vrijdag 11 december 2020

Mỹ: Donald Trump muốn đích thân ra Tòa Án Tối Cao để kiện đòi hủy bỏ kết quả bầu cử [ông... "ăn vạ" ghê thế ! ]

 

Mỹ: Donald Trump muốn đích thân ra Tòa Án Tối Cao để kiện đòi hủy bỏ kết quả bầu cử

People participate in a "Stop the Steal" protest outside the U.S. Supreme Court in support of U.S. President Donald Trump in Washington, U.S., December 8, 2020.
People participate in a "Stop the Steal" protest outside the U.S. Supreme Court in support of U.S. President Donald Trump in Washington, U.S., December 8, 2020. REUTERS - ERIN SCOTT
Trọng Nghĩa
3 phút

Tổng thống Mỹ Donald Trump và 17 bang Hoa Kỳ hôm qua 09/12/2020, đã lên tiếng ủng hộ đơn kiện của bang Texas tìm cách đảo ngược thất bại bầu cử của ông bằng cách yêu cầu Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ bác bỏ kết quả bỏ phiếu ở bốn tiểu bang chiến địa là Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Thậm chí ông Trump còn yêu cầu được làm nguyên đơn trong vụ kiện do bang Texas đề xướng.

Bị đối thủ Joe Biden đánh bại trong cuộc bầu cử ngày 03/11 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã đệ đơn lên Tòa Án Tối Cao, yêu cầu chín thẩm phán cho ông trở thành nguyên đơn trong vụ kiện của bang Texas khởi xướng hôm 08/12 nhằm hủy bỏ kết quả tại Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Trước đó, bốn bang này đã chứng thực ông Biden thắng cử.

Theo hãng tin Anh Reuters, nếu Tòa Án Tối Cao chấp thuận, điều đó sẽ tạo ra một tình huống bất thường khi một tổng thống Mỹ đương nhiệm lại yêu cầu định chế tư pháp hàng đầu của Mỹ quyết định rằng hàng triệu phiếu bầu ở bốn bang không có giá trị.

Viết trên Twitter, tổng thống Mỹ khẳng định : « Đây là một điều vĩ đại. Đất nước của chúng ta cần một chiến thắng! »

Về phần mình, các luật sư đại diện cho 17 bang khác do chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt, thuộc đảng Cộng Hòa, dẫn đầu cũng kêu gọi Tối Cao Pháp Viện thụ lý đơn kiện của Texas.

Vụ kiện do Ken Paxton, tổng chưởng lý đảng Cộng Hòa bang Texas, một đồng minh của ông Trump, khởi xướng là thủ tục pháp lý mới nhất trong một loạt vụ kiện do ban vận động tranh cử của ông Trump và những người ủng hộ tung ra mà cho đến nay hầu như đều đã thất bại.

Ngoài Missouri, các bang đi theo Texas bao gồm : Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia. Tất cả các bang đều do các quan chức đảng Cộng Hòa đại diện, và tất cả ngoại trừ ba bang đều có thống đốc thuộc của đảng Cộng Hòa.

Các quan chức tại bốn bang bị kiện dĩ nhiên đã cực lực đả kích hành động của Texas, xem vụ kiện là một cuộc tấn công liều lĩnh vào nền dân chủ. Đơn kiện đã được nộp trực tiếp lên Tòa Án Tối Cao thay vì tại một tòa án cấp dưới, điều được phép đối với một số vụ kiện giữa các bang.

Theo tờ New York Times, có tin là ông Trump đã yêu cầu thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Ted Cruz ở bang Texas trực tiếp đứng ra tranh tụng tại tòa nếu Tòa Án Tối Cao Mỹ đồng ý xử lý hồ sơ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201210-m%E1%BB%B9-donald-trump-mu%E1%BB%91n-%C4%91%C3%ADch-th%C3%A2n-ra-t%C3%B2a-%C3%A1n-t%E1%BB%91i-cao-%C4%91%E1%BB%83-ki%E1%BB%87n-%C4%91%C3%B2i-h%E1%BB%A7y-b%E1%BB%8F-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD

Chuyên gia Mỹ: Vụ bang Texas kiện để đảo ngược kết quả bầu cử rất khó thành công

Ông Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas.
Ông Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas. REUTERS - Kevin Lamarque
Trọng Nghĩa
5 phút

Như vậy là bang Texas đã chính thức đệ đơn kiện 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin ra trước Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ với hy vọng bác bỏ chiến thắng của ông Joe Biden tại 4 nơi này. Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia về luật pháp Mỹ, vụ kiện này có rất ít khả năng thành công.

Về đơn kiện do tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton, đệ trình, nội dung chính kêu gọi Tòa Án Tối Cao Mỹ trì hoãn cuộc bỏ phiếu của đại cử tri ở 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, để cho phép tiếp tục điều tra “các vấn đề liên quan đến quy trình bỏ phiếu”, cụ thể là các bang này đã thay đổi một cách “bất hợp pháp” thủ tục bỏ phiếu khi mở rộng hình thức bầu qua bưu điện.

Đơn kiện của Texas cũng yêu cầu Tòa Án Tối Cao dời ngày đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống ra sau ngày 14/12 như đã được luật bầu cử năm 1887 ấn định

Theo tính toán của Texas, hiện nay, theo các kết quả đã được chứng thực ở cấp tiểu bang, ông Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, trong đó 4 bang bị kiện đóng góp đến 62 phiếu đại cử tri. Nếu kết quả tại 4 nơi này bị hủy bỏ, ông Biden sẽ không đủ mức tối thiểu 270 đại cử tri để đắc cử.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, các chuyên gia về luật bầu cử Mỹ đã cho rằng vụ kiện này có rất ít cơ hội thành công và thiếu giá trị pháp lý.

Ông Justin Levitt, giáo sư luật bầu cử tại Trường Luật Loyola ở bang California khẳng định: “Cả về mặt thủ tục và nội dung, đơn kiện là một mớ hỗn độn. Khả năng là Tòa Án Tối Cao đồng ý thụ lý vụ kiện là con số không”.

Hãng truyền thông NBC News dẫn lời chủ trang blog SCOTUSblog, Tom Goldstein, nhận xét rằng vụ kiện của bang Texas là “vô vọng” vì Texas “không có quyền khởi kiện về thủ tục bầu cử ở các bang khác”.

Đài NBC đã nêu bật một số yếu tố khiến cho vụ kiện mà Texas khỏi xướng thất bại.

Yếu tố thứ nhất, theo chuyên gia Edward Foley, Đại Học bang Ohio, vụ kiện này là vi hiến. Ông Foley chỉ ra rằng Điều II, Mục 4 của hiến pháp Mỹ quy định quốc hội có thể chọn ngày mà các đại cử tri nhóm họp để bỏ phiếu, cùng một thời điểm trên toàn nước Mỹ. Năm nay, thời điểm đó là ngày 14-12.

Thứ hai, bang Texas không có quyền tuyên bố rằng quan chức ở những nơi khác không tuân thủ quy tắc do cơ quan lập pháp của bang này đặt ra. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên nguyên tắc diễn ra ở cấp bang nên một bang không có tư cách pháp lý để kiện những bang còn lại.

Theo ông Goldstein, cũng là một luật sư ở Washington, các thẩm phán sẽ cho rằng vụ kiện của bang Texas nên được đệ trình lên tòa án cấp dưới trước thay vì đưa thẳng lên Tòa Án Tối Cao. Cho dù Tòa Án Tối Cao Mỹ là nơi để một bang khởi kiện một bang khác nhưng trước tiên họ phải chứng minh không có nơi nào khác thụ lý vụ kiện.

Điểm thứ ba, vụ kiện dường như được chuẩn bị một cách vội vàng. Ví dụ, đơn kiện cho biết 4 bang bị đơn có tổng số 72 phiếu đại cử tri nhưng trên thực tế chỉ có 62 phiếu đại cử tri.

Thứ tư, bản thân ông Paxton đang gặp những rắc rối pháp lý riêng. Năm 2015, ông Paxton bị truy tố về cáo buộc gian lận chứng khoán và vẫn đang chờ giải quyết. Trong năm nay, có tin là ông bị các trợ lý hàng đầu cáo buộc về một số hành vi sai trái khác

Đến nay, những nỗ lực tại tòa án của ông Trump để thách thức kết quả bầu cử đều thất bại. Giới thân cận của ông Trump đã nhiều lần nói rằng họ muốn cuộc bầu cử được quyết định bởi Tòa Án Tối Cao, ngay cả khi hơn 50 vụ kiện sau bầu cử thất bại ở cấp thấp hơn.

Về phần mình Tòa Án Tối Cao đã từng giáng một đòn cho ông Trump và các đồng minh bằng cách từ chối một đơn kiện đối với kết quả bầu cử tại Pennsylvania.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201210-chuy%C3%AAn-gia-lu%E1%BA%ADt-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%A5-bang-texas-ki%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%E1%BA%A3o-ng%C6%B0%E1%BB%A3c-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-r%E1%BA%A5t-kh%C3%B3-th%C3%A0nh-c%C3%B4ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten