Đối sách Trung Quốc của Joe Biden: Ác mộng cho Bắc Kinh?
Đăng ngày:
Tiêu điểm thời sự không thể bỏ qua trong tuần dĩ nhiên là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 với kết quả cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Bên cạnh đó, đà hoành hành càng lúc càng dữ dội của dịch Covid-19 cũng là một chủ đề không kém phần quan trong. Trong tạp chí Thế Giới Đó Đây hôm nay, sau khi điểm qua một số sự kiện nổi bật trong cuộc bầu cử Mỹ, RFI sẽ tìm hiểu thêm về một số tác hại từ Âu sang Á mà con virus corona đang gây ra.Kỷ lục về phiếu bầu từ 120 năm nay
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 này quả thực là gay cấn và hồi hộp cho đến giờ phút cuối. Tuy nhiên có một thực tế mà không ai có thể tranh cãi là người dân Mỹ xứng đáng được vinh danh, với một tỷ lệ đi bầu cao ngất ngưởng.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 06/11/2020, nếu tính theo tỷ lệ so với dân số, thì từ năm 1900 đến nay, chưa bao giờ người Mỹ lại đi bầu đông như vậy, với tỷ lệ cử tri tham gia lên đến 66,9%, tăng vọt so với 59,2% so với lần bầu cử năm 2016. Về số liệu tuyệt đối thì đã có khoảng 160 triệu cử tri Mỹ tham gia bầu cử lần này dưới hai hình thức trực tiếp đến phòng phiếu, hay bầu qua bưu điện.
Về phần ứng cử viên đảng Dân Chủ, ông Joe Biden đã vượt xa kỷ lục số phiếu mà một ứng viên tổng thống giành được mà cựu tổng thống Barack Obama từng nắm giữ.
Theo thống kê của nhật báo Mỹ The New York Times, tính đến 9.00 giờ sáng 06/11, ông Biden đã nhận được hơn 73,8 triệu phiếu bầu, vượt qua kỷ lục 69,5 triệu phiếu mà tổng thống Obama thiết lập vào năm 2008 khi ông tranh đua với đối thủ John McCain.
Về phía đối diện, tổng thống Trump cũng phá kỷ lục của ông Obama, với hơn 69,6 triệu phiếu, một con số cũng tăng vọt so với 65,8 triệu mà ông giành được vào năm 2016.
Bắc Kinh bắn tin muốn hòa hoãn với Washington
Vào lúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tiến dần đến giai đoạn ngã ngũ, với ông Biden chiếm thượng phong, ngày 05/11, một cách gián tiếp, Bắc Kinh đã bày tỏ hy vọng là quan hệ với Mỹ sẽ bớt căng thẳng.
Trong một tin nhắn Twitter, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ báo diều hâu Global Times của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn của một người được ông mệnh danh là một cư dân mạng “thông minh” cho rằng ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ có thể "bình thường hóa" quan hệ Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, với ông Biden, chưa chắc là một chính quyền Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc. Đây chính là ý kiến trong một phân tích ngày 29/10 vừa qua trên mạng thông tin Mỹ Axios, cho rằng ông Joe Biden sẽ đối đầu với Trung Quốc ở mọi nơi trên thế giới, tiếp tục thực hiện một mục tiêu của tổng thống Trump nhưng với phương cách khác.
Về đại thể, Axios ghi nhận là khi khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã thay đổi về cơ bản mối quan hệ Mỹ-Trung - và buộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ phải chấp nhận một cách tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ bị cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Ông Biden hầu như đã chấp nhận đi theo sự đồng thuận mới đó, nhưng khẳng định rằng ông sẽ thách thức Trung Quốc một cách hiệu quả hơn khi phối hợp hành động với các đồng minh, thay vì đơn thương độc mã.
Theo Jeffrey Prescott, một cố vấn của ông Biden, việc ông Biden phối hợp với đồng minh là điều sẽ khiến Trung Quốc lo lắng.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Biden đã gọi chủ tịch Tập Cận Bình là một kẻ “côn đồ”, trong lúc các cộng sự viên của ông đã cáo buộc Trung Quốc “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một thuật ngữ mà chính quyền Trump đã tránh sử dụng.
Thậm chí, theo Axios, ông Biden còn chỉ trích ông Trump là “tổng thống Mỹ đầu tiên trong ba thập kỷ đã không tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma”. Ứng cử viên đảng Dân Chủ còn cam kết là sẽ gặp lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng với tư cách là tổng thống.
Riêng về Biển Đông, bà Michèle Flournoy, một người nhiều triển vọng lên nắm Lầu Năm Góc, hồi tháng 6 vừa qua đã cho rằng Mỹ nên trang bị khả năng “đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ”.
Về phía ông Biden, trong cuộc tranh luận truyền hình với ông Trump tại Nashville (bang Tennessee) ngày 22/10 vừa qua, ông tuyên bố sẵn sàng điều oanh tạc cơ B-52 của Mỹ xẻ dọc Biển Đông nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên khu vực.
Nhìn chung, theo Axios, “nếu ông Trump nhìn Trung Quốc chủ yếu qua lăng kính thương mại và virus corona, thì Biden coi mối quan hệ này như một cuộc cạnh tranh nhiều mặt, từ công nghệ, quân sự, kinh tế, cho đến ý thức hệ và ngoại giao, có tác dụng quyết định trật tự quốc tế trong nhiều thế hệ.
Covid-19 đẩy Indonesia vào suy thoái
Về dịch Covid-19, trong tuần sự kiện đáng chú ý nhất tại Đông Nam Á liên quan đến Indonesia, nước đông dân thứ 4 trên thế giới, đã chính thức bước vào suy thoái. Nguyên nhân cũng dễ hiểu: Với 493.139 ca nhiễm được xác nhận và 14.442 người chết tính đến hết ngày 06/11, Indonesia là nước bị Covid-19 tác hại nặng nề nhất Đông Nam Á.
Theo thống kê chính thức công bố ngày 05/11, GDP của Indonesia đã bị giảm 3,49% trong quý III, sau khi tuột giảm 5,3% trong quý II trước đó, và như vậy kinh tế nước này bị coi là đã lâm vào suy thoái.
Tổng thống Joko Widodo đã chứng kiến kinh tế của mình đi xuống trong sáu tháng qua. Tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 3,49% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 5,3% trong quý 2.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI tại Đông Nam Á, Gabrielle Maréchaux, giải thích thêm về điều được cho là thất bại trong chính sách chống dịch của tổng thống Indonesia:
Các hành động của tổng thống Indonesia nhằm ngăn không cho nền kinh tế của đất nước bị Covid-19 tác hại quá nhiều đã bị thực tế chứng minh là chưa đủ. Ông đã từ chối không áp dụng biên pháp phong tỏa để khỏi phải dừng các hoạt động kinh tế, ông đã cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể để cho phép người Indonesia mua vé máy bay và khuyến khích họ du lịch trong nước… Thế nhưng virus corona rốt cuộc cũng đã đánh gục nền kinh tế nước này.
Và chính những kế hoạch của ông Joko Widodo đã tan thành mây khói. Ông được bầu với lời hứa sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ trung bình hàng năm là 5% của nhiệm kỳ trước, bất chấp một số thiên tai.
Ngày nay, tình trạng suy thoái kinh tế cũng gợi lại những ký ức tồi tệ cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, vì lần cuối cùng đất nước này trải qua kịch bản như vậy là vào năm 1998, năm nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt được thực hiện vào thời điểm đó, đã khiến 5 triệu trẻ em phải nghỉ học và cuộc khủng hoảng xã hội đã dẫn đến sự cáo chung của chế độ độc tài Suharto.
Trung Quốc bế quan tỏa cảng chống Covid-19 “hồi hương”
Riêng tại Trung Quốc, là nước từng lớn tiếng đả kích việc đóng cửa biên giới với người Trung Quốc khi dịch bệnh Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán, trong tuần, Bắc Kinh đã loan báo quyết đinh tạm thời cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ Bỉ, Anh Quốc, Ấn Độ và Philippines, một danh sách có thể dài thêm.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde, giới chức Trung Quốc đã biện minh rằng việc ngưng cấp visa là một biện pháp tạm thời bắt nguồn từ tình hình dịch bệnh hiện nay:
Trung Quốc, nơi xuất xứ của dịch Covid-19 vào mùa đông năm ngoái, dù đã ngăn chặn được đà lây nhiễm của virus corona trên lãnh thổ của mình, nhưng vẫn không ngơi cảnh giác.
Tại các phi trường Trung Quốc, các viên chức bộ phận xuất nhập cảnh trong trang phục bảo hộ y tế hiện diện ngay tại đường băng ở chân di dân mặc y phục bảo hộ đứng ngay ở đường bay (tarmac), hành khách vừa xuống máy bay có khả năng bị cách ly bắt buộc và một cách nghiêm ngặt tại những khách sạn được chỉ định, các xét nghiêm PCR được thực hiện cho mỗi người trước phi cơ cất cánh và ngay sau khi máy bay hạ cánh.
Trung Quốc quả là đã biến thành một quả bong bóng y tế và có ý định sẽ tiếp tục như vậy. Bắc Kinh rất lo ngại trước nguy cơ bị hàng loạt ca lây nhiễm ngoại nhập.
Trước việc dịch bệnh bùng phát trở lại, chính quyền Trung Quốc đã tái lập biện pháp tạm thời đình chỉ việc cấp thị thực, từng được áp dụng từ ngày 28/03 vừa qua và được bãi bỏ một phần vào mùa hè, kể cả đối với những người có giấy phép cư trú. Quyết định này chỉ áp dụng cho người nước ngoài - không áp dụng đối với công dân Trung Quốc - đến từ Bỉ, Anh Quốc, Ấn Độ và Philippines, nhưng danh sách có thể dài ra trong những ngày sắp tới.
42 đại sứ quán Trung Quốc, đặc biệt là ở 13 quốc gia Châu Âu, trong đó có Pháp, Đức và Ý, cũng như tại Hoa Kỳ, Nga, Brazil, Nam Phi, Ai Cặp hay Pakistan, đều đã thông báo là kể từ bây giờ, khách đến Trung Quốc phải làm hai xét nghiêm Covid-19 trong khoảng thời gian 48 tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay, một xét nghiêm PCR và một xét nghiệm huyết thanh.
Đối với Phòng Thương Mại Châu Âu ở Bắc Kinh, biện pháp này không khác gì việc “cấm bất kỳ ai trở lại Trung Quốc để làm việc hay gặp lại gia đình”. Còn các trang mạng xã hội thì lại rất hoan nghênh.
Các hạn chế nêu trên đã phát sinh tác dụng cùng với tình trạng ngành hàng không đã không hoạt động trở lại bình thường và việc visa nhập cảnh được cấp nhỏ giọt.
Một nhà xuất khẩu Châu Phi có trụ sở tại Nghĩa Ô (Yiwu), tỉnh Chiết Giang, miền nam Trung Quốc, cho biết: “Chúng tội đã không còn thấy doanh nhân nước ngoài tại đây. Giờ đây cả Trung Quốc đang bị phong tỏa.”
Ba Lan: Chính quyền lùi bước trên việc hạn chế quyền phá thai
Sau nhiều ngày phụ nữ biểu tình rầm rộ trên toàn quốc đòi lại quyền được phá thai đang bị chính quyền bảo thủ tìm cách hạn chế, chính phủ Ba Lan ngày 03/11 đã quyết định không công bố phán quyết của Tòa Án Hiến Pháp – nằm trong tay đảng cầm quyền - đã cấm phá thai trong trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng, trong khi Ba Lan đã có luật rất hạn chế về vấn đề này.
Theo thông tín viên RFI tại Vacxava Sarah Bakaloglou. đây là một bước lùi của chính phủ, nhưng rất có thể chỉ mang tính tạm thời:
Chỉ mới cách nay vài hôm, thủ tướng Ba Lan còn kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình “man rợ” đòi quyền phá thai, và lãnh đạo của đảng bảo thủ cực đoan đang cầm quyền, ông Jaroslaw Kaczyński, đã tố cáo một cuộc vận động quần chúng nhằm hủy hoại đất nước Ba Lan.
Nhưng bây giờ giọng điệu đã thay đổi, ít nhất là trên mặt chính thức. Quyết định cấm phá thai trong những trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng đã bị đình chỉ, và cơ quan hành pháp đang tìm cách thoát khỏi khủng hoảng.
Lý do là vì chính phủ Ba Lan đã không ngờ được là phong trào phản đối lại được ủng hộ mạnh mẽ như vậy. Và nhất là, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Công Lý và Pháp Luật đang cầm quyền đã mất mười điểm tín nhiệm trong dân chúng. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chưa bao giờ bị phản đối như vậy trong các cuộc thăm dò kể từ khi nhậm chức, trong lúc đa số người Ba Lan ủng hộ phong trào chống lệnh cấm phá thai hiện nay.
Điều cần phải xem là chính phủ sẽ áp dụng chiến lược gì. Những người biểu tình từ chối bất kỳ thỏa hiệp nào và kêu gọi tiếp tục xuống đường, trong khi những người bảo thủ hơn trong đảng cầm quyền và trong liên minh thì lại muốn là quyết định của Tòa Án Hiến Pháp rốt cuộc phải được công bố.
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20201107-%C4%91%E1%BB%91i-s%C3%A1ch-trung-qu%E1%BB%91c-c%E1%BB%A7a-joe-biden-%C3%A1c-m%E1%BB%99ng-cho-b%E1%BA%AFc-kinh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten