donderdag 31 december 2020

Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc : Đầu tư vẫn lấn át nhân quyền + Nhân quyền: Pháp đặt điều kiện ủng hộ thỏa thuận đầu tư châu Âu-Trung Quốc + Bruxelles yêu cầu Bắc Kinh thả tất cả phóng viên bị giam

 

Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc : Đầu tư vẫn lấn át nhân quyền

Họp trực tuyến thượng đỉnh Liên Âu-Trung Quốc, ngày 14/09/2020, Bruxelles, Bỉ. Hàng trên từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel. Hàng dưới từ trái qua: thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Họp trực tuyến thượng đỉnh Liên Âu-Trung Quốc, ngày 14/09/2020, Bruxelles, Bỉ. Hàng trên từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel. Hàng dưới từ trái qua: thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. AFP - YVES HERMAN
Thanh Phương
6 phút

Mặc dù lên án các vụ vi phạm nhân quyền gia tăng tại Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu vẫn ký với Bắc Kinh một hiệp định đầu tư rất quan trọng. Hôm nay, 30/12/2020, trong một cuộc họp trực tuyến, các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua trên nguyên tắc hiệp định về bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Văn bản sẽ được ký kết chính thức nhiều tháng sau đó.

Bruxelles đã đàm phán hiệp định này từ 7 năm qua với Trung Quốc, nay đã là đối tác thương mại hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Đây là hiệp định nhằm bảo đảm các điều kiện hoạt động cho các nhà đầu tư ở châu Âu và Trung Quốc, cụ thể là bảo đảm sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty châu Âu khi họ đầu tư ở Trung Quốc, cấm việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, yêu cầu phải minh bạch về trợ cấp cho các công ty Nhà nước Trung Quốc.

Theo lời một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, 29/12/2020, hiệp định này sẽ giúp cho các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn, nhất là trong các lĩnh vực xe hơi chạy bằng năng lượng sạch, tài chính, y tế…

Nhưng việc Trung Quốc bị tố cáo cưỡng bức lao động đã gây khó khăn cho cuộc đàm phán trước khi đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc. Các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ tố cáo Bắc Kinh đã giam giữ ít nhất 1 triệu người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo trong các « trại cải tạo ». Theo một nghiên cứu gần đây của Mỹ, ít nhất 570.000 người trong số này đang bị cưỡng bức lao động tại những cánh đồng trồng bông và những nhà máy chế biến bông.

Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chỉ chấp nhận bật đèn xanh cho hiệp định đầu tư sau khi Ủy Ban Châu Âu, đặc tránh việc đàm phán với Trung Quốc, ngày 28/12 bảo đảm rằng Bắc Kinh sẳn sàng có những nỗ lực trên vấn đề này. Cụ thể là Trung Quốc cam kết sẽ nỗ lực « liên tục » để tiến tới việc phê chuẩn hai công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nghiêm cấm lao động cưỡng bức.

Nhưng đối với những người chống đối hiệp định đầu tư Châu Âu-Trung Quốc, nhất là trong Nghị Viện Châu Âu, việc Bắc Kinh cam kết phê chuẩn hai công ước nói trên vẫn chưa đủ. Trả lời AFP, nghị sĩ châu Âu người Pháp Raphael Glucksmann đòi Trung Quốc phải đưa ra những cam kết cụ thể hơn và có thể kiểm chứng được, bởi vì theo ông, cho tới nay, chưa có một nhân chứng bên ngoài nào được vào các nhà máy đang bóc lột những « nô lệ » Duy Ngô Nhĩ.

Vào giữa tháng 12 vừa qua, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc cưỡng bức lao động các sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kirghizstan. Nghị sĩ Glucksmann cảnh báo là không chắc Nghị Viện Châu Âu sẽ bật đèn xanh cho hiệp định đầu tư. Ông nói : « Nếu Nghị Viện bằng lòng với những cam kết không có tính chất ràng buộc của Trung Quốc, thì đây sẽ là dấu hiệu của một sự thiếu nhất quán sâu sắc. »

Về phần mình, quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu bảo đảm là Liên Âu sẽ sử dụng các công cụ chế tài của khối này trong trường hợp Bắc Kinh không tôn trọng các cam kết của họ.

Điều trớ trêu là Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua về nguyên tắc hiệp định bảo hộ đầu tư đúng vào ngày mà tòa án tỉnh Thâm Quyến vừa tuyên án tù đối với 10 nhà hoạt động Hồng Kông về tội « vượt biên trái phép ». Chỉ cách đây hai ngày, nhà báo công dân Trương Triển vừa lãnh án 4 năm tù giam vì đã tường thuật trung thực về dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho Trương Triển và 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ.

Hiệp định đầu tư Châu Âu-Trung Quốc được thông qua về nguyên tắc cũng đúng vào lúc mà lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrel vừa lên án sự gia tăng các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, cụ thể là « những hạn chế về quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, những hành động hù dọa, theo dõi phóng viên, các vụ bắt giữ và kết án tù những nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và trí thức ».

Tuy lên tiếng chỉ trích về nhân quyền như thế, nhưng Liên Hiệp Châu Âu không thể từ bỏ mục tiêu ký kết một hiệp định bảo hộ đầu tư với Trung Quốc, bởi vì hiện nay tổng số vốn đầu tư của châu Âu ở Trung Quốc rất lớn, lên tới gần 150 tỷ euro, còn đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu cũng đã là 113 tỷ. Cũng vì lý do đó, Nghị Viện Châu Âu chắc là cũng sẽ phê chuẩn hiệp định, cho dù có một số nghị sĩ phản đối.

Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc : Đầu tư vẫn lấn át nhân quyền (rfi.fr)

Nhân quyền: Pháp đặt điều kiện ủng hộ thỏa thuận đầu tư châu Âu-Trung Quốc

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong cuộc họp trực tuyến tại Bruxelles với lãnh đạo Trung Quốc ngày 14/09/2020.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong cuộc họp trực tuyến tại Bruxelles với lãnh đạo Trung Quốc ngày 14/09/2020. AP - Yves Herman
Tú Anh
3 phút

Nước Pháp chỉ phê chuẩn thỏa thuận bảo hộ đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đang tăng tốc đàm phán nếu Bắc Kinh cam kết phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cấm cưỡng bách lao động.

Trong bối cảnh Bruxelles và Bắc Kinh hy vọng đạt được hiệp định về đầu tư trước cuối năm nay sau 7 năm đàm phán, Paris đặt ra một số điều kiện được gọi là « làn ranh đỏ ».

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde ngày 23/12/2020, bộ trưởng đặc trách Ngoại Thương, Franck Riester cho biết : "Để nước Pháp ủng hộ thỏa thuận này, Trung Quốc phải cam kết một cách rõ ràng về phát triển bền vững. Bắc Kinh đã cam kết  tôn trọng hiệp định khí hậu Paris. Trái lại, chúng ta chưa đòi được Trung Quốc hứa hẹn đầy đủ là sẽ phê chuẩn công ước cơ bản của OIT, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế  nhất là các điều khoản liên quan đến cưỡng chế lao động".

Theo bộ trưởng Ngoại Thương Pháp, « làn ranh đỏ » của Paris rất rõ: Bắc Kinh phải phê chuẩn các công ước mà Pháp rất gắn bó và Bắc Kinh phải cam kết trong thỏa thuận đầu tư là sẽ tôn trọng thi hành.

« Làn ranh đỏ » ám chỉ tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ cũng như một số sắc dân thiểu số khác theo đạo Hồi ở Tân Cương bị Trung Quốc áp bức.

Một bản báo cáo công bố ngày 15/12/2020 thẩm định có ít nhất 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng chế lao động trong các đồn điền trồng bông vải. Hai ngày sau, Nghị Viện Châu Âu, với đa số phiếu áp đảo (640 thuận/ 20 chống) lên án Trung Quốc phạm tội ác chống nhân loại và yêu cầu chấm dứt chính sách cưỡng bách lao động người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kirghistan.

Theo AFP, thứ Hai vừa qua, trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, phía Liên Hiệp Châu Âu nêu lên vấn đề nhân quyền, yêu cầu Bắc Kinh trả tự do « tức khắc » nữ luật sư nhân quyền Lý Dục Hàm ( Li Yu Han) và nhiều tù nhân chính trị khác.

Nhân quyền: Pháp đặt điều kiện ủng hộ thỏa thuận đầu tư châu Âu-Trung Quốc (rfi.fr)

Trung Quốc nhân quyền : Bruxelles yêu cầu Bắc Kinh thả tất cả phóng viên bị giam

Ảnh minh họa: Ấn bản báo Apple Daily; tờ báo đang bị Bắc Kinh trấn áp mạnh ở Hồng Kông.
Ảnh minh họa: Ấn bản báo Apple Daily; tờ báo đang bị Bắc Kinh trấn áp mạnh ở Hồng Kông. AP - Vincent Yu
Tú Anh
3 phút

Tiếp theo vụ một nhân viên người Trung Quốc của hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg bị bắt, Liên Hiệp Châu Âu thúc giục Bắc Kinh trả tự do cho tất cả nhà báo bị giam tại Hoa Lục vì hành nghề báo chí. Haze Fan, tên thật là Phạm Nhược Y bị cảnh sát thường phục dẫn đi cách nay một tuần.

Bloomberg cho biết nữ cộng sự viên Phạm Nhược Y bị bắt ở tại nhà riêng hôm thứ Hai ở Bắc Kinh và đến thứ Năm hãng tin được chính quyền xác nhận vụ bắt giam này. Lý do là « bị tình nghi tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia ». Tội danh này có thể làm nhà báo Haze Fan (Phạm Nhược Y) lãnh án tù nhiều năm. Bloomberg rất lo ngại cho cộng sự viên của mình và cho biết cố gắng tìm hiểu thêm thông tin.

Liên Hiệp Châu Âu trong phản ứng đầu tiên, yêu cầu Bắc Kinh cho phép Phạm Nhược Y được tiếp cận với luật sư theo ý riêng, gặp gia đình và hỗ trợ y khoa nếu có nhu cầu.

Trước tình trạng nhiều nhà báo nước ngoài và Trung Quốc bị bắt trong thời gian qua, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Bắc Kinh « thả ngay tức khắc những người bị bắt vì có liên hệ đến công việc nhà báo ». Tuyên bố của phát ngôn viên Liên Hiệp Châu Âu được AFP trích dẫn không quên « những phóng viên khác hay công dân Trung Quốc bị mất tích trong năm nay hoặc bị bắt, bị sách nhiễu vì hoạt động thông tin ».

Trước Phạm Nhược Y, một nữ phóng viên Úc gốc Trung Quốc, bà Thành Lôi (Chang Lei) của đài truyền hình Trung Quốc CGTN bị bắt giam từ tháng 9 đến nay cũng với cáo buộc « vi phạm an ninh quốc gia ». Tiếp theo, hai nhà báo Úc khác phải bay về nước sau khi bị an ninh Hoa Lục tra hỏi về trường hợp của Thành Lôi.

Trung Quốc nhân quyền : Bruxelles yêu cầu Bắc Kinh thả tất cả phóng viên bị giam (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten