maandag 19 oktober 2020

Việt Nam, Nhật Bản đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ quốc phòng + Quan hệ Việt-Nhật và nguyên tắc « kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta »

 

Việt Nam, Nhật Bản đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ quốc phòng

Thủ tướng Nhật  Yoshihide Suga (T) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, Hà Nội, ngày 19/10/2020.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (T) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, Hà Nội, ngày 19/10/2020. AFP - NHAC NGUYEN
Thanh Phương
3 phút

Trong khuôn khổ chuyến công du tại Việt Nam, hôm nay, 19/10/2020, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hãng tin Reuters cho biết, theo thông báo của ông Suga, sau cuộc gặp này, hai bên đã « cơ bản » đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Reuters nhắc lại là từ năm 2014 Tokyo đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí ra nước ngoài để giúp củng cố tiềm lực quân sự của Nhật Bản và giảm bớt chi phí của các thiết bị quân sự sản xuất trong nước. Nhật Bản hiện đang đàm phán với Việt Nam, Indonesia và Thái Lan về các hiệp định bán vũ khí cho các nước này.

Không nói rõ chi tiết về thiết bị quân sự mà Nhật sẽ bán cho Việt nam, thủ tướng Suga đánh giá thỏa thuận về chuyển giao công nghệ là « một bước tiến lớn trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước ». Ông nói thêm : « Việt Nam, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược của Nhật Bản về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Suga, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết lãnh đạo hai nước đã « tái khẳng định  tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. »

Về mặt kinh tế, thủ tướng Suga thông báo là Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý hợp tác với nhau về việc phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, đạt được thoả thuận về việc bắt đầu áp dụng quy chế đi lại ngắn ngày và khởi động lại đường bay quốc tế hai chiều. Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản đang bị ảnh hưởng vì đại dịch.

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với trao đổi mậu dịch hai chiều năm nay đã lên đến 28,6 tỷ đôla. Nhật Bản cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, với tổng cộng 23 tỷ đôla trong năm 2019, chiếm hơn một phần tư vốn vay nước ngoài của Việt Nam.

Chuyến viếng thăm Việt Nam là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của thủ tướng Suga kể từ khi ông nhậm chức vào giữa tháng. Ông cũng là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi nước này đóng cửa biên giới để ngăn chận dịch Covid-19. Sau Việt Nam, ông sẽ đi thăm Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201019-vi%E1%BB%87t-nam-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BA%A1t-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-chuy%E1%BB%83n-giao-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng

Quan hệ Việt-Nhật và nguyên tắc « kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta »

Phần âm thanh 07:11

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (thứ hai từ trái qua) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyên Xuân Phúc trong chuyến thăm Việt Nam, Hà Nội, ngày 19/10/2020.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (thứ hai từ trái qua) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyên Xuân Phúc trong chuyến thăm Việt Nam, Hà Nội, ngày 19/10/2020. AP - Minh Hoang
Minh Anh
15 phút

Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 18/10/2020 đến Hà Nội, mở đầu vòng công du nước ngoài đầu tiên tại Đông Nam Á. Ông Suga Yoshihide là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên của một trong những nền kinh tế lớn đến thăm Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có từ bao giờ và đã đạt đến mức nào ? Đâu là những thách thức cho mối quan hệ song phương này ? Đến thăm Việt Nam và Indonesia, phải chăng Trung Quốc là đích ngắm chính của Nhật Bản ? Chuyên gia Đông Nam Á, David Camroux, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Quốc gia Hà Nội, trả lời các câu hỏi của RFI Tiếng Việt.

***

RFI Tiếng Việt : Thưa giáo sư, trước hết ông có thể nhắc lại sơ qua quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã được hình thành như thế nào ?

GS. David Camroux : Cần phải đặt mối quan hệ trong một quá trình lịch sử lâu dài. Những mối liên hệ đầu tiên được hình thành từ năm 1905, thời kỳ chiến tranh Nga – Nhật. Thất bại của một đế chế châu Âu trước một cường quốc châu Á đầu tiên đã mang lại nhiều cảm hứng cho các nhà nho có tư tưởng tiến bộ ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Sự việc đầu tiên là ông giáo nho Phan Châu Trinh đã cho mở một trường học tự do đầu tiên, Đông Kinh Nghĩa thục ở Bắc Kỳ vào khoảng năm 1906 dưới thời thực dân Pháp. Đây được xem như là trường dạy Tây học dành cho giới trẻ Việt Nam, dựa theo mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa thục, bây giờ là đại học Keio ở Tokyo. Cảm hứng này xuất hiện trong những làn sóng chống chủ nghĩa thực dân tại những nước thuộc địa châu Á.

Giai đoạn thứ hai là trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Việt Nam bị Nhật Bản chiếm đóng trong vòng hai năm. Nhưng trong suốt giai đoạn này, chính quyền thực dân Pháp thời Vichy vẫn cầm quyền. Khác với những nước Đông Nam Á khác, giai đoạn bị chiếm đóng này không để lại nhiều di hại sâu sắc. Ngược lại, sự hiện diện của người Nhật còn được xem như là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh hơn nữa cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam sau này.

Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ những năm 1980. Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ ông Yasuhiro Nakasone phát động làn sóng đầu tư tại Đông Nam Á. Tuy tại Việt Nam chưa có làn sóng này do các lệnh cấm vận, nhưng những sự việc này dẫn đến tình hình hiện nay.

Bởi vì đến năm 2019, Việt Nam qua mặt Thái Lan trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của Nhật Bản tại vùng Đông Nam Á. Làn sóng đầu tư này còn được xúc tiến nhanh hơn nữa trong giai đoạn đối đầu Mỹ - Trung hiện nay. Trong bối cảnh này, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều trước làn sóng di dời nhà xưởng từ Trung Quốc sang các nước khác của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, thủ tướng Suga đi theo bước chân người tiền nhiệm Shinzo Abe. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, 2006-2007, ông Abe đã ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam. Khi trở lại cầm quyền năm 2012, Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á mà ông Abe đến thăm. Có thể nói là tân thủ tướng Nhật Bản cũng đang đi theo cùng một đường lối với người tiền nhiệm khi ưu tiên quan hệ với Việt Nam.

Đâu là những thách thức cho mối quan hệ Nhật – Việt ? Hà Nội và Tokyo có lợi ích gì khi tăng cường các mối quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quân sự ?

GS. David Camroux : Thử thách đặt ra cho cả hai nước là đều có liên quan đến Trung Quốc. Đó chính là những nguyên tắc cơ bản của các mối quan hệ quốc tế hiện nay như những gì đang diễn ra với Bộ Tứ. Nguyên tắc đầu tiên là « Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta ». Thế nên, việc tăng cường các mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích hội tụ vừa cả cho Việt Nam lẫn Nhật Bản.

Đầu tiên hết là trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam mong muốn đa dạng hóa nguồn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam cũng muốn củng cố vị thế điểm xuất khẩu trung chuyển thay thế Trung Quốc. Chính vì điểm này Việt Nam rất cần đến các khoản đầu tư của Nhật Bản, cũng như là châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Kế đến là những lợi ích chiến lược. Vấn đề thật sự đặt ra cho vùng Đông Nam Á là khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông. Trong trường hợp này, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước trên tuyến đầu do có những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng như là giữa Trung Quốc với Việt Nam.

Hơn nữa, Bắc Kinh ngày càng có thái độ hung hăng, thậm chí là khiêu khích nữa trong các mối quan hệ với các nước láng giềng. Do vậy, việc thành lập một mặt trận chung chống Trung Quốc tại khu vực này là một điều có lợi cho cả Việt Nam và Nhật Bản.

Thưa ông, việc chọn Việt Nam và Indonesia là những điểm đến đầu tiên trong chuyến xuất ngoại lần đầu của ông Suga, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do ông Shinzo Abe vạch ra ?

GS. David Camroux : Hoàn toàn đúng vậy. Cả hai nước này là hai nền kinh tế quan trọng với Nhật Bản. Cũng giống như Việt Nam, Indonesia cũng được lợi nhiều từ các nguồn đầu tư Nhật Bản. Chính phủ Indonesia cũng có những chính sách giống như Việt Nam khi mong muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản cũng như là phương Tây. Có thể nói là Hà Nội và Jakarta gần như có cùng một quan điểm về Trung Quốc.

Tôi tin rằng có một sự tiếp nối trong cách tiếp cận của ông Suga về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, Indonesia – quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, có một vị thế không thể bỏ qua để có thể gây ảnh hưởng đối với toàn khối ASEAN.

Chính Indonesia là quốc gia đề xuất tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương cho ASEAN. Do vậy lợi thế của Nhật Bản ở đây là tầm nhìn này của ASEAN gần như hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Nhật Bản cũng như là của Việt Nam, vốn dĩ có những mối quan hệ hợp tác với các nước đối tác của Bộ Tứ - tức Diễn đàn an ninh không chính thức giữa ngoại trưởng bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Đúng là cho tới lúc này, Indonesia chưa bị tác động gì nhiều trước các hành động gây hấn của Trung Quốc. Dù vậy, người ta cũng thấy là tại quần đảo Natuna của Indonesia, các ngư dân Trung Quốc và tầu hải cảnh Trung Quốc cũng bắt đầu gây ra những căng thẳng như là những gì họ đã làm với Việt Nam.

Điều nghịch lý ở đây là người xúc tiến tích cực để hình thành nên một mặt trận chung chống Trung Quốc chính là ông Tập Cận Bình. Chính cách hành xử mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông đang giúp định hình, tuy chưa phải là một liên minh, mà là một thỏa thuận giữa các nước láng giềng lập một mặt trận chung nhằm chống lại ông khổng lồ phương Bắc hung hăng.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư David Camroux.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201019-viet-nam-nhat-ban-ngoai-giao-quan-he

Nhật thỏa hiệp chuyển giao trang bị quốc phòng cho Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhật Bản ký thỏa hiệp chuyển giao trang bị và kỹ thuật quốc phòng cho Việt Nam giữa lúc cả hai nước đang có những căng thẳng với Trung Quốc.

Tại Hà Nội hôm Thứ Hai, 19 Tháng Mười, Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga và Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, đạt thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh quốc phòng, báo chí quốc tế đưa tin.

Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga ở Hà Nội ngày 19 Tháng Mười, 2020. (Hình: Kham/POOL/AFP/Getty Images)

Chuyến công du đầu tiên của tân thủ tướng Nhật Bản kéo dài bốn ngày qua hai nước Việt Nam và Indonesia được giới phân tích thời sự coi như tăng cường hợp tác từ kinh tế tới an ninh quốc phòng, đối phó lại mưu đồ của Bắc Kinh, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Vị thế “Việt Nam rất quan trọng để đạt được tầm nhìn của một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và đối tác giá trị của chúng tôi.” Ông Suga nói với báo chí sau cuộc họp với ông Phúc.

“Nhật Bản là một nước ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nên sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình và ổn định tại khu vực này.”

Ông Suga cho hay Việt Nam nằm giữa khu vực nên nước này là nơi thăm thích hợp nhất cho chuyến công du hải ngoại đầu tiên của ông, tuy cả ông Suga và ông Phúc không hề nêu tên Trung Quốc trong cuộc họp báo. Ông Phúc nói rằng hòa bình và ổn định trên Biển Đông phải được bảo vệ bằng luật lệ, không phải bằng đơn phương sử dụng võ lực hay đe dọa.

“Việt Nam cảm ơn nước Nhật, một trong những cường quốc lãnh đạo thế giới, đã tích cực đóng góp để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này của thế giới,” lời ông Phúc trong cuộc họp báo.

Khi đến nói chuyện tại Đại Học Việt Nam-Nhật Bản, ông Suga nói rằng quan niệm của Nhật Bản về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng” và “triển vọng ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương” do các nước ASEAN đề ra năm 2019, chia sẻ giá trị của sự tôn trọng luật lệ, công khai, minh bạch và tự do. Ông bày tỏ hậu thuẫn mạnh mẽ cho ý tưởng đó và cho hay cả nước Nhật và ASEAN có thể đạt được một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

“Không may là ở khu vực này, có cái động thái trên Biển Đông đi ngược lại luật lệ và mở rộng như đã được xác định trong triển vọng ASEAN. Nhật mạnh mẽ chống lại bất cứ mưu đồ nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.” Lời ông Suga nói với sinh viên cho người ta hiểu ông ám chỉ tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc.

Nhật Bản đã ký thỏa hiệp chuyển giao trang bị quốc phòng với Mỹ, Anh Quốc, Malaysia và một số nước khác. Việt Nam là nước thứ 12 ký thỏa hiệp này và Nhật đang nhắm ký với Indonesia và Thái Lan. Dù vậy, Nhật mới chỉ bán một hệ thống radar cảnh giác trên không cho Philippines.

Người ta không thấy ông Suga hay phía Việt Nam nêu một chi tiết nào về thỏa hiệp an ninh quốc phòng mới ký giữa hai bên. Tuy nhiên, ông Suga mô tả thỏa hiệp là “bước tiến quan trọng” trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, và cho hay thêm ông dự trù các diễn tiến sẽ diễn ra. Thủ tướng tiền nhiệm Shinzo Abe đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí và chuyển giao kỹ thuật quân sự cho nước ngoài hồi năm 2014.

Tàu ngầm Shoryu của Nhật đến Cam Ranh lấy thêm “tiếp liệu” đầu tuần trước. (Hình: JMSDF)

Cách đây vài ngày, hãng tin Kyodo tiết lộ là Nhật sẽ cung cấp cho Việt Nam máy bay tuần tra và radar. Tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nhật tháp tùng Thủ Tướng Suga nói với báo chí trong một cuộc gặp gỡ riêng: “Tất cả những trang bị và kỹ thuật chuyển giao cho Việt Nam đều được sử dụng không bạo lực và đóng góp cho hòa bình khu vực.”

Tháng Bảy vừa qua, Nhật ký thỏa thuận cấp tín dụng đóng mới cho Việt Nam sáu tàu cảnh sát biển trị giá khoảng $350 triệu. Việc gọi thầu chọn công ty đóng tàu diễn ra năm tới và sau đó sẽ giao cho Việt Nam chiếc cuối cùng vào năm 2025.

Trong một bản tin của hãng Kyodo, tại Tokyo, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi nói với báo chí rằng Lực Lượng Phòng Vệ Biển của Nhật Bản sẽ tập trận chung với hải quân Mỹ và Úc hôm Thứ Hai trên Biển Đông.

Hiện đội tàu tác chiến đặc nhiệm của mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan đang hoạt động quanh quẩn trên Biển Đông trong khi nhóm tàu của Nhật cũng mới rời Cam Ranh giữa tuần trước. (TN) [kn]

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nhat-thoa-hiep-chuyen-giao-trang-bi-quoc-phong-cho-viet-nam/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten