zaterdag 26 september 2020

Than đá : Từ "vàng đen" trở thành nguồn năng lượng "bẩn"

 

Than đá : Từ "vàng đen" trở thành nguồn năng lượng "bẩn"

Nhà máy nhiệt điện Belchatow (Ba Lan) thả khói đen vào bầu không khí.
Nhà máy nhiệt điện Belchatow (Ba Lan) thả khói đen vào bầu không khí. REUTERS/Peter Andrews
Thu Hằng
7 phút

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu - COP21 diễn ra tại Paris, than đá sẽ là nguồn năng lượng bị lên án mạnh mẽ nhất vì là một trong những “thủ phạm” khiến trái đất nóng lên. Tuy nhiên, trong suốt hai thế kỷ XIX và XX, than đá được đánh giá là nguồn năng lượng thần kỳ giúp Châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp và góp phần vào quá trình hình thành nền dân chủ tại châu lục này.

Theo nhật báo Le Monde (09/11/2015), không một châu lục nào lại có bước chuyển đổi các nguồn năng lượng ngoạn mục như Châu Âu. Thời kỳ cách mạng công nghiệp (thế kỷ XVIII), mà Anh Quốc là nước đi đầu, được đánh dấu bằng sự thăng hoa của ngành công nghiệp luyện gang thép và dệt may, trước khi các ngành điện lực và dầu mỏ xuất hiện tại Bắc Âu trong cuộc cách mạng lần thứ hai (thế kỷ XIX).

Than đá trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng rộng rãi trong hai cuộc cách mạng công nghiệp này tại Châu Âu. Các khu công nghiệp lớn được phát triển tại khu vực mỏ than hoặc nằm gần đó. Điều đặc biệt là cả khu vực Bắc Âu như được nối liền với nhau bằng một đường ngầm dài và chứa đầy mỏ than : từ Scotland, xứ Wales và phía Bắc nước Anh tới Bỉ, Bắc Pháp, vùng Ruhr thuộc Đức hay Thượng Silesia Ba Lan. Than đá tạo điều kiện cho việc phát triển mạng lưới kênh rạch để vận chuyển, các nhà máy đốt than cốc để sản xuất thép, mạng lưới đường sắt và sau này là sản xuất điện.

Ngoài ý nghĩa sản xuất, ngành mỏ còn mang tính biểu tượng xã hội cao hơn. Thực vậy, ngành công nghiệp này là nguồn gốc của những nỗi đau, cực nhọc mà người lao động phải hứng chịu và cũng như là nguồn gốc của phong trào đấu tranh tập thể. Rất nhiều hình ảnh trong quá khứ cho thấy cuộc sống của người thợ mỏ vất vả và nguy hiểm đến nhường nào. Đó là hình ảnh những người “nô lệ da trắng” kéo toa xe đầy than trong những đường hầm tối tăm, những vụ nổ ga chết người, những bài diễn văn công đoàn ngay tại khu mỏ.

Tiếp theo, nguồn “vàng đen” đã giúp lục địa già trở nên giầu mạnh còn mang cả một lịch sử chính trị. Trong cuốn Carbon Democracy (tạm dịch là “Nền dân chủ than đá”), được nhật báo Le Monde trích dẫn, nhà sử học và chính trị học Timothy Mitchell phân tích rằng ngành khai thác mỏ còn trực tiếp góp phần vào quá trình hình thành nền dân chủ hồi thế kỷ XIX.

Thực vậy, tại Châu Âu (cũng như tại Mỹ), các cuộc đình công của thợ mỏ ngày càng trở nên thường xuyên, kéo dài hơn và nặng nề hơn so với những ngành công nghiệp khác. Người thợ mỏ đã có thể sử dụng vũ khí đấu tranh lợi hại là đình công, thậm chí là phá hoại, để bảo vệ những yêu sách xã hội và chính trị, như yêu cầu tăng lương, chế độ hưu trí, chăm sóc y tế… Năm 1890, lo sợ trước các cuộc đình công tại Đức, Hoàng đế Wilhelm II đã tổ chức một hội nghị quốc tế để ấn định những chuẩn mực xã hội tại các mỏ khai thác, trong đó có quy định hạn chế công việc của phụ nữ và trẻ em.

Vẫn theo ông Timothy Mitchell, kể từ năm 1945, dầu lửa đã làm giảm mức độ ảnh hưởng của than đá. Nguồn năng lượng này cần ít nhân lực hơn than đá, vận chuyển được trên khắp thế giới và nằm cách xa những nơi tiêu thụ. Dù vậy, sau Thế Chiến II, than đá vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu tại Châu Âu, trước cả dầu lửa. Song những nước Châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế cũng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, cùng với nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng cao.

Người ta bắt đầu chỉ tên những nước sản xuất than đá lớn (Ba Lan, Đức) hiện vẫn tiếp tục khai thác và đốt than trong các nhà máy nhiệt điện. Những lời chỉ trích này còn được chú ý hơn khi những dự án thí điểm về thu-giữ khí thải CO2, được Uỷ ban Châu Âu hỗ trợ, lại đưa ra những kết quả khá “thất vọng”, theo ghi nhận của nhà khí hậu học Jean Jouzel, Phó chủ tịch Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC).

Ông Jean Jouzel nhấn mạnh rằng « việc thu-giữ khí thải chưa tương xứng với những thách thức ». Đúng là các nhà công nghiệp nắm chắc quá trình thu khí thải, song họ vẫn chưa giải quyết được vấn đề tích giữ khí thải. Hơn nữa, công nghệ này rất đắt và người dân Châu Âu không muốn chôn khí thải gần nơi họ sinh sống.

Khắp Châu Âu và khắp thế giới, tiếng chuông cảnh báo ngân lên. Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OCDE) yêu cầu chấm dứt trợ cấp cho ngành khai thác than đá. Dưới sức ép của công luận và lời đe doạ “thuế carbon”, các nhà quản lý quỹ vốn, các ngân hàng, nhà bảo hiểm và các nhà công nghiệp đang rời bỏ dần lĩnh vực này. Ngay cả Giáo hoàng Phanxicô, trong một bức thông điệp về khí hậu Laudato si’, công bố ngày 18/06, cũng khẳng định rằng các nguồn năng lượng hoá thạch, đặc biệt là than đá, cần được thay thế tức thì bằng những nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện lục địa già chỉ sản xuất 5% sản lượng than của toàn thế giới (7,8 tỉ tấn vào năm 2014) và vẫn còn 280 nhà máy nhiệt điện. Nhiều mỏ khai thác than không mang lại lợi nhuận bị đóng cửa, song vì lý do kinh tế hơn là lý do môi trường. Hai mỏ than cuối cùng của Anh sẽ đóng cửa vào tháng 12/2015.

Phía chính phủ Pháp ngày 10/09/2015 cũng khẳng định « xoá bỏ ngay lập tức các khoản trợ cấp đối với mọi dự án nhiệt điện mới nếu như không được trang bị thiết bị thu-giữ khí thải CO2 ». Thủ tướng Manuel Valls còn nhấn mạnh tới xu hướng về lâu về dài nhằm giảm dần lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt để ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo.

https://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20151130-than-da-tu-vang-den-tro-thanh-nguon-nang-luong-ban

Geen opmerkingen:

Een reactie posten