BB%A7ng-covid-19

Geen opmerkingen:

Een reactie posten