Covid-19 : Biến thể virus không làm bệnh nặng thêm hay ảnh hưởng đến vac-xin
Đăng ngày:
Biến thể virus corona phát hiện ở Anh được cho là có đặc tính lây lan mạnh hơn chủng cũ. Nước Anh cũng như phần còn lại châu Âu hoang mang thực sự. Phát hiện mới quả thực đáng lo ngại, nhưng không có tác động gì đến hiệu quả của vac-xin, hay làm bệnh thêm nặng theo đánh giá của giới chuyên gia châu Âu.
Việc phát hiện biến thể mới của Covid-19 đã khiến cho một loạt các nước châu Âu từ hôm Chủ Nhật quyết định cách ly với nước Anh. Theo cố vấn khoa học của chính phủ Anh, Patrick Vallance, chủng virus mới lây lan nhanh hơn, dẫn đến tính trạng số lượng bệnh nhân nhập viện tăng rất cao trong tháng 12. Tuy nhiên, các chuyên gia của châu Âu đều có chung đánh giá, chủng mới virus xuất hiện không có ảnh hưởng gì tới vac-xin phòng Covid-19. Đó là phát triển thích ứng thông thường của virus để tồn tại.
Giáo sư Michel Goldman khoa miễn dịch Đại học tự do của Bỉ chia sẻ nhận định của giới chuyên môn châu Âu trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24.
*
Vương Quốc Anh khẳng định một biến thể mới của Covid-19 đã xuất hiện ngay từ hồi tháng 9. Cho đến giờ virus có khả năng tiếp tục đột biến nữa không ?
Michel Goldman : Virus corona đã đột biến nhiều từ khi xuất hiện ở Trung Quốc cách đây 1 năm. Các nhà khoa học Trung Quốc thống kê được là đến tháng 4 vừa rồi đã có tới ba chục biến thể. Đến giờ, người ta đã thống kê được nhiều hơn thế nữa. Một số đột biến bị nghi là làm tăng khả năng lây lan của virus. Trong khi lây lan từ Trung Quốc sang châu Âu virus cũng đã biến thể.
Đó là cách thích nghi hoàn toàn tự nhiên : Các virus đều mang vật liệu di truyền có thể được biến đổi khi phản ứng với môi trường sinh tồn. Nói một cách khác, đột biến là làm thay đổi chiếc chìa khóa mà virus dùng để đi vào tế bào. Các biến thể virus chủng mới chủ yếu là những virus mạnh, có khả năng né tránh được phản ứng của hệ miễn dịch.
Những chủng mới như vậy hẳn sẽ làm gia tăng mức độ nguy hiểm của virus ?
Michel Goldman :Hoàn toàn không ! Đa phần các đột biến đều lành, tức là nó không làm thay đổi đặc tính nguy hiểm của virus, mức độ lây truyền hay phản ứng của hệ miễn dịch. Trong trường hợp ở nước Anh, các nhà khoa học đánh giá, đột biến Covid -19 làm tăng khả năng lây truyền của virus lên từ 40% đến 70%. Cho đến giờ, không có điều gì cho thấy bệnh dịch này trở nên nặng hơn mà trái lại nó chỉ xuất hiện nhanh hơn.
Phát hiện biến thể mới virus như vậy có thể sẽ gây thêm lo lắng, trong bối cảnh đã rất đáng lo ngại….
Michel Goldman : Đúng thế, cần phải hiểu thế này : Ta không thể nói rằng chẳng có lý do gì phải lo lắng trong khi cùng lúc người ta lại đóng của biên giới với Anh Quốc. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, chưa đến mức phải báo động, chỉ nên thận trọng mà thôi. Trước tiên chúng ta cần phải xem xét kỹ ý kiến của các nhà khoa học. Liệu chủng virus mới này có thể lý giải cho việc chúng ta không thể phá vỡ được dây chuyền lây lan của virus ? Phải chăng các biện pháp phòng ngừa áp dụng chưa đầy đủ ? Những câu hỏi như vậy hiện hoàn toàn là chính đáng khi mà đà lây lan virus vẫn không thuyên giảm ở Pháp cũng như ở nhiều nước châu Âu.
Các vac-xin có được bào chế để chuẩn bị đáp lại những đột biến như thế này ?
Michel Goldman : Khi phát triển bào chế vac-xin, người ta nhằm vào phần hoạt động tích cực nhất của virus. Người ta chuẩn bị các phản ứng tự vệ đối với những nhân tố truyền nhiễm, đồng thời giám sát sao các nhân tố đó không bị đột biến lớn. Nói chung người ta không thể dự tính trước mọi đột biến.
Thích nghi với biến thể mới của virus là một tiến trình được cải thiện dần cùng với thời gian. Ta đã thấy điều này với virus cúm chẳng hạn. Mỗi năm người ta lại thích ứng thêm cho vac-xin phòng cúm để bảo vệ tốt hơn cơ thể. Trong bối cảnh đại dịch, thời gian lịch trình chắc hẳn sẽ được đẩy nhanh. Nếu như ta đã có thể triển khai nhiều loại vac-xin chỉ trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi phát hiện ra Covid-19, ta có thể nghĩ rằng các phòng thí nghiệm sẽ thích nghi được sản phẩm của họ nhanh hơn trong trường hợp có đột biến đáng ngại. Nhưng hiện giờ chưa cần thiết phải hành động như vậy.
Trước hết chúng ta cần chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng. Việc tổ chức đang đươc triển khai ở châu Âu. Các cơ quan y tế của châu Âu phải điều phối tốt nhất chiến dịch tiêm chủng của các nước châu Âu trước đã. Vấn đề thích nghi hay không các loại vac-xin ngừa Covid-19, nếu có, thì cũng là sau.
Trước thực tế biến thể mới của virus cần phải có thái độ thế nào ?
Michel Goldman : Tôi cho rằng trước hết cũng phải lo lắng. Ở trong trường hợp này, virus biến thể thực sự lây nhiễm mạnh hơn thì phải tôn trọng các biện pháp vệ sinh y tế, các động tác phòng ngừa vẫn là điều cốt yếu. Virus giờ đây có thể lây đến cả những người thận trọng nhất, hay được bảo vệ tốt nhất như tổng thống Pháp chẳng hạn.
Chúng ta cần phải triển khai nhanh nhất các loại vac-xin và phải đạt được tỷ lệ lớn người tiêm chủng trong dân chúng. Đó là rào cản tốt nhất để chặn đà lây truyền virus đồng thời cũng là để ngăn không để thấy virus trở nên nguy hiểm qua các đột biến.
Cuối cùng, ngay cả khi chiến lược tiêm chủng theo 3 giai đoạn của các nước – Người cao tuổi rồi đến nhân viên y tế trước khi đến phần còn lại của dân chúng- tỏ ra xác đáng. Nhưng cũng không nên quên nguy cơ còn có thể ở những đối tượng trẻ tuổi.
(Nguồn: France24.com)
Covid-19 : Biến thể virus không làm bệnh nặng thêm hay ảnh hưởng đến vac-xin (rfi.fr)
Covid-19: Liên Âu sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào Chủ Nhật
Đăng ngày:
Sau khi được cơ quan dược phẩm châu Âu bật đèn xanh vào hôm qua, 21/12/2020, cho việc sử dung vac-xin của Pfizer&BioNTech trên toàn lãnh thổ Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu cho biết là chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu vào Chủ Nhật 27/12 một cách có phối hợp tại 27 quốc gia thành viên.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận là tất cả các nước đều sẽ nhận được vac-xin như nhau.
Ủy Ban Châu Âu cho biết sẽ phối hợp với các nước thành viên và hãng BioNTech để cố gắng làm sao cho các liều đầu tiên được giao vào ngày 26/12, sau đó tiếp tục trong suốt tháng 12 và những tháng tới, để đạt mức 200 triệu liều đã phân phối vào tháng 9/2021.
Chính phủ Pháp tối qua thông báo muốn khởi động chiến dịch tiêm ngừa vào ngày cuối tuần, tương tự như Đức và Tây Ban Nha, trong khuôn khổ hành động phối hợp chung của châu Âu.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Pháp Gabriel Attal và bộ trưởng y tế Olivier Veran xác nhận là những liều vac-xin đầu tiên sẽ được tiêm ngay ngay đầu tiên của chiến dịch chích ngừa có quy mô lớn chưa từng thấy. Những liều vac-xin đầu tiên sẽ được giao vào tuần này.
Trong một tin nhắn Twitter, thủ tướng Pháp nói thêm là chiến dịch tiêm chủng bắt đầu ở 27 nước Liên Âu trong những ngày 27, 28, và 29/12.
Pháp xuống gần đến ngưỡng 5000 ca lây nhiễm mỗi ngày
Theo cơ quan y tế Pháp, số lượng người mới bị nhiễm virus đã giảm vào hôm qua, 21/12, xuống còn 5.797 ca trong 24 tiếng đồng hồ. Đây là một kết quả đáng khích lệ so với Chủ Nhật khi vẫn còn đến 12.799 ca nhiễm mới và thứ Bảy là 17.565 ca.
Số người nằm viện tuy nhiên vẫn rất cao - 25.201 bệnh nhân - và số tử vong tại bệnh viện trong 24 tiếng đồng hồ cũng lên đến là 354 ca, đưa tổng số người chết tại Pháp từ đầu mùa dich lên 60.900 người.
Giới y tế Pháp đang lo ngại là những ngày lễ cuối nãm sẽ khiến số ca lây nhiễm bùng lên trở lại.
Covid-19: Liên Âu sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào Chủ Nhật (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten