- https://www.bbc.com/vietnamese/live/world-54858206
Ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, đám đông xuống đường ăn mừng chiến thắng của Joe Biden và Kamala Harris.
Tổng thống Trump một lần nữa lại lên Twitter lên tiếng về chiến thắng của đối thủ.
Ông đăng lại một số cáo buộc không chính xác về cuộc bầu cử, khiến Twitter lại đưa một cảnh báo về thông điệp của ông.
Ông cáo buộc rằng "những người quan sát không được vào phòng kiểm phiếu," nhưng đây là không đúng sự thật. Các quan sát viên từ cả hai đảng đều được phép vào bên trong khu vực kiểm phiếu.
Ông nói thêm rằng "những điều tồi tệ đã xảy ra mà quan sát viên của chúng tôi không được phép thấy," mặc dù một số luật sư của ông trước đó đã xác nhận họ có mặt ở nơi kiểm phiếu.
Hiện không có bằng chứng gì cho thấy có gian lận bầu cử. Các quan chức phụ trách bầu cử trên nhiều tiểu bang nói rằng quá trình bầu cử diễn ra suôn sẻ.
Vị tổng thống nói thêm ông được nhiều phiếu nhất trong số tất cả các tổng thống đương nhiệm ra tranh cử - điều này là chính xác. Ông theo sát ông Biden, người phá kỷ lục đạt được nhiều phiếu bầu nhất trong lịch sử.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt vài tiếng sau khi nước Mỹ có kết quả bầu cử Tổng thống 2020 tại bang Pennsylvania, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà nghiên cứu chính trị học, nói:
"Việc tới đây mà nước Mỹ có một nữ Phó Tổng thống đầu tiên, mà lại xuất phát từ thành phần sắc dân thiểu số, thể hiện một đà thay đổi tiến bộ xã hội.
"Đa thay đổi tiến bộ này đã có chuyển động và cội nguồn từ lâu và tất nhiên hôm nay nó dẫn tới chuyện này.
"Lý do là bởi vì phụ nữ bây giờ ngày càng đông hơn và có sức mạnh kinh tế ngày càng củng cố hơn, so với nam giới và so với trước kia.
"Những thành phần nam giới ủng hộ ông Donald Trump là những người mà đa phần trong số đó thấy họ bị mất đi quyền lực truyền thống nên họ bực bội và do đó nhiều người đã ủng hộ ông Trump một cách vô tội vạ.
"Thế nhưng đà tiến triển của xã hội Mỹ cho thấy các nhóm thành phần thiểu số, hay nói đúng hơn là các dân tộc gia màu và cả nhóm phụ nữ sẽ càng ngày càng có vai trò trong xã hội của Mỹ, và đó là một điều đáng mừng qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 năm nay."
Trong bốn năm Donald Trump làm tổng thống, quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới đã thay đổi sâu sắc.
Dưới đây, các phóng viên thường trú của BBC giải thích một nhiệm kỳ của ông Biden có ý nghĩa thế nào với Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc
Chiến thắng của ông Joe Biden đặt ra một thách thức mới cho Trung Quốc, phóng viên John Sudworth viết từ Bắc Kinh
Bạn có thể cho rằng Bắc Kinh sẽ mừng khi không còn thấy Donald Trump. Như người đập Trung Quốc hàng đầu, ông gây chiến tranh thương mại, áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng và lên án Trung Quốc đã gây ra dịch virus corona.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng lãnh đạo Trung Quốc có thể đang âm thầm thất vọng lúc này. Không phải bởi vì họ yêu mến ông Trump, mà vì viễn cảnh ông Trump trong Nhà Trắng thêm bốn năm nữa hứa hẹn một phần thưởng lớn hơn. Chia rẽ trong nước, bị cô lập ở nước ngoài - ông Trump đối với Bắc Kinh dường như là hiện hình của quyền lực Mỹ suy giảm mà Trung Quốc hy vọng và mong đợi lâu nay.
Tất nhiên, Trung Quốc có thể tìm được lợi thế trong việc ông Joe Biden sẵn sàng tìm kiếm hợp tác trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu. Nhưng ông cũng hứa hẹn sẽ làm việc để sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh Mỹ, điều có thể chứng tỏ là hữu hiệu hơn nhiều trong việc kiềm chế tham vọng quyền lực của Trung Quốc so với cách làm một mình một kiểu của Trump.
Nga
Một chính quyền Mỹ dễ đoán hơn có thể là "điều may" cho Nga nếu Biden thắng, phóng viên Steven Rosenberg viết từ Moscow.
Điện Kremlin có khả năng nghe ngóng rất nhạy. Vậy nên khi Joe Biden gần đây gọi Nga là "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ, họ nghe câu đó rất rõ ở Moscow.
Điện Kremlin cũng có trí nhớ rất tốt. Năm 2011, Phó tổng thống Joe Biden được cho là từng nói nếu ông là Putin, ông sẽ chẳng tranh cử tổng thống lần nữa. Điều đó sẽ rất tồi tệ cho cả ông [Putin] và nước Nga. Tổng thống Putin vẫn chưa quên vụ đó.
Moscow lo ngại một nhiệm kỳ của ông Biden có nghĩa sẽ có thêm áp lực và trừng phạt từ Washington. Với một người theo đảng Dân chủ trong Nhà Trắng, có thể sẽ đến lúc trả thù cho sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ 2016?
Nhưng với điện Kremlin, cũng có thể có cái may. Các nhà quan sát tình hình Nga dự đoán chính quyền Biden cuối cùng sẽ dễ đoán được hơn đội của Trump. Điều đó có thể khiến việc đạt được thỏa thuận về những vấn đề cấp bách trở nên dễ dàng hơn, như hiệp ước New Start [Khởi đầu Mới] - một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân Mỹ - Nga sắp hết hạn vào tháng Hai tới.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 06/11/2020 từ tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ, nhà hoạt động chính trị và đảng viên đảng Cộng Hòa nói:
"Theo những gì tôi biết, khi có những con số thống kê đầy đủ về phiếu bầu sau khi tất cả các tiểu bang đã đếm xong và các con số được xác nhận, công nhận kết quả, thì ban lãnh đạo đảng Cộng hòa từ cấp Hạ Viện sang đến Thượng Viện sẽ có những động thái thúc đẩy để cho ông Donald Trump chịu chấp nhận kết quả.
"Lý do là bởi vì nếu nó kéo dài hơn thì nó sẽ không có lợi cho đảng Cộng hòa nữa và đồng thời thì đảng này cũng biết là nó cũng sẽ không có tốt cho xã hội dân chủ và nền dân chủ của Mỹ luôn."
(Hình minh hoạ: Ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ trong một lần trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN từ trước)
Bắt đầu xuất hiện một số phản ứng từ mốt số nhân vật cao cấp của đảng Cộng hòa trước tin ông Biden được dự báo thắng cử
Chủ tịch Đảng Công hòa bà Ronna McDaniel viết trên Twitter rằng "truyền thông không quyết định ai thắng cử, các cử tri mới là người quyết định." Bà nói rằng bất kỳ "điều tra nào về những điều bất thường hay gian lận" cần có thời gian để "làm rõ".
TT Trump đã cáo buộc cuộc bầu cử đầy gian lận nhưng chưa đưa ra bằng chứng nào. Trước đó, một quan chức hàng đầu của ủy ban bầu cử nói hiện không có bằng chứng nòa cho thấy "bất kỳ kiểu gian lận phiếu bầu nào".
Trong khi đó, TNS Cộng hòa Mitt Romney, một người chỉ trích ông Trump, đã chúc mừng ông Biden và bà Harris.
Ông nói ông và vợ ông "cùng biết hai người là những người có thiện chí và có tính cách đáng ngưỡng mộ."
Một số bạn vừa chia sẻ lại bản tin báo VN đăng hồi tháng 8/2015 viết rằng "tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về quan hệ Mỹ-Việt Nam: "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Buổi chiêu đãi tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội có 250 đại biểu, gồm nhiều chính khách, quan chức, đại diện các tổ chức xã hội, doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam tham dự, theo các báo chính thống của nước này.
Thủ tướng Angela Merkel nói về quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Đức với Hoa Kỳ là "không thể thay thế", và muốn cùng ông "vượt qua thử thách của thời đại".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chúc mừng trên Twitter và nói với ông Biden "Chúng ta có rất nhiều thách thức hôm nay. Hãy làm việc cùng nhau".
Báo Nhật Bản, tờ Japan Times trong bài về tin thắng cử của ông Joe Biden đã nhận xét:
"Việc ông Trump không ngừng coi thường đe dọa của virus corona và thậm chí khinh thường những biện pháp tối thiểu của y tế cộng đồng nhằm ngăn Covid lây lan, đã biến việc đeo khẩu trang thành vấn đề chính trị. Với cử tri Mỹ, hình ảnh ông Trump cùng vợ và con trai út bị nhiễm virus Covid-19 đầu tháng 10 đã là điểm nhấn về sự thất bại của ông trong việc bảo vệ quốc dân..."
"Sự phục hồi (quyền lực) của ông Biden khiến Bắc Kinh vui sướng"
[Tại Mỹ] không thiếu quan chức, công ty và các hãng tại Wall Street rất nóng lòng muốn quay trở lại thời kỳ Mỹ có chính sách mềm nhũn (softly-softly) với Trung Quốc.
"Dù người ta cứ nói “cứng rắn với Trung Quốc nay là chủ đề của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, tôi không hề thấy một mảnh bằng chứng rằng khái niệm đó có nghĩa cho nhóm xung quanh Biden giống như cho nhóm của Trump”.
Ông Boris Johnson nhắn trên Twitter lời Chúc mừng tới "Joe Biden về chiến thắng lên làm tổng thống Hoa Kỳ và bà Kamala Harris về thành tích mang tính lịch sử".
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump mang cờ và hình ông tại
Philadelphia, Pennsylvania, và ảnh khác có cảnh người ủng hộ ông Biden.
Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ có bài diễn văn đọc tại tổng hành dinh của Bộ tham mưu tranh cử Đảng Dân chủ Mỹ ở Wilmington, Delaware vào lúc 20 giờ tối giờ địa phương (01:00 GMT).
Ông sẽ xuất hiện cùng vợ, bà Jill Biden.
Bà Phó tổng thống tân cử Kamala Harris cùng chồng Doug Emhoff cũng sẽ có mặt nhưng không rõ là bà có phát biểu gì không.
Kim Nguyễn Ensico:
'Giây phút vĩ đại trong lịch sử Hoa Kỳ, người phụ nữ đầu tiên bước vào toà Bạch Ốc là phó tổng thống, mở một trang sử mới cho tương lai...!!!'
Geen opmerkingen:
Een reactie posten