Việt Nam: Cần biết gì về thành phố Thủ Đức?

Getty Images

Hôm 24/12, UBND TP HCM cùng Bộ Nội vụ tổ chức phiên họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP Thủ Đức sau khi hình thành sẽ đóng vai trò là trung tâm đổi mới, sáng tạo lớn nhất Việt Nam.

Đồng thời, ông Phong cũng nhấn mạnh mong muốn trung ương cho phép TP Thủ Đức được chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM sẽ là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và mở rộng phát triển các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bộ máy chính quyền thế nào?

Đối với cơ cấu nhân sự của TP Thủ Đức trong tương lai, ông Nguyễn Thành Phong đề xuất sau 5 năm từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức có hiệu lực thi hành, Ban Soạn thảo nghiên cứu quy định số lượng phó chủ tịch của đơn vị hành chính này không quá 4 người.

Ngoài ra, số lượng cơ quan chuyên môn không quá 13 đơn vị, số lượng cấp phó không quá 39 người.

Trong số 13 cơ quan trên, tùy theo tình hình thực tế có thể thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ vì trong ý tưởng phát triển TP Thủ Đức trong không gian của khu đô thị sáng tạo tương tác cao nên vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng.

Trên cơ sở đó, thành phố Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập cơ quan khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo dự thảo mới nhất của nghị định, sau khi sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thì số lượng phó chủ tịch UBND thành phố trực thuộc TP HCM không quá 5 người.

Ngoài ra, số lượng biên chế của TP Thủ Đức được xác định trên cơ sở danh mục vị trí làm việc, khối lượng công việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó ngày 22/12, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đã thành lập ban chỉ đạo để xử lý những vấn đề còn tồn tại của quận 2, quận 9, quận Thủ Đức nhằm chuẩn bị thành lập TP Thủ Đức.

Đồng thời, khi TP Thủ Đức chính thức được hình thành và vận hành vào ngày 1/3/2021, HĐND quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ cùng thời điểm này. Vì vậy, UBND TP HCM kiến nghị các bên liên quan xử lý hết những nhiệm vụ về tài chính, ngân sách còn tồn đọng trước khi thực hiện sắp xếp.

Chuyển đổi giấy tờ ra sao?

Chủ tịch UBND TP HCM thông tin rằng, về việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân TP Thủ Đức, chính quyền sẽ hỗ trợ để đảm bảo thuận tiện, không gây xáo trộn, phiền hà.

Trang Zing dẫn lời ông Phong nói rằng chính quyền sẽ hỗ trợ người dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức trong việc chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính mới.

"Việc chuyển đổi giấy tờ cho công dân TP Thủ Đức phải có lộ trình rõ ràng. Ngày 31/12, TP HCM sẽ công bố những công việc cần làm tiếp theo khi hình thành TP Thủ Đức, trong đó có việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân", Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ.

Thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích khoảng 221,6 km2 gồm 34 phường. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức 3 quận: 2, 9, Thủ Đức được giao năm 2020 là 1.221 người. Theo đó, số có mặt đến ngày giữa tháng 6.2020 là 1.127 người.

Sau khi nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức hiện nay) thành thành phố Thủ Đức, 882 người dự kiến được bố trí ở thành phố mới, 399 người bị dư ra.

GDP của thành phố Thủ Đức thế nào?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin với báo chí rằng, năm 2019, quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai).

Giai đoạn 2016 - 2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỉ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỉ đồng.

Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hoá. Đồng thời, ông cho rằng đây còn là "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55420900