vrijdag 4 september 2020

Kinh tế: Pháp tung 100 tỷ euro để trở về mức trước đại dịch Covid-19

 

Kinh tế: Pháp tung 100 tỷ euro để trở về mức trước đại dịch Covid-19

Thủ tướng Pháp Jean Castex tại cuộc họp báo ở Paris (Pháp) ngày 03/09/2020 để giới thiệu kế hoạch khôi phục kinh tế Pháp thời hậu Covid-19.
Thủ tướng Pháp Jean Castex tại cuộc họp báo ở Paris (Pháp) ngày 03/09/2020 để giới thiệu kế hoạch khôi phục kinh tế Pháp thời hậu Covid-19. REUTERS - POOL
Trọng Nghĩa
11 phút

Con số 100 tỷ euro tràn ngập trang nhất các tờ báo lớn ra ngày hôm nay 03/09/2020 tại Pháp. Đây là điều dễ hiểu vì hôm nay chính là ngày mà chính phủ Pháp chính thức loan báo kế hoạch phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19 rất được trông đợi. 

Nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên là tờ đưa tin rõ ràng nhất về sự kiện, với một tựa lớn trang nhất rất khách quan: “Pháp đầu tư 100 tỷ euro vào kế hoạch phục hồi”. Tờ báo ghi nhận là kế hoạch trình ra trước Hội Đồng Bộ Trưởng vào hôm nay dành phần rất lớn cho đầu tư. Bercy, tức bộ Kinh Tế Pháp, dự trù chi tiêu 30 tỷ vào năm 2021 và tạo ra 200.000 việc làm.

Les Echos đồng thời đi sâu vào phân tích ba lãnh vực ưu tiên: Chuyển đổi sinh thái, tái di dời cơ sở sản xuất, đào tạo. Theo tờ báo, các doanh nghiệp quy mô vừa và ngành công nghiệp là hai đối tượng được lợi nhiều nhất từ chính sách giảm thuế sản xuất sẽ được đẩy mạnh.

La Croix cũng chạy tựa lớn trang nhất gần giống đồng nghiệp Les Echos: “100 tỷ để xóa bỏ khủng hoảng”. Trong bài phân tích “Ba năm để vực dậy nước Pháp”, nhật báo Công Giáo cho rằng kế hoạch mang tên France Relance (Nước Pháp Tái Khởi Động) là một chiến lược tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp, dự trù chi ra 100 tỷ euro trong ba năm.

Đối với La Croix, như vậy là sau khi đóng vai Lính Cứu Hỏa, tung ra 470 tỷ euro kể từ tháng 3 để cứu nền kinh tế khỏi bị sụp đổ vì cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 gây ra, giờ đây đến lúc Nhà Nước Pháp đóng vai Chiến Lược Gia, dùng 100 tỷ euro để “chuẩn bị cho nước Pháp vào năm 2030”.

Kế hoạch lớn nhất châu Âu

Cũng về kế hoạch 100 tỷ, nhưng Le Figaro giới thiệu trên trang nhất bài phỏng vấn thủ tướng Pháp Jean Castex nói về: “Kế hoạch của chúng ta cho tương lai”.

Le Figaro nêu bật nhận đinh của thủ tướng Pháp: “Chúng ta rất đúng hẹn. 100 tỷ là một món tiền rất lớn, cao hơn gần 4 lần kế hoạch khôi phục của năm 2008. Đây là kế hoạch rầm rộ nhất từng được loan báo đến nay tại châu Âu”. Theo thủ tướng Pháp, kế hoạch nà sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả để đưa kinh tế Pháp trở lại mức trước khủng hoảng (Covid-19) ngay từ năm 2022.

Tờ báo cánh hữu Pháp ghi nhận là ngoài việc tiết lộ kế hoạch phục hồi nền kinh tế, người lãnh đạo chính phủ Pháp còn tỏ rõ quyết tâm khôi phục trật tự trước tình trạng bạo lực gia tăng.

Trong một loạt bài viết ở 4 trang bên trong, Le Figaro đi vào chi tiết “Kế hoạch phục hồi, theo từng điểm một”, nhấn mạnh rằng ngân quỹ 40 tỷ euro tài trợ của Châu Âu cho nước Pháp chưa thể được giải ngân trước giữa năm 2021. Tờ báo cũng chú ý đến các động thái của nhiều bộ trưởng Pháp, đang cố vận động để bộ mình được nhiều tín dụng nhất.

Riêng Libération thì tìm cách đưa tin một cách hóm hỉnh. Ngay ở trang nhất, bên trên một bức ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron mặt có vẻ nghiêm túc, bàn tay phải với năm ngón tay xòe ra giơ lên hướng về phía trước, tờ báo cánh tả Pháp chạy tựa lớn dưới dạng một câu nói của ông Macron: “Hãy tin tưởng, tôi có một kế hoạch”.

Tờ báo chú thích ngay dưới hàng tựa: “Phi carbon hóa nền kinh tế, khuyến khích sáng tạo, thích ứng hóa công ăn việc làm: Đây là ba trụ cột của kế hoạch 100 tỷ được hành pháp công bố hôm (nay) thứ Năm nhằm khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch”. Tờ báo cũng dành 4 trang cho sự kiện này.

Le Monde: Những bước lùi của chính phủ Pháp về sinh thái

Trái với tất cả các đồng nghiệp, Le Monde không giành tựa lớn trang nhất cho kế hoạch chấn hưng kinh tế, mà lại tập trung chú ý trên dự luật về môi trường được đệ trình trước Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp vào hôm nay.

Dưới hàng tựa lớn: “Môi trường: Những bước lùi của chính phủ”, Le Monde nêu bật vấn đề dự luật đặc cách cho sử dụng loại thuốc diệt cỏ cực mạnh có chất néonicotinoïde đang bị cấm. Bộ sinh thái Pháp bảo đảm là việc đặc miễn này chỉ áp dụng cho giới trồng củ cải mà thôi, nhưng tờ báo Pháp tiết lộ rằng nhiều đơn xin đặc miễn cho những loại rau quả khác đã được đệ trình.

Theo Le Monde, các dân biểu thuộc phe đa số đang cầm quyền tại Pháp đang bị sức ép nặng nề trước tình hình luật đặc miễn dành cho chất néonicotinoïde được đưa ra ít lâu sau quyết định hoãn áp dụng lệnh cấm dùng chất diệt cỏ có chất glyphosate.

Điều khiến cho nhật báo Pháp quan ngại là bước lùi của chính phủ trên lệnh cấm dùng néonicotinoïde lại diễn ra sau một loạt những bước lùi hay quyết định đặc miễn khác, chẳng hạn như trong lãnh vực săn bắn, những động thái đang khiến giới bảo vệ sinh thái tại Pháp hết sức phẫn nộ.

Trung Quốc: Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch thanh trừng

Về các hồ sơ quốc tế, đáng chú ý hơn cả là loạt bài liên quan đến Trung Quốc chiếm trọn trang 2 và 3 của báo Le Monde, được giới thiệu qua một hàng tựa nhỏ trang nhất: “Tập Cận Bình tiếp tục cuộc thanh trừng”, nêu bật sự kiện lãnh đạo Trung Quốc bổ nhiệm người thân vào tất cả các vị trí then chốt để nắm chặt quyền lực.

Trong bài viết chính ở trang trong mang tựa đề: “Trung Quốc dưới quyền lực độc tôn của Tập Cận Bình”, Le Monde nêu bật tình trạng sùng bái cá nhân ông Tập càng lúc càng nặng nề, việc thanh trừng các quan chức của bộ máy an ninh được đẩy mạnh, song song với đà tăng cường đáng kể quyền kiểm soát của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trên nền kinh tế.

Theo tờ báo Pháp, với nhiệm kỳ thứ hai đang gần đến ngày kết thúc, nhân vật mạnh của chế độ Bắc Kinh đang củng cố thêm quyền lực của mình trong nước. Còn trong lãnh vực đối ngoại, ông đang rút tỉa bài học từ tình trạng căng thẳng với Mỹ được dự báo là sẽ kéo dài.

Xung đột biên giới: Ấn Độ trả đũa Trung Quốc về kinh tế

Bài viết đáng chú ý thứ hai nêu bật cuộc đối đầu quân sự Ấn-Trung lại tái diễn ở vùng Himalaya.

Quả là cơm không lành canh không ngọt giữa Trung Quốc và Ấn Dộ. Hai chàng khổng lồ Châu Á cùng chia sẻ 3 500 cây số đường biên giới ở vùng núi Himalayalại leo thang tranh chấp về mặt kinh tế cũng như quân sự. Những người bi quan nhất lo ngại một cuộc chiến tranh giữa hai bên, ở Ladakh, nơi từ tháng Tư đã diễn ra những cuộc va chạm giữa lính ở hai bên đường ranh giới, được phác họa vào năm 1962, nhưng vẫn còn phải được công nhận vì hai bên không đồng ý trên đường vẽ của nó.

Từ cuộc giáp lá cà ngày 15/06, Ấn Độ còn đưa ra những biện pháp trả đũa, hủy bỏ hàng chục ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok, và kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc.

Theo tờ báo, Ấn Độ không thiệt hại nhiều vì cán cân thương mại hiện có lợi rất nhiều cho Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng thủ lợi từ cuộc thương chiến Mỹ -Trung, để trở thành “cơ xưởng sản xuất mới của thế giới”. Đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên với các tập đoàn công nghệ thuộc nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) đã dời một số cơ sở qua Ấn Độ hay đầu tư ồ ạt vào nước này.

Le Monde còn đặc biệt lồng căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào trong một bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn, với chiến lược của Mỹ để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc, và lôi kéo Ấn Độ đứng cùng chiến tuyến cùng với hai đồng minh Úc và Nhật Bản.

Tờ báo nhắc lại là vào hôm 01/09, Mỹ lại hậu thuẫn một cách rõ ràng cho các đồng minh qua phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Stephen Biegun, khẳng định rằng: “Chiến lược của chúng ta là nhằm đẩy lùi Trung Quốc trong hầu như tất cả các lãnh vực”, và gợi lên những “đòi hỏi quá đáng” của Trung Quốc trên những vùng “lãnh thổ có chủ quyền, dù là ở thung lũng Galwan, ở vùng biên giới Ấn -Trung hay ở phía nam Thái Bình Dương”.

Le Monde kết luân: Rất có thể là căng thẳng ở Himalaya và những ganh đua kinh tế sẽ tác hại lâu dài đến những nỗ lực xích lại gần nhau của hai ông Narendra Modi và Tập Cận Bình từ 2 năm nay.

Trung Quốc: Đến lượt người Mông Cổ ở Nội Mông vùng lên

Theo ghi nhận của Le Monde, nhân ngày nhập học 01/09 vừa qua, hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học ở vùng Nội Mông đã biểu tình phản đối việc ngôn ngữ của các em bị gạt qua một bên và bị bắt buộc học bằng tiếng quan thoại. Các em cũng đã phát được một số băng video trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy các em mặc đồng phục, hô khẩu hiệu bảo vệ ngôn ngữ và bản sắc của mình. Người ta có thể nghe thấy trong một video tiếng hét: “Là người Mông Cổ cho đến khi chết”.

Chính quyền Trung Quốc muốn áp đặt tiếng quan thoại trong các chương trình học, cũng như đã làm ở Tây Tạng  hay ở Tân Cương trong chính sách cưỡng bức đồng hóa.

Quyết định phổ cập tiếng quan thoại đã cộng thêm vào một loạt tranh chấp ít nhiều thành công trong hàng thập niên qua, gắn với phong cách sống truyền thống mất dần cũng như sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa người gốc Mông Cổ và các công ty nhà nước Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên.

Chất Novitchok: Chữ ký Nga trong vụ đầu độc Navalny

Các báo cũng không quên phân tích về vụ nước Đức xác nhận là nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok.

Le Figaro nhắc lại rằng sau khi có kết quả xét nghiệm của các bác sĩ Đức, chính quyền của bà Merkel đã tố cáo vụ đầu độc mang chữ ký rõ ràng của chính quyền Nga.

Chữ ký này mang tên Novitchok, có nghĩa là “bé mới” trong tiếng Nga, được chế tạo từ thời Xô Viết tại một phòng bào chế ở Saratov. Chất gây tê liệt thần kinh chết người này đã từng được sử dụng để đầu độc Sergueï Skripal và cô con gái ở Salisbury, Anh Quốc vào năm 2018.

Theo tờ báo Pháp, danh sách nạn nhân của chất Novitchok có vẻ còn dài. Le Figaro nêu ví dụ năm 2005, khi một chủ ngân hàng thời Eltsine, ông Ivan Kivelidi, bị đầu độc bằng một chất cùng loại với Novitchok. Cơ quan mật vụ Nga FSB bị cáo buộc là đã muốn thủ tiêu nhân vật đó, và chất độc bị nghi là đã được bôi trên mát điện thoại trên bàn làm việc của ông Kivelidi, và hai hôm sau thì nạn nhân bị bất tỉnh. Các tài liệu điều tra của cảnh sát thời đó đã nói đến một chất độc được dùng vào mục tiêu “quân sự”.

Một người thân cận với nhà đối lập Nga khẳng định rằng Nhà Nước Nga là tác nhân “duy nhất” có khả năng khai thác một chất như là Novitchok.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200903-kinh-t%E1%BA%BF-ph%C3%A1p-tung-100-t%E1%BB%B7-euro-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BB%9F-v%E1%BB%81-m%E1%BB%A9c-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19

Geen opmerkingen:

Een reactie posten