vrijdag 11 september 2020

Việt Nam: 11 NGO kêu gọi LHQ lên tiếng để vụ Đồng Tâm được ‘‘xét xử công bằng’’ + Báo cáo vụ Đồng Tâm : "Những khuất tất của chính quyền Việt Nam"

 

Việt Nam: 11 NGO kêu gọi LHQ lên tiếng để vụ Đồng Tâm được ‘‘xét xử công bằng’’

Ảnh tư liệu: Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) tiếp xúc với dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 22/04/2017.
Ảnh tư liệu: Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) tiếp xúc với dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 22/04/2017. AFP - STR
Trọng Thành
6 phút

Ngày mai, 07/09/2020, một tòa án tại Hà Nội mở phiên xử « vụ án Đồng Tâm ». Vụ tranh chấp đất đai kết thúc bằng sự can thiệp của lực lượng an ninh. Bốn người chết trong cuộc can thiệp, gồm một dân làng và ba công an. Trong số 29 bị cáo, là dân làng, nhiều người bị truy tố với khung hình phạt tối đa tử hình. 11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước gửi thư ngỏ đến Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp để vụ án được « xét xử công bằng »

Theo truyền thông Hoa Kỳ, 11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, ngày 04/09/2020, công bố một bức thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Thư chung gửi đến bà Elisabeth Tichy-Fisslberger, chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ.

Những tổ chức ký tên vào thư chung nêu rõ: 29 dân làng Đồng Tâm chỉ vì cố gắng giữ đất chống lại việc chính quyền « cưỡng chiếm », mà bị bắt và sắp sửa bị đem ra xét xử vào ngày 7 tháng 9.

Các tổ chức ký tên vào thư chung kêu gọi bà chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam « xét xử công minh », phiên tòa mở công khai cho thân nhân, cũng như các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế và đại diện của Liên Hiệp Quốc. Bức thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh các bị cáo cần được đối xử công bằng theo đúng Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam tham gia.

Bức thư ngỏ lưu ý, theo điều 14 của Công ước ICCPR, « một phiên tòa công bằng đòi hỏi ‘‘thời gian và phương tiện thích hợp để chuẩn bị cho việc bào chữa và việc trao đổi với luật sư mà chính người phải ra tòa tự chọn’’ », thế nhưng « những quy định về thủ tục này đã liên tục bị vi phạm trong suốt quá trình tố tụng khiến cho những cáo buộc chống lại họ trở nên tùy tiện ». Thư ngỏ kêu gọi « cho phép các bị cáo được gặp luật sư, chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật, cũng như không hăm dọa luật sư ».

Trong số các tổ chức NGO ký tên vào thư ngỏ, có hai hiệp hội nhân quyền ACAT Pháp và ACAT Đức, chuyên cổ vũ cho việc thực thi Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do…

Vụ can thiệp bằng lực lượng an ninh tại xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, gây chấn động công luận Việt Nam.  Trong đêm 08, rạng sáng 09/01/2020, khoảng 3.000 cảnh sát cơ động bộ Công An bao vây ngôi làng. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được coi là thủ lĩnh tinh thần của cuộc chiến bảo vệ đất của một bộ phận người dân Đồng Tâm, bị bắn chết tại nhà.

Cho đến nay, nhiều bí ẩn vẫn bao trùm vụ can thiệp. Theo nhiều nhà quan sát, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ba sĩ quan công an chưa hề được chính quyền làm sáng tỏ. Ngay sau khi vụ can thiệp xảy ra, bộ Công An Việt Nam cũng đưa ra nhiều cách mô tả mâu thuẫn về các diễn biến. Trong dư luận, nhiều người lên tiếng chỉ trích chính quyền bưng bít thông tin về vụ án, bắt bớ những người đưa tin độc lập, định hướng hoàn toàn truyền thông chính thức theo hướng biến các bị cáo thành tội phạm, trước khi phiên tòa diễn ra.

Việc dùng vũ lực của chính quyền hoàn toàn không có cơ sở pháp lý

Một điểm được công luận đặc biệt chú ý là vụ can thiệp bằng vũ lực liên quan đến tranh chấp đất đai này diễn ra đúng vào lúc dân làng Đồng Tâm và Thanh tra chính phủ đang trong giai đoạn đối thoại, chưa hề có phán quyết mang tính cưỡng chế của tòa án.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những người tham gia bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI sau khi vụ việc xảy ra, nhận định : Chính quyền hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để dùng vũ lực tại Đồng Tâm.

Theo nhiều nhân chứng, ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong vụ can thiệp, một đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngay trước vụ can thiệp, đã từng tin tưởng hết mực vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhiều nhà quan sát tại Việt Nam dự báo, nếu chính quyền quyết định dùng phiên tòa ngày mai làm nơi để áp đặt các trừng phạt nặng nề đối với các bị cáo, thì hệ quả sẽ rất khó lường.

Đây cũng là quan điểm của ông Bùi Đức Lại, nguyên vụ trưởng, Ban Tổ Chức Trung Ương, đưa ra trong một bài viết trên mạng xã hội tại Việt Nam: « Nếu họ tiếp tục đánh giá và làm sai, quyết “giết người dọa xã hội” thì không chỉ mạng sống (của những người bị đưa ra xét xử) bị đe dọa, mà sẽ tác động rất xấu đến toàn xã hội, đánh dấu một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa dân chúng và thế lực cầm quyền ».

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200906-vi%E1%BB%87t-nam-11-ngo-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-lhq-l%C3%AAn-ti%E1%BA%BFng-%C4%91%E1%BB%83-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C3%A2m-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-xe%CC%81t-x%E1%BB%AD-c%C3%B4ng-b%E1%BA%B1ng

Việt Nam: Bộ Quốc Phòng ở đâu trong vụ bạo lực Đồng Tâm?

Ảnh minh họa. Tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngày  20/04/2017. Tức ngày hôm trước khi chủ tịch Hà Nội đồng ý đối thoại với dân trong vụ bắt cóc 28 cảnh sát làm con tin để yệu cầu đối thoại về tranh chấp đất.
Ảnh minh họa. Tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngày 20/04/2017. Tức ngày hôm trước khi chủ tịch Hà Nội đồng ý đối thoại với dân trong vụ bắt cóc 28 cảnh sát làm con tin để yệu cầu đối thoại về tranh chấp đất. STR / AFP
RFI
9 phút

Với người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, quân đội nhìn chung rất tốt. Kể từ khi căng thẳng bùng lên do tranh chấp đất đai giữa dân Đồng Tâm với chính quyền, bộ Quốc Phòng đã không có quan điểm chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ Quốc Phòng đã giữ thái độ nước đôi. Sau đây là một số nhận định của Luật sư Ngô Anh Tuấn (Hà Nội) với RFI tiếng Việt.

Ai đang tranh chấp với ai?

Quân đội, công an hay nhiều lực lượng khác sinh ra là để bảo vệ an ninh, an toàn cho quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền và quyền lợi chính đáng của người dân. Từ xưa tới nay, quân đội là lực lượng có quan hệ ấm áp với dân nhất. Họ sống gần dân và ít xảy ra mâu thuẫn với dân nhất. Thực tế, quân đội cũng không có nhiều thủ tục hành chính liên quan tới dân mà chủ yếu liên quan tới quân nhân mà thôi. Vì thế, họ cũng không có cơ sở, điều kiện để ''hành dân'' như một số cơ quan hành chính nhà nước khác. Thành ra, trong con mắt người dân, quân đội vẫn là ổn nhất.

Trong con mắt bà con Đồng Tâm, quân đội cũng rất tốt. Bao nhiêu năm qua, quân và dân vẫn sống với nhau hiền hoà, không có tranh chấp, cãi cọ liên quan tới ranh giới đất đai. Nếu không có sự kiện Viettel định lấy đất, với tuyên bố để làm công trình quốc phòng thì mối quan hệ quân dân chắc chắn vẫn như xưa. Mối quan hệ dẫu có chút xáo trộn, nhưng thực tế không có gì trầm trọng, vì quân đội vẫn im lặng, không khẳng định rằng họ có tranh chấp với dân.

Tuy nhiên, khi người dân có văn bản gửi cho bộ trưởng Quốc Phòng về diện tích đất đang tranh chấp thực chất có phải là đất quốc phòng hay không thì không được bộ trưởng trả lời trả lời. Người dân chỉ nhận được văn bản “đá” trách nhiệm sang cho UBND thành phố Hà Nội (Văn bản số 615/BT-TTr ngày 25/6/2019 do đại tá Phạm Văn Tài, phó chánh Thanh Tra xét khiếu tố ký), trong khi cơ quan này (UBND Hà Nội) đã có kết luận đây là đất quốc phòng từ giữa năm 2017, nhưng kết luận này đã bị người dân khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn.

Người dân băn khoăn rằng, nếu đã là đất của quân đội, đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, đương nhiên những người đứng đầu bộ Quốc Phòng phải biết (và không thể nói không biết được), không phải chờ kết luận của ai cả. Và, nếu như dân có tranh chấp đất với quân đội thì đương nhiên, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết cũng là các cơ quan có liên quan của bộ Quốc Phòng phải ''ra tay'' trước chứ không thể là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp hay Toà án nhân dân các cấp, trừ khi bộ Quốc Phòng khẳng định đất đai này không phải là của mình và mình không có liên quan gì.

Thái độ lập lờ, nước đôi

Như vậy, quân đội thể hiện ra bên ngoài là không tranh chấp với người dân, nhưng chính cách giải thích lập lờ, nước đôi, không kiên quyết của những người có thẩm quyền của bộ Quốc Phòng là hành động tự loại bỏ quyền của mình trong việc giải quyết vụ việc, nặng lời hơn, đó là hành vi lẩn tránh trách nhiệm, không dám đối diện với người dân để phân định đúng sai. Cũng chính việc này mà từ UBND thành phố Hà Nội tới Thanh Tra Chính phủ đều vượt mặt, xem thường vai trò của bộ Quốc Phòng, tự làm thay vai trò của bộ Quốc Phòng trong gần như toàn bộ các công việc (ngoại trừ việc xây tường bao quanh khu đất tranh chấp là do chính quân đội thực hiện).

Những người có hiểu biết nhìn vào, họ có thể đánh giá rằng ''đất quốc phòng'' chỉ là cái cớ để việc thu hồi đất có thể diễn ra một cách thuận lợi và ít tốn kém hơn mà thôi (còn có ai được hưởng lợi hay không thì không rõ). Sự thiếu trách nhiệm của bộ Quốc Phòng trong việc này góp phần nhân lên nỗi bức xúc khôn nguôi của người dânvà có thể đó là một trong những nguồn cơn dẫn tới sự kiện động trời vừa qua.

Có thể khẳng định rằng, sự việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 09/01/2020, ngoài những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trực tiếp liên quan thì Thanh Tra Chính phủ cũng có phần trách nhiệm, và đương nhiên, trách nhiệm của bộ Quốc Phòng cũng không thể được loại trừ.

Lấy đất rồi, người ta sử dụng nó ra sao?

Giả sử tất cả đất tranh chấp đều là quốc phòng vậy sau khi xây tường bao xong rồi, họ sẽ làm gì với nó? Có 3 tình huống có thể xảy ra:

1. Tiếp tục bỏ hoang, cây cối mọc um tùm giống như dự án sân bay Miếu Môn khoảng 40 năm nay.

2. Giao đất cho nhà đầu tư bên ngoài làm dự án như đồn đoán của nhiều người.

3. Thực hiện một dự án quốc phòng khác.

Trong 3 khả năng trên, khả năng đầu tiên là hiển hiện, dễ xảy ra, nếu không nói là chắc chắn xảy ra; phương án 2 thì khó ai dám về đầu tư tại vùng đất đau thương và đầy rủi ro này; còn phương án 3 sẽ là một phương án tốn kém tiền của đầu tư và cực kỳ khó khả thi vào thời điểm này, khi mà ngân sách chi tiêu Nhà nước ngày càng eo hẹp.

Thử tìm một giải pháp

Bất luận vụ việc tranh chấp nêu trên đúng sai thế nào, tới đây bộ Quốc Phòng cần giao trả toàn bộ phần đất mà quân đội chưa sử dụng trên địa bàn xã Đồng Tâm (cả phần trước đây và phần mới xây tường bao thêm) về cho UBND thành phố Hà Nội để cơ quan này giao trả lại cho chính quyền địa phương giao phân bổ cho người dân có nhu cầu canh tác theo đúng thẩm quyền.

Dân số xã Đồng Tâm hiện trên dưới 10.000 người và không ngừng tăng lên, đa số dân thuần nông, nhưng quỹ đất dành cho canh tác ngày càng bị thu hẹp. Do đó, thay vì tìm mọi cách để chứng minh đất tranh chấp nêu trên là đất quốc phòng để thu hồi đất rồi bỏ hoang, hay vẽ nên các dự án mà sau khi đã giải phóng mặt bằng xong rồi, người ta còn chưa biết gọi tên nó là gì, hiệu quả đến đâu, thì nên giao trả nó về cho chính quyền địa phương quản lý, rồi từng bước chia lại cho dân, đây là cách rút lui trong danh dự của bộ Quốc Phòng và là giải pháp đúng luật và nhân văn.

Đừng đem hai chữ ''quân sự'', ''quốc phòng'' ra dọa dân, vì dù cho đó có là đất quốc phòng đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn có thể bị thu hồi, do vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể là đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm (Điểm đ, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013) hoặc đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng (Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013)... Sẽ không có ngoại lệ cho bất kỳ chủ thể sử dụng đất nào, nếu người ta thực sự tôn trọng các quy định của luật pháp.

Theo Điều 4 Luật Đất đai 2013: ''Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này''. Vậy nên, bộ Quốc Phòng cũng không cần phải lo lắng, nếu như phải ''tự nguyện'' trả lại đất cho chính quyền để họ điều tiết, phân bổ cho dân vì khi cần sử dụng, có dự án khả thi rõ ràng, thì Nhà nước có thể thu hồi và giao lại, chứ không nên lấy đất về để hoang hoá, trong khi dân chúng lại không có đất để canh tác, như vậy vừa trái luật, vừa trái đạo lý.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200122-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BB%99-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-%E1%BB%9F-%C4%91%C3%A2u-trong-v%E1%BB%A5-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C3%A2m

Báo cáo vụ Đồng Tâm : "Những khuất tất của chính quyền Việt Nam"

Làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ can thiệp của lực lượng an ninh, ngày 09/01/2020.
Làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ can thiệp của lực lượng an ninh, ngày 09/01/2020. Copy d'ecran
Thanh Hà
8 phút

Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm đã và đang chuyển Báo Cáo Về Vụ Tấn Công Đồng Tâm - được soạn thảo bằng tiếng Anh, đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Văn bản 28 trang này đã được chuyển tới văn phòng dân biểu Mỹ của bang California, ông Alan Lowenthal hôm 16/01/2020. Bản báo cáo này mang nội dung gì và mục đích ra sao ? RFI đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Đoan Trang, biên tập viên tạp chí Luật Khoa và là một trong những tác giả báo cáo về Đồng Tâm.

Phạm Đoan Trang : "Vụ việc này đầy khuất tất từ phía chính quyền. Điểm đáng nói đầu tiên là về cái chết của ba sĩ quan công an. Công an nói có ba chiễn sĩ hy sinh, bị quân khủng bố phóng hỏa, giết. Trên mạng có những bức ảnh cho thấy thi thể của ba người này chỉ còn là than. Bản báo cáo về vụ Đồng Tâm chỉ ra rằng, bình thường cơ thể con người, để thành tro cháy gần hết như vậy cần mất khoảng ba hay bốn tiếng. Không có lý gì lực lượng công an để đồng đội của họ cháy trong ba tiếng đồng hồ mà không dập lửa. Cũng như là bom xăng, một chai xăng mà đơn vị đo là 0,65 lít thì không thể gây ra một vụ cháy kinh hoàng như vậy. Tường nhà thì không ám khói, không có dấu vết của một vụ hỏa hoạn. Điểm đáng ngờ thứ hai liên quan đến cái chết của cụ Kình. Cụ bị giết thế nào ? Ai giết ? Tại sao lại bị mổ tử thi ? Biên bản khám nghiệm tử thi ấy đâu ?

Điểm thứ ba là cáo buộc của chính quyền nói cụ Kình và gia đình, dân Đồng Tâm là khủng bố, tàng trữ vũ khí. Vậy chính quyền đã biết chuyện những người dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí -nếu có, từ thời điểm nào ? Nếu biết từ trước tại sao không xử lý đúng quy trình tố tụng ? Thí dụ như thông báo trước, thậm chí có thể đến vây hãm, yêu cầu đầu hàng. Nhưng ít nhất phải chờ đến khi bên trong có động thái, thí dụ như bắt con tin, hay đe dọa sát hại con tin trong nhà thì mới có thể tấn công. Nếu như họ vẫn ở trong nhà và cố thủ thì vẫn phải đợi. Bạo lực chỉ là biện pháp cuối cùng. Ngoài ra còn có vấn đề những người khác bị bắt, bị ép cung, tra tấn. Dấu hiệu rõ ràng là nếu chỉ đánh nhau bình thường, mặt không thể có những vết bỏng. Không thể có những vết cháy trên mặt. Đó là dấu vết của sự tra tấn rất rõ".

Mục đích báo cáo về vụ Đồng Tâm là gì ?

Phạm Đoan Trang : "Chúng tôi nhận thấy rằng, từ trước đến giờ, trong tất cả những sự kiện tương tự hoàn toàn nhà nước độc quyền phát ngôn. Trong vụ Đồng Tâm, câu chuyện đến một mức quá xa, nghĩa là nhà nước không chỉ phát ngôn mà còn đàn áp thẳng cánh những người cung cấp thông tin. Trong một tuần lễ, tôi biết có ít nhất ba người bị công an bắt vì đã đưa tin trái chiều về Đồng Tâm. Đưa tin và quan điểm về Đồng Tâm. Thậm chí chỉ chia sẻ bài trên Facebook. Bài có nội dung trái với những gì truyền thông nhà nước đã đưa. Cho nên chúng tôi quyết định, trong một thời gian cực ngắn, chỉ 2 ngày, để làm báo cáo đó.

Chúng tôi muốn là có một nguồn thông tin tham khảo dành cho cộng đồng quốc tế cũng như là cho người trong nước. Chúng tôi mong muốn vấn đề sẽ được quốc tế hóa, được cộng đồng quốc tế, các chính phủ, những nước dân chủ và các tổ chức quốc tế về nhân quyền như Human Rights Watch hay Amnesty International, lên tiếng, gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam cho phép điều tra độc lập, hoặc thừa nhận tội lỗi của mình. Hay ít nhất là giảm án, bảo vệ những người đã bị bắt. Hiện giờ những người chưa bị bắt, những nhân chứng còn sống sót bị đe dọa khủng bố rất kinh hoàng".

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200119-b%C3%A1o-c%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C3%A2m-khu%E1%BA%A5t-t%E1%BA%A5t-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-vi%E1%BB%87t-nam

Phỏng vấn nhà báo Phạm Đoan Trang:


Geen opmerkingen:

Een reactie posten