Trung Quốc đẩy mạnh thao túng các định chế luật pháp quốc tế
Đăng ngày:
Lợi dụng lúc cả thế giới gồng mình đối phó với dịch Covid-19, mà ca nhiễm đầu tiên được Tổ Chức Y Tế Thế Giới chính thức ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc) cách nay đúng một năm, ngày 08/12/2019, Bắc Kinh được cho là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cài người vào các định chế quốc tế, đặc biệt là các định chế tư pháp, vừa để lèo lái hoạt động của các cơ quan này theo hướng có lợi cho Trung Quốc, vừa để phòng ngừa khả năng bị kiện trước các định chế này.
Ví dụ cụ thể nhất phản ánh ý đồ nói trên là sự kiện trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa đại diện của mình vào hai tòa án quốc tế quan trọng của Liên Hiệp Quốc, trong sự thờ ơ tương đối của quốc tế.
Tháng 8 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long) đã được bầu làm thẩm phán Tòa Án Luật Biển Quốc Tế ITLOS, một định chế có thẩm quyền trực tiếp trên những vấn đề liên quan đến Biển Đông mà Bắc Kinh muốn thâu tóm bất chấp luật lệ quốc tế. Sau đó ít lâu, vào tháng 11, đến lượt bà Tiết Hãn Cần (Xue Han Qin) tái đắc cử thẩm phán Tòa Án Công Lý Quốc Tế ICJ, một cơ chế có thẩm quyền rộng lớn hơn.
Đó là chưa kể đến việc trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, có đến 4 định chế có lãnh đạo là người Trung Quốc: Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU, Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO và Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc UNIDO.
Phán quyết Tòa Trọng Tài 2016 khiến Trung Quốc xét lại chiến lược ?
Trong bài phân tích đăng ngày 05/12/2020 mang tựa đề “Vì sao Trung Quốc lại đang tìm cách có tiếng nói trên vấn đề luật pháp quốc tế (Why China is now looking to have its say on international law)”, nhật báo Anh Ngữ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông đã nhắc lại vụ kiện Biển Đông để nêu bật ý đồ của Bắc Kinh hiện nay.
Theo SCMP, nếu trước đây, Bắc Kinh rất nghi kỵ các tòa án đa phương, thích giải quyết các tranh chấp một cách song phương với từng nước liên quan, thì bốn năm sau khi bị một phán quyết chống lại họ trên Biển Đông – phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye – Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các quy tắc toàn cầu và cách thức mà các quy tắc này vận hành.
Khi bị Philippines khởi kiện về các tuyên bố chủ quyền quá đáng trên Biển Đông cách nay 7 năm, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, rồi ba năm sau đó tiếp tục bác bỏ phán quyết bất lợi đối với họ, xem đó chỉ là một tờ giấy lộn, ưu tiên dùng đàm phán song phương để giải quyết vấn đề và bảo vệ lợi ích của họ. Tuy nhiên, phán quyết quốc tế vẫn tồn tại, và đặc biệt trong những tháng gần đây, đã liên tiếp được một số nước có tranh chấp và không có tranh chấp sử dụng để tấn công Trung Quốc.
Đối phó với nguy cơ bị kiện cáo
Trong bối cảnh Bắc Kinh bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy thay đổi quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, với các nỗ lực nhằm nhào nặn các quy tắc của luật lệ quốc tế, tạo ra nguyên tắc mới có lợi cho Bắc Kinh. Đó là những bước chuẩn bị trước để đối phó với nguy cơ Trung Quốc phải đối mặt một loạt vụ kiện cáo về Biển Đông hay Covid-19.
Theo nhật báo Hồng Kông, dấu hiệu gần đây nhất về sự thay đổi chiến lược là vào tháng 10 vừa qua, khi ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao và đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, từ tranh chấp lãnh thổ đến vấn đề nhân quyền.
Trên tờ Cầu Thị, tạp chí lý luận chính trị của đảng, người lãnh đạo cao nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc xác định: “Các nước mới nổi và nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đang ngày càng ủng hộ việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tìm cách thiết lập một trật tự quốc tế công bằng, hợp lý hơn; một hệ thống quản trị toàn cầu với sự tham gia bình đẳng”.
Do vậy, Trung Quốc phải tích cực hơn trong việc thiết lập các chuẩn mực nhằm tăng cường áp dụng luật pháp quốc tế trong các lĩnh vực như đại dương, khai thác hai cực của Trái Đất hay trí tuệ nhân tạo.
Trung Quốc thấy cần một chiến lược mới
Theo giới quan sát, Trung Quốc đã thay đổi thái độ sau khi rút kinh nghiệm từ vụ kiện Biển Đông. Hành động thẳng tay bác bỏ quyền can thiệp của tư pháp quốc tế đã khiến cho Bắc Kinh bị các nước phương Tây, nhất là Mỹ, chỉ trích là “coi thường luật pháp quốc tế”, và sẽ không ngăn cản được các vụ kiện khác trong tương lai.
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Lương Vân Tường (Liang Yunxiang), Đại Học Bắc Kinh, Trung Quốc đã thấy rằng họ cần một chiến thuật mới: “Từ [góc độ] chính sách đối ngoại, kể từ sau phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông, cũng như trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung và phương Tây thường xuyên nhấn mạnh trên một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, điều cấp bách là cần sử dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý khác nhau, bao gồm một số vụ kiện tập thể ở châu Âu và Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, cũng như khả năng tiếp tục bị kiện về các yêu sách chủ quyền trên biển và trên bộ.
Trịnh Chí Hoa (Zheng Zhihua), một chuyên gia luật quốc tế của Đại Học Giao thông Thượng Hải, cho biết ông dự kiến những vụ việc kiểu này sẽ gia tăng và “Trung Quốc cần phải có một số kế hoạch trong tay... để cuối cùng có thể chọn được một chiến lược thích hợp."
Theo ông Cổ Quế Đức (Jia Guide), tổng vụ trưởng vụ Hiệp Ước và Pháp Luật của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đóng vai trò chủ động trong việc thiết lập trật tự quốc tế mới, nếu có thêm nhiều nhà ngoại giao và thẩm phán trên trường quốc tế.
Trong một cuộc hội thảo về luật quốc tế ở Bắc Kinh vào tháng trước, quan chức này đã nhấn mạnh trên nhiều lãnh vực quan trọng mà Trung Quốc có thể tác động, từ biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái, cho đến các quy tắc nhân quyền ràng buộc về mặt pháp lý đối với các tập đoàn xuyên quốc gia, then chốt đối với đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo SCMP, việc thay đổi các quy tắc quốc tế để phù hợp hơn với Trung Quốc là chuyện "nói thì dễ nhưng làm thì khó". Đối với tờ báo, việc Bắc Kinh tham gia vào các tòa án, tổ chức quốc tế thường được coi là một nỗ lực phô trương thanh thế, hơn là một vấn đề có ý nghĩa trong quá trình hoạch định chính sách.
Theo ông Trịnh Chí Hoa, Trung Quốc có thể cử đại diện của mình vào các tổ chức quốc tế, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có thể họ e ngại trong việc áp dụng luật pháp quốc tế.
Đối với chuyên gia này: “Xây dựng luật là một quá trình rất tế nhị, đòi hỏi ý kiến chuyên môn ở mọi bước, và nếu không có tài năng như vậy, sẽ rất khó để nói rằng quan điểm của bạn đã được phản ánh trong văn bản của một dự thảo hiệp ước”.
Trung Quốc đẩy mạnh thao túng các định chế luật pháp quốc tế (rfi.fr)
« Vừa đấm vừa xoa », Trung Quốc thao túng Liên Hiệp Quốc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Sóng gió trong xã hội Pháp là chủ đề chính của các tuần báo kỳ này. Trang nhất của L’Obs đăng tấm ảnh nhìn nghiêng của tổng thống Emmanuel Macron với dòng tựa « Chế độ hưu : Macron đối mặt với cơn giận dữ ». Trang bìa L’Express là hình ảnh một chiếc tàu cao tốc và dòng tít « SNCF, sự phá sản của Pháp », Courrier International chạy tựa lớn « Tháng 12 đen ». Riêng Le Point dành chuyên đề cho cách sống của những người yêu đời.
Cây gậy và củ cà rốt
Liên quan đến châu Á, The Economist có bài viết « Một chiến trường mới: Tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vừa đấm vừa xoa để áp đặt quan điểm ».
Mặc dù có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo An, Bắc Kinh ít khi sử dụng đến. Tuy nhiên, trong hậu trường, các viên chức ngoại giao Trung Quốc sẵn sàng nhe nanh múa vuốt, còn các đồng nghiệp phương Tây lo chống đỡ. Liên Hiệp Quốc trở thành chiến trường của các quan điểm đối nghịch về trật tự thế giới.
Hồi tháng 10, cuộc đấu tranh chống lại việc tống giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ là bằng chứng cho sự dữ dội của cuộc chiến ngoại giao. Anh Quốc bất ngờ đóng vai trò hàng đầu trong việc lên án vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Đại diện Anh, bà Karen Pierce ra tuyên bố với chữ ký của 22 nước, kêu gọi cho tự do đến quan sát các trại cải tạo ở Tân Cương. Trung Quốc thuyết phục được khoảng mấy chục quốc gia độc tài, nhất là các nước Hồi giáo Trung Đông, ký một tuyên bố hoan nghênh hành động « chống khủng bố » của Bắc Kinh ở Tân Cương.
Ngoài ra còn có những đe dọa và trả đũa. Các viên chức ngoại giao Trung Quốc nói với các đồng nhiệm Úc là nếu Canberra ký vào tuyên bố của Anh, thì sẽ không có được mảnh đất mà chính phủ Úc muốn để làm trụ sở mới cho đại sứ quán ở Bắc Kinh. Dù vậy Úc vẫn cứ ký ! Trung Quốc hủy một sự kiện với Albani, một nước đồng ký tên khác. Jonathan Allen, phó đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, cho biết có quá nhiều áp lực, « nhưng chúng tôi phải bảo vệ các giá trị của mình cũng như nhân quyền ».
Chen chân vô các định chế, cài khẩu hiệu của Tập vào tài liệu LHQ
Những nỗ lực của Trung Quốc trải rộng từ vấn đề nhân quyền cho đến phát triển kinh tế, và có hai mục đích chính. Trước hết là tạo ra một không gian an toàn cho đảng Cộng sản Trung Quốc, bảo đảm không bị các nước khác chỉ trích, mà họ gọi là « can thiệp vào chuyện nội bộ ». Kế đến là tìm cách đưa vào các văn bản của Liên Hiệp Quốc những từ ngữ của Tập Cận Bình.
Bắc Kinh cảm thấy việc tổng thống Mỹ Donald Trump xa rời dần các định chế đa phương như Liên Hiệp Quốc là cơ hội cho mình. Từ khi ông Tập lên ngôi năm 2012, Trung Quốc đã tăng mạnh việc tham gia vào Liên Hiệp Quốc. Nay Trung Quốc là nước đóng góp nhiều thứ nhì, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, cả về ngân sách lẫn công tác gìn giữ hòa bình.
Các quan chức Trung Quốc còn giữ các vai trò hàng đầu trong nhiều định chế Liên Hiệp Quốc, kể cả chức giám đốc Tổ chức Lương Nông (FAO) – đánh bại một ứng cử viên được Mỹ ủng hộ, gây bất ngờ cho nhiều người. Sang năm, Trung Quốc sẽ trở thành một trong ba ủy viên của ủy ban kiểm sát việc chi tiêu của Liên Hiệp Quốc.
Các vị trí mà quan chức Trung Quốc nắm lấy trong các định chế quốc tế thường ít được các nước quan tâm, nhưng mỗi một chiếc ghế giành được lại giúp tăng thêm một ít ảnh hưởng cho Bắc Kinh. Mỗi lần có cuộc bỏ phiếu về một vấn đề mà Trung Quốc coi là quan trọng, các nhà ngoại giao nước này thường thẳng thừng đề nghị một sự đổi chác : hoặc tài trợ cho một dự án nào đó, hoặc đe dọa cắt nguồn tiền ; tóm lại là mua quan hệ.
Quan chức Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc lộng quyền
Ảnh hưởng của Tập Cận Bình là rất rõ. Đa số các từ ngữ mà quan chức Trung Quốc cố gắng cài vào các tài liệu Liên Hiệp Quốc là các khẩu hiệu của ông Tập, chẳng hạn « hợp tác đôi bên cùng có lợi », « một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai nhân loại » (hàm ý « đừng đụng vào Trung Quốc đấy ! »).
Trong ba năm liên tiếp, Trung Quốc đã thành công khi đưa vào nghị quyết về Afghanistan khái niệm Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Tập Cận Bình, được coi là một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu « đôi bên cùng có lợi ».
Bắc Kinh chiêu dụ được các quan chức Liên Hiệp Quốc cao cấp, kể cả tổng thư ký António Guterres, ca ngợi BRI là một mô hình phát triển toàn cầu. Năm 2018, Trung Quốc thuyết phục Hội đồng Nhân quyền ở Genève (mà Mỹ đã rút ra) « thúc đẩy hợp tác cùng có lợi » - có nghĩa là kềm chế những chỉ trích.
Năm 2017, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc cắt giảm ngân sách cho các tổ chức và chương trình xúc tiến nhân quyền. Cùng năm ấy, Ngô Hồng Ba (Wu Hong Bo), phó tổng thư ký Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc, đã trục xuất ông Dolkun Isa, một nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ ra khỏi một diễn đàn mà ông Isa là khách mời, đại diện cho một tổ chức phi chính phủ Đức. Tuy giữ một vị trí buộc phải khách quan, Ngô Hồng Ba sau đó lại lên truyền hình nhà nước Trung Quốc khoe khoang : « Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ lợi ích đất nước ».
Một nhà ngoại giao nhận xét, Trung Quốc đã làm quá lố, và đến một lúc nào đó người ta sẽ bắt đầu chống lại. Tuy nhiên cũng có một số nước nhỏ ở châu Phi và Trung Đông, hầu hết là độc tài, lại không thích sự thống trị của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc hậu chiến tranh lạnh.
Quan chức Tân Cương bị trừng trị vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ chưa đủ mạnh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Courrier International trích dịch các bài báo của The Guardian và New York Times, là những tờ báo đã tiết lộ 400 trang tài liệu mật bị rò rỉ từ trong nội bộ đảng Cộng sản, về các trại cải tạo Tân Cương. Tài liệu cho thấy Tập Cận Bình đã đích thân ra lệnh phải thẳng tay sử dụng các công cụ chuyên chính đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Một số văn bản còn mô tả số phận dành cho các quan chức không đủ cứng rắn khi thi hành chính sách đảng. Điển hình là trường hợp Vương Dũng Trí (Wang Yongzhi), qua bản báo cáo kiểm tra nội bộ đảng gồm 11 trang và bản cung dài 15 trang, có lẽ là bị bức cung.
Khi bắt đầu việc bắt đi cải tạo hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, Vương Dũng Trí đã tỏ ra mẫn cán, cho xây thêm hai trại cải tạo mới và gởi đến đó 20.000 người. Nhưng dần dà, lo ngại về hậu quả kinh tế và mối quan hệ với dân chúng, ông Vương đã « từ chối bắt những người cần bắt » – một lỗi lầm không thể tha thứ dưới mắt đảng.
Thậm chí Vương Dũng Trí còn ra lệnh trả tự do cho 7.000 người đang bị cải tạo, « một hành động khả nghi cần phải cách chức, bắt giam và xét xử ». Báo cáo và bản thú tội của Vương Dũng Trí đã được đọc lớn giọng trước tất cả các đảng viên ở Tân Cương, như một lời cảnh cáo cho những ai không nhanh nhẩu chấp hành.
Cải cách hưu bổng gây sóng gió tại Pháp
Tại Pháp, phong trào phản đối cải cách chế độ hưu bổng đang gây tranh cãi và làm rối loạn hoạt động xã hội qua đợt tổng đình công kể từ ngày thứ Năm 05/12/2019, chiếm rất nhiều trang báo.
L’Obs than thở « Thật là đáng tiếc ! » Có đến 76% người Pháp ủng hộ cải cách, và 61% cho rằng nên chấm dứt các « chế độ hưu ưu đãi » hiện nay. Tuy nhiên chỉ có một số nhỏ phản đối cuộc đình công do các nghiệp đoàn ngành giao thông khởi xướng để bảo vệ chính những « chế độ hưu đặc biệt » trên. Vì sao lại có nghịch lý này, trong khi ai được, ai mất vẫn chưa rõ vì chưa có kế hoạch cụ thể, và cải cách hưu bổng vốn là cam kết tranh cử của ông Macron?
Theo L’Obs, đó là do tổng thống Macron đang nghiêng sang cánh hữu, thay vì chiều theo cử tri dân chủ xã hội mà ông cho rằng luôn trung thành với mình. Tuần báo cho rằng giảm bất bình đẳng xã hội, gia tăng bảo vệ môi trường là cách duy nhất để dập lửa và tái chinh phục lòng dân.
Đối với Le Point, việc cải cách chế độ hưu bổng là cần thiết. Nếu vào năm 1980, chỉ có 2 người về hưu so với 10 người làm việc, thì nay tỉ lệ này là 3/10, và đến 2060 là 6/10. Sự bất bình đẳng rất rõ giữa 42 chế độ hưu khác nhau, do các ưu tiên cho lãnh vực công và các chế độ đặc biệt – vốn đang chiếm 5,5 tỉ euro tiền của người đóng thuế mỗi năm. Tuy nhiên, chính phủ thiếu phối hợp, không nhất quán, nên mới để xảy ra cớ sự.
Courrier International trích dịch báo chí các nước nói về cuộc khủng hoảng xã hội Pháp: cải cách hưu bổng, đời sống bấp bênh của sinh viên, ngành y tế sa sút vì thiếu đầu tư…; đa số đều cho rằng tổng thống Macron phải xem lại phương pháp cải tổ. Tuy nhiên, thông tín viên tại Pháp của tờ báo Ý La Republica nhận xét, người Pháp luôn phàn nàn về nghèo khó, thất nghiệp…nhưng bên ngoài nhìn vào lại thấy Pháp có hệ thống phúc lợi tuyệt vời. Pháp được xem là một trong những thành trì cuối cùng của Nhà nước phúc lợi, hơn cả các nước Bắc Âu mà nay không còn là mô hình để noi theo.
Mali: Paris đơn độc trên tuyến đầu chống khủng bố
Trên lãnh vực quân sự, tác giả Christian Makarian trên L’Express chua chát nhận định: « Mali : Lợi ích cho toàn thế giới, nhưng chỉ một mình nước Pháp phải hy sinh ».
Bức ảnh mà bộ trưởng Quân Lực Florence Parly đăng trên Twitter gây xúc động: 13 chiếc quan tài phủ lá cờ ba màu xanh, trắng, đỏ xếp hàng trong một căn cứ quân sự ở Gao (Mali). Các quân nhân tinh nhuệ này đã tử nạn do hai trực thăng đụng nhau trong đêm đen, khi họ đang truy lùng một nhóm thánh chiến. Tên họ sẽ được khắc lên tượng đài tưởng niệm những người lính viễn chinh hy sinh vì nước Pháp, vừa khánh thành tại quận 15 Paris cách đây ba tuần.
Chiến dịch Barkhane của Pháp có sự hỗ trợ về hậu cần của các đối tác châu Âu, chủ yếu là Anh, Đan Mạch và Estonia. Bên cạnh đó là lực lượng huấn luyện EUTM gần 600 người, nhóm EUCAP Sahel Mali giúp đào tạo cảnh sát, vài trăm quân Đức, và lực lượng đặc biệt châu Âu Takuba đang hình thành. Tuy nhiên chỉ có Pháp với 4.500 quân là trực tiếp tác chiến ở tiền phương, trong khi quân khủng bố Mali đang thách thức cả thế giới.
Tờ báo nhắc lại, hôm 11/01/2013, theo yêu cầu của chính quyền Mali, tổng thống François Hollande đã quyết định gởi quân đến chận đứng đoàn xe hàng trăm chiếc chở đầy quân thánh chiến đang lao thẳng đến thủ đô Bamako. Chiến dịch mang tên Serval là thành công lớn, có sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc. Một nhà quân sự nhận xét, không có một cuộc xung đột quốc tế nào có thể giải quyết trong không đầy 10 năm. Thời gian không còn nhiều nữa, nếu Pháp không muốn bị sa lầy trong một cuộc chiến không có hồi kết.
Pháp: Các hoa hậu trí thức
Về văn hóa, cụ thể là về cuộc thi hoa hậu Pháp năm nay, tác giả Patrick Besson trên Le Point khẳng định các thí sinh sẽ không gặp khó khăn gì trước các câu hỏi ứng xử của ban giám khảo. Đó là vì đa số trong 30 người đẹp đi thi lần này đều có trình độ học vấn cao.
Chẳng hạn hoa hậu vùng Aquitaine đang chuẩn bị cử nhân luật. Hoa hậu Auvergne, Bourgogne có bằng thạc sĩ sinh học, hoa hậu Bretagne thạc sĩ tâm lý thần kinh, hoa hậu Centre-Val de Loire thạc sĩ truyền thông…Bên cạnh các người đẹp thạc sĩ còn có một nữ kỹ sư xây dựng, một hoa hậu đang thi vào trường quân sự.
Anh: « Dịch hạch Johnson và dịch tả Corbyn »
Nhìn sang nước Anh đang bấn loạn với Brexit, L’Obs nói về « Cuộc trường chinh của Corbyn Đỏ », còn Le Point ví von « Georges Marchais (cố lãnh tụ đảng Cộng sản Pháp) tái sinh ở Luân Đôn ».
Gần như là cực tả, ông Jeremy Corbyn, lãnh tụ Công Đảng gây chấn động cho cánh ôn hòa và làm phe tự do lo ngại. Trước đó, năm 2015 không ai và kể cả bản thân ông Corbyn nghĩ rằng ông sẽ là người đứng đầu Công Đảng. Một nghị sĩ ít người biết, không có gì thu hút. Còn nay nếu Corbyn trở thành thủ tướng? Cũng chẳng ai tin.
L’Obs nhận xét, Corbyn, người đã 500 lần bỏ phiếu ngược lại khuyến cáo của đảng mình, ly dị người vợ thứ hai vì bà này muốn cho con đi học trường tư, một người có vẻ vô hại, bốn năm sau khi lên làm lãnh tụ đã trở thành một nhà cách mạng cực đoan. Chống khắc khổ, chống nghèo đói, quốc hữu hóa ngành đường sắt, điện, nước, bưu điện và viễn thông, miễn học phí đại học, đánh thuế lên 5% người giàu nhất…Suốt ba năm qua, Corbyn vẫn lần chần không xác định quan điểm chống hay ủng hộ Brexit. Nhưng dù ở trong hay ngoài Liên hiệp châu Âu, mục tiêu của ông rất rõ: một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Theo Le Point, ba năm rưỡi sau khi bỏ phiếu cho Brexit, cử tri Anh nay phải chọn lựa giữa « dịch hạch Johnson và dịch tả Corbyn ». Đất nước của Winston Churchill và Margarett Thatcher chưa bao giờ thảm hại đến thế. Người đứng đầu đảng bảo thủ không xứng tầm, còn lãnh tụ đảng đối lập nếu lên làm thủ tướng sẽ là thảm họa.
Tây Ban Nha: Buôn ma túy bằng tàu ngầm
Tại Tây Ban Nha cách đây hơn mười năm, các điềm chỉ viên của cảnh sát đã nói đến việc buôn lậu cocain bằng tàu ngầm ở ngoài khơi cảng Galice.
Theo đó, bọn buôn lậu chuyển hàng sang các ho-bo hay tàu đánh cá, xong đánh đắm luôn tàu ngầm. Nhưng đến ngày 24/11 vừa qua, cảnh sát Tây Ban Nha mới bắt được chiếc tiềm thủy đĩnh ma túy đầu tiên từ châu Mỹ la-tinh đến, với 3.000 kg cocain, trị giá 100 triệu euro.
Các nhà điều tra cho biết những tàu ngầm này được lén lút đóng trong rừng rậm Surinam hay Guyane, dài khoảng 22 mét, chỉ cần hai, ba thủy thủ điều khiển. Đó là loại tàu ngầm « xài một lần rồi bỏ », trị giá 1,5 triệu euro
« Vừa đấm vừa xoa », Trung Quốc thao túng Liên Hiệp Quốc (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten